8 Nguyên nhân đau đầu gối sau chạy bộ, bạn cần lưu ý

Nguyên nhân đau đầu gối sau chạy bộ thường liên quan đến việc chưa chú ý đến các yếu tố kỹ thuật trong khi chạy. Chạy bộ là một hình thức luyện tập thể chất hiệu quả, dễ tiếp cận và được nhiều người ưa chuộng nhờ những lợi ích to lớn. Tuy nhiên, không ít trường hợp vẫn có thể gặp phải các vấn đề như đau đầu gối sau chạy bộ

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

8 Nguyên nhân đau đầu gối sau chạy bộ người bệnh cần lưu ý

Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Vũ Tú Nam, Trưởng khoa Phẫu thuật Nội soi khớp & Y học thể thao, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

1. Nguyên nhân đau đầu gối sau chạy bộ

Tình trạng đau đầu gối sau khi chạy bộ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau hoặc đôi khi là sự kết hợp của nhiều yếu tố. Dưới đây là một số nguyên nhân đau đầu gối sau chạy bộ phổ biến ở những người hay hoạt động thể chất: 

Có nhiều nguyên nhân đau đầu gối sau chạy bộ là do đâu?
Có nhiều nguyên nhân đau đầu gối sau chạy bộ là do đâu?

1.1. Hội chứng đau khớp đùi - chè (Runner’s Knee)

Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây đau đầu gối ở người chạy bộ. Hội chứng này biểu hiện bằng cơn đau âm ỉ hoặc đau nhói, đặc biệt tăng lên khi bánh chè bị ép chặt vào rãnh trượt xương đùi như khi leo lên hoặc xuống cầu thang, đứng lên ngồi xuống. Ngoài ra, người bệnh có thể cảm nhận được tiếng lách tách hoặc răng rắc sau bánh chè.

1.2. Hội chứng dải chậu chày (ITBS)

Dải chậu chày là một dải xơ dày kéo dài từ mào chậu (phía ngoài) đến mặt trước đầu trên xương chày, được cấu tạo từ gân cơ mông lớn và cơ căng mạc đùi. Dải chậu chày chạy dọc theo mặt ngoài của đùi, bám vào phía ngoài khớp gối và có vai trò quan trọng trong gập, xoay khớp háng và duỗi khớp gối.

Hội chứng dải chậu chày là một chấn thương phổ biến ở vận động viên chạy bộ với triệu chứng chính là đau ở mặt ngoài đầu gối. Tỷ lệ mắc hội chứng này dao động từ 5% đến 14% ở người thường xuyên chạy bộ. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, hội chứng dải chậu chày chiếm khoảng 22% các chấn thương ở chi dưới.

1.3. Viêm bao hoạt dịch gân chân ngỗng

Bao hoạt dịch là những túi chứa chất lỏng, hoạt động như lớp đệm giữa các mô mềm và xương, giúp bảo vệ xương tránh khỏi các chấn thương không mong muốn. Khi bao hoạt dịch bị tổn thương có thể gây đau đớn và làm hạn chế vận động, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bao hoạt dịch gân chân ngỗng nằm ở mặt trong của cẳng chân, nơi ba gân chân ngỗng bám vào phía dưới khớp gối. Khi bao hoạt dịch này bị viêm, được gọi là viêm bao hoạt dịch gân chân ngỗng, thường gặp ở những người tham gia các môn thể thao đòi hỏi nhiều động tác xoay và thay đổi hướng như chạy bộ. Tình trạng này có thể dẫn đến đau nhức và cản trở vận động bình thường của khớp gối.

1.4. Viêm điểm bám dây chằng bánh chè

Viêm điểm bám dây chằng bánh chè còn gọi là bệnh khớp gối ở người hay thực hiện các động tác nhảy (Jumper’s Knee). Đây là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở vị trí bám của dây chằng bánh chè vào xương chày, thường xảy ra do chạy bộ quá mức, kỹ thuật chạy không đúng hoặc do vận động quá sức. Biểu hiện chính của tình trạng này là đau nhức ở vùng lồi củ xương chày, nằm ngay phía trước và dưới khớp gối.

1.5. Tổn thương sụn chêm

Khớp gối là một trong những khớp phức tạp nhất của cơ thể, chịu toàn bộ trọng lượng của cơ thể nên dễ bị tổn thương. Khi chấn thương xảy ra sẽ ảnh hưởng đến nhiều cấu trúc của khớp gối, trong đó sụn chêm là một thành phần rất quan trọng và dễ bị tổn thương.

