Mỡ thừa ở trên cơ thể nói chung và vùng bụng nói riêng sẽ gây ra những tác hại từ ít đến nhiều, tùy theo lượng mỡ. Các tác hại của mỡ thừa gây ra cho cơ thể như: Ảnh hưởng đến xương khớp, làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch, tiểu đường và các bệnh lý nguy hiểm khác.
1. Thế nào gọi là mỡ thừa?
Mỡ thừa hay còn gọi béo phì, là tình trạng mỡ tích lũy quá mức tại một vùng cơ thể hay toàn thân, ảnh hưởng tới sức khỏe. Vì vậy, mỡ là tiêu chuẩn duy nhất của béo phì.
Mô mỡ là một loại mô tế bào cấu tạo nên cơ thể con người. Bình thường, mô mỡ không gây hại, nhưng khi tích trữ quá nhiều dẫn đến mỡ thừa và gây hại cho cơ thể. Ở nam giới tỷ lệ mỡ khoảng 15-20%, nữ 25-30% được coi là bình thường. Tuy nhiên, khi tỷ lệ mỡ cao hơn chỉ số này, đồng nghĩa với việc bạn bị béo phì. Thông thường, béo phì có hai dạng:
- Dạng béo phì do phì đại tế bào mỡ: Béo phì do phì đại tế bào mỡ sẽ nguy hiểm và hay gặp ở người trưởng thành. Nguyên nhân tế bào mỡ có thể phì đại được, là do các yếu tố nội bào kích thích và các hormon.
- Béo phì tăng sinh tế bào mỡ: Thường gặp ở thiếu niên, ít nguy hiểm hơn vì chúng có khả năng tiêu biến.
Các chỉ số đơn giản có giá trị chẩn đoán mỡ thừa như sử dụng chỉ số BMI (chỉ số BMI nằm trong khoảng 20-25 là bình thường, nhưng khi có giá trị trên 30 thì bạn đã bị béo phì) hoặc đo bề dày lớp mỡ dưới da ở 4 vị trí (dưới mỏm vai, vùng cơ tam đầu cánh tay, cơ nhị đầu cánh tay, vùng eo)... Những chỉ số này dễ dàng kiểm tra và có giá trị chẩn đoán tương đối tốt béo phì, mặc dù ít chính xác hơn chỉ số % mỡ trong cơ thể.
2. Mỡ thừa vùng bụng là do đâu?
Ở vùng bụng, kích cỡ eo của nữ giới lớn hơn 88.9 cm được xem là thừa mỡ bụng, còn với nam giới vòng eo khoảng 101.6 cm trở lên thì đồng nghĩa với việc mỡ thừa vùng bụng tích lũy nhiều. Một trong những nguyên nhân gây ra mỡ thừa ở vùng bụng là do:
- Có thói quen ít vận động: Ít vận động gây tích lũy mỡ thừa vùng bụng thường gặp ở môi trường làm việc công sở do thói quen ngồi nhiều, khiến năng lượng và mỡ không được giải phóng mà tích tụ lại thành mỡ bụng.
- Thói quen sinh hoạt không lành mạnh: Việc sinh hoạt không lành mạnh như thói quen thức đêm nhiều, hay ăn đêm, uống nhiều đồ uống có ga,... sẽ khiến mỡ thừa tích tụ ở vùng bụng.
- Chế độ ăn uống không hợp lý: Khi ăn quá nhiều đồ chiên, rán, chất béo mà ít ăn chất xơ từ rau củ quả hay uống ít nước sẽ gây ra mỡ thừa.
- Thay đổi nội tiết tố: Nội tiết tố nữ thường thay đổi khi đến tuổi dậy thì, mang thai, tiền mãn kinh hay mãn kinh và dùng thuốc tránh thai sẽ khiến cho mỡ thừa tích tụ nhiều ở vùng bụng và trong cơ thể.
3. Tác hại của mỡ thừa ở vùng bụng
Mỡ thừa ở trên cơ thể nói chung và vùng bụng nói riêng sẽ gây ra những tác hại từ ít đến nhiều, tùy theo lượng mỡ. Các tác hại của mỡ thừa gây ra cho cơ thể bạn bao gồm:
- Thân hình không cân đối, mất tự tin: Những người bị mỡ thừa sẽ nhận thấy thân hình trở nên đồ sộ, xấu xí. Vùng da bị kéo căng sẽ trở nên rạn nứt, mất thẩm mỹ khiến bạn mất tự tin, không diện được những trang phục mình yêu thích.
- Mỡ thừa gây ảnh hưởng đến xương khớp: Mỡ thừa vùng bụng nói riêng và trên cơ thể nói chung sẽ khiến xương khớp của bạn phải chịu một áp lực rất lớn, lâu dần dễ bị thoái hoá và đau nhức, đi lại khó khăn.
- Nguy cơ bệnh tim mạch: Người bị béo phì thường đi kèm với các rối loạn mỡ trong máu hoặc cholesterol cao. Khi mức cholesterol cao sẽ gây xơ hóa lòng mạch máu, tăng huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim,... nguy hiểm đến tính mạng.
- Nguy cơ gây bệnh tiểu đường: Mỡ thừa sẽ làm tăng nguy cơ gây bệnh tiểu đường.
Mỡ thừa gây ra một số bệnh lý khác như: Người bị mỡ thừa có thể có nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm như suy giảm chức năng sinh lý ở nam giới, rối loạn nội tiết, ung thư,... và các bệnh lý nguy hiểm khác.
3. Làm thế nào để giảm tác hại của mỡ thừa?
Từ những tác hại của mỡ thừa gây ra, có thể hiểu răng để hạn chế các tác hại đó, bạn phải có phương pháp làm giảm mỡ thừa trong cơ thể mình. Các phương pháp giảm mỡ thừa vùng bụng thường được áp dụng như sau:
- Thay đổi chế độ dinh dưỡng: Dinh dưỡng là yếu tố làm tăng mỡ thừa nhưng cũng có thể giúp bạn giảm mỡ thừa. Hạn chế đồ ăn nhanh, dầu mỡ, nước ngọt có ga hay đồ ăn chứa nhiều đường là điều cần thiết ở những người béo phì, mỡ thừa nhiều. Thay vào đó, nên bổ sung nhiều hoa quả, rau xanh,... vào thực đơn hàng ngày. Uống đủ nước mỗi ngày.
- Vận động hợp lý: Tập các bài tập thể dục có cường độ cao như chạy bộ hay đạp xe.
- Nghỉ ngơi hợp lý: Ngoài chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý, người bị béo phì nên giảm stress, ngủ đủ giấc để giảm lượng mỡ thừa vùng bụng.
- Hút mỡ bụng: Ngoài ra, trong một số trường hợp, béo phì gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe hoặc bạn không có khả năng vận động để giảm lượng mỡ thừa thì có thể hút mỡ bằng công nghệ tiên tiến không để lại sẹo, giảm sưng nề, hạn chế tối đa tổn thương các mạch máu, thần kinh...
Ngoài việc giảm mỡ vùng bụng, nếu bạn có mỡ ở vùng cánh tay, ngực, hông đùi thì cũng cần phải giảm bằng phương pháp:
- Tập các bài tập giảm béo toàn thân: Khi bạn có mỡ thừa ở vùng ngực, cánh tay, thì cần tập các bài tập giảm béo toàn thân. Các bài tập thường được áp dụng là tập tạ, plank, chống đẩy. Trong thời gian giảm béo nên uống nhiều nước, ăn thực phẩm lành mạnh, chứa nhiều chất xơ.
- Đối với phần mỡ ở khu vực đùi và hông được xem là mỡ dưới da, chất béo tích vụ ở vùng này thường do ăn nhiều thực phẩm không lành mạnh. Vì vậy để giảm béo ở khu vực hông, đùi bạn cần có chế độ ăn nhiều thực phẩm tươi sống, giảm ăn thực phẩm đóng hộp, nhiều đường và kết hợp tập các bài tập Squat, plank, chống đẩy.
Tóm lại, thừa cân béo phì luôn khiến mỗi người cảm thấy mệt mỏi trong cuộc sống hằng ngày, vì thế bạn cần chăm sóc bản thân để có sức khỏe ổn định. Hãy lựa chọn chế độ dinh dưỡng hợp lý để tận hưởng cuộc sống tốt đẹp hơn.Trong trường hợp bạn đã cảm thấy mình ở mức quá béo, làm tăng nguy cơ mắc bệnh và không thể áp dụng các biện pháp giảm cân thông thường thì hãy tìm đến bác sĩ để có được lời khuyên hữu ích nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.