Dấu hiệu bị đứt lại dây chằng sau mổ

Chấn thương dây chằng đầu gối là một chấn thương phổ biến và đáng sợ đối với các vận động viên. Phẫu thuật tái tạo không sửa chữa dây chằng bị tổn thương mà tạo ra một dây chằng mới bằng cách sử dụng mô khác từ chân. Tuy nhiên, đứt lại dây chằng sau mổ là một trong những biến chứng có thể xảy ra sau khi phẫu thuật với nhiều lý do khác nhau. Việc xem xét từng vấn đề sẽ giúp ngăn ngừa đứt dây chằng lần 2.

1. Các dấu hiệu bị đứt lại dây chằng sau mổ

Chấn thương đầu gối thường là bong gân hoặc tổn thương dây chằng chéo trước. Dây chằng này là một trong những dây chằng lớn và quan trọng nhất trên đầu gối. Vết rách thường xảy ra khi chơi các môn thể thao đòi hỏi phải nhảy, tiếp đất hoặc thay đổi hướng nhanh chóng như trượt tuyết, bóng đá, bóng rổ.

Khi bị đứt dây chằng chéo, người bệnh sẽ được phẫu thuật tái tạo dây chằng bị tổn thương từ một dây chằng mới (sử dụng mô khác từ chân như gân gót chân, lấy từ chính bản thân hay người chết hiến tặng). Sau thời gian vật lý trị liệu, người bệnh có thể hoạt động lại tương đối bình thường, thậm chí có thể tham gia các hoạt động thể thao hay thi đấu như ban đầu. Tuy nhiên, nguy cơ đứt dây chằng lần 2 vẫn có thể xảy ra nếu tiếp tục tái diễn các lực tác động gây chấn thương đầu gối như ban đầu.

Trường hợp này, người bệnh có thể tự cảm nhận các dấu hiệu bị đứt lại dây chằng sau mổ như sau:

  • Nghe thấy tiếng bốp ở đầu gối khi chấn thương xảy ra: Âm thanh này có thể rất lớn, thậm chí những người ở gần cũng có thể nghe thấy nó. Âm thanh thường được theo sau bởi sự dịch chuyển tức thời của khớp gối.
  • Khớp gối không ổn định: Bất cứ khi nào bị đứt lại dây chằng sau mổ, khớp gối cũng sẽ mất ổn định. Điều này là do các dây chằng đầu gối, nhất là dây chằng chéo trước luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc ổn định khớp. Nếu vết rách xảy ra do chuyển động cắt hoặc xoay, đầu gối có thể bị bung ra khi dây chằng bị rách, nguy cơ này sẽ tăng lên nếu nó là do được tái tạo.
  • Sưng khớp gối: Khớp gối sẽ sưng lên sau khi bị rách dây chằng. Chỗ sưng có thể nhanh chóng phát triển lớn hơn. Khi vết rách xảy ra, các mạch máu cung cấp máu cho dây chằng bị đứt. Sau đó, chúng lấp đầy toàn bộ không gian khớp bằng máu và khớp gối sẽ trở nên nóng ấm chuyển sang màu đỏ.
  • Đau đầu gối: Hầu như tất cả các trường hợp rách dây chằng đầu gối đều gây đau đớn nhưng cường độ của cơn đau khi bị đứt dây chằng lần 2 có thể sẽ thấp hơn so với lần đầu.
  • Mất phạm vi chuyển động khớp gối: Người bệnh ngay lập tức sẽ thấy đi lỏng gối sau mổ dây chằng đã bị đứt lại. Thậm chí, cử động phần dưới của chân sẽ rất khó do hiện tượng sưng tấy xảy ra sau vết rách.

Đau đầu gối là dấu hiệu đứt lại dây chằng sau mổ
Đau đầu gối là dấu hiệu đứt lại dây chằng sau mổ

2. Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị đứt lại dây chằng sau mổ

  • Yếu tố phẫu thuật

Một trong những khía cạnh dẫn đến sự thành công của phẫu thuật tái tạo dây chằng khớp gối sau khi bị đứt là cách thức mảnh ghép được định vị trong khớp gối. Không phải mọi quy trình phẫu thuật đều được thực hiện với mức độ chính xác như nhau. Mảnh ghép chỉ có thể phục hồi chức năng của dây chằng bình thường khi được đặt lại định vị tương tự như dây chằng bình thường. Một khi có vị trí không chính xác, mảnh ghép có thể có chức năng cơ học bất thường và tăng khả năng tái chấn thương.

Một yếu tố khác của phẫu thuật cũng có thể ảnh hưởng đến dự hậu là đặc điểm vật lý của mảnh ghép được sử dụng để tạo dây chằng mới. Các mảnh ghép nhỏ đã được chứng minh là có độ bền kém hơn các mảnh ghép lớn. Đồng thời, mô ghép của người hiến tặng có nguy cơ tái rách cao hơn so với mô của chính bệnh nhân, đặc biệt là ở những bệnh nhân dưới 25 tuổi.

