Cách kiểm soát sinh sản bằng nội tiết tố có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư của phụ nữ. Tuy nhiên, thuốc tránh thai hormone và các hình thức khác cũng có thể làm giảm đáng kể nguy cơ ung thư buồng trứng và nội mạc tử cung. Sau đây 6 điều bạn nên biết về uống thuốc tránh thai có bị ung thư không?
1. Không phải tất cả các phương pháp ngừa thai đều ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư
Các chuyên gia giải thích rằng, phương pháp ngừa thai nội tiết tố và thậm chí một số phương pháp kiểm soát sinh sản không sử dụng hormone đều có thể tác động đến nguy cơ ung thư. Hai lựa chọn kiểm soát sinh sản bằng hormone phổ biến nhất đối với phụ nữ là:
- Thuốc viên tránh thai, thường chứa hormone estrogen và progestin kết hợp. Thuốc giúp điều chỉnh chu kỳ hàng tháng của phụ nữ và ngăn ngừa rụng trứng.
- Vòng tránh thai nội tiết chỉ chứa hormone progestin (IUDs). Đây là những dụng cụ nhỏ bằng kim loại hoặc nhựa, được bác sĩ phụ khoa đặt vào tử cung để tránh thai. Vòng tránh thai nội tiết khiến chất nhầy cổ tử cung đặc lại, gây rối loạn đường đi của tinh trùng. Dụng cụ này cũng làm cho lớp nội mạc tử cung mỏng đi, làm ngăn cản trứng đã thụ tinh bám vào thành tử cung.
Mặc dù các phương pháp tiếp cận là khác nhau, nhưng cả thuốc tránh thai dạng viên và vòng nội tiết đều chứa những hormone tổng hợp giống nhau. Những hormone này có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư phụ khoa, nhưng đồng thời lại giúp bảo vệ bạn tránh khỏi một số bệnh khác.
2. Kiểm soát sinh sản bằng hormone cũng có thể làm giảm nguy cơ ung thư
Cả thuốc tránh thai hormone và vòng tránh thai nội tiết đều có thể làm giảm đáng kể nguy cơ ung thư buồng trứng và ung thư nội mạc tử cung. Theo các bác sĩ, uống thuốc tránh thai hormone thực sự có thể làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng tới 50%. Thậm chí tác động bảo vệ này còn kéo dài trong nhiều năm sau khi ngừng sử dụng thuốc. Viên uống cũng có thể làm giảm đáng kể nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.
Bởi vì vòng tránh thai nội tiết tố làm mỏng lớp nội mạc tử cung, đôi khi bác sĩ có thể dùng dụng cụ này để ngăn ngừa hoặc thậm chí điều trị ung thư nội mạc tử cung giai đoạn đầu. Giống như thuốc viên, vòng tránh thai nội tiết tố cũng có tác dụng giảm nguy cơ ung thư buồng trứng.
3. Thuốc viên có thể làm tăng ít nguy cơ ung thư vú. Liệu vòng tránh thai nội tiết có tác dụng tương tự không?
Mối liên hệ giữa thuốc tránh thai và nguy cơ ung thư vú hiện đang là vấn đề gây tranh cãi, các nghiên cứu vẫn đang được thực hiện để xem xét lại vấn đề này nhiều lần.
Vậy uống thuốc tránh thai có bị ung thư không? Thuốc tránh thai có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú một phần, đặc biệt là đối với phụ nữ hiện đang sử dụng hoặc mới dùng thuốc tránh thai. Mọi nguy cơ sẽ giảm dần theo thời gian sau khi ngừng sử dụng thuốc.
Các chuyên gia cho biết không có nhiều người công nhận mối liên hệ giữa vòng tránh thai nội tiết tố và nguy cơ ung thư vú do vẫn chưa được xác định rõ ràng.
4. Lựa chọn biện pháp kiểm soát sinh sản phù hợp có thể dựa vào độ tuổi của bạn
Các chuyên gia khuyến cáo những phụ nữ ở độ tuổi cuối 40 và 50 đang uống thuốc tránh thai hormone nên trao đổi với bác sĩ về những nguy cơ đối với sức khỏe. Dữ liệu gần đây cho thấy nguy cơ ung thư vú tăng lên ở những phụ nữ lớn tuổi đang sử dụng thuốc nội tiết để kiểm soát sinh sản.
5. Vòng tránh thai không chứa hormone là một lựa chọn tốt cho phụ nữ bị ung thư vú
Thuốc tránh thai hormone và vòng tránh thai nội tiết thường không phải là lựa chọn tốt cho phụ nữ mắc bệnh ung thư nhạy cảm với hormone - chẳng hạn như ung thư vú, vì có thể kích thích sự phát triển của các tế bào khối u. Những biện pháp kiểm soát sinh sản kiểu này cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác, bao gồm cả cục máu đông và đột quỵ. Điều quan trọng là bạn phải thảo luận với bác sĩ chuyên khoa ung thư nếu đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư nhạy cảm với hormone, nhờ đó hiểu rõ hơn về các rủi ro sức khỏe và lợi ích khi dùng biện pháp tránh thai.
Tuy nhiên, vòng tránh thai không chứa hormone sẽ không làm tăng nguy cơ ung thư. Hơn nữa, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vòng tránh thai bằng đồng thực sự có thể làm giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung và nội mạc tử cung, dù vẫn chưa rõ lý do tại sao.
6. Tránh thai nội tiết dành cho phụ nữ có đột biến gen BRCA hoặc có nguy cơ ung thư di truyền
Những phụ nữ dễ bị ung thư phụ khoa do đột biến BRCA hoặc hội chứng Lynch có thể giảm được nguy cơ ung thư nhờ sử dụng thuốc viên hoặc vòng tránh thai nội tiết tố.
Bác sĩ khuyến cáo rằng những phụ nữ có nguy cơ ung thư di truyền nên hỏi với bác sĩ phụ khoa phương pháp tránh thai tốt. Nguy cơ gia tăng ung thư vú tiềm ẩn có thể liên quan đến việc sử dụng các biện pháp tránh thai nội tiết tố lâu dài, do đó cần xem xét cẩn thận các lợi ích và yếu tố rủi ro khác.
Tóm lại, các phương pháp ngừa thai bằng nội tiết tố, bao gồm cả viên thuốc tránh thai hormone, luôn đi kèm với rủi ro và lợi ích. Nếu bạn cảm thấy lo lắng thuốc tránh thai có gây ung thư không, hãy nhờ bác sĩ chuyên khoa tư vấn trực tiếp để tìm ra phương pháp kiểm soát sinh sản phù hợp nhất với mình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: mskcc.org