Người có cảm giác tội lỗi có thể gặp các rối loạn về thể chất và cảm xúc. Tìm cách thoát khỏi cảm giác tội lỗi để vượt qua được những căng thẳng và giải quyết vấn đề. Vậy làm sao để hết cảm giác tội lỗi ? Bài viết sau sẽ giải đáp các thắc mắc.
1. Tác động của cảm giác tội lỗi
Hầu hết mọi người đều có cảm giác tội lỗi ít nhất một lần trong đời, vì mắc sai lầm là điều bình thường. Cảm giác tội lỗi giúp bạn thừa nhận hành động của mình và tạo động lực cải thiện. Nó cũng có thể khiến bạn khắc phục những điều chưa tốt. Mặc dù cảm giác tội lỗi đôi khi có thể thúc đẩy sự phát triển, nhưng nó có thể kéo dài và kìm hãm bạn rất lâu dù những người khác đã tha thứ hoặc quên những gì đã xảy ra. Nếu không thể giải quyết được vấn đề, cảm giác tội lỗi có thể tăng lên đến mức gần như không thể chịu đựng được, gây ra nhiều xáo trộn về cảm xúc và thể chất.
2. Làm sao để hết cảm giác tội lỗi
Thừa nhận tội lỗi của bản thân
Một số người có cảm giác tội lỗi sẽ cố gắng phớt lờ và không suy nghĩ về nó. Bỏ qua cảm giác tội lỗi có vẻ là một chiến lược hữu ích nhưng trên thực tế thì không như vậy. Từ chối thừa nhận tội lỗi có thể tạm thời làm dịu đi cảm xúc tiêu cực, nhưng che giấu cảm xúc không phải là một chiến lược lâu dài. Để tìm cách thoát khỏi cảm giác tội lỗi, trước tiên bạn phải chấp nhận những cảm giác đó, dù chúng có khó chịu đến đâu.
Những cách giúp bản thân thừa nhận tội lỗi như:
- Dành thời gian yên tĩnh cho bản thân suy ngẫm.
- Mang theo nhật ký ghi lại những suy nghĩ, cảm xúc như thất vọng, hối hận, tức giận và bất kỳ cảm xúc nào xuất hiện. Viết ra những gì bạn cảm thấy có thể giúp làm giảm cảm giác tội lỗi.
- Thay vì phán xét bản thân, hãy suy nghĩ thấu đáo về những gì đã xảy ra, tìm ra các nút thắt của vấn đề có thể giúp bạn xử lý tốt hơn.
- Nếu bạn gặp khó khăn trong việc thừa nhận tội lỗi, thiền và viết nhật ký thường xuyên có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Những việc làm này có thể giúp bạn quen thuộc hơn với cảm xúc, giúp dễ dàng chấp nhận và vượt qua ngay cả những cảm xúc khó chịu nhất.
Biết nguyên nhân gây ra cảm giác tội lỗi
Mọi người thường có cảm giác tội lỗi về những thứ mà họ không nên mắc lỗi. Cảm giác tội lỗi khi biết mình đã làm sai là điều bình thường. Nhưng cảm giác tội lỗi cũng có thể bắt nguồn từ những sự việc mà đôi khi nó không liên quan nhiều đến bạn. Điều quan trọng là không nên đổ lỗi cho bản thân một cách không cần thiết về những việc bạn không thể kiểm soát.
Cảm giác tội lỗi cũng có thể xuất phát từ niềm tin rằng bạn đã không hoàn thành kỳ vọng mà bạn hoặc người khác đặt ra. Tất nhiên, cảm giác tội lỗi không phản ánh nỗ lực của bạn để vượt qua những thử thách.
Một số nguyên nhân của cảm giác tội lỗi bao gồm:
- Sống sót sau chấn thương hoặc thảm họa
- Lựa chọn giữa các lợi ích
- Lo lắng về sức khỏe tinh thần hoặc thể chất
- Những suy nghĩ hoặc mong muốn mà bạn biết rằng bạn không nên có
- Quan tâm đến nhu cầu của bản thân khi bạn biết rằng mình nên tập trung vào người khác
Xin lỗi và sửa đổi
Một lời xin lỗi chân thành có thể giúp bạn sửa chữa những hậu quả sau hành động sai trái. Bằng cách xin lỗi, bạn thể hiện sự ăn năn và hối hận tới người mà bạn đã làm tổn thương, đồng thời cho họ biết bạn sẽ thay đổi để tránh mắc phải sai lầm tương tự trong tương lai. Bạn cũng có thể nợ bản thân một lời xin lỗi. Thay vì bám chặt vào cảm giác tội lỗi và trừng phạt bản thân, hãy cam kết với bản thân rằng sẽ sửa đổi để tốt hơn.
Bạn có thể không nhận được sự tha thứ ngay lập tức hoặc mãi mãi vì không phải lúc nào lời xin lỗi cũng hàn gắn được niềm tin đã tan vỡ. Tuy nhiên, xin lỗi chân thành cho bạn cơ hội bày tỏ cảm xúc của mình và tự chịu trách nhiệm sau khi có lỗi.
Để có lời xin lỗi chân thành, bạn cần thừa nhận những việc mình làm, tỏ ra hối hận, tránh bào chữa, xin tha thứ và thể hiện sự hối hận bằng hành động.
Rút ra bài học từ những sai lầm
Bạn không thể hàn gắn mọi tình huống và một số sai lầm có thể khiến bạn phải trả giá bằng một mối quan hệ quý giá hoặc một người bạn thân. Cảm giác tội lỗi kết hợp với nỗi buồn về ai đó hoặc điều gì đó đã mất thường khiến bạn cảm thấy không thể thoát ra được.
Trước khi có thể bỏ lại quá khứ, bạn cần phải chấp nhận nó. Nhìn lại và suy ngẫm về những sai lầm đã xảy ra. Từ đó, bạn luôn có thể rút ra được bài học:
- Điều gì đã dẫn đến sai lầm? Tìm ra yếu tố thúc đẩy hành động của bạn và bất kỳ cảm giác nào khiến bạn vượt quá giới hạn.
- Bạn sẽ làm gì để thay đổi?
- Hành động của bạn cho bạn biết điều gì về bản thân?
Bày tỏ lòng biết ơn
Người có cảm giác tội lỗi khi đương đầu với những thử thách, đau khổ về tình cảm hoặc những lo lắng về sức khỏe thường cần được giúp đỡ. Thay vì có cảm giác tội lỗi khi gặp khó khăn, hãy nuôi dưỡng lòng biết ơn bằng cách:
- Cảm ơn những người thân yêu vì lòng tốt của họ
- Chia sẻ những điều tốt đẹp bạn đã đạt được nhờ sự giúp đỡ
- Sẵn sàng giúp đỡ lại khi bạn đã có nền tảng vững chắc hơn
Có lòng trắc ẩn
Một sai lầm không khiến bạn trở thành người xấu. Người có cảm giác tội lỗi có thể đưa ra lời chỉ trích bản thân khá gay gắt. Tuy nhiên, việc tự nhủ bản thân rằng bạn đã làm sai một cách thảm hại như thế nào sẽ không cải thiện mọi thứ. Chắc chắn, bạn có thể phải đối mặt với một số hậu quả, nhưng việc tự trừng phạt bản thân thường gây tổn hại nặng nề nhất về mặt tinh thần. Thay vì xấu hổ, hãy nhớ lại những điều tốt mà mình đã làm, những điểm mạnh của bản thân để có động lực sửa chữa lỗi lầm. Nhắc nhở bản thân về giá trị của mình có thể thúc đẩy sự tự tin, giúp bạn dễ dàng xem xét các tình huống một cách khách quan và tránh bị ảnh hưởng bởi cảm xúc.
Hãy nhớ rằng cảm giác tội lỗi có thể có lợi
Cảm giác tội lỗi có thể đóng vai trò như một lời cảnh báo cho biết bạn đã đưa ra một lựa chọn mâu thuẫn với các giá trị bản thân. Cảm giác tội lỗi có thể cho thấy các khía cạnh của bản thân mà bạn cảm thấy không hài lòng. Giải quyết những điều đó có thể giúp bạn hoàn thiện hơn.
Hối hận vì đã làm tổn thương người khác cho thấy bạn có sự đồng cảm và không có ý định gây tổn hại. Từ đó, tạo ra sự thay đổi trong cuộc sống của để tránh mắc phải sai lầm đó một lần nữa.
Tha thứ cho chính mình
Tự tha thứ là một thành phần chính của lòng từ bi. Khi bạn tha thứ cho chính mình nghĩa là bạn thừa nhận sai lầm. Sau đó, bạn có thể nhìn về tương lai mà không mắc sai lầm đó lần nữa. Cách thoát khỏi cảm giác tội lỗi này giúp chấp nhận con người không hoàn hảo của chính mình.
Tự tha thứ bao gồm bốn bước chính:
- Chịu trách nhiệm cho hành động đã làm.
- Bày tỏ sự hối hận và không để nó chuyển thành sự xấu hổ.
- Sẵn sàng sửa đổi hậu quả bạn đã gây ra.
- Tin tưởng và cho bản thân cơ hội để làm tốt hơn.
Nói chuyện với những người bạn tin tưởng
Mọi người thường khó nói về cảm giác tội lỗi, đó là điều dễ hiểu. Bạn có thể lo lắng người khác sẽ đánh giá bạn vì những gì đã xảy ra. Điều này có nghĩa là cảm giác tội lỗi có thể cô lập bạn, và sự cô đơn có thể làm phức tạp quá trình chữa bệnh.
Việc chia sẻ những cảm giác khó chịu hoặc khó khăn sẽ giúp giảm bớt căng thẳng. Bạn bè và gia đình có thể giúp bạn bớt cô đơn hơn bằng cách chia sẻ kinh nghiệm của họ vì vậy hầu hết mọi người đều biết có cảm giác tội lỗi là như thế nào.
Tìm đến sự trợ giúp của chuyên gia trị liệu tâm lý
Cảm giác tội lỗi nghiêm trọng hoặc dai dẳng không phải lúc nào cũng dễ dàng vượt qua. Một số người cảm thấy khó khăn khi cảm giác tội lỗi liên quan đến: những suy nghĩ xâm nhập, phiền muộn, chấn thương hoặc lạm dụng.
Theo thời gian, cảm giác tội lỗi có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ và tăng thêm căng thẳng cho cuộc sống hàng ngày. Nó cũng có thể đóng một vai trò gây tình trạng khó ngủ, vấn đề sức khỏe tâm thần hoặc lạm dụng chất gây nghiện.
Chuyên gia trị liệu tâm lý có thể đưa ra hướng dẫn bằng cách giúp bạn xác định và giải quyết các nguyên nhân gây ra cảm giác tội lỗi, xây dựng các kỹ năng đối phó hiệu quả và phát triển lòng trắc ẩn.
Tóm lại, giống như những cảm xúc khác, cảm giác tội lỗi không được giải quyết có thể ngày càng gia tăng, khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn theo thời gian. Thật khó để cởi mở về cảm giác tội lỗi nếu bạn sợ bị phán xét. Tuy nhiên, tránh những cảm giác này sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Do đó, tìm cách thoát khỏi cảm giác tội lỗi là con đường duy nhất giúp bản thân sống tốt hơn từng ngày.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com