Cảm giác tội lỗi, đau buồn, tức giận là những cảm xúc tiêu cực thường gặp. Cảm giác tội lỗi có thể đến từ những mâu thuẫn trong các mối quan hệ hoặc do buồn phiền. Vậy nguyên nhân cảm giác tội lỗi là gì? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp những thắc mắc liên quan đến vấn đề này.
1. Cảm giác tội lỗi là gì?
Cảm giác tội lỗi là một cảm xúc phức tạp, thường xuất hiện khi bản thân cảm thấy mình có lỗi với người khác và có thể khiến bản thân thất vọng.
Cảm giác tội lỗi có thể biểu hiện theo những cách khác nhau, từ ngày này qua ngày khác, đôi khi cũng thể hiện dưới dạng sự giận dữ và phẫn uất. Người có cảm giác tội lỗi có thể không đánh giá cao bản thân hoặc cảm thấy bị bế tắc, căng thẳng khiến bản thân tức giận. Hậu quả có thể dẫn đến sự mất bình tĩnh hoặc thốt ra điều gì đó mà bình thường sẽ không làm.
2. Nguyên nhân cảm giác tội lỗi
Nguyên nhân cảm giác tội lỗi có thể là do:
- Lo lắng và sợ hãi: Sau một sự cố, chúng ta thường tự đặt những câu hỏi cho bản thân, ví dụ như “điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không có mặt tại sự cố? Nếu tôi mắc lỗi thì sao?”, bởi lo lắng xảy ra khiến chúng ta bị rối loạn kiểm soát cảm xúc và cảm thấy tội lỗi.
- Sự mất mát: Mọi người thường thấy đau buồn khi ai đó qua đời, vì đó thực sự là sự mất mát. Nhiều người sẽ có cảm giác tội lỗi vì thấy ân hận và không chấp nhận được sự thật đau buồn.
- Tội lỗi: Điều này rất quen thuộc với nhiều người. Cảm thấy tội lỗi rằng bạn làm chưa đủ, nên làm tốt hơn hay chỉ muốn nó kết thúc. Điều đó sẽ trở thành một vòng luẩn quẩn không giúp ích được gì cho bản thân hoặc người thân của bạn.
- Buồn bã và chán nản: Mỗi ngày, chúng ta phải đương đầu với những khó khăn và áp lực từ công việc cũng như cuộc sống. Những điều chán nản và căng thẳng thường khiến chúng ta lưu tâm nhiều hơn. Lâu dần, nếu không giải tỏa được có thể dẫn tới trầm cảm.
3. Bạn có thể làm gì nếu có cảm giác tội lỗi?
Nếu bạn đang có cảm giác tội lỗi, điều quan trọng nhất cần phải làm là định tâm, tránh xa những điều làm tăng tình trạng này và tha thứ cho chính mình. Bạn nên:
- Cố gắng tránh tập trung quá nhiều vào những điều tiêu cực. Hãy chú ý đến những điều bạn có thể kiểm soát, chẳng hạn như lập kế hoạch cho những dự định sắp tới.
- Khi bạn bị mất mát điều gì đó, ví dụ như người thân, thú cưng hay đồ vật yêu thích. Điều đó sẽ khiến bạn rất đau buồn. Đôi khi, bạn chỉ cần khóc vì đây cũng là một cách giúp cơ thể bạn giải tỏa nỗi buồn.
- Nếu bạn thấy có lỗi vì mình làm chưa đủ tốt, chưa cố gắng. Hãy xem đó như một bài học, một động lực để bản thân tốt lên theo từng ngày. Hãy nhìn nhận vào sự khác biệt mà bạn tạo ra mỗi ngày.
- Khi sự chán nản và áp lực quá nhiều, đừng che giấu cảm xúc của bạn. Nói chuyện với bạn bè hoặc gia đình, những người có thể hỗ trợ tích cực cho bạn. Bác sĩ trị liệu cũng có thể là người giúp đỡ hiệu quả. Bạn có thể hoàn toàn trung thực nói ra cảm xúc mà không sợ bị phán xét.
- Tập thể dục và tham gia các hoạt động xã hội là những cách tuyệt vời để giải quyết nỗi buồn cũng như trầm cảm. Mặc dù chúng không giải quyết được gốc rễ vấn đề nhưng sẽ giảm được căng thẳng, mang lại năng lượng, giúp tâm trạng tốt hơn và kết nối xã hội nếu bạn tập luyện cùng những người khác.
- Dành thời gian cho bản thân nhiều hơn để nghỉ ngơi, ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, ngồi thiền hoặc tập yoga.
- Tập trung vào điều tích cực, ý thức về mục đích trong cuộc sống của bản thân, bày tỏ sự yêu thương với những người xung quanh
Tóm lại, chăm sóc bản thân không chỉ chú trọng đến thể chất mà còn cần nâng cao tinh thần. Mọi cảm xúc tích cực hay tiêu cực đều có giá trị. Chúng ta không thể tránh khỏi các cảm xúc tốt – xấu trong cuộc sống, hãy chấp nhận và trải qua chúng một cách dễ dàng. Chúng ta hãy gác lại những cảm giác tội lỗi và cố gắng không tác động lên chúng, hãy sống tích cực, hòa đồng, dành thời gian cho gia đình, bạn bè, nhóm cộng đồng cũng như các hoạt động mang lại niềm vui cho bản thân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com