  • Yếu tố phục hồi sau phẫu thuật

Việc tham gia các bài luyện tập để phục hồi chức năng sau đứt dây chằng là cực kỳ quan trọng. Thời gian kết hợp mảnh ghép có thể khác nhau, nhưng hầu hết các bác sĩ phẫu thuật khuyến cáo nên bảo vệ đầu gối trong tối thiểu 6 tháng sau khi phẫu thuật với mảnh ghép tự thân hoặc 9 tháng với mảnh ghép từ người hiến tặng.

Khi một dây chằng mới được định vị trong khớp gối, nó thường được giữ cố định bằng thiết bị cấy ghép có nhiều hình dạng, kích cỡ (nút, ốc vít, trụ) và một số được làm bằng kim loại trong khi những bộ phận khác tự hòa tan. Tuy nhiên, tất cả các mô cấy này chỉ có tác dụng giữ mảnh ghép trong khi cơ thể kết hợp mô để dây chằng thành một phần cấu trúc của khớp gối. Quá trình đó cần thời gian và khi hoạt động quá sớm hay nhiều trong quá trình phục hồi chức năng, biến cố đứt lại dây chằng sau mổ sẽ xảy ra.

Chính vì thế, việc đánh giá khả năng trở lại thi đấu, xác nhận vận động viên đã lấy lại đủ sức mạnh và sự ổn định khớp gối hay chưa là nhiệm vụ đôi khi rất khó khăn đối với bác sĩ chỉnh hình.

  • Yếu tố bệnh nhân

Nguy cơ đứt lại dây chằng sau mổ còn phụ thuộc vào bản thân người bệnh. Cụ thể là những người trẻ hơn và những người trở lại các môn thể thao rủi ro cao (liên quan đến xoay người đột ngột) có khả năng sẽ bị đứt dây chằng lần 2 sau khi phẫu thuật tái tạo, nhất là nhóm vận động viên dưới 25 tuổi.


Việc tham gia các bài luyện tập để phục hồi chức năng sau đứt dây chằng là cực kỳ quan trọng
Việc tham gia các bài luyện tập để phục hồi chức năng sau đứt dây chằng là cực kỳ quan trọng

3. Làm thế nào để tránh bị đứt dây chằng lần 2 sau khi phẫu thuật?

Thật không may, việc tái chấn thương gây đứt dây chằng khớp gối là hoàn toàn có thể. Trên thực tế, đứt dây chằng lần 2 sau khi phẫu thuật có thể xảy ra ở cùng vị trí. Vì vậy, tuân thủ các điều sau đây có thể giúp hạn chế rủi ro này tái diễn:

  • Tôn trọng quá trình phục hồi chức năng

Mặc dù có thể thấy cơn đau đã biến mất và cử động đầu gối hiệu quả, nhanh hơn so với thời gian phục hồi chức năng do bác sĩ phẫu thuật đặt ra, nhưng người bệnh cần phải cho đầu gối có thời gian để lấy lại sức mạnh cân bằng trước khi trở lại các hoạt động trước đó.

Nếu trở lại tham gia thể thao và tập thể dục quá sớm, mảnh ghép dây chằng có thể chưa đủ mạnh để xử lý căng thẳng thể chất của các hoạt động, khiến nó có nhiều nguy cơ bị rách lại.

  • Tham gia chương trình ngăn ngừa chấn thương dây chằng

Tham vấn với nhà vật lý trị liệu về một chương trình ngăn ngừa chấn thương dây chằng để cải thiện khả năng kiểm soát thần kinh cơ của đầu gối trong quá trình vận động.

Các chương trình ngăn ngừa chấn thương, nâng cao hiệu suất vận động thường kết hợp các bài tập cơ học cụ thể, cân bằng và tăng cường sức mạnh nhằm vào các khu vực có vấn đề, cung cấp cho vận động viên các chiến lược để tránh chấn thương trong tương lai.

  • Khởi động là một phần quan trọng của bất kỳ hoạt động nào

Luôn cho cơ thể và đầu gối có thời gian để khởi động trước khi chơi các môn thể thao cạnh tranh hay một hoạt động gắng sức. Một bài khởi động đơn giản kết hợp với động tác kéo giãn đã được chứng minh là có thể giảm chấn thương hơn 80%.

  • Mang nẹp để bảo vệ đầu gối

Nẹp đầu gối nhẹ hoặc nặng có thể bảo vệ và hỗ trợ thêm cho đầu gối cũng như dây chằng trong quá trình hoạt động.

Tóm lại, khi quay trở lại tập luyện và thi đấu quá sớm, đây là yếu tố nguy cơ rất thường gặp của đứt lại dây chằng sau mổ. Phẫu thuật tái tạo dây chằng khớp gối vốn dĩ có tính phức tạp rất cao, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc chăm sóc phục hồi chức năng cũng như các chiến lược phòng ngừa chấn thương trong tương lai nhằm đảm bảo chức năng khớp gối về lâu dài.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe