Xử trí viêm ruột thừa cấp tính ở trẻ em

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Quốc Vĩnh - Bác sĩ Cấp cứu - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Viêm ruột thừa cấp tính là một trong những bệnh lý cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm. Trẻ khi bị đau ruột thừa cấp thường khó chẩn đoán hơn so với người lớn nên khi thấy trẻ có những dấu hiệu của viêm ruột thừa cần đến các trung tâm y tế thăm khám điều trị kịp thời.

1. Viêm ruột thừa cấp tính ở trẻ em có nguy hiểm hay không?

Viêm ruột thừa cấp là bệnh cấp cứu thường gặp nhất trong thực hành ngoại nhi. Chẩn đoán viêm ruột thừa ở trẻ em khá khó khăn, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Việc thăm khám và theo dõi diễn tiến lâm sàng là yếu tố quan trọng nhất để chẩn đoán và chỉ định phẫu thuật. Trong các trường hợp 90% ruột thừa nằm ở hố chậu phải.

Viêm ruột thừa được chia thành 2 loại: viêm ruột thừa chưa biến chứng và viêm ruột thừa có biến chứng.


90% viêm ruột thừa nằm ở hố chậu phải
90% viêm ruột thừa nằm ở hố chậu phải

2. Chẩn đoán viêm ruột thừa

Các bước chẩn đoán bệnh viêm ruột thừa như sau:

2.1. Hỏi bệnh

  • Đau bụng: Đau vùng thượng vị hoặc quanh rốn, đau lan xuống hố chậu phải.
  • Sốt nhẹ 37,50C – 38,50C thường gặp. Sốt cao thường gặp khi viêm ruột thừa có biến chứng.
  • Nôn, buồn nôn, chán ăn bỏ bú, tiêu lỏng, mót rặn.
  • Rối loạn đi tiểu: Tiểu lắt rắt, tiểu buốt là dấu hiệu hay gặp trong viêm ruột thừa tiểu khung, ruột thừa viêm kích thích bàng quang.

2.2. Thăm khám

  • Thăm khám bụng: Ấn đau, đề kháng/phản ứng thành bụng hố chậu phải; sờ chạm một khối ở hố chậu phải. Điểm Mc Burney (+). Phản ứng dội Schotkin-Blumberg(+), Rovsing (+).
  • Thăm trực tràng: Nếu nghi ngờ bệnh nhân viêm ruột thừa vùng tiểu khung.
  • Biến chứng: Rối loạn nước – điện giải, sốc, nhiễm trùng huyết, tắc ruột...

2.3. Thăm khám cận lâm sàng

  • Siêu âm bụng: Hình ảnh viêm ruột thừa: Đường kính > 6mm, thành dày > 3 mm, đè không xẹp, thâm nhiễm mỡ xung quanh, ấn đầu dò siêu âm gây đau
  • X-quang bụng không sửa soạn: Chỉ định khi nghi ngờ thủng dạ dày ruột (liềm hơi dưới cơ hoành) hoặc tắc ruột (biểu hiện bằng mức hơi dịch ở ruột non).
  • Tổng phân tích tế bào máu: Thường quy, Bạch cầu thường cao, Neutrophil chiếm ưu thế.
  • Các xét nghiệm khác: CRP/ CRP hs tăng, điện giải đồ, amylase/lipase máu (giúp loại trừ viêm tụy),...
  • Trong trường hợp nghi ngờ viêm ruột thừa trên lâm sàng mà siêu âm, xét nghiệm không xác định được thì có thể chụp CT bụng để chẩn đoán.

3. Điều trị viêm ruột thừa cấp tính ở trẻ em

Các nguyên tắc điều trị viêm ruột thừa cấp tính ở trẻ hồi sức khi có biến chứng và phẫu thuật cắt ruột thừa.

Hồi sức nội khoa bao gồm: Chống sốc, bù nước, điện giải, hạ sốt, giảm đau, sử dụng kháng sinh và đặt thông dạ dày dẫn lưu nếu có biến chứng tắc ruột, nhịn ăn uống.


Không cho trẻ ăn uống trước khi phẫu thuật viêm ruột thừa cấp tính
Không cho trẻ ăn uống trước khi phẫu thuật viêm ruột thừa cấp tính

3.1. Phẫu thuật

Phương pháp điều trị cho bệnh viêm ruột thừa cấp tính thường là cắt bỏ phần ruột thừa bị viêm và có 2 hình thức phẫu thuật:

  • Phẫu thuật nội soi có nhiều ưu điểm như có thể quan sát toàn bộ ổ bụng cho phép loại trừ các chẩn đoán phân biệt, vết mổ nhỏ, ít đau, giảm thiểu biến chứng, thời gian nằm viện ngắn hơn so với mổ hở.
  • Mổ hở áp dụng khi bệnh nhân chống chỉ định phẫu thuật nội soi.
    • Viêm ruột thừa chưa có biến chứng: phẫu thuật cắt ruột thừa.
    • Viêm phúc mạc ruột thừa: cắt ruột thừa, rửa bụng ± dẫn lưu ổ bụng.
    • Áp xe ruột thừa: dẫn lưu ổ áp xe ± cắt ruột thừa (nếu tìm thấy).

Các xét nghiệm được thực hiện trong lúc mổ: Soi cấy kháng sinh đồ, sinh hóa dịch ổ bụng, giải phẫu bệnh khi cần. Sau mổ, bệnh nhân được bù nước điện giải và tiếp tục cho dùng kháng sinh 5-7 ngày.

3.2. Phẫu thuật trì hoãn

Phương pháp này được chỉ định khi trong trường hợp đám quánh ruột thừa, bệnh lý nội khoa nặng kèm theo chưa đủ điều kiện phẫu thuật. Lúc này bệnh nhân sẽ được cho dùng thuốc kháng sinh, đồng thời dẫn lưu dưới hướng dẫn siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính và chọn thời điểm phẫu thuật thích hợp.

Viêm ruột thừa ở trẻ em là một trong những bệnh lý có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như tính mạng của trẻ nhất là ở những trường hợp viêm cấp tính. Vì thế khi có những dấu hiệu của bệnh thì cha mẹ nên đưa bé đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe