Hội chứng rối loạn trì hoãn giấc ngủ

Hội chứng rối loạn trì hoãn giấc ngủ (DSPS) là một loại rối loạn giấc ngủ theo nhịp sinh học mà bất kì ai cũng có thể gặp phải. Tình trạng kéo dài sẽ gây mệt mỏi ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Bài viết này sẽ đề cập tới cách nhận biết của hội chứng rối loạn trì hoãn giấc ngủ và các biện pháp để đề phòng bệnh.

1. Thế nào là hội chứng rối loạn trì hoãn giấc ngủ?

Hội chứng rối loạn trì hoãn giấc ngủ (DSPS) là một loại rối loạn giấc ngủ theo nhịp sinh học mà bất kì ai cũng có thể gặp phải. Nó còn có tên gọi khác là rối loạn giấc ngủ bị trì hoãn hoặc rối loạn đánh thức giấc ngủ bị trì hoãn. Tình trạng kéo dài sẽ gây cản trở các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người bệnh

Hội chứng này xảy ra khá phổ biến và có thể phát triển ở mọi lứa tuổi, nhưng chủ yếu ảnh hưởng đến thanh thiếu thiên và người trưởng thành (chiếm khoảng 15%).

Cơ chế chính gây ra bệnh là do bất thường đồng hồ sinh học bên trong cơ thể của người bệnh. Người bệnh không thể ngủ đúng giờ sinh học mà thay giấc ngủ thường bị trễ ít nhất hai giờ, điều này xảy ra ngay cả khi bạn mệt mỏi.

2. Dấu hiệu nhận biết của hội chứng trì hoãn giấc ngủ

Tình trạng trì hoãn giấc ngủ tương tự như một người thức khuya, nhưng thay vì bạn chủ động đi ngủ muộn thì với DSPS, bạn sẽ đi ngủ muộn vì đồng hồ sinh học trong cơ thể của bạn thay đổi. Các dấu hiệu thường gặp bao gồm:

  • Khó đi vào giấc ngủ: DSPS khiến bạn khó ngủ vào giờ đi ngủ sinh lý. Sự chậm trễ của đồng hồ sinh học bên trong của bạn khiến cho cơ thể luôn trong trạng thái tỉnh táo.
  • Không thể ngủ trước 12h đêm, thông thường giờ ngủ trong khoảng từ 2 giờ sáng đến 6 giờ sáng.
  • Tình trạng khó ngủ có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu người bệnh cố gắng thức để làm bài tập về nhà hoặc sử dụng mạng xã hội.
  • Khó thức dậy vào ngày hôm sau: Bởi vì đi ngủ muộn dẫn tới việc bạn khó tỉnh dậy vào thời gian sinh lý cơ thể bình thường. Điều này là do đồng hồ sinh học bên trong của bạn chưa báo hiệu cho cơ thể thức dậy.
  • Thường ngủ ngon vào cuối buổi sáng hoặc buổi chiều.
  • Ngủ ngày quá nhiều.
  • Buồn ngủ ban ngày: Tình trạng này xảy ra khi bạn không thể ngủ được nhưng cần thức dậy vào một thời điểm nhất định.
  • Không đi kèm bệnh lý rối loạn giấc ngủ khác( ví dụ như tình trạng ngưng thở khi ngủ).

3. Hậu quả của hội chứng trì hoãn giấc ngủ

Đa phần tình trạng này vẫn có thể khiến cho người bệnh ngủ đủ giấc vì người bệnh chỉ bị trì hoãn và khi bạn chìm vào giấc ngủ, bạn sẽ không gặp vấn đề gì khi ngủ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp gây ra hệ lụy như sau:

  • Giảm sự tập trung và chú ý.
  • Tình trạng mệt mỏi kéo dài cả ngày: Buồn ngủ ban ngày cũng có thể cản trở cuộc sống đối với cả người đi làm hay đi học. Bạn có thể đến muộn, bỏ lỡ công việc trong nhiều ngày hoặc giảm tập trung chú ý. Trẻ em và thanh thiếu niên mắc DSPS có thể có kết quả học tập kém hơn.
  • Trầm cảm và thay đổi hành vi: Nếu không thể giữ một giấc ngủ bình thường có thể khiến người bệnh bị trầm cảm do căng thẳng.
  • DSPS cũng có thể dẫn đến nguy cơ phụ thuộc vào caffeine, rượu hoặc thuốc an thần.

4. Nguyên nhân của hội chứng rối loạn trì hoãn giấc ngủ là gì?

Mặc dù nguyên nhân chính xác của DSPS vẫn chưa được biết nhưng nó thường liên quan đến một số yếu tố sau:

  • Di truyền học. Nếu có người thân mắc DSPS, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. 40% những người bị DSPS có tiền sử gia đình mắc chứng rối loạn này.
  • Thay đổi sau tuổi dậy thì. Ở tuổi vị thành niên, chu kỳ giấc ngủ 24 giờ của cơ thể trở nên dài hơn, đòi hỏi thời gian ngủ và thức muộn hơn.
  • Rối loạn tâm lý và thần kinh. DSPS được liên kết với các tình trạng rối loạn về tâm lý, thần kinh như: Phiền muộn, căng thẳng, chứng tăng động giảm chú ý, chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế
  • Mất ngủ mãn tính. DSPS gặp tới 10% những người bị mất ngủ kinh niên.
  • Do thói quen. Các triệu chứng của DSPS có thể trở nên tồi tệ hơn nếu bạn không tiếp xúc đủ ánh sáng vào buổi sáng. Các triệu chứng cũng có thể tăng lên nếu bạn tiếp xúc với quá nhiều ánh sáng vào ban đêm.

5. Làm thế nào để chẩn đoán hội chứng rối loạn trì hoãn giấc ngủ?

DSPS thường bị chẩn đoán nhầm với bệnh trầm cảm hoặc chứng mất ngủ kinh niên. Do đó, nếu bạn hoặc con bạn có vấn đề về giấc ngủ, đặc biệt nếu mất ngủ ít nhất 7 ngày, hãy đến cơ sở y tế để thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh để được thăm khám và thực hiện một số xét nghiệm để xác định bạn có mắc DSPS hay không. Các bác sĩ có thể thực hiện một số thao tác dưới đây:

  • Thu thập tiền sử bệnh của bản thân và gia đình bạn, quá trình diễn ra bệnh, ghi lại thời gian bạn đi ngủ và thức dậy mỗi ngày.
  • Thực hiện đo đa ký giấc ngủ với mục đích để loại trừ tình trạng mất ngủ do nguyên nhân nghiêm trọng khác. Phương pháp này được thực hiện khi bạn đang ngủ để theo dõi sóng não và nhịp tim của bạn để bác sĩ có thể biết được cơ thể bạn như thế nào trong khi ngủ.

6. Phương pháp điều trị hội chứng rối loạn trì hoãn giấc ngủ

Mục đích của việc điều trị tình trạng bệnh này là đưa lịch trình giấc ngủ của bạn trở về bình thường bằng cách điều chỉnh đồng hồ sinh học của bạn. Và ưu tiên hàng đầu là thay đổi lối sống.

  • Mỗi tối, bạn sẽ đi ngủ sớm hơn khoảng 15 phút. Bạn cũng sẽ thức dậy sớm hơn một chút mỗi ngày.
  • Thực hiện liệu pháp tâm lý sử dụng ánh sáng: Sau khi thức dậy, bạn sẽ ngồi gần hộp đèn sáng trong 30 phút. Việc tiếp xúc với ánh sáng buổi sáng có thể giúp bạn ngủ sớm hơn bằng cách thúc đẩy đồng hồ sinh học bên trong của bạn.
  • Bổ sung melatonin. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn dùng melatonin, đây là một loại hormone kiểm soát chu kỳ đánh thức giấc ngủ của bạn.Liều dùng và thời gian sử dụng đối với mỗi người là khác nhau, vì vậy điều quan trọng cần lưu ý là phải thực hiện theo hướng dẫn chính xác của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc.
  • Thực hiện các thói quen tốt bao gồm tuân theo một lịch trình ngủ đều đặn, tránh sử dụng các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ. Tránh sử dụng cafein, rượu, thuốc lá trước khi đi ngủ.
  • Tập thể dục đều đặn ít nhất 30 phút/ ngày và 5 ngày/ tuần.

Hội chứng rối loạn trì hoãn giấc ngủ (DSPS) là một rối loạn của đồng hồ sinh học bên trong cơ thể. Chu kỳ giấc ngủ của bạn bị trì hoãn và bạn không thể ngủ được cho đến khi quá giờ đi ngủ “bình thường” từ 2 tiếng trở lên. Tình trạng bệnh có thể được cải thiện khi bạn thay đổi đồng hồ sinh học trong cơ thể bằng liệu pháp tâm lý sử dụng ánh sáng, melatonin và thay đổi lối sống. DSPS phổ biến nhất ở thanh thiếu niên do đó, nếu bạn hoặc con của bạn gặp bất kỳ vấn đề nào về giấc ngủ, cần thăm khám bác sĩ sớm để được chẩn đoán đúng và có phương pháp điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe