Hầu hết ai cũng đã từng nói dối ít nhất một lần trong đời. Tuy nhiên, khi nói dối trở thành một hành vi nhất quán, thường xuyên nhưng không nhằm một mục đích cụ thể gì, rất có thể đó là dấu hiệu của chứng nói dối bệnh lý. Nói dối bệnh lý có thể xuất phát từ một bệnh lý tâm thần tìm ẩn và cần được hỗ trợ y tế kịp thời.
1. Nói dối bệnh lý là gì ?
Mặc dù nói dối bệnh lý đã được nhắc đến trong hơn một thế kỷ qua, nhưng vẫn chưa có một định nghĩa rõ ràng về tình trạng này. Nói dối bệnh lý có thể được hiểu là hành vi kinh niên của việc nói dối theo thói quen. Không giống như việc thỉnh thoảng nói dối để tránh làm tổn thương cảm xúc của ai đó hoặc tránh gặp rắc rối, một người nói dối bệnh lý thường nói dối mà không có một lý do cụ thể nào. Một số hành vi nói dối bệnh lý có thể xuất phát từ tình trạng tâm thần, chẳng hạn như rối loạn nhân cách chống đối xã hội, một số người khác lại dường như không có lý do y tế cho hành vi này.
2. Cách phát hiện một người nói dối bệnh lý
Việc xác định một người nói dối bệnh lý không phải lúc nào cũng dễ dàng. Sau đây là một số dấu hiệu có thể giúp bạn xác định một người nói dối bệnh lý:
- Những lời nói dối bệnh lý dường như không có lợi ích cụ thể. Trong khi một người có thể nói dối để tránh các tình huống không thoải mái, chẳng hạn như né tránh sai lầm hoặc gặp rắc rối, thì một người nói dối bệnh lý lại nói dối nhưng không nhằm vào một mục đích hay lợi ích cụ thể nào.
- Họ thường tỏ ra anh hùng hoặc là nạn nhân trong nhiều câu chuyện của họ. Những người nói dối bệnh lý có xu hướng nói những lời dối trá nhằm mong muốn đạt được sự ngưỡng mộ, cảm thông hoặc chấp nhận của người khác.
- Câu chuyện họ kể thường có khuynh hướng phức tạp và rất chi tiết. Những câu chuyện họ kể thường kịch tính, chi tiết và đầy màu sắc.
- Họ trả lời một cách công phu và nhanh chóng cho các câu hỏi, nhưng các câu trả lời thường mơ hồ và không cung cấp câu trả lời cho câu hỏi.
- Những người nói dối bệnh lý cũng có xu hướng là những người giỏi hùng biện. Họ cũng biết cách tương với người khác khi giao tiếp. Họ là những người có óc sáng tạo và nhiều ý tưởng độc đáo, đồng thời là những người ứng biến nhanh và thường không có dấu hiệu nói dối thông thường, chẳng hạn như ngưng lại lâu khi nói hoặc tránh giao tiếp bằng mắt.
- Họ có thể kể các phiên bản khác nhau của cùng một câu chuyện, điều này là do họ đã quên các chi tiết trước đó.
- Đôi lúc họ sẽ tin tưởng vào những lời nói dối của chính mình. Thật khó để đối phó với một người nói dối bệnh lý - người có thể không phải lúc nào cũng ý thức được việc họ nói dối. Các chuyên gia tin rằng họ có thể không biết sự khác biệt giữa thực tế và hư cấu sau một thời gian dài nói dối thường xuyên.
3. Phân biệt lời nói dối bệnh lý và lời nói dối bình thường
Những lời nói dối bình thường có thể nhằm để bảo vệ bản thân, né tránh rắc rối hoặc phủ nhận sai lầm của chính mình. Nhưng đôi khi chúng được coi là vô hại, không có ý định xấu hay để bảo vệ cảm xúc của người khác. Một số ví dụ về lời nói dối bình thường bao gồm: nói rằng bạn bị đau đầu để không phải tham dự một cuộc họp, nói rằng bạn đã thanh toán hóa đơn điện thoại trong khi bạn quên thanh toán hoặc nói dối về lý do tại sao bạn đi làm muộn,...
Trong khi đó, nói dối bệnh lý là nói dối một cách thường xuyên và bắt buộc, nói mà không có lý do rõ ràng và không bị ngăn cản bởi cảm giác tội lỗi hoặc nỗi sợ bị phát hiện. Họ còn cố gắng nói dối để để tỏ vẻ anh hùng hoặc nạn nhân. Ví dụ về nói dối bệnh lý, chẳng hạn như nói rằng họ đã đạt được hoặc trải qua điều gì đó mà họ chưa từng làm, tuyên bố mắc một căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng mà họ không mắc phải hay nói dối để gây ấn tượng với người khác, chẳng hạn như nói rằng họ có mối quan hệ với một người nổi tiếng.
4. Làm thế nào để đối phó với một người nói dối bệnh lý?
Hầu hết mọi người đều nói dối ít nhất một lần trong đời. Nhưng khi biết một người đang mắc phải chứng nói dối bệnh lý, bạn khó có thể giao tiếp hay đối xử bình thường với họ. Dưới đây là một số gợi ý để giúp bạn đối phó với một người nói dối bệnh lý:
- Đừng mất bình tĩnh: Dù có thể khiến bạn bực bội, nhưng điều quan trọng là không nên tức giận trở khi đối mặt với một kẻ nói dối bệnh lý. Hãy cố gắng tử tế nhưng vẫn có thái độ kiên quyết đối với họ.
- Sẵn sàng cho sự phủ nhận: Một người nói dối bệnh lý có thể có xu hướng phản ứng trước bằng một lời nói dối. Nếu bạn cố tình chất vấn về lời nói dối của họ, rất có thể họ sẽ phủ nhận điều đó. Họ có thể trở nên tức giận và bày tỏ sự sốc trước lời buộc tội. Do đó, bạn hãy chấp nhận điều đó và hiểu rằng họ đang có một bệnh lý cần giúp đỡ.
- Hãy nhớ rằng đó không phải là vì bạn: Khi một người luôn đưa ra những lời dối trá đối với bạn, bạn có thể cảm thấy khó chịu và nghĩ rằng có lẽ mình chính là lý do khiến họ phải nói dối. Nhưng hãy nhớ rằng người đó có thể bị thúc đẩy bởi chứng rối loạn nhân cách tiềm ẩn.
- Hãy ủng hộ: Khi nói chuyện với một người mắc chứng nói dối bệnh lý, hãy nhắc họ rằng họ không cần cố gắng gây ấn tượng với bạn. Hãy cho họ biết rằng bạn đánh giá cao con người thật của họ.
- Đừng lôi kéo họ: Khi bạn nhận thấy người đó đang nói dối, bạn có thể đặt câu hỏi về những gì họ đang nói, điều này có thể khiến họ ngừng nói dối vào thời điểm đó. Bạn cũng có thể cho họ biết rằng bạn mong muốn ngừng cuộc trò chuyện vì họ đã không trung thực.
- Đề nghị trợ giúp y tế: Đừng nên phán xét họ. Hãy bày tỏ rằng bạn lo ngại rằng hành vi của họ có thể xuất phát từ một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn và đề nghị họ nên tìm đến sự trợ giúp chuyên nghiệp. Hãy cho họ biết đề xuất của bạn xuất phát từ sự quan tâm đến sức khỏe của họ. Bạn có thể chuẩn bị trước thông tin về việc nói dối bệnh lý, chẳng hạn như bản in của một bài báo hoặc một tập sách nhỏ mà họ có thể đọc khi sẵn sàng.
5. Chẩn đoán nói dối bệnh lý
Việc chẩn đoán một người nói dối bệnh lý khá khó khăn vì có nhiều nguyên nhân có thể gây ra bệnh lý này. Trò chuyện với người đó và xem xét bệnh sử thường không đủ để chẩn đoán vì người đó có xu hướng nói dối. Một nội dung quan trọng khi chẩn đoán người nói dối bệnh lý là xác định xem họ có nhận ra rằng mình đang nói dối hay tin vào những lời nói dối mà họ đang nói.
Một số chuyên gia sử dụng bài kiểm tra phát hiện nói dối. Bài kiểm tra không phải để phát hiện lời nói dối mà nhằm mục đích xem người đó có thể “đánh bại” bài kiểm tra tốt đến mức nào. Vì điều này chứng tỏ rằng họ tin vào lời nói dối của mình hoặc đã trở nên quá giỏi trong việc sử dụng các biện pháp khác để thuyết phục người khác về lời nói dối của họ. Một số chuyên gia tâm lý cũng sẽ phỏng vấn các thành viên trong gia đình và bạn bè khi muốn chẩn đoán một người nói dối bệnh lý.
6. Cách chữa bệnh nói dối như thế nào?
Biện pháp điều trị nói dối bệnh lý sẽ phụ thuộc vào nó có phải là triệu chứng của một tình trạng tâm thần tiềm ẩn hay không. Điều trị sẽ bao gồm liệu pháp tâm lý và cũng có thể bao gồm thuốc cho các vấn đề khác, chẳng hạn như thuốc được sử dụng để điều trị lo âu hoặc trầm cảm.
Nói dối bệnh lý có thể là triệu chứng của một vấn đề tâm lý tìm ẩn cần được điều trị. Do đó, bạn hãy cố gắng thông cảm với người nói dối bệnh lý và khuyến khích, hỗ trợ họ tìm sự trợ giúp y tế kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com