Đối với một số người, các hóa chất trong sản phẩm tắm gội, mỹ phẩm và chất tẩy rửa có thể kích hoạt phản ứng dị ứng da. Trong đó, dị ứng sữa tắm ở trẻ sơ sinh và người lớn đôi khi khiến da bị bong tróc, tấy đỏ hoặc gây ngứa rát.
1. Nguyên nhân bị dị ứng sữa tắm
Dị ứng sữa tắm là tình trạng xảy ra khi hệ miễn dịch phản ứng quá mức với các hóa chất vô hại, các bác sĩ thường gọi là viêm da tiếp xúc dị ứng. Các hóa chất này có thể được tìm thấy trong những sản phẩm quen thuộc mà bạn đã tiếp xúc nhiều lần. Ngay cả khi bạn đã từng sử dụng những sản phẩm này trước đây, bạn vẫn có thể gặp phản ứng dị ứng sữa tắm.
Bên cạnh sữa tắm, mỹ phẩm và các mặt hàng chăm sóc cá nhân cũng chứa rất nhiều chất có nguy cơ gây dị ứng, bao gồm:
- Xà phòng có hương thơm, nước hoa, chất khử mùi, kem dưỡng thể, mỹ phẩm, chất tẩy rửa và khăn giấy;
- Chất bảo quản và kháng khuẩn, được thêm vào nhiều dung dịch để giữ cho chúng không bị hư;
- Các chất được thêm vào để làm dày, tạo màu hoặc bôi trơn trong một số sản phẩm nhất định;
- Hóa chất trong thuốc nhuộm tóc và các sản phẩm tạo kiểu tóc khác;
- Hợp chất formaldehyde - một thành phần có trong nhiều sản phẩm chăm sóc móng;
- Kem chống nắng, thường được thêm vào trong các loại mỹ phẩm như kem dưỡng ẩm, son dưỡng môi và kem nền;
- Sản phẩm cao su (latex), mực xăm, mực vẽ henna, niken hoặc kim loại khác.
2. Triệu chứng dị ứng sữa tắm
Các dấu hiệu cảnh báo dị ứng sữa tắm thường biểu hiện đầu tiên trên da. Triệu chứng sẽ xuất hiện sau vài giờ đến vài ngày kể từ khi bạn tiếp xúc với hóa chất gây kích ứng. Mỗi người có thể gặp các triệu chứng dị ứng sữa tắm khác nhau, nhưng phổ biến nhất là:
- Da tấy đỏ;
- Bong tróc, có vảy;
- Có mụn nước chảy ra;
- Rát da châm chích hoặc có thể ngứa dữ dội;
- Sưng vùng mắt, mặt và bộ phận sinh dục;
- Phát ban hoặc nổi mề đay;
- Da nhạy cảm với ánh nắng mặt trời;
- Da sẫm màu, sần sùi và nứt nẻ.
Các triệu chứng trên có xu hướng nghiêm trọng hơn khi bạn tiếp tục tác nhân gây dị ứng.
Tuy nhiên có một số tình trạng khác cũng gây ra các triệu chứng tương tự như ngứa dị ứng sữa tắm, do đó nên tìm đến bác sĩ để được thăm khám và tìm hiểu nguyên nhân chính xác.
3. Chẩn đoán dị ứng sữa tắm
Dị ứng sữa tắm khi nào nên đến khám bác sĩ? Cần đến phòng khám da liễu để thăm khám, chẩn đoán trong các trường hợp sau:
- Bạn có các phản ứng dị ứng ngoài da;
- Da có dấu hiệu bội nhiễm như có mụn mủ, sưng nóng, đau vị trí da hở;
- Các triệu chứng làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hoạt hàng ngày;
- Tình trạng dị ứng ngày càng lan rộng;
- Dị ứng xuất hiện trên khuôn mặt hoặc bộ phận sinh dục;
- Các triệu chứng không thuyên giảm theo thời gian.
Thông thường bác sĩ có thể chẩn đoán dị ứng sữa tắm bằng cách khám sức khỏe và đặt câu hỏi về các triệu chứng của bệnh nhân. Những thông tin chi tiết sẽ giúp bác sĩ theo dõi và chẩn đoán tình trạng, cụ thể là:
- Những việc bạn đã làm trong vòng 24 - 48 giờ trước khi xuất hiện phản ứng dị ứng;
- Tất cả các hóa mỹ phẩm đã và đang sử dụng trong thời gian gần đây;
- Tần suất sử dụng của mỗi sản phẩm;
- Những vùng da đã tiếp xúc với hóa chất, ngay cả những nơi không có triệu chứng;
- Tiền sử dị ứng da trước đây.
Đôi khi, bạn có thể được yêu cầu gặp bác sĩ chuyên khoa Dị ứng để kiểm tra da, còn được gọi là xét nghiệm áp bì (Patch test). Bác sĩ sẽ dán một số mẫu hóa chất nhỏ lên lưng và kiểm tra xem liệu bạn có phản ứng dị ứng tại chỗ đó hay không.
4. Điều trị dị ứng sữa tắm
4.1. Triệu chứng nhẹ
Trong trường hợp da chỉ gặp một phản ứng nhẹ, bạn có thể tự điều trị tại nhà bằng các loại thuốc không kê đơn, ngừng sản phẩm nghi ngờ gây dị ứng.
Bên cạnh đó, kết hợp thoa kem dưỡng da lotion dịu nhẹ, có tác dụng làm giảm ngứa. Ngoài ra, chườm mát cũng hỗ trợ giảm kích ứng và có hiệu quả nhanh chóng.
4.2. Phản ứng nghiêm trọng
Nếu bị dị ứng sữa tắm thường xuyên hoặc nghiêm trọng, cần phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa để tìm hiểu nguyên nhân và kê đơn thuốc chữa dị ứng sữa tắm thích hợp. Chẳng hạn như:
- Dùng thuốc glucocorticoid bôi tại chỗ;
- Thuốc uống khi cần;
- Kháng sinh (nếu có nhiễm trùng).
5. Lưu ý khi bị dị ứng sữa tắm
Trước tiên cần xác định và tránh các loại hóa chất nghi ngờ là nguyên nhân gây ra các phản ứng dị ứng. Nếu đã biết được cơ địa thường nhạy cảm với thành phần nào, bạn cần đọc kỹ nhãn trên vỏ của các sản phẩm chăm sóc da trong quá trình chọn lựa mua sắm sau này.
Ngoài ra để phòng ngừa và chữa dị ứng sữa tắm, cần ghi nhớ một số lưu ý sau:
- Nếu bạn vô tình hoặc bắt buộc phải tiếp xúc với sản phẩm đó, cần rửa sạch da bằng xà phòng dịu nhẹ và nước ấm càng sớm càng tốt;
- Nếu đang có chất gây dị ứng trong lòng bàn tay, không được chạm vào các bộ phận khác trên cơ thể cho đến khi đã rửa tay sạch sẽ;
- Nên cởi ra và giặt những bộ quần áo hoặc đồ trang sức có thể đã tiếp xúc với hóa chất gây kích ứng;
- Tránh gãi vùng da đang bị dị ứng vì có thể gây nhiễm trùng;
- Nếu bạn sử dụng các sản phẩm chăm sóc móng, cần đợi đến khi màu sơn đã khô hoàn toàn trước khi chạm vào những vùng da khác.
Tóm lại, dị ứng sữa tắm ở trẻ sơ sinh và người lớn xảy ra khi cơ thể cực kỳ nhạy cảm với một thành phần có trong các sản phẩm chăm sóc da vốn dĩ khá an toàn. Phản ứng của hệ miễn dịch được kích hoạt gây ra một loạt các triệu chứng, bao gồm ngứa rát, nổi mẩn đỏ,...
Tìm ra nguyên nhân và tránh các chất gây dị ứng là cách duy nhất để giữ cho làn da không dị ứng sữa tắm. Nếu bạn gặp các triệu chứng nghiêm trọng, cần đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị dị ứng sữa tắm kịp thời, tránh để tình trạng diễn tiến nặng hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com; webmd.com