7 triệu chứng dị ứng tôm thường gặp và những điều cần lưu ý

Theo các nghiên cứu, dị ứng tôm và động vật có vỏ là một dạng dị ứng thực phẩm phổ biến. Khi ăn phải tôm bệnh nhân sẽ xuất hiện một số triệu chứng như ngứa, chóng mặt... Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về 7 triệu chứng dị ứng với tôm và những điều bệnh nhân nên biết.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ Đỗ Thiên Ân, chuyên khoa Nội cơ xương khớp và Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

1. 7 triệu chứng dị ứng tôm cần chú ý

Năm 2004, các nghiên cứu đã liệt kê tám loại thực phẩm gây dị ứng phổ biến. Danh sách bao gồm đậu phộng, sữatrứng... Trong đó, thực phẩm nổi bật nhất là tôm và các loại động vật có vỏ khác.

Dị ứng tôm và động vật có vỏ là một trong những loại dị ứng thực phẩm phổ biến nhất.
Dị ứng tôm và động vật có vỏ là một trong những loại dị ứng thực phẩm phổ biến nhất.

Dị ứng tôm là một dạng của dị ứng động vật có vỏ. Có hai loại động vật có vỏ khác nhau:

  • Giáp xác (Crustaceans): Giáp xác là những loài động vật sống trên cạn và dưới nước, có thân phân đốt và thường có vỏ cứng, bao gồm tôm, tép, cua, tôm hùm và tôm càng xanh.
  • Thân mềm: Không giống như giáp xác, thân mềm là những loài động vật không xương sống như ốc sên, sò điệp, hàu, ngao và mực.

Về cơ bản, khi người bệnh bị dị ứng với tôm, cơ thể của họ sẽ phản ứng quá mức với một loại protein cụ thể có trong tôm. Cơ thể người bệnh xem protein này là mối đe dọa và để phòng vệ, cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể, histamin và các hóa chất khác, gây ra các triệu chứng dị ứng tôm.

Trong hầu hết các trường hợp, các phản ứng do nhạy cảm với thức ăn sẽ bắt đầu xuất hiện gần như ngay lập tức, mặc dù có thể mất đến vài giờ trước khi người bệnh bắt đầu có triệu chứng. Ở một số bệnh nhân bị dị ứng nặng, chỉ cần chạm vào động vật có vỏ hoặc ở gần những loại thực phẩm này cũng đã có thể gây ra phản ứng dị ứng.

Do đó, dưới đây là 7 dấu hiệu của phản ứng dị ứng với tôm cần lưu ý.

1.1 Ngứa

Ngứa là một triệu chứng phổ biến của dị ứng tôm. Tình trạng ngứa có thể xuất hiện dưới dạng phát ban lan rộng trên da. Trong một số trường hợp, người bị dị ứng với tôm có thể bị ngứa ở những vị trí như:

  • Da.
  • Mắt.
  • Miệng.

1.2 Mề đay

Mề đay là một loại phản ứng dị ứng phổ biến đối với tôm. Cơ thể bệnh nhân sẽ xuất hiện các mảng nổi mẩn đỏ, ngứa rất khó chịu, với các kích thước khác nhau trên da.

Trong quá trình phản ứng dị ứng, các vết mề đay có thể biến mất rồi lại xuất hiện trở lại. Ngoài vết nổi mề đay trên da, bệnh nhân còn có khả năng bị sưng tấy và đau đớn tại một số vị trí như:

  • Môi.
  • Mắt.
  • Họng.
Mề đay là một triệu chứng dị ứng tôm thường gặp như nổi mẩn đỏ ngứa ngáy với kích thước khác nhau trên khắp da.
Mề đay là một triệu chứng dị ứng tôm thường gặp như nổi mẩn đỏ ngứa ngáy với kích thước khác nhau trên khắp da.

1.3 Chàm

Chàm hay còn được gọi là viêm da cơ địa dị ứng, là tình trạng da xuất hiện các mảng da khô màu nâu xám và gây ngứa dữ dội. Thông thường, các mảng này xuất hiện ở tay, chân, mắt cá chân, cổ tay, ngực, mặt trong khuỷu tay và đầu gối. Ngoài ra, phát ban do chàm cũng có thể có các đặc điểm sau:

  • Các mụn nước nhỏ chứa đầy dịch lỏng.
  • Da nứt nẻ và bong tróc.
  • Da dày lên.

1.4 Ngứa ran và sưng miệng

Các triệu chứng dị ứng tôm thường gặp bao gồm ngứa ran và sưng miệng, cảm giác này có thể tập trung ở các vùng cụ thể trong miệng hoặc lan rộng hơn. Các vị trí có thể xuất hiện tình trạng này bao gồm:

  • Môi.
  • Lưỡi.
  • Họng.

1.5 Các vấn đề về đường hô hấp và khó thở

Những triệu chứng thường gặp của dị ứng tôm còn bao gồm các vấn đề về đường hô hấp như:

  • Thở khò khè.
  • Ho.
  • Khó thở.
  • Hụt hơi.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể nhận thấy cảm giác khó chịu, thắt chặt lồng ngực dai dẳng.

1.6 Chóng mặt và ngất xỉu

Người bệnh đang có các triệu chứng dị ứng tôm có thể bị ngất xỉu hoặc cảm thấy chóng mặt. Những triệu chứng này gây ra rủi ro nghiêm trọng vì có thể dẫn đến té ngã hoặc chấn thương nặng.

Ngoài ra, các triệu chứng dị ứng với tôm có thể bao gồm:

  • Cảm giác lâng lâng.
  • Nhịp tim đập chậm lại.
  • Mất ý thức.

1.7 Sốc phản vệ

Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng thường gặp do dị ứng với tôm, động vật có vỏ và các loại dị ứng thực phẩm khác. Nếu không được xử lý kịp thời, tình trạng này có thể đe dời đến tính mạng.

Khi bị sốc phản vệ, hô hấp trở nên khó khăn hơn do các đường dẫn khí bị hẹp lại, khiến lượng không khí đi vào phổi không đủ. Một đặc điểm khác của sốc phản vệ là tình trạng huyết áp giảm đáng kể.

Các dấu hiệu của sốc phản vệ bao gồm:

  • Mạch yếu nhưng nhanh
  • Viêm da
  • Cảm thấy buồn nôn và nôn mửa
     
Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng do dị ứng với tôm.
Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng do dị ứng với tôm.

2. Ai có thể bị dị ứng tôm?

Dị ứng với tôm không phân biệt đối tượng mắc phải, nghĩa là bất cứ ai cũng có thể gặp tình trạng dị ứng này. Tuy nhiên, khác với một số loại dị ứng phổ biến ở trẻ em, dị ứng tôm thường xuất hiện ở người lớn nhiều hơn.

Trên thực tế, trong số gần sáu triệu người bị dị ứng với tôm hoặc động vật có vỏ, hơn một nửa trong số họ (khoảng 60%) phát triển bệnh này khi đã ở độ tuổi trưởng thành.

3. Các loại thực phẩm cần tránh nếu bị dị ứng với tôm

Để phòng ngừa triệu chứng dị ứng với tôm, bệnh nhân cần bắt đầu từ việc tránh các thực phẩm chứa protein gây phản ứng trong cơ thể. Người dị ứng tôm không chỉ tránh hấu hết những thứ liên quan tới tôm mà còn phải tránh các loại động vật có vỏ khác. Một số người còn có nguy cơ dị ứng với các loại hải sản khác trong những năm trưởng thành sau này.

3.1 Giáp xác

Tôm là một loại giáp xác, vì vậy nếu bản thân bị dị ứng tôm, bệnh nhân tốt nhất nên tránh ăn bất kỳ thứ gì thuộc họ giáp xác như:

  • Cua.
  • Tôm hùm đất và tôm càng xanh.
  • Tôm hùm.
  • Tép.

3.2 Thân mềm

Do dị ứng với tôm là một dạng dị ứng động vật có vỏ nên những người bị dị ứng tôm nên tránh tất cả các loại động vật có vỏ khác, không chỉ riêng động vật giáp xác. Để phòng tránh các triệu chứng dị ứng với tôm, người bệnh cần loại bỏ thực phẩm liên quan đến động vật thân mềm khỏi chế độ ăn uống. Các loại động vật thân mềm cần tránh bao gồm:

  • Ngao
  • Bạch tuộc
  • Sò điệp
  • Ốc sên
  • Mực

3.3 Các loại hải sản khác

Tùy thuộc vào mức độ dị ứng, độ nghiêm trọng của tình trạng dị ứng, người dị ứng tôm cũng cần tránh một số loại hải sản khác như: ốc xà cừ, các loại sò, bào ngư...

Ngoài việc tránh các chất gây dị ứng rõ ràng như động vật có vỏ và các loại hải sản khác, bệnh nhân cũng cần đọc thành phần trên bao bì của bất kỳ thực phẩm nào bản thân tiêu thụ, đặc biệt nếu bệnh nhân không biết liệu thực phẩm đó có chứa tôm hoặc động vật có vỏ hay không.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe