Trẻ bị áp xe nướu răng có nguy hiểm?

Áp xe nướu răng là 1 trong những biến chứng của nhiễm trùng do sâu răng, bệnh lý về nướu hoặc nứt răng. Tình trạng này thường gây nhiều đau đớn cho người bệnh, hơn thế nữa vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào tủy và tích tụ mủ trong xương hàm, tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm. Đối với trẻ em, áp xe nướu răng không chỉ ảnh hưởng tới hình dạng khuôn mặt, khả năng phát âm mà còn để lại nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

1. Nguyên nhân và triệu chứng của áp xe nướu răng

Áp xe nướu răng là một trong biến chứng của bệnh sâu răng, nha chu, răng bị chấn thương, gãy hoặc mẻ. Hậu quả là làm lớp men răng bị vỡ ra tạo điều kiện cho vi khuẩn đi vào tủy răng làm tê liệt tủy răng gây nhiễm trùng tại đó.

Triệu chứng áp xe răng khá dễ nhận biết. Triệu chứng càng nặng đồng nghĩa là ổ áp xe càng lớn, ảnh hưởng đến nhiều dây thần kinh và mô xung quanh. Triệu chứng điển hình là cơn đau cấp tính và dữ dội ở xung quanh vùng nướu của răng. Ngoài ra, trẻ sẽ có một số triệu chứng tương tự như tình trạng nhiễm trùng ở các bộ phận khác như:

  • Đỏ và sưng nướu răng, thậm chí có thể lan đến cả vùng mặt và vùng cổ;
  • Có cảm giác đau, ê buốt với thức ăn nóng hoặc lạnh;
  • Có thể kèm theo nhức đầu, nóng, sốt;
  • Mùi khó chịu từ miệng, thậm chí có mùi hôi;
  • Đau khi nhai;
  • Trẻ thường có cảm giác mệt mỏi, không khỏe;
  • Mủ đặc và có mùi hôi có thể chảy ra ngoài và cơn đau sẽ giảm sau khi thoát mủ.

2. Trẻ bị áp xe nướu răng có nguy hiểm không?

Nếu trẻ được phát hiện sớm tình trạng áp xe nướu răng và can thiệp kịp thời thì có thể không để lại những biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi phát hiện đã quá muộn thì các biến chứng trầm trọng có thể xảy ra. Đây là kết quả của nhiễm trùng lây lan vi khuẩn khi không được điều trị sớm. Cụ thể một số biến chứng như sau:

  • Có thể phải nhổ bỏ mất cái răng bị áp xe nướu: Trong trường hợp nhiễm trùng nặng lan ra từ chân răng và đi vào xương hàm và lan ra mô mềm xung quanh thì rất khó có thể bảo tồn răng nên có thể phải nhổ bỏ răng ở vị trí áp xe.
  • Nang do răng: Nếu 1 áp xe răng không được chữa trị, 1 khoang chứa đầy dịch có thể phát triển ở phía dưới chân răng của trẻ.
  • Nhiễm trùng xoang hàm: Trường hợp áp xe răng xảy ra ở những vị trí gần các xoang thì có nguy cơ cao gây nhiễm trùng các xoang lân cận.
  • Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng: Nguyên nhân do chủng vi khuẩn gây áp xe ở nướu răng đi qua các mạch máu nhỏ và xâm nhập vào những mạch máu lớn đến tim có thể gây nhiễm trùng máu toàn thân, thậm chí hậu quả có thể gây tử vong.
  • Viêm tấy lan tỏa và hoại tử ở sàn miệng: Đây là 1 bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng lan rộng xuống 2 bên vùng dưới lưỡi, dưới hàm và vùng dưới cằm và đôi khi gây ra tử vong cho trẻ. Nguyên nhân xảy ra biến chứng này là do tình trạng áp xe răng ở trẻ kéo dài mà không được điều trị tích cực. Tiến triển của bệnh làm nghẽn tắc đường hô hấp và gây ngạt thở dẫn đến tử vong.
  • Áp xe não: Do nhiễm trùng từ vị trí các răng có thể lây lan đến não thông qua các mạch máu, dấu hiệu thường gặp nhất là tình trạng hôn mê.

3. Điều trị áp xe nướu răng

Trẻ được thăm khám lâm sàng sẽ giúp bác sĩ xác định dễ dàng tình trạng áp xe răng. Nếu răng bị nhiễm trùng thì vùng mô xung quanh có màu sẫm do các mô tủy hoại tử thấm vào phần xốp của răng. Nướu răng sưng lên và nung mủ ở quanh vị trí chân răng bị áp xe. Tùy vào vị trí và mức độ áp xe để bác sĩ có hướng điều trị phù hợp. Nguyên tắc là cần loại bỏ ổ nhiễm trùng, bảo tồn răng, phòng ngừa biến chứng cũng như điều trị nguyên nhân tái phát.

  • Điều trị ở giai đoạn cấp tính

Loại bỏ mủ áp xe tránh sưng viêm nặng ảnh hưởng đến các mô xung quanh được thực hiện ưu tiên. 1 thủ thuật trích răng nhỏ sẽ được thực hiện để thoát dịch, làm sạch vi khuẩn gây bệnh ở vị trí áp xe. Kết hợp với kháng sinh nhằm tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, ngăn chặn tình trạng áp xe tiến triển. Một số thuốc khác thường được bác sĩ chỉ định để giảm triệu chứng như thuốc giảm đau, kháng viêm, vitamin... tùy trong từng trường hợp cụ thể.

  • Điều trị tận gốc

Sau khi dẫn lưu mủ, các triệu chứng đã giảm dần, nhưng cần phải tiếp tục điều trị để tránh tình trạng nhiễm trùng tái phát. Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện điều trị tủy, lấy vôi răng, gắp mảnh vỡ... Tuy nhiên, khi tình trạng áp xe quá nặng, không thể điều trị bảo tồn thì có thể phải nhổ bỏ răng tại vị trí áp xe đó.

Sau khi điều trị áp xe nướu răng ở trẻ cần lưu ý đến chế độ ăn uống đầy đủ, bổ sung nhiều nước, vitamin và muối khoáng. Lưu ý không nên để khô miệng và hạn chế các thực phẩm cứng, nóng, lạnh.

4. Một số biện pháp giúp phòng ngừa áp xe nướu răng ở trẻ em

Để phòng ngừa nguy cơ bị áp xe nướu răng, các bậc cha mẹ cần đặc biệt lưu ý thực hiện một số vấn đề sau đây:

  • Hàng ngày cần tuân thủ những nguyên tắc chăm sóc răng miệng nhất định. Phải giữ vệ sinh răng miệng tốt cho trẻ sau các bữa ăn hay sau khi ăn đồ ăn vặt và chăm sóc răng miệng cho trẻ đúng cách.
  • Tạo cho trẻ có thói quen dùng chỉ tơ nha khoa. Đánh răng hàng ngày vẫn chưa thể làm sạch các mảng bám ở những vị trí khó lấy nhất. Dùng chỉ nha khoa giúp bạn loại bỏ các vi khuẩn phát triển ở giữa các kẽ răng, nên dùng chỉ nha khoa hai lần mỗi ngày.
  • Cho trẻ súc miệng bằng nước diệt khuẩn sau khi đánh răng 1 hoặc 2 lần mỗi ngày để loại trừ các mảng bám trên bề mặt răng. Nếu các mảng bám vẫn tồn tại sẽ gây ra các bệnh về nướu răng, viêm lợi và các lỗ sâu trên răng.
  • Hạn chế cho trẻ ăn các thức ăn nhiều đường như kẹo mút, kẹo cứng và tránh xa các loại thức ăn mềm có tính dính cao như kẹo dẻo, nho khô, trái cây sấy... Những loại thức ăn này là cho vi khuẩn hoạt động mạnh tiết ra nhiều acid có hại cho răng.
  • Tăng cường sức đề kháng của mô cứng răng bằng cách bổ sung fluor như uống viên fluor, fluor hóa muối ăn, fluor hóa nước uống hoặc kem đánh răng hay nước súc miệng có fluor, cung cấp một chế độ ăn cân đối cho cả mẹ và con.
  • Nên đưa trẻ đi khám định kỳ mỗi 6 tháng 1 lần để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường ở giai đoạn sớm. Không nên chờ đến khi trẻ đã xảy ra tình trạng áp xe nướu răng hay đau răng mới đem trẻ đi khám ở nha sĩ.
  • Các bậc cha cần phát hiện sớm và chữa sớm các răng bị sâu của trẻ, như vậy sẽ là giảm bớt nguy cơ bị áp xe nướu răng.
  • Trong trường hợp trẻ có răng bị chấn thương (gãy hoặc mẻ) nếu răng đau nhức, dai dẳng hoặc có những dấu hiệu áp xe như đã nêu trên cần đưa trẻ đi khám sớm để can thiệp kịp thời.

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan và giải đáp được thắc mắc của nhiều bậc cha mẹ về “áp xe nướu răng ở trẻ em có nguy hiểm không?”. Biện pháp tốt nhất để phòng ngừa áp xe nướu răng ở trẻ em là thực hiện chăm sóc răng miệng đúng cách hàng ngày dưới sự hướng dẫn của cha mẹ nhằm phòng tránh các biến chứng nghiêm trọng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe