Mề đay tự phát mãn tính là một dạng phát ban mãn tính với các nốt mụn đỏ hoặc sưng trên da, gây ngứa ngáy. Những người mắc bệnh này thường phải đối mặt với các cơn bùng phát trong suốt vài năm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân nổi mề đay tự phát mãn tính nhưng một số tác nhân tiềm ẩn dưới đây có thể giúp mọi người hiểu rõ hơn về bệnh trạng này.
Bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Bác sĩ nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Mề đay tự phát mãn tính
Mề đay tự phát là tình trạng nổi các nốt mề đay trên da mà không tìm ra được nguyên nhân bị bệnh mề đay. Vì thế, người bệnh thường gặp nhiều đợt bùng phát trong suốt cả năm khiến quá trình điều trị và phòng ngừa tái phát trở nên khó khăn.
Do đó, nếu nhận thấy xuất hiện các nốt mẩn ngứa của mề đay, người bệnh hãy đến gặp bác sĩ để xác định tác nhân gây ra tình trạng mề đay tự phát.
2. 8 tác nhân gây bệnh
2.1 Căng thẳng và lo lắng
Bệnh không phải lúc nào cũng do yếu tố sinh lý gây ra mà có thể xuất phát từ tâm lý như căng thẳng hay lo âu. Tâm trạng của người bệnh sẽ ảnh hưởng đến biểu hiện của các triệu chứng. Vì thế, việc làm giảm căng thẳng giúp người bệnh kiểm soát các triệu chứng tốt hơn.
Khi thường xuyên trải qua cảm giác lo lắng, người bệnh nên áp dụng các phương pháp như thiền, yoga hoặc các bài tập thở để giúp thư giãn và giảm căng thẳng.
2.2 Gãi là nguyên nhân nổi mề đay
Động tác gãi tại vùng da ngứa dù mang lại cảm giác dễ chịu ngay lúc đó nhưng lại là nguyên nhân khiến mề đay tự phát mãn tính bị kích thích.
Khi gãi, người bệnh sẽ rơi vào một vòng lặp, trong đó cảm giác ngứa trở nên rõ rệt hơn và người bệnh không thể ngăn bản thân tập trung vào cơn ngứa. Hệ quả là người bệnh gãi nhiều hơn, trường hơn nặng còn gây nổi mề đay.
2.3 Lông thú cưng
Phát ban có thể do lông thú cưng gây ra nếu người bệnh nhận thấy mề đay xuất hiện khi tiếp xúc với một số loại động vật.
Ngoài ra, người bệnh không cần phải chạm trực tiếp vào động vật để xảy ra phản ứng. Phản ứng có thể xảy ra khi tiếp xúc với các vảy da rụng tại những nơi động vật đi qua.
2.4 Tiếp xúc ở ngoài trời
Vào mùa hè khi ở ngoài trời, mọi người có thể bị mề đay tự phát mãn tính do các tác nhân như phấn hoa, vết cắn của côn trùng hoặc nhiệt độ cao từ ánh nắng mặt trời gây phát ban và ngứa da.
Để hạn chế các tác nhân gây bệnh, bôi thuốc xịt côn trùng và mặc quần áo dài là cách để hạn chế bị côn trùng cắn. Ngoài ra, người bệnh cũng nên đội mũ để bảo vệ khỏi ánh nắng.
Một số người còn gặp phải tình trạng bùng phát bệnh do cái lạnh của mùa đông (hoặc các điều kiện lạnh như bể bơi). Vì vậy, người bệnh nên yêu cầu bác sĩ thử đá viên để xác định xem có xảy ra phản ứng dị ứng nào không. Nếu phát hiện nhiệt độ lạnh là nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra những khuyến nghị phù hợp bao gồm cả việc bảo vệ da trong nhiệt độ lạnh.
2.5 Các bệnh lý khác
Nổi mề đay và sổ mũi có mối liên hệ với nhau. Những nguyên nhân khởi phát có thể bao gồm các vấn đề từ nhiễm trùng đường hô hấp do virus đến nhiễm trùng răng miệng. Để tránh tình trạng nổi mề đay trở nên nặng hơn, người bệnh hãy đi khám bác sĩ sớm để được điều trị.
2.6 Tập thể dục
Mọi người sẽ bị đổ mồ hôi khi tập thể dục, đặc biệt là khi thực hiện các bài tập cần sức mạnh với khối lượng nặng và điều này có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh mề đay tự phát mãn tính.
Việc ngừng tập thể dục hoàn toàn không phải là điều cần thiết nhưng người bệnh hãy nói chuyện với bác sĩ về cách thức kiểm soát triệu chứng. Bác sĩ sẽ giới thiệu các bài tập ít động tác như bơi, đạp xe hoặc yoga. Mặc dù những bài tập này không khiến người bệnh ra nhiều mồ hôi nhưng vẫn giúp cơ thể hoạt động.
2.7 Chu kỳ kinh nguyệt
Tình trạng nổi mề đay có thể bị ảnh hưởng bởi các hormone liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. Nếu thường xuyên thấy các cơn bùng phát mề đay xuất hiện trong thời gian cùng với chu kỳ kinh thì đó không chỉ là sự trùng hợp. Lúc này, người bệnh nên gặp bác sĩ để được điều trị thích hợp.
2.8 Mặc quần áo quá chật
Bệnh có thể xuất phát do quần áo quá chật. Vì vậy, mọi người nên xem xét chọn những trang phục rộng rãi và dễ chịu hơn.
Tóm lại, ghi nhật ký theo dõi là một trong những phương pháp hiệu quả nhất để xác định nguyên nhân làm gia tăng triệu chứng của mề đay tự phát mãn tính. Người bệnh nên ghi chép ngày bắt đầu, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cùng với bất kỳ hoạt động nào khác thường. Dù không thể hoàn toàn kiểm soát các triệu chứng của bệnh nhưng việc hiểu rõ các yếu tố sẽ giúp người bệnh giảm thiểu tần suất bùng phát của bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo:
- Dịch vụ cộng đồng AAFA. (2017). Nổi mề đay sẽ không biến mất: Những điều cơ bản về CIU.
Community.aafa.org/blog/chronic-idiopathic-urticaria-hives-that-won-t-go-away-ciu - Dị ứng với động vật: Tổng quan. (2017).
ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK447109/ - Deacock SJ. (2008). Cách tiếp cận bệnh nhân nổi mề đay. DOI:
10.1111 / j.1365-2249.2008.03693.x - Nổi mề đay (mày đay). (nd).
acaai.org/allergies/types-allergies/hives-urticaria