Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Huy Bình - Bác sĩ Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Thủng tạng rỗng là một bệnh lý cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao, cần được phẫu thuật cấp cứu sớm. Nhiều người vì chủ quan với đau bụng sau ăn, đau dạ dày mạn tính... dẫn tới tình trạng nguy kịch.
1. Nguyên nhân thủng tạng rỗng
- Thủng loét dạ dày tá tràng chiếm 90%.
- Chấn thương bụng kín:
+ Thủng ruột: thường gặp nhất là tá tràng, tiếp đến là hỗng tràng và ít gặp nhất là ở đại tràng.
+ Vỡ bàng quang: có thế xảy ra tràn khí ổ bụng.
- Chấn thương xuyên thấu thành bụng.
Thủng tạng rỗng do nuốt hoặc bị rơi dị vật vào trong.
Thủng do nhét dị vật vào trực tràng âm đạo.
Viêm hoại tử ống tiêu hóa dẫn đến thủng tạng rỗng:
- Viêm ruột hoại tử
- Viêm ruột trong bệnh thương hàn
- Viêm ruột thừa hoại tử
- Viêm túi thừa đại tràng
- Thủng tử cung do nạo hút thai
- Thủng do ống nội soi tiêu hóa
2. Các yếu tố nguy cơ
Thủng tạng rỗng thường gặp nhiều ở nam giới tuổi từ 35 – 65 nhưng nhiều nhất là từ 30 – 40 tuổi, nhưng cũng có nhiều người bệnh trên 80 – 85 tuổi cũng bị. Yếu tố thuận lợi gây bệnh là do thời tiết lạnh.
3. Triệu chứng thủng tạng rỗng
Người bệnh cảm thấy đau đột ngột, dữ dội là dấu hiệu chủ yếu. Có biểu hiện nôn nhưng thường ít gặp. Trong những giờ đầu không có bí trung đại tiện.
Khi người bệnh đau nhiều và tăng lên, bác sĩ khám thấy bụng cứng như gỗ, co cứng thành bụng (những mức độ khác nhau) là triệu chứng bao giờ cũng có của thủng tạng rỗng.
Những triệu chứng trên khác với các trường hợp viêm phúc mạc do các nguyên nhân khác. Tuy nhiên diễn biến lâm sàng có thể chuyển sang một hình thái khác đó là: trong 6 giờ đầu người bệnh đau thượng vị dữ dội, thường có shock kèm theo, đau nhanh chóng lan ra khắp ổ bụng và chuyển sang giai đoạn bình thường (khoảng 6 giờ tiếp theo) nhất là trường hợp lỗ thủng nhỏ, thủng xa bữa ăn, hoặc lỗ thủng được bít lại, dịch dạ dày thoát ra qua lỗ thủng ít và có thể chảy xuống hố chậu phải theo rãnh đại tràng phải gây đau ở hố chậu phải, nên dễ nhầm với viêm ruột thừa cấp.
4. Chẩn đoán thủng tạng rỗng
Cần kịp thời đưa bệnh nhân thủng tạng rỗng tới tới trung tâm y tế gần nhất để được nhân viên y tế cấp cứu và xử trí. Có thể sử dụng các kỹ thuật dưới đây để xác định được thủng tạng rỗng ở vị trí nào và mức độ đến đâu:
- Chụp X quang bụng đứng không chuẩn bị thấy người bệnh có hình ảnh liềm hơi dưới cơ hoành.
- Siêu âm người bệnh thủng tạng rỗng thấy hình ảnh hơi tự do và dịch trong ổ phúc mạc.
5. Điều trị thủng tạng rỗng
Trước đây, để điều trị bệnh chỉ có một cách duy nhất là phẫu thuật mở ổ bụng để tìm và khâu lỗ thủng. Thủng tạng rỗng có nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Đây là một cuộc phẫu thuật lớn, nên sau phẫu thuật, bệnh nhân phải mất rất nhiều thời gian mới có thể phục hồi như bình thường. Tuy nhiên, nhờ các tiến bộ kỹ thuật, nhất là từ khi có kỹ thuật mổ nội soi, việc điều trị thủng tạng rỗng đã trở nên dễ dàng hơn. Phẫu thuật nội soi có nhiều ưu điểm hơn so với phẫu thuật theo phương pháp truyền thống: vết mổ nhỏ, ít xâm lấn, ít tác động đến các tạng khác trong ổ bụng nên sẽ giúp quá trình phục hồi sau phẫu thuật của bệnh nhân diễn ra nhanh hơn, ít nhiễm trùng hơn và bệnh nhân sớm được ra viện hơn.
6. Phòng bệnh thủng tạng rỗng
Các bác sĩ khuyến cáo mọi người không nên chủ quan với sức khỏe của bản thân, nên đi khám bệnh sớm nếu thấy có các biểu hiện của viêm loét dạ dày – tá tràng với các triệu chứng như: nóng rát vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua,... để được tư vấn điều trị kịp thời, tránh xảy ra các biến chứng nguy hiểm như thủng ổ loét, chảy máu dạ dày, ung thư ...
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.