Hít thở là một bài tập đơn giản giúp đốt cháy calo và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, chúng ta phần lớn chưa biết cách hít thở đúng nên chưa thể tận dụng tối đa hiệu quả của bài tập này.
1. Ý nghĩa của hít thở đúng cách
Hít thở là hoạt động giúp trao đổi oxy và cacbonic để phục vụ mọi hoạt động của cơ thể. Vì thế, dù muốn hay không thì ai cũng đều phải thở và làm điều đó trong suốt cuộc đời. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu bạn hít thở đúng cách thì sẽ giúp kiểm soát được nhịp thở, điều hòa nhịp tim và hạn sẽ sự phấn khích của cảm xúc khi vui mừng hay lo âu.
2. Hít thở đúng cách bằng mũi có lợi cho sức khỏe
Mũi được cấu tạo từ các hốc xoang, khoang mũi có dịch nhầy và sợi lông. Lông mũi giúp cản trở tốc độ gió giúp không khí bên trong luôn ổn định. Đồng thời lông mũi cản trở bụi từ không khí không rơi vào phổi tránh gây tổn thương cho phổi. Dịch nhầy hay nước mũi sẽ chảy ra để làm liền vết thương do viêm nhiễm đồng thời mang theo xác vi khuẩn và bụi bẩn đào thải ra ngoài. Hơn nữa, không khí có sự chênh lệch về nhiệt với môi trường cơ thể nên khi đi qua lông mũi, khí lạnh sẽ ấm dần tránh gây nên bệnh viêm phổi. Việc hít thở đúng cách bằng mũi sẽ mang đến rất nhiều lợi ích thiết thực.
3. Luyện tập hít thở sâu
Bạn có thể thay đổi cách thở để cảm nhận sự lưu thông không khí qua mũi. Hãy tận hưởng cảm giác thoải mái nhất khi thở để nguồn không khí bạn nhận mang theo năng lượng tích cực giúp hoạt động đạt hiệu quả. Khi bạn tập trung nghiêm túc với hoạt động thở, cơ thể sẽ rèn luyện được sự ổn định cho nhịp tim và cảm xúc khiến bạn giải tỏa căng thẳng mệt mỏi nhanh chóng.
4. Thở bằng 1 bên mũi
Đã khi nào bạn thử cảm giác bịt 1 bên thở bên mũi còn lại? Hãy thử dùng ngón tay trỏ bị 1 bên mũi và thở rồi thay đổi bên nhịp nhàng trong vòng 5 phút. Giữa mỗi lần đổi bên bạn hãy bóp nhẹ cả 2 bên mũi lại. Cách hít thở này nên kết hợp cùng bài tập hít thở sâu để giúp bạn cảm nhận được những tín hiệu tốt cho nhịp tim và huyết áp của bản thân.
5. Sử dụng công cụ hỗ trợ để hít thở đúng cách
Bạn đã thử hỗ trợ điều hòa nhịp thở bằng máy đo nhịp tim? Điều này khá có ích vì bạn sẽ kiểm soát được cách hít thở đúng trong khi luyện tập. Các thiết bị đo nhịp tim có thể đến từ chiếc điện thoại thông minh hoặc một chiếc máy đo y tế. Nhờ cách thức này bạn sẽ có cảm giác tự tin bình tĩnh hơn khi tập thở.
6. Chọn tư thế ngủ phù hợp để cải thiện nhịp thở
Chúng ta vẫn không ngừng thở dù là đang chìm trong giấc ngủ ngon. Tuy nhiên, mỗi người có một tư thế ngủ khác nhau. Đôi khi thói quen khi ngủ lại khiến bạn gặp phải vấn đề như đau mỏi vai gáy do sai tư thế hay làm giảm khả năng hô hấp, khiến cơ thể thiếu oxy mệt mỏi khi thức dậy. Bạn có thể thử nằm nghiêng trên 1 chiếc gối kê ở đầu và 1 chiếc kẹp giữa 2 chân. Nếu bạn quen nằm ngửa khi ngủ thì có thể gối đầu lên 1 chiếc gối và kê 1 chiếc kia dưới đầu gối, tư thế này sẽ giúp cải thiện nhịp thở một cách đáng kể, nhờ đó cơ thể sẽ cảm thấy thư giãn và thăng bằng hơn.
7. Thiền để hít thở đúng cách
Thiền giúp bạn hít thở sâu và tập trung hơn để loại bỏ căng thẳng, mệt mỏi. Việc 1 người khi thiền cần làm đó là ngồi thẳng lưng thả lỏng và hít thở cho không khí nở ra ở bụng. Phương pháp thở này sẽ tăng khả năng tiếp nhận oxy và đào thải cacbonic ra khỏi cơ thể. Nhờ vậy mà nhịp tim sẽ đập chậm lại và huyết áp được giữ ở mức ổn định
8. Ca hát cũng có thể là một cách hít thở đúng
Khi chúng ta ca hát, có thể lấy hơi ở mũi và hít thở mạnh hơn. Đây là một hành động tích cực với phổi, đặc biệt ở bệnh nhân hen suyễn hay người mắc bệnh hô hấp mãn tính. Bạn sẽ có thể kiểm soát hơi thở và điều chỉnh nó sao cho phù hợp khi ca hát.
9.Cải thiện môi trường và không khí nơi bạn thường xuyên hít thở
Máy lọc không khí đã ra đời với sứ mệnh mang lại nguồn không khí trong lành nhất cho con người. Việc lọc không khí có vai trò quan trọng đặc biệt với bệnh hen suyễn hay viêm mũi dị ứng. Mũi chúng ta khá nhạy cảm và có thể tổn thương bởi bụi bận hay hóa chất gây hại. Do vậy, lọc sạch không khí sẽ giúp quá trình hít thở đạt hiệu quả tích cực hơn.
10. Kiểm soát trọng lượng cơ thể
Thừa cân béo phì là nguyên nhân làm bạn khó khăn hơn khi hít thở. Mỡ thừa sẽ chiếm một phần dung tích cơ thể, ảnh hưởng đến khả năng hít thở của bạn. Do vậy, giảm cân được lựa chọn để cải thiện vấn đề hít thở cho người thừa cân.
11. Tập thể dục nhẹ nhàng
Đi bộ 30 phút mỗi ngày là cách để tăng sức khỏe và tốt cho phổi của bạn. Mỗi tuần thực hiện từ 5 lần tùy theo khả năng là đã thấy được hiệu quả. Ngoài ra, bạn có thể đạp xe hoặc chạy bộ để tăng dung tích phổi và rèn luyện cách hít thở sâu đúng.
12. Các bài tập giúp cải thiện hệ hô hấp
Yoga hay thái cực quyền là các bài tập chú trọng hơi thở mà bạn nên thử. Ngoài cải thiện sức khỏe, sau khi tập luyện sẽ giúp tăng dung tích phổi, hỗ trợ quá trình hít thở, trao đổi nhiều oxy hơn. Rèn luyện các bài tập này sẽ giúp bạn biết cách thở đúng và hiệu quả.
13. Cười thật nhiều
Khi bạn cười, hơi thở và nhịp tim sẽ có một chút thay đổi. Cười là một biểu hiện của trạng thái tích cực được khuyến khích. Mỗi lần cười bạn sẽ tống được khí không tốt ra ngoài và dung nạp nhiều oxy hơn cho cơ thể. Việc này sẽ giúp phổi được thanh lọc còn cơ thể đủ oxy cho quá trình trao đổi chất ở tế bào.
14. Uống đủ nước
Nước là một dạng chất lỏng giúp tăng màng bảo vệ trong phổi được hình thành. Khi cơ thể cung cấp đủ nước, lớp màng đó sẽ mỏng và ẩm hơn để bạn hít thở dễ dàng hơn.
15. Khắc phục khó thở khi đắp mặt nạ hay đeo khẩu trang
Khi đeo khẩu trang, bạn sẽ khó khăn trong việc hô hấp do mũi bị che lại. Bạn có thể chỉ dùng khẩu trang tại khu vực ô nhiễm hay khi cần ngăn sự xâm nhập của vi khuẩn qua hệ hô hấp. Khi ở một mình, bạn hãy bỏ khẩu trang để hít thở tốt. Với mặt nạ cũng vậy, bạn có thể tập hít thở sâu để điều hòa hơi thở ổn định lại.
Qua bài viết, hy vọng mọi người đã lưu lại cho mình những thông tin hữu ích về hít thở đúng cách, giúp cơ thể được thư giãn, thăng bằng và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com