Điều trị hội chứng Raynaud

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Cao Thanh Tâm - Bác sĩ Nội tim mạch - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Thạc sĩ - Bác sĩ Cao Thanh Tâm đã có nhiều năm kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị bệnh lý tim mạch

Hội chứng Raynaud có nguy cơ tái phát khi người bệnh tiếp với nước lạnh, dẫn tới sự co mạch ngoại vi. Raynaud có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh.

1. Hội chứng Raynaud là gì?

Hội chứng Raynaud được phát hiện vào năm 1862, là tên gọi được đặt theo tên của người phát hiện ra nó - bác sĩ người Pháp Maurice Raynaud. Raynaud thể hiện tình trạng co thắt một cách đột ngột ở các mạch máu nhỏ ngoại biên khi gặp phải stress hay lạnh, các mạch máu sẽ hẹp lại và hạn chế sự lưu thông máu đến các mô. Tình trạng này thường xảy ra ở ngón tay, ngón chân và đôi khi là ở tai, mũi hay núm vú của người bệnh... khiến những bộ phận này có sự biến đổi màu sắc và cảm giác.

Cả nam giới và phụ nữ đều có nguy cơ mắc phải hội chứng Raynaud tím tái đầu chi, tuy nhiên, thường gặp hơn ở phụ nữ trẻ trong độ tuổi từ 20 - 40.
Hội chứng Raynaud được chia làm 2 loại:

  • Nguyên phát hay còn gọi là bệnh Raynaud: Mặc dù là bệnh thường gặp xong ít nghiêm trọng và không do bệnh lý nào gây ra.
  • Thứ phát hay còn gọi là hiện tượng Raynaud: Dạng này ít phổ biến hơn nhưng nghiêm trọng hơn và thường gây ra do một bệnh lý tiềm ẩn nào đó.

Hội chứng Raynaud là hiện tượng co thắt của các động mạch làm giảm dòng máu nuôi mô cơ quan
Hội chứng Raynaud là hiện tượng co thắt của các động mạch làm giảm dòng máu nuôi mô cơ quan

2. Nguyên nhân gây ra hội chứng Raynaud

Tính đến thời điểm hiện tại thì y học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây ra hội chứng Raynaud nguyên phát. Tuy nhiên, với dạng Raynaud thứ phát thì có thể gây ra bởi rất nhiều nguyên nhân như:

  • Do các bệnh lý và biến chứng của bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì, lupus...
  • Do tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc chẹn beta, methylsergid, ergotamine...
  • Do người bệnh gặp phải chấn thương như gãy tay hoặc gãy chân...
  • Do lối sống không lành mạnh, thói quen hút nhiều thuốc lá làm co các mạch máu...

3. Biểu hiện cảnh báo hội chứng Raynaud

Biểu hiện cảnh báo hội chứng Raynaud thường diễn ra theo 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Da người bệnh trở nên tái nhợt hoặc có màu trắng do mạch máu bị co lại.
  • Giai đoạn 2: Da trở thành màu xanh tím do bị thiếu oxy.
  • Giai đoạn 3: Các mạch máu giãn ra và da trở nên đỏ hồng trở lại.

Hội chứng Raynaud tím tái đầu chi thường có sự tiến triển theo từng đợt và có thể dẫn tới hiện tượng thiếu máu cục bộ và làm tổn hại các vùng mô do mạch máu chi phối. Nếu người bệnh bị Raynaud thứ phát thì có thể xuất hiện tình trạng thiếu máu chi cục bộ kéo dài và gây ra hiện tượng xơ chai hoặc nặng hơn là hoại tử đầu các ngón.

4. Chẩn đoán hội chứng Raynaud

Để có thể chẩn đoán chính xác hội chứng Raynaud tím tái đầu chi thì bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng và hỏi người bệnh một số câu hỏi về tiền sử, triệu chứng, người bệnh cần miêu tả thật kỹ những biểu hiện đã xảy ra khi bị Raynaud vì chúng thường xảy ra rất nhanh.

Người bệnh có thể được chỉ định kiểm tra máu hoặc test những xét nghiệm khác để loại trừ một số căn bệnh có thể cũng gây ra những triệu chứng tương tự như Raynaud.


Khi mắc hội chứng Raynaud tím tái đầu chi, người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám
Khi mắc hội chứng Raynaud tím tái đầu chi, người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám

5. Bệnh Raynaud có chữa được không?

Rất nhiều người bệnh tỏ ra lo lắng không biết bệnh Raynaud có chữa được không. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc trong điều trị hội chứng Raynaud còn phụ thuộc vào thời gian, tần suất, mức độ nghiêm trọng của hội chứng Raynaud. Bác sĩ thường chỉ định cho bệnh nhân sử dụng các thuốc có tính chất co giãn mạch, giúp tăng cường sự lưu thông máu và làm ngưng sự co thắt mạch máu nhỏ ở ngoại biên của người bệnh để giúp làm giảm các triệu chứng của Raynaud.

Hiện nay, có nhiều loại thuốc được sử dụng để điều trị hội chứng Raynaud tím tái đầu chi như: Thuốc làm giảm co mạch, thuốc làm giãn mạch, thuốc ức chế tiểu cầu, thuốc ảnh hưởng đến cấu trúc mạch và một số nhóm thuốc sinh học....

  • Nhóm thuốc giãn mạch thường hay sử dụng nhất như diltiazem, nifedipin, amlodipin, nitric oxide - NO (nhóm nitrate) hoặc felodipin (thuốc chẹn canxi)...Ngoài ra, người bệnh có thể điều trị bằng các dạng thuốc dùng tại chỗ như miếng dán glyceryl trinitrate hay mỡ nitroglycerin 1-2%. Một điều cần lưu ý khi sử dụng nhóm thuốc này là cần theo dõi huyết áp.
  • Nhóm thuốc làm giảm hiện tượng co mạch có thể dùng để điều trị hội chứng Raynaud bao gồm: Enalapril, captopril, losartan...
  • Nhóm thuốc hỗ trợ cấu trúc mạch có thể sử dụng trong điều trị hội chứng Raynaud tím tái đầu chi như chất chống oxy hóa như probucol.
  • Nhóm thuốc ức chế tiểu cầu như aspirin, salicylates... Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc này lâu dài thì cần phải theo dõi tác dụng phụ đối với khả năng đông máu và dạ dày.

Việc điều trị hội chứng Raynaud hiện nay còn gặp phải nhiều khó khăn nên quan trọng vẫn là cần phải phòng bệnh, cần tránh các yếu tố ảnh hưởng xấu tới bệnh như tiếp xúc trực tiếp với thời tiết lạnh, rung lắc, stress, hút thuốc lá, chấn thương đầu chi... Nếu phải làm việc ngoài trời lạnh thì cần dùng các dụng cụ bảo hộ để giữ ấm cho bàn tay, bàn chân, thường xuyên kiểm tra đầu ngón tay, chân để phát hiện và điều trị kịp thời các vết thương.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe