Trào ngược dạ dày thực quản và Barrett thực quản khác nhau như thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Đơn nguyên Nội Tiêu hóa – Nội soi, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Trào ngược dạ dày thực quản và Barrett thực quản là các bệnh có cùng nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh. Thực tế thì Barrett thực quản là một biến chứng của trào ngược dạ dày thực quản do không được phát hiện, điều trị kịp thời.

1. Trào ngược dạ dày thực quản là gì?

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (còn được gọi là viêm thực quản trào ngược) là bệnh xảy ra khi axit dạ dày trào ngược lên thực quản. Điều này gây triệu chứng ợ nóng và các triệu chứng đặc hiệu khác.

Những cơn trào ngược dạ dày bình thường xảy ra sau bữa ăn, trong thời gian ngắn, không đi kèm các triệu chứng khác và ít khi xảy ra khi bệnh nhân ngủ. Tuy nhiên, những cơn trào ngược dạ dày bình thường có thể trở thành bệnh trào ngược dạ dày thực quản khi các triệu chứng xảy ra thường xuyên hơn (2 - 3 lần/tuần) hoặc làm thực quản bị tổn thương.

2. Bệnh Barrett thực quản là gì?

Barrett thực quản là tình trạng đặc trưng bởi hiện tượng màu sắc, thành phần của các tế bào lót ở vùng thấp thực quản bị thay đổi.

Nguyên nhân của sự thay đổi này là do niêm mạc thực quản tiếp xúc lặp đi lặp lại với axit dạ dày. Nếu không kịp thời điều trị, bệnh có thể biến chứng thành ung thư thực quản, đe dọa tới tính mạng của bệnh nhân.

3. Sự khác nhau giữa trào ngược dạ dày thực quản và Barrett thực quản

3.1 Về cơ chế bệnh sinh

  • Trào ngược dạ dày - thực quản: Xảy ra khi axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản với tần suất 2 - 3 lần/tuần;
  • Barrett thực quản: Xảy ra ở những người mắc bệnh trào ngược dạ dày - thực quản mạn tính. Tuy nhiên, không phải ai mắc trào ngược dạ dày - thực quản lâu ngày cũng bị Barrett thực quản. Thực tế, chỉ có một tỷ lệ nhỏ người bị trào ngược dạ dày thực quản tiến triển thành Barrett thực quản.

3.2 Về triệu chứng bệnh

  • Trào ngược dạ dày thực quản: Ợ hơi, buồn nôn vào buổi sáng, khó nuốt, bị nấc, khi ăn có cảm giác nghẹn, buồn nôn nếu ăn nhiều, có đờm trong họng, thường xuyên ho khạc, khàn giọng, viêm họng,...;
  • Barrett thực quản: Triệu chứng nặng hơn so với trào ngược dạ dày với các biểu hiện như ợ nóng, đau rát cổ, chua miệng, buồn nôn, đau ngực, có thể nôn ra máu, phân đen và nát. Tuy nhiên, có trường hợp bị Barrett thực quản nhưng không thấy có triệu chứng bất thường cho tới khi được phát hiện thông qua kiểm tra sức khỏe định kỳ.

3.3 Về kỹ thuật chẩn đoán

Trào ngược dạ dày thực quản:


Nội soi dạ dày kiểm tra mức độ nặng hay nhẹ
Nội soi dạ dày kiểm tra mức độ nặng hay nhẹ

  • Đo áp lực thực quản;
  • Chụp X-quang dạ dày - tá tràng;
  • Đo độ pH của thực quản trong vòng 14 giờ;

Barrett thực quản:

  • Nội soi dạ dày: Tình trạng lớp niêm mạc đoạn dưới thực quản thay đổi màu sắc từ trắng hồng bình thường sang màu đỏ là dấu hiệu gợi ý Barrett thực quản đang tiến triển;
  • Sinh thiết: Nếu kết quả nội soi dạ dày nghi ngờ Barrett thực quản, bác sĩ sẽ lấy một vài mẫu mô nhỏ tại lớp niêm mạc thực quản trong lúc thực hiện nội soi, đưa tới phòng xét nghiệm để soi dưới kính hiển vi nhằm khẳng định chẩn đoán.

3.4 Về phương pháp điều trị

  • Trào ngược dạ dày - thực quản: Chủ yếu là thay đổi lối sống và sử dụng các loại thuốc giảm axit như thuốc ức chế thụ thể H2, thuốc ức chế bơm proton. Với trường hợp kháng thuốc, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện phẫu thuật thắt đáy vị để cải thiện sức mạnh của cơ vòng dưới của thực quản, giúp ngăn dịch dạ dày trào ngược lên thực quản;
  • Barrett thực quản: Bệnh nhân được chỉ định sử dụng thuốc ức chế axit suốt đời, theo dõi định kỳ tình trạng bệnh, thay đổi chế độ sinh hoạt. Với bệnh nhân có loạn sản ở mức cao hoặc ung thư thực quản, có thể được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ thực quản. Một số phương pháp điều trị mới để loại bỏ các tế bào loạn sản khỏi lớp niêm mạc thực quản qua kênh thao tác của ống nội soi mềm cũng có thể được áp dụng để điều trị bệnh. Các phương pháp này gồm: Quang liệu pháp, cắt đốt bằng sóng cao tần, đông huyết tương bằng khí argon, cắt hớt niêm mạc qua nội soi,...

Trào ngược dạ dày thực quản và Barrett thực quản đều có thể gây những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời, tích cực. Vì vậy, khi có các triệu chứng như khó nuốt, đau họng, ợ chua,... bệnh nhân nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa ngay để được can thiệp điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe