Viêm ruột thừa diễn biến thế nào và kéo dài bao lâu?

Do thời gian ủ bệnh viêm ruột thừa diễn biến nhanh chóng nên tình trạng này tiềm ẩn nguy cơ vỡ, hoại tử, gây cản trở cho việc điều trị và dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm ruột, tắc ruột đe dọa tính mạng. Vì vậy, khi thấy đau bụng kèm sốt người bệnh nên đến bệnh viện để chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Viêm ruột thừa là gì?

Ruột thừa chỉ nhỏ như ngón tay cái, nằm ở góc dưới bên phải bụng với một đầu bịt kín và đầu còn lại nối với manh tràng (đoạn đầu tiên của ruột già). Tình trạng ruột thừa bị viêm nhiễm được gọi là viêm ruột thừa.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do nhiễm khuẩn khi lòng ruột thừa bị tắc nghẽn bởi:

  • Quá sản tổ chức lympho ở thành ruột thừa.
  • Sỏi phân, ký sinh trùng hoặc hạt trái cây,… xâm nhập vào ruột thừa.

2. Thời gian ủ bệnh viêm ruột thừa

Vì là bệnh lý cấp tính nên thời gian ủ bệnh viêm ruột thừa không kéo dài. Viêm ruột thừa thường bắt đầu với biểu hiện đau ruột thừa. Thời gian kéo dài của cơn đau này phụ thuộc vào thể trạng của mỗi người.

Thông thường, cơn đau sẽ xuất hiện nhanh chóng. Ở giai đoạn đầu, người bệnh thường cảm thấy đau bên phải bụng, quanh rốn và thượng vị trong 1 - 12 tiếng, sau đó chuyển dần xuống bụng dưới cạnh hố chậu phải. Cơn đau lúc này thường âm ỉ và đôi khi tăng lên dữ dội, gây khó chịu cho người bệnh. 

Nhiều người thắc mắc thời gian ủ bệnh viêm ruột thừa là bao lâu do bệnh có nguy cơ biến chứng vỡ sau 48 giờ.
Nhiều người thắc mắc thời gian ủ bệnh viêm ruột thừa là bao lâu do bệnh có nguy cơ biến chứng vỡ sau 48 giờ.

Viêm ruột thừa không chỉ biểu hiện qua cơn đau mà còn đi kèm với các triệu chứng khác trong vòng 24 giờ sau khi cơn đau xuất hiện. Đáng lưu ý, khoảng 65% trường hợp viêm ruột thừa có nguy cơ biến chứng vỡ sau 48 giờ.

Do đó, nếu gặp phải tình trạng đau bụng dữ dội kèm dấu hiệu đau ruột thừa như sốt, rối loạn tiêu hóa,... người bệnh cần đến bệnh viện ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

3. Diễn tiến của viêm ruột thừa

Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tình trạng viêm ruột thừa có thể diễn tiến theo những cách nguy hiểm sau:

3.1 Đám quánh ruột thừa

  • Ruột thừa bị viêm sẽ được bao bọc bởi mạc nối lớn và các cấu trúc lân cận.
  • Trên lâm sàng về mặt cơ năng sẽ giảm dần, người bệnh sẽ không sốt và cảm thấy đỡ hoặc hết đau bụng.
  • Khám lâm sàng hố chậu phải phát hiện mảng cứng, cảm giác sờ vào giống tấm bìa, với ranh giới không rõ ràng. Điều này gây khó khăn cho bác sĩ trong việc phân biệt giữa đám quánh ruột thừa và áp xe ruột thừa.
  • Đám quánh ruột thừa có 2 hướng diễn tiến: tan dần giúp người bệnh bớt đau và giảm phản ứng viêm hoặc là tiến triển thành ổ áp xe. 
Viêm ruột thừa.
Viêm ruột thừa.

3.2 Áp xe ruột thừa

  • Khi ruột thừa bị viêm và vỡ mủ, các cơ quan lân cận như mạc nối lớn và ruột non sẽ bao bọc lại tạo thành ổ mủ khu trú gọi là áp xe ruột thừa.
  • 4-5 ngày là thời gian hình thành ổ áp xe ruột thừa.
  • Trong quá trình khám lâm sàng, bác sĩ phát hiện một khối ở hố chậu phải. Khối này di động kém, gây đau đớn khi ấn và kèm theo phản ứng thành bụng.

3.3 Viêm phúc mạc

  • Viêm ruột thừa vỡ mủ sẽ được bao bọc khu trú một phần hoặc không bao bọc, dẫn đến tình trạng mủ lan rộng trong một phần hoặc toàn bộ ổ bụng, gây ra viêm phúc mạc khu trú hoặc toàn thể.
  • Tình trạng này có thể khu trú ở hố chậu phải, nửa bụng dưới hoặc viêm phúc mạc toàn bộ.
  • Viêm phúc mạc ruột thừa thường xảy ra khi người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh muộn.
  • Các dấu hiệu lâm sàng thường gặp bao gồm đau nhiều ở vùng hố chậu bên phải, sốt cao trên 39 độ C, tình trạng chướng bụng và khó đi tiêu.
  • Khi khám lâm sàng, người bệnh thường có triệu chứng đau ở vùng hố chậu phải hoặc khắp bụng.

4. Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa

Có hai phương pháp chính để phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa bao gồm mổ hở và mổ nội soi. Mổ hở truyền thống với một vết rạch dài 5-10cm trên bụng, trong khi mổ nội soi chỉ cần vết rạch nhỏ để đưa dụng cụ vào.

Trong phẫu thuật nội soi, bác sĩ sẽ sử dụng các dụng cụ mổ nội soi được gắn camera mini để đưa vào khoang bụng qua các vết rạch nhỏ. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ ruột thừa. Phương pháp này thường được ưu tiên lựa chọn bởi ưu điểm phục hồi nhanh, ít gây đau đớn và hạn chế tối đa hình thành sẹo.

Trường hợp ruột thừa bị vỡ, nhiễm trùng lan rộng hoặc hình thành áp xe, bác sĩ sẽ cân nhắc khả năng thực hiện phẫu thuật nội soi và có thể đặt ống dẫn lưu trong quá trình mổ. Sau phẫu thuật, người bệnh cần ở lại bệnh viện để theo dõi trong vài ngày và đảm bảo quá trình hồi phục diễn ra suôn sẻ.

Tóm lại, vì là một bệnh lý cấp tính nên thời gian ủ bệnh viêm ruột thừa không kéo dài. Khi xuất hiện triệu chứng đau bụng, đặc biệt là khu vực hố chậu phải kèm theo sốt, nghi ngờ do viêm ruột thừa, người bệnh cần đến bệnh viện ngay lập tức để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời bằng phẫu thuật nhằm phòng ngừa biến chứng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe