Bài viết được viết bởi ThS, BS. Võ Khắc Khôi Nguyên, Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Người cao tuổi là đối tượng rất dễ bị té ngã bởi chức năng vận động suy giảm, cơ xương khớp gặp vấn đề gây ra những hạn chế khi di chuyển, hoạt động. Té ngã thường gặp nhiều ở những người già sống một mình.
Tuổi già là một giai đoạn nhạy cảm trong cuộc đời con người. Khi đó người cao tuổi phải đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn như bệnh tật kinh niên ngày càng gia tăng. Sự cô độc, thiếu hỗ trợ của gia đình-xã hội, và những khuyết tật về thể chất, tinh thần khiến cho khả năng tự chủ sinh hoạt của người cao tuổi bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tuổi thọ con người đã tăng lên trong những thập kỷ qua, và hiện tượng này đã dẫn đến sự gia tăng dân số người cao tuổi. Một trong những vấn đề phổ biến nhất, nghiêm trọng nhất làm giảm tuổi thọ và chất lượng sống ở người cao tuổi chính là biến cố té ngã. Quan trọng hơn, té ngã làm tăng tỷ lệ tử vong do thương tích không chủ ý trên thế giới.
Té ngã là biến cố thay đổi tình trạng thể chất không chủ ý và đột ngột, do ngã của một người ở tầm thấp hơn trên một vật thể hoặc sàn nhà. Té ngã được nhắc đến ở đây là một chấn thương mức năng lượng thấp, không như tai nạn giao thông, chấn thương thể thao có mức năng lượng cao. Tuy té ngã ở người cao tuổi có cơ chế chấn thương năng lượng thấp nhưng lại gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh.
1. Thay đổi thể chất ở người cao tuổi là lý do chính
Những thay đổi về thể chất của người cao tuổi bắt đầu từ khi họ bước vào tuổi trung niên. Những thay đổi này có ảnh hưởng lớn nhất đến chức năng của cơ thông qua giảm chức năng vận động, giảm sức mạnh và độ bền của cơ. Do đó, những thay đổi sinh lý trong hệ thần kinh và cơ xương khớp xảy ra dưới tác động của tiến trình lão hóa. Điều này ảnh hưởng đến khả năng vận động, sinh hoạt của người bệnh và gây ra hiện tượng té ngã ngày càng nhiều.
Gãy xương, chấn thương sọ não, gãy đốt sống và xương sườn, tổn thương mô mềm và các cơ quan nội tạng là những bệnh cảnh phổ biến do té ngã gây ra. Nghiêm trọng hơn, té ngã để lại một viễn cảnh “hậu té ngã” không mấy tốt đẹp. Đó là sự phụ thuộc vào chăm sóc trong sinh hoạt hàng ngày, tâm lý tự ti, sợ ngã, trầm cảm, bất động. Chính điều này khiến người bệnh ngày càng hạn chế hoạt động, phải nằm viện hoặc cư trú trong viện dưỡng lão. Vì thế té ngã làm gia tăng chi phí y tế cho cá nhân và cộng đồng.
Tình trạng té ngã dễ xảy ra hơn ở những người cao tuổi sống một mình. Người cao tuổi sống chung với bạn đời (vợ hoặc chồng) có thể giảm tỉ lệ té ngã. Ở độ tuổi càng cao, con người thường ở trong hoàn cảnh góa bụa, vì vậy người cao tuổi thường sống một mình hoặc sống chung với con cháu. Mặc dù sống chung với con cháu nhưng người cao tuổi lại thường có những khoảng thời gian sinh hoạt một mình do con cháu đi làm hoặc họ không thể hòa hợp với cách sống của tuổi trẻ.
Có vẻ như người cao tuổi độc thân phải đối mặt với nhiều rào cản hơn trong quá trình sinh hoạt hàng ngày và hòa nhập xã hội. Thêm vào đó, họ thường mắc các bệnh mãn tính có thể dẫn đến tàn tật, suy nhược thể chất. Các nghiên cứu cũng đã cho thấy những người mắc bệnh mãn tính có nhiều khả năng bị ngã hơn người khỏe mạnh. Đó chính là các nguyên nhân chính khiến người già té ngã.
2. Nơi nào trong nhà dễ gây té ngã cho người cao tuổi?
Nghiên cứu về không gian sống của người cao tuổi cho thấy phòng tắm, nhà vệ sinh và hành lang (phòng khách) có mức độ an toàn thấp nhất trong nhà. Có thể do phòng tắm, nhà vệ sinh bị ẩm ướt trơn trượt. Thiết kế trong nhà thường không có vị trí bám vịn tay nhất là các khu vực hành lang. Mức độ an toàn cao nhất là khu vực cầu thang, do cầu thang thường có tay vịn. Ngoài ra, mức độ an toàn cao của cầu thang có thể liên quan đến sự chú ý nhiều hơn trong thiết kế của các hộ gia đình và cầu thang tiêu chuẩn thường được che chắn, gắn các thanh chống trượt ở bậc thang.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý rằng bất kỳ nơi nào trong ngôi nhà cũng có thể gây ra té ngã ở người cao tuổi. Đặc biệt, những nơi mà người cao tuổi có phần lớn thời gian sinh hoạt hàng ngày bao gồm phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp, phòng tắm, nhà vệ sinh. Dự kiến những nơi này sẽ xảy ra nhiều vụ tai nạn té ngã hàng ngày nhất.
Phòng ngừa tai nạn té ngã cần chú ý ở những nơi có nguy cơ té ngã cao. Cầu thang thiếu các thiết kế an toàn làm tăng nguy cơ ngã ở người cao tuổi lên gấp 2,2 lần. Cầu thang thiếu an toàn và lối đi luôn được nhấn mạnh dẫn đến té ngã của người cao tuổi. Có thể giảm thiểu nguy cơ ở các vị trí này bằng cách thiết kế tay vịn cầu thang, lắp thêm các thanh chống trơn trượt ở mỗi bậc thang, và đảm bảo ánh sáng đầy đủ ở khu vực này.
Bề mặt trơn trượt là nguy cơ hàng đầu gây ra ngã trong nhà, nhất là khu vực phòng tắm và nhà vệ sinh. Nguy cơ té ngã ở người cao tuổi tăng lên gấp 1,7 lần ở khu vực nhà vệ sinh và nhà tắm không an toàn. Cần chú ý đến các thiết bị an toàn cho sàn tắm, bồn tắm không trơn và khay tắm không trơn như là biện pháp phòng ngừa quan trọng. Việc sử dụng sàn đặc biệt không trơn trượt, lắp thanh bảo vệ trên tường phòng tắm là các biện pháp tích cực trong việc ngăn ngừa té ngã của người cao tuổi.
Phòng khách, phòng ngủ được xác định nơi có yếu tố rủi ro té ngã thấp hơn các khu vực khác trong nhà. Tuy nhiên phòng khách không an toàn làm tăng khả năng ngã ở người cao tuổi lên khoảng 1,4 lần, còn phòng ngủ không an toàn đã làm tăng nguy cơ ngã lên 1,3 lần. Cả hai khu vực này thường có tấm trải sàn và thảm. Việc sử dụng thảm không bám dính và sàn trơn cũng là nguyên nhân gây trơn trượt cho người cao tuổi. Mặt khác ánh sáng phòng ngủ và lối đi sáng sủa từ giường ngủ đến nhà vệ sinh cũng là các yếu tố nguy cơ gây té ngã.
Tóm lại, sự suy giảm về thể chất và tinh thần là những nguyên nhân quan trọng gây ra té ngã ở người cao tuổi. Mặc dù, chúng ta thường coi nhà của mình là một nơi an toàn, nhưng biến cố té ngã ở người cao tuổi thường xảy ra ngay tại nhà. Việc cân nhắc thiết kế nhà ở sao cho thẩm mỹ và an toàn cho người cao tuổi giúp giảm thiểu rủi ro và tai nạn té ngã.
Ngoài ra, để bảo vệ sức khỏe của người cao tuổi, bạn nên đưa họ đến cơ sở y tế khám sức khỏe tổng quát thường xuyên bởi tầm tuổi này sức đề kháng ở người cao tuổi kém, rất dễ mắc bệnh. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có các gói Khám sức khỏe tổng quát phù hợp với từng độ tuổi, giới tính và nhu cầu riêng của quý khách hàng với chính sách giá hợp lý, bao gồm:
- Gói khám sức khỏe tổng quát Vip
- Gói khám sức khỏe tổng quát tiêu chuẩn
Kết quả khám của người bệnh sẽ được trả về tận nhà. Sau khi nhận được kết quả khám sức khỏe tổng quát, nếu phát hiện các bệnh lý cần khám và điều trị chuyên sâu, Quý khách có thể sử dụng dịch vụ từ các chuyên khoa khác ngay tại Bệnh viện với chất lượng điều trị và dịch vụ khách hàng vượt trội.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.