Sụn chêm là các tấm sụn bền chắc, đàn hồi, nằm giữa đầu dưới xương đùi và đầu trên xương chày. Có hai sụn chêm trong khớp gối: sụn chêm trong và sụn chêm ngoài. Chấn thương sụn chêm có thể xảy ra do tai nạn giao thông hay các hoạt động thể thao mạnh mẽ gây tổn thương một hoặc cả hai sụn chêm, dẫn đến đau nhức và hạn chế khả năng vận động, chạy bộ.

1.6. Tổn thương xương và sụn khớp gối

Khi chạy, toàn bộ trọng lượng cơ thể được truyền qua khớp gối. Nếu kỹ thuật chạy không đúng hoặc có chấn thương, lực tác động không đều có thể gây tổn thương xương và sụn, gây đau dai dẳng và khó khăn trong di chuyển, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. 

Tổn thương xương và sụn khớp gối là một trong những nguyên nhân đau đầu gối sau chạy bộ.
Tổn thương xương và sụn khớp gối là một trong những nguyên nhân đau đầu gối sau chạy bộ.

Mức độ tổn thương có thể khác nhau, từ nhẹ như đụng dập xương dưới sụn đến nghiêm trọng hơn như nhuyễn sụn khớp, bong tróc mảnh xương sụn hoặc gãy xương tại khu vực khớp gối. Những vấn đề này đều có thể cản trở khả năng chạy và vận động của người bệnh.

1.7. Bong gân

Khớp gối là rất quan trọng trong việc giữ thăng bằng và hỗ trợ trọng lượng cơ thể. Khớp gối được ổn định nhờ 4 nhóm dây chằng chính, trong đó 2 dây chằng hỗ trợ di chuyển tiến lùi và 2 dây chằng còn lại hỗ trợ di chuyển sang hai bên. Bong gân xảy ra khi các dây chằng bị chấn thương, gây đau nhức. Mức độ bong gân có thể từ nhẹ (dây chằng bị giãn hoặc rách một phần) đến nghiêm trọng (rách hoàn toàn 1-2 dây chằng hoặc toàn bộ dây chằng của khớp gối).

1.8. Quá tải

Khi chạy bộ, khớp gối và các cấu trúc xung quanh phải làm việc nhiều, dẫn đến các vi tổn thương nhỏ trong mô. Điều này có thể gây đau và mỏi ở đầu gối. Nếu khớp gối không được nghỉ ngơi đầy đủ hoặc chạy quá sức, tình trạng quá tải có thể gây ra đau nhức kéo dài. Nếu không được điều chỉnh kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến tổn thương nghiêm trọng hơn cho khớp gối và hệ thống dây chằng.

2. Phương pháp điều trị đau đầu gối sau chạy bộ

Theo BS Vũ Tú Nam chia sẻ, ngay khi xuất hiện những cơn đau đầu gối trong quá trình chạy bộ, người bệnh nên ngừng hoạt động và áp dụng một số phương pháp điều trị sau:

2.1 Thư giãn và massage vùng đầu gối

Đầu tiên, hãy ngồi xuống ở tư thế thoải mái, duỗi thẳng chân để khớp gối được thả lỏng. Sau đó, người bệnh có thể tiến hành massage nhẹ nhàng vùng đầu gối để làm dịu cơn đau. Việc này giúp tăng cường tuần hoàn máu và hỗ trợ giảm đau.

2.2 Căng giãn khớp

Tiến hành bài tập giãn cơ bằng cách duỗi thẳng chân bị đau, giữ cho chân còn lại không khuỵu gối. Giữ tư thế này trong khoảng 5 đến 7 phút, sau đó nghỉ ngơi. Thực hiện động tác này từ 3 đến 5 lần, cho đến khi cảm thấy cơn đau giảm đi.

2.3 Chườm đá lạnh

Phương pháp này rất hiệu quả trong việc giảm viêm và đau khi gặp chấn thương mới. Đá lạnh giúp co thắt các mạch máu nhỏ, từ đó giảm viêm, giảm sưng và đau. Nên chườm đá trong khoảng 15-20 phút, lặp lại nhiều lần trong ngày.

2.4 Sử dụng thuốc giảm đau

Trong trường hợp cơn đau kéo dài hoặc quá mức chịu đựng, người bệnh có thể sử dụng thuốc giảm đau. Tuy nhiên, sau đó nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chụp X-quang nếu cần thiết. Bác sĩ sẽ đánh giá và chẩn đoán nguyên nhân chính xác, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Việc điều trị kịp thời và đúng cách sẽ giúp ngăn ngừa các cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn do những nguyên nhân đau đầu gối sau chạy bộ gây ra, hỗ trợ quá trình hồi phục nhanh chóng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe