Nhiều phụ huynh than phiền răng bé mới mọc bị vàng và loay hoay tìm cách xử lý. Theo các chuyên gia, răng ố vàng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Vậy tại sao trẻ mới mọc răng đã bị vàng và cần can thiệp như thế nào?
1. Nguyên nhân khiến răng trẻ vị vàng
Trước khi tìm hiểu tại sao trẻ mới mọc răng đã bị vàng, chúng ta cần tìm hiểu những nguyên nhân thường gặp gây vàng răng. Theo các chuyên gia, răng bé bị vàng có thể xuất hiện ở giai đoạn, có trường hợp răng trẻ mới thay bị vàng hoặc răng vàng dần theo thời gian với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Theo đó, tình trạng răng ố vàng có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau:
1.1. Di truyền
Các bác sĩ cho biết một trong những nguyên nhân phổ biến khiến răng bé bị ố vàng là do di truyền từ bố hoặc mẹ. Sự khác biệt về kiểu gen có thể ảnh hưởng đến màu và cả độ xốp của men răng, theo đó những người có men răng xốp hơn sẽ dễ bị ố vàng hơn. Bên cạnh đó, bà bầu quá trình mang thai bị thiếu hụt canxi và fluor cũng làm tăng nguy cơ khiến trẻ mới mọc đã bị vàng.
1.2. Tác dụng phụ của thuốc
Khoa học đã chứng minh ảnh hưởng của kháng sinh Tetracyclin đến màu sắc của răng. Theo đó việc sử dụng Tetracyclin có thể làm xáo trộn cấu trúc men răng. Do đó, những trẻ có sử dụng kháng sinh Tetracyclin thì nguy cơ răng ố vàng, xỉn màu sẽ cao hơn.
1.3. Chấn thương
Chấn thương, như va đập, có thể tác động đến quá trình hình thành men răng ở giai đoạn chúng đang phát triển. Cụ thể là chấn thương sẽ làm vỡ các mạch máu, từ đó ảnh hưởng đến men răng và hệ quả là màu sắc răng bị ố vàng, xỉn màu hơn bình thường.
1.4. Nhiễm fluor
Dư thừa fluor trong sữa công thức hoặc kem đánh răng có thể dẫn đến nhiễm độc fluor. Lượng fluor dư thừa sẽ làm xuất hiện các đốm nâu, mảng trắng hoặc làm bề mặt răng loang lổ. Mặc dù Fluor được chứng minh tốt cho răng, nhưng nếu việc sử dụng không phù hợp sẽ phản tác dụng và gây hại trực tiếp cho men răng, cụ thể là gây hỏng các tế bào tạo men răng và khiến răng chuyển sang màu vàng.
1.5. Chế độ ăn uống, chăm sóc sai cách
Nguyên nhân được xem là phổ biến nhất khiến răng trẻ ố vàng là chế độ ăn uống không phù hợp hoặc các biện pháp chăm sóc răng miệng không đúng cách. Bác sĩ nha khoa luôn khuyến cáo cha mẹ về việc xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, đồng thời hướng dẫn cách vệ sinh răng miệng cho con đúng khoa học.
2. Tại sao răng mới mọc bị vàng?
Như đã đề cập đến ở phần trên, răng có thể ố vàng ở mọi độ tuổi và những trường hợp răng bé mới mọc bị vàng không hề hiếm gặp.
Theo các chuyên gia, trẻ mới mọc răng đã bị vàng thường do thiểu sản men răng và nguyên nhân sâu xa là di truyền từ bố hoặc mẹ. Các thành phần của men răng bị thiếu hụt hoặc xáo trộn, trong đó chủ yếu là canxi và fluor. Hệ quả là răng bé không trắng ngà như bình thường mà chuyển sang ố vàng, xỉn màu ngay từ giai đoạn răng sữa.
Bên cạnh đó rất nhiều trường hợp răng trẻ mới thay bị vàng, cụ thể là những chiếc răng vĩnh viễn đã ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề thẩm mỹ.
Răng vĩnh viễn bị ố vàng rất dễ phát hiện bằng mắt thường, tất nhiên biểu hiện sẽ khá đa dạng và phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Cha mẹ có thể nhận biết tình trạng răng ố vàng thông qua một số dấu hiệu nổi bật dưới đây:
- Bề mặt răng xuất hiện các vết nâu, có thể do con ăn uống thực phẩm màu đậm hoặc do chấn thương;
- Răng xuất hiện màu đỏ hoặc tím do chấn thương hoặc do tiêu thụ thực phẩm có màu tối;
- Răng xuất hiện các mảng ố vàng hoặc chuyển hẳn sang màu vàng sẫm.
3. Trẻ mới thay răng bị vàng có ảnh hưởng gì không?
Răng mới mọc bị vàng gây mất thẩm mỹ, khiến nụ cười kém xinh và trẻ thiếu tự tin, đặc biệt ở những bé bắt đầu để ý đến diện mạo của mình thì tâm lý rất dễ bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, trẻ mới mọc răng đã bị vàng và nhiễm màu còn là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề sức khỏe như sâu răng, viêm nướu, viêm nha chu...
Trong một số trường hợp răng bé bị vàng nếu không xử trí phù hợp và kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng mòn răng, sâu răng, răng ê buốt, đau nhức và cuối cùng ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và khả năng ăn uống của trẻ.
4. Xử trí tình trạng răng ố vàng
Chúng ta khi thấy răng ố vàng sẽ nghĩ ngay đến các phương pháp tẩy trắng, như sử dụng thuốc tẩy, máng ngậm hoặc chiếu laser. Thế nhưng, răng trẻ mới thay bị vàng không được các chuyên gia khuyến cáo xử trí bằng thuốc tẩy trắng thông thường. Việc xử lý tình trạng răng trẻ bị ố vàng phụ thuộc vào độ tuổi và nguyên nhân cụ thể.
4.1. Trẻ dưới 1 tuổi
Răng mới mọc bị vàng ở giai đoạn trẻ dưới 1 tuổi do nhiều yếu tố bên ngoài tác động. Mặc dù, giai đoạn này đa phần trẻ vẫn đang bú sữa mẹ hay sữa công thức nhưng nếu không được chăm sóc phù hợp cũng rất dễ khiến răng bị ố vàng.
Đối với trẻ ở giai đoạn này, các chuyên gia khuyến cáo cha mẹ không nên áp dụng các mẹo làm trắng răng dân gian hay các phương pháp hiện đại khi không có chỉ định của bác sĩ. Thay vào đó, cha mẹ chỉ nên chú ý vệ sinh răng cho con sạch sẽ ít nhất 2 lần mỗi ngày bằng nước muối sinh lý. Đồng thời, cha mẹ có thể sử dụng khăn xô mềm sạch hoặc dùng dụng cụ rơ lưỡi của trẻ thấm nước muối rồi chà sạch các vùng trong khoang miệng.
4.2. Trẻ 1 đến 5 tuổi
Giai đoạn này ghi nhận việc các bé tiếp xúc nhiều hơn với các loại thức ăn khác nhau, do đó tình trạng răng ố vàng, xỉn màu cũng dễ dàng xảy ra hơn giai đoạn trước đó.
Với trẻ từ 1-5 tuổi, răng và xương hàm vẫn đang phát triển nên việc khắc phục tình trạng răng ố vàng cần tập trung vào các vấn đề dưới đây:
- Hạn chế thực phẩm bám màu, như đồ ngọt, nước uống có ga, vì chúng làm răng dễ bị đổi màu hơn;
- Vệ sinh răng miệng đúng cách;
- Không tự ý tẩy trắng răng cho bé tại nhà: Làm sai cách có thể ảnh hưởng đến men răng, khiến răng ố vàng nhanh và nhiều hơn;
- Đưa trẻ đến gặp bác sĩ nha khoa để thăm khám và điều trị: Bác sĩ sẽ giúp cha mẹ kịp thời phát hiện ra những bệnh lý răng miệng tiềm ẩn làm răng bị ố vàng, qua đó đưa ra lời khuyên hữu ích để việc chăm sóc sức khỏe răng miệng cho con thuận lợi hơn.
4.3. Trẻ 6 đến 10 tuổi
Giai đoạn này trẻ bắt đầu thay răng sữa bằng răng vĩnh viễn, do đó ghi nhận nhiều trường răng trẻ mới thay bị vàng. Do mới thay nên răng còn yếu và những tác động bằng các kỹ thuật tẩy trắng sẽ dễ ảnh hưởng đến men răng cũng như sự phát triển của răng vĩnh viễn.
Thực tế trong giai đoạn từ 6-10 tuổi thì các bé vẫn hay ăn vặt và chưa thực sự quan tâm đến việc vệ sinh răng miệng. Do đó, cách xử lý tình trạng răng ố vàng tốt nhất vẫn là tập trung vào việc vệ sinh răng miệng đúng cách và điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý.
4.4. Trẻ trên 10 tuổi
Trẻ trên 10 tuổi, đặc biệt những bé đã phát triển toàn bộ răng vĩnh viễn, cần được cha mẹ đưa đến các phòng khám nha khoa để kiểm tra, đồng thời xác định tình trạng sức khỏe răng miệng và đánh giá mức độ vàng răng. Qua đó, bác sĩ nha khoa sẽ đưa ra cách xử trí răng ố vàng phù hợp và tìm ra nguyên nhân để khắc phục.
Phần lớn các bé sẽ được chỉ định lấy cao răng - một kỹ thuật nha khoa vô cùng đơn giản, nhằm mục đích loại bỏ các mảng bám trên bề mặt răng của trẻ. Sau khi lấy cao răng, hàm răng của trẻ trông sẽ trắng sáng hơn rất nhiều.
Lưu ý: Các phương pháp tẩy trắng răng bằng máng ngậm hay laser chỉ được khuyến cáo cho người từ 18 tuổi trở lên.
Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp độc giả hiểu hơn vì sao trẻ mới mọc răng đã bị vàng. Nếu còn bất kỳ băn khoăn, thắc mắc nào hãy liên hệ với bác sĩ để được thăm khám và hỗ trợ .
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.