9 triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản bạn không nên chủ quan

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Trào ngược dạ dày thực quản thường phát triển thầm lặng, tạo cho người bệnh tâm lý chủ quan, đánh giá sai lầm về tính chất bệnh. Nếu không được phát hiện, điều trị sớm, bệnh có thể tiến triển, để lại những tổn thương không thể hồi phục.

1. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là gì?

Trào ngược dạ dày thực quản còn được gọi là trào ngược axit, là một tình trạng lâu dài trong đó các chất trong dạ dày trào lên thực quản, dẫn đến các triệu chứng hoặc biến chứng. Các triệu chứng bao gồm nóng rát sau xương ức, nôn trớ, vị của axit trong miệng, ợ chua, khó thở, ho mạn tính, đau ngực và thậm chí hơi thở hôi, mòn răng. Các biến chứng bao gồm viêm loét thực quản, hẹp thực quản và Barrett thực quản, ung thư thực quản.

Chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản thường được thực hiện khi có các triệu chứng điển hình: nóng sau xương ức, ợ chua. Đánh giá đáp ứng với thuốc ức chế bơm proton cũng có thể xem là một phương pháp chẩn đoán. Tuy nhiên ở những đối tượng có dấu hiệu cảnh báo cao như nuốt khó, xuất huyết tiêu hóa, sụt cân và thiếu máu nên thăm dò thêm để loại trừ các biến chứng cũng như các bệnh lý ung thư liên quan.

Thay đổi lối sống là một phần không thể thiếu trong quá trình điều trị ban đầu của trào ngược dạ dày thực quản. Người bệnh nên kê cao đầu giường để tăng cường đào thải axit thực quản về đêm. Nên tránh hút thuốc và uống rượu, những tác động có hại đến áp suất cơ thắt thực quản dưới, thanh thải axit và chức năng biểu mô. Giảm khối lượng mỗi khẩu phần ăn và hạn chế tiêu thụ chất béo, chất sinh hơi, sôcôla. Nên tránh cà phê, trà và đồ uống có ga vì chúng kích thích sản xuất axit. Nước ép cà chua và các sản phẩm từ cam quýt có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng trào ngược..

Nếu trào ngược dạ dày thực quản không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng cách thì sẽ gây ra các biến chứng như viêm loét thực quản, hẹp thực quản, Barrett thực quản và làm tăng nguy cơ ung thư thực quản (Adenocarcinoma).

2. Thận trọng với 9 triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản

2.1 Ợ nóng khi nằm

Axit trong dạ dày sẽ trào lên thực quản nhiều hơn nếu bệnh nhân đang nằm hoặc cúi xuống - gây ợ nóng.

Cơ chế này là do khi đứng thẳng, trọng lực của cơ thể giữ thức ăn nằm yên trong dạ dày. Nhưng khi trọng lực giảm do nằm xuống, hiện tượng trào ngược dạ dày sẽ dễ xảy ra hơn.

Axit dạ dày tạo cảm giác nóng rát từ xương ức lan tới cổ họng và khiến người bệnh có cảm giác chua ở miệng. Đây là một dấu hiệu cơ bản giúp xác định bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Và để giảm ợ nóng, bệnh nhân nên kê cao đầu khi ngủ và không nên ăn nhiều trước khi đi ngủ;

2.2 Đau tức vùng ngực

Xảy ra do axit trong dạ dày và đôi khi cả thức ăn trào lên thực quản, làm người bệnh bị căng tức, khó chịu vùng ngực. Bệnh nhân có thể gặp cơn đau nặng, nhẹ, dài hoặc ngắn;

2.3 Đau họng sau khi ăn

Hiện tượng đau họng sau khi ăn, đặc biệt là sau khi ăn nhiều thường do dạ dày bị quá tải, làm cho dịch vị và thức ăn bị trào ngược lên thực quản. Với những người bị trào ngược dạ dày thực quản, tốt nhất không nên ăn quá nhiều, hạn chế thực phẩm giàu chất béo, không hút thuốc lá và uống rượu để giảm nhẹ triệu chứng này;

2.4 Đắng miệng

Ở một số bệnh nhân, trào ngược dạ dày làm cho van môn vị bị đóng mở quá mức, dịch mật trào ngược từ tá tràng vào dạ dày, theo dịch dạ dày lên thực quản, vào tới khoang miệng gây đắng miệng. Nếu gặp triệu chứng này, đặc biệt là vào ban đêm thì bệnh nhân nên sớm đi khám bác sĩ để được chẩn đoán bệnh chính xác;

2.5 Buồn nôn

Nếu bệnh nhân cảm thấy nôn nao không rõ nguyên nhân, đặc biệt là sau khi ăn thì có thể là do họ mắc bệnh trào ngược. Hiện tượng này là do dạ dày co thắt liên tục đẩy axit và thức ăn ra ngoài, khiến người bệnh buồn nôn và bị nôn ói;


Người bệnh có thể xuất hiện tình trạng buồn nôn khi bị bệnh trào ngược
Người bệnh có thể xuất hiện tình trạng buồn nôn khi bị bệnh trào ngược

2.6 Khàn giọng, ho, hen

Axit dạ dày trào ngược lên thực quản sẽ gây viêm dây thanh quản. Ho do trào ngược có thể trở thành mãn tính và lâu dần dễ chuyển biến thành bệnh hen.

Vì vậy, khi bị khàn giọng hay đau họng, đặc biệt là khi triệu chứng này xuất hiện sau khi ăn hoặc đi kèm với các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi thì bệnh nhân nên thận trọng vì đây là một trong những biểu hiện của bệnh trào ngược dạ dày thực quản;

2.7 Nóng dạ dày

Người bị trào ngược dạ dày có cảm giác nóng cồn cào trong bụng. Hiện tượng này là do lượng axit nhiều gây kích ứng niêm mạc dạ dày, làm dạ dày bị tổn thương, gây nóng rát dạ dày;

2.8 Tiết nhiều nước bọt

Tiết nhiều nước bọt cũng là một triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản rất phổ biến. Khi bị trào ngược dạ dày, cơ thể phản ứng tiết nhiều nước bọt để trung hòa axit dạ dày.

2.9 Khó nuốt

Trào ngược dạ dày thực quản lặp lại nhiều lần sẽ làm tổn thương niêm mạc thực quản, gây viêm mô thực quản, dẫn tới hẹp thực quản và bệnh nhân sẽ có biểu hiện khó nuốt.

Ngay khi xuất hiện một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ trào ngược dạ dày thực quản như trên, bệnh nhân nên nhanh chóng đi khám bác sĩ để được xác định chính xác vấn đề sức khỏe mà mình đang gặp phải và có hướng điều trị kịp thời, hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe