Khi bị hoại tử ngón tay, người bệnh không chỉ bị đau đớn, khó chịu mà còn ảnh hưởng tới yếu tố thẩm mỹ, sự tự tin. Sau đây là thông tin chi tiết về nguyên nhân, dấu hiệu, cách xử trí khi ngón tay bị hoại tử.
1. Hoại tử ngón tay là gì?
Hoại tử ngón tay là tình trạng một phần của ngón tay bị chết dần đi. Các mô, tế bào bị chết đi ở ngón tay sẽ không thể hồi phục hoàn toàn về trạng thái ban đầu. Thậm chí, trong trường hợp nặng, người bệnh có thể bắt buộc phải bỏ đi ngón tay bị hoại tử. Do đó, khi có bất kỳ vết thương nào ở tay hoặc ngón tay, người bệnh cần có hướng chăm sóc đúng cách để tránh hậu quả mất ngón tay do hoại tử.
2. Nguyên nhân hoại tử ngón tay
Một số nguyên nhân gây hoại tử ngón tay gồm:
2.1 Nhiễm trùng do tiếp xúc với hóa chất
Khi tay có vết thương hở mà người bệnh vẫn phải thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất tẩy rửa như javen công nghiệp, xà phòng, cao su, hóa chất từ hóa mỹ phẩm,... thì các chất này có thể làm chết đi phần mô, tế bào đang tổn thương. Như vậy, vết thương sẽ khó lành hơn, dễ nhiễm trùng hơn. Nếu không tạm ngưng việc tiếp xúc với hóa chất thì nguy cơ hoại tử ngón tay có thể xảy ra.
2.2 Chấn thương, tai nạn
Hoại tử ngón tay có thể hình thành do chấn thương, tai nạn. Tùy mức độ nặng/nhẹ của chấn thương mà độ hoàn nguyên của ngón tay cũng khác nhau. Nếu chấn thương nặng, người bệnh cần đến cơ sở y tế gấp để được xử lý vết thương, loại bỏ các mô tế bào chết, kết hợp với sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm để phục hồi vết thương ở ngón tay. Nếu vết thương nhỏ, bệnh nhân cần chăm sóc, xử lý đúng cách để tránh nhiễm trùng, hoại tử.
2.3 Xử lý vết thương sai cách
Một nguyên nhân gây hoại tử ngón tay chính là xử lý vết thương mụn nhọt, lở loét không đúng cách, khiến vết thương bị nhiễm trùng. Một khi vết thương đã nhiễm trùng thì tỷ lệ hoại tử sẽ tăng cao. Một số sai lầm khi xử lý vết thương là: Băng bó quá chặt, sử dụng các loại lá cây theo truyền miệng để băng bó, không xử lý, không rửa vết thương,...
Do đó, lời khuyên cho người bệnh là cần vệ sinh vết thương đúng cách, không cố nặn mụn khi mụn chưa già, kịp thời phát hiện các vết loét bị hoại tử. Đồng thời, bệnh nhân nên hạn chế để vết mụn hoặc lở loét trên tay tiếp xúc với các tác nhân gây nhiễm trùng.
2.4 Tắc nghẽn mạch
Tắc nghẽn mạch, giảm lưu lượng máu cũng là nguyên nhân gây hoại tử ngón tay. Ghi nhận nam giới trung niên, ít vận động thường sẽ gặp tình trạng này nhiều hơn. Nếu không phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng tắc nghẽn mạch máu ở tay thì có thể khiến tay bị hoại tử, bắt buộc phải làm phẫu thuật tháo khớp tay.
Có nhiều trường hợp tắc nghẽn mạch máu không có biểu hiện qua vết thương nên rất khó để phát hiện. Do đó, ngay khi thấy tay bị tê mỏi và đau, người bệnh nên đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ hoại tử tay.
2.5 Hút thuốc lá
Sử dụng quá nhiều thuốc lá có thể gây bệnh viêm tắc động mạch mạn tính. Căn bệnh này gây di chứng hoại tử tứ chi và buộc phải cắt bỏ. Hiện ghi nhận có nhiều bệnh phân phải cấp cứu trong tình trạng ngón tay và chân bị hoại tử khô, nguyên nhân là do hút thuốc lá. Tình trạng hoại tử tay xảy ra nhiều hơn ở nam giới nghiện thuốc lá.
Triệu chứng bệnh nhân gặp phải là đau đớn. Ban đầu là trạng thái đau cách hồi do máu không được bơm đến nuôi dưỡng chi. Sau đó, đau đớn không chịu nổi, ngón tay trở nên xanh tím, tím tái, cuối cùng chuyển màu đen. Lúc này, ngón tay bệnh nhân đã bị hoại tử do tắc nghẽn động mạch.
2.6 Bệnh nền tiểu đường
Ở bệnh nhân tiểu đường, lượng đường trong máu luôn ở mức cao, dễ gây các tổn thương cho hệ thần kinh và mạch máu. Người bệnh bị giảm cảm giác đối với những vết thương ở tay và chân, ít có cảm giác đau nên không chú ý tới tình trạng vết thương đã trở nên nghiêm trọng hoặc hoại tử.
Chính vì vậy, bệnh nhân tiểu đường nên thường xuyên kiểm tra tay và chân, để tâm phát hiện những vết loét trên tay để chăm sóc, xử lý kịp thời, tránh vết loét phát triển thành hoại tử.
3. Một số dấu hiệu hoại tử ngón tay
Bản chất hoại tử ngón tay cũng giống như các vết thương hoại tử thông thường. Người bệnh cũng nên nhận biết các dấu hiệu từ sớm để bảo toàn, phục hồi phần mô ở vết thương. Cụ thể, bạn có thể nhận biết tình trạng này qua những dấu hiệu như:
- Xung quanh vết thương ở ngón tay có biểu hiện sưng đỏ, đau, lan rộng nhanh chóng;
- Cảm giác ngón tay rất đau, nhức, khó chịu;
- Phần da xung quanh vết thương có thể bị nhăn nhúm hoặc bong tróc;
- Vết thương ở ngón tay có dấu hiệu sùi bọt, có mùi hôi khó chịu;
- Nếu hoại tử đã tiến triển nặng hơn thì bệnh nhân còn có triệu chứng sốt, đi kèm chóng mặt, hoa mắt, nôn mửa,...
4. Cách xử lý vết thương ngón tay bị hoại tử
Người bệnh tuyệt đối không được tự ý xử lý vết thương bị hoại tử. Nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu hoại tử ngón tay nào, bệnh nhân nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để nhận được sự trợ giúp của bác sĩ. Bác sĩ sẽ thực hiện loại bỏ phần mô ngón tay đang bị hoại tử, điều trị nhiễm khuẩn, kháng sinh và kháng viêm bằng thuốc hoặc truyền dịch tùy từng tình trạng bệnh cụ thể.
Đa số các trường hợp có vết thương ở ngón tay đã tiến triển thành hoại tử thì bệnh nhân sẽ được chỉ định nằm viện theo dõi và điều trị. Nguyên nhân là vì lúc này vết thương hoại tử có chứa nhiều vi khuẩn, mô hoại tử có thể kích thích vết hoại tử hoặc vết loét càng sâu hơn. Việc để bệnh nhân nằm viện điều trị nội trú sẽ giúp bác sĩ thuận tiện trong việc điều trị dứt điểm tình trạng hoại tử ở ngón tay.
Khi loại bỏ hết các dấu vết của hoại tử, theo dõi không còn trạng thái nhiễm trùng thì người bệnh sẽ được cho xuất viện, tự điều trị và chăm sóc vết thương tại nhà. Khi đó, bệnh nhân cần chăm sóc vết thương đúng theo hướng dẫn chi tiết của bác sĩ với 4 bước: Làm sạch, sát khuẩn, tạo màng băng vết thương, theo dõi vết thương để tránh nguy cơ vết thương trên ngón tay bị hoại tử lần nữa.
Hoại tử ngón tay có thể tiến triển nhanh, đe dọa tới sức khỏe, thậm chí dẫn tới nguy cơ phải cắt bỏ ngón tay. Do vậy, khi có dấu hiệu của tình trạng này, người bệnh nên nhập viện điều trị ngay. Đồng thời, bệnh nhân cần tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sĩ trong quá trình chăm sóc ngón tay đang bị hoại tử, có chế độ dinh dưỡng phù hợp để cải thiện sức khỏe, điều trị bệnh hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.