Các thực phẩm tốt cho tuyến giáp

1. Tìm hiểu về chức năng của tuyến giáp

Tuyến giáp là tuyến nội tiết lớn nhất trong cơ thể con người. Đây là bộ phận rất nhỏ nằm phía trước cổ (tương đương với đốt sống cổ 5 - đốt sống ngực 1) và có hình dạng giống con bướm. Phía trước tuyến giáp là da và cơ thịt, phía sau chính là khí quản. Cấu tạo gồm 2 thùy (thùy phải, thùy trái) và 1 eo tuyến nối 2 thùy lại với nhau.

Tuyến giáp được hình thành từ tyrosin và iot, nó đảm nhận nhiều vai trò quan trọng đối với hoạt động sống. Những chức năng quan trọng của tuyến giáp bao gồm:

  • Kích thích hoạt động của tim, tăng cường sự co bóp cũng như quá trình trao đổi chất trong cơ thể;
  • Tuyến giáp tác động đến sự phát triển và hoạt động của các tuyến sinh dục, đặc biệt là tuyến sữa;
  • Tăng cường quá trình tạo nhiệt, làm tăng đường huyết và kích thích sự phát triển, hoàn thiện hệ thần kinh.
  • Ngoài ra, tuyến giáp còn giữ một vai trò rất quan trọng đó là điều tiết lượng photpho và canxi trong máu.

Trên thực tế, có rất nhiều bệnh lý về tuyến giáp thường gặp như: Cường giáp, suy giáp, nhược giáp, nang tuyến giáp hay rối loạn tuyến giáp, u tuyến giáp,.... Các bệnh lý về tuyến giáp đều có những biểu hiện giống nhau như: Đau cổ, khó nuốt,.... và thường mất nhiều thời gian điều trị cũng như cân bằng lại hormone để có thể hoạt động tốt nhất. Vì vậy, việc xây dựng chế độ ăn với những loại thực phẩm tốt cho tuyến giáp đóng vai trò rất quan trọng, giúp nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.

2. Thực phẩm tốt cho tuyến giáp

Khi tuyến giáp hoạt động kém hơn thì sẽ không sản xuất đủ hormon tuyến giáp, từ đó khiến cho người bệnh bị tăng cân, mệt mỏi, trầm cảm hoặc dễ cảm lạnh. Ngược lại, nếu tuyến giáp hoạt động quá mức thì cũng sẽ khiến sản xuất quá nhiều hormone và làm cho người bệnh sút cân, nhịp tim bất thường, căng thẳng, đổ mồ hôi hoặc luôn cảm thấy khó chịu.

Có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh lý tuyến giáp như do di truyền, rối loạn tự miễn, độc tố môi trường hoặc chế độ dinh dưỡng không phù hợp. Trên thực tế, sức khỏe nói chung và hoạt động của tuyến giáp nói riêng có sự phụ thuộc rất nhiều vào chế độ ăn uống hàng ngày.

Dưới đây là một số loại thực phẩm tốt cho tuyến giáp, giúp giải đáp thắc mắc “bệnh tuyến giáp nên ăn gì” ở một số người:

  • Iốt: Iốt là thành phần rất cần cho tuyến giáp, bởi nó giúp cho cơ quan này sản sinh ra các hormon cần thiết và cân bằng chúng, từ đó giảm nguy cơ bị u tuyến giáp. Cách đơn giản nhất để bổ sung iốt là sử dụng muối hoặc ăn các tảo, rong biển, sản phẩm từ sữa chua và sữa....Mỗi loại thực phẩm hay gia vị sẽ có một lượng iốt khác nhau, vì vậy bạn chỉ nên ăn vừa đủ bởi bổ sung quá nhiều cũng có thể gây nguy hiểm cho tuyến giáp.
  • Gà và thịt bò: Trong thịt gà và thịt bò chứa rất nhiều kẽm, cứ trung bình 100g thịt bò chứa khoảng 3g kẽm; 100g thịt gà chứa khoảng 2,4g kẽm. Kẽm là chất dinh dưỡng rất cần thiết đối với tuyến giáp, nếu thiếu thì có thể dẫn đến suy giáp, gây ra một loạt các rối loạn tự miễn tấn công vào nang tóc, khiến người bệnh bị rụng tóc thành từng mảng. Do vậy, có thể khẳng định, thịt gà và thịt bò là những loại thực phẩm tốt cho tuyến giáp.
  • Cá và hải sản: Cá và các loại hải sản như tôm, cua, hàu,... là những thực phẩm bổ sung iốt rất tốt. Trung bình cứ 100g cá chứa sẽ chứa khoảng 99 mcg Iot. Đối với những ai đang thắc mắc “bệnh tuyến giáp nên ăn gì?” thì tốt nhất nên thiết kế thực đơn ăn ít nhất 3 bữa cá một tuần, ưu tiên ăn những loại được đánh bắt tự nhiên như: Cá hồi, cá tuyết, cá thu,... vì nó chứa nhiều dầu và dinh dưỡng tốt cho người bị u tuyến giáp.
  • Trứng: Trong mỗi quả trứng chứa khoảng 20% selen và 16% lượng iốt cần thiết cho cơ thể. Hiện nay, trứng được xem là một trong những loại thực phẩm tốt cho tuyến giáp, nên được bổ sung vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Thêm một thông tin hữu ích đó là lòng đỏ trứng còn có chứa nhiều dưỡng chất giúp hỗ trợ trao đổi chất trong cơ thể.
  • Quả mọng: Nói quả mọng là thực phẩm tốt cho tuyến giáp và sức khỏe con người là bởi trong nó chứa các chất chống oxy hóa. Một số loại quả mọng như dâu tây, mâm xôi, việt quất...đều cần được bổ sung mỗi ngày.
  • Rau lá xanh: Các loại rau xanh như bina, rau diếp,...đều là những loại thực phẩm giàu magie, khoáng chất và vitamin...có tác dụng tăng cường quá trình trao đổi chất, hỗ trợ các hoạt động của tuyến giáp. Có thể khẳng định, rau lá xanh không chỉ là thực phẩm tốt cho phụ nữ mà đàn ông bị bệnh lý về tuyến giáp đều nên ăn mỗi ngày.
  • Các loại hạt: Một số loại hạt như: Đạt điều, hạnh nhân, hạt bí chính là nguồn thực phẩm giàu magie, tốt cho tuyến giáp. Các loại hạt này sẽ cung cấp một lượng protein thực vật, kẽm, đồng, vitamin E, và B thiết yếu cho cơ thể, từ đó giúp tuyến giáp hoạt động trơn tru hơn.

Một số loại thực phẩm tốt cho tuyến giáp kể trên cần phải bổ sung đầy đủ trong bữa ăn hàng ngày để giúp cơ thể khỏe mạnh, từ đó hạn chế được tối đa các bệnh lý về tuyến giáp.

Các loại rau xanh như bina, rau diếp,...đều là những thực phẩm tốt cho tuyến giáp

3. Những người bị bệnh tuyến giáp không nên ăn gì?

Khi biết được “bệnh tuyến giáp nên ăn gì?” thì cũng cần lưu ý những thực phẩm cần tránh để không làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Theo các bác sĩ chuyên khoa, những người bị bệnh tuyến giáp không nên ăn một số loại thực phẩm như sau:

  • Thực phẩm chế biến sẵn: Đây là một trong các loại thực phẩm mà người bị bệnh lý tuyến giáp không được sử dụng. Nguyên nhân là bởi những loại thực phẩm này thường chứa đậu tương, calo rỗng hoặc là các chất phụ gia nên không tốt cho cơ thể và tuyến giáp. Đặc biệt, hàm lượng chất béo cao trong thực phẩm chế biến sẵn có thể khiến cho việc sản xuất thyroxin của tuyến giáp bị suy giảm, tồi tệ hơn là làm giảm tác dụng của các thuốc điều trị suy giáp.
  • Không được ăn nhiều đường và chất xơ: Mặc dù chất xơ rất tốt cho hệ tiêu hóa nhưng nó lại gây cản trở sự hấp thu thuốc của cơ thể. Vì vậy, những người bị bệnh tuyến giáp đang phải điều trị bằng thuốc thì nên hạn chế ăn nhiều chất xơ. Bên cạnh đó, đường và các chất tạo ngọt cũng cần hạn chế vì khi bị bệnh tuyến giáp thì việc chuyển hóa đường thành năng lượng sẽ suy giảm, khiến cho người bệnh dễ bị tăng cân, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến giáp.
  • Những người bị suy giáp cũng nên tránh ăn củ cải, bông cải xanh chưa được nấu chín vì các loại thực phẩm này có chứa nhiều isothiocyanates, khiến cho việc hấp thu iot bị suy giảm.
  • Ngoài ra, người bị bệnh lý về tuyến giáp cũng không nên ăn những đồ ăn cay nóng, thực phẩm nhiều dầu mỡ, các loại đồ uống có ga vì có thể làm giảm hiệu quả điều trị bệnh.

Tóm lại, tuyến giáp là một cơ quan rất quan trọng trong cơ thể. Những người bị bệnh tuyến giáp phải điều trị thì có thể làm tổn hại đến cơ chế miễn dịch. Do vậy, chế độ dinh dưỡng với những thực phẩm tốt cho tuyến giáp đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp tuyến giáp khỏe mạnh, hỗ trợ quá trình điều trị bệnh và phục hồi sức khỏe nhanh hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe