Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Hít thở là hoạt động cơ bản của con người. Đa số chúng ta hít thở một cách vô thức, không mấy ai chú ý đến kiểu thở của mình. Tuy nhiên, không giống như hoạt động co bóp của tim hay dạ dày, con người có thể điều khiển nhịp thở của bản thân. Hít thở là động tác quan trọng, khí oxy được hít vào để tạo ra năng lượng sau đó thải ra khí cacbonic. Hít thở đúng cách giúp cơ thể luôn cảm thấy tràn đầy năng lượng.
1. Tập hít thở sâu có tác dụng gì?
Động tác hít thở sâu mang lại nhiều lợi ích không ngờ cho chúng ta như:
- Duy trì tinh thần tích cực, vui vẻ
Những bài tập thở sâu sẽ giúp bạn thư giãn tâm trí, giảm căng thẳng và cảm thấy cân bằng hơn. Nguyên nhân là do khi hít thở sâu đều đặn, hệ thần kinh phó giao cảm được kích hoạt, tăng sản xuất hóc môn tạo cảm giác dễ chịu. Với một tâm trạng tốt, cuộc sống của bạn sẽ trở nên hạnh phúc hơn. Lợi ích này không ghi nhận được khi duy trì các động tác thở nông, ngắn.
Vì thế khi có xung đột hay rắc rối, bạn nên dừng lại và hít thở sâu vài nhịp. Bạn sẽ cảm thấy bình tĩnh hơn để đưa ra các quyết định đúng đắn không khiến bản thân phải hối tiếc sau này. Những mối quan hệ tốt cũng nên được gìn giữ bằng cách áp dụng bí quyết này.
- Cải thiện hoạt động hệ tim mạch
Một điều rõ ràng đã được chứng minh là hít thở sâu tốt cho tim mạch. Tim được cung cấp nhiều khí oxy hơn, từ đó có thể luôn hoạt động tốt mà không bị quá tải.
- Tăng cường hệ miễn dịch và tiêu hoá
Hít một hơi thật sâu có tác dụng kích hoạt hệ thần kinh giao cảm, kích thích hệ miễn dịch khỏe mạnh. Lưu thông máu đến nuôi các cơ quan của hệ tiêu hoá được cải thiện, cung cấp đủ oxy đảm bảo vận hành tốt.
- Duy trì cân nặng hợp lý
Quá trình luyện tập thể lực có tác dụng đốt cháy năng lượng và tiêu hao chất béo dư thừa. Hít thở sâu là động tác cần có khi chúng ta tập thể dục, thúc đẩy nhanh hơn quá trình đốt cháy chất béo.
- Hình thành tư thế tốt cho khung xương
Tư thế sai có thể trực tiếp sinh ra cách thở sai. Khi hít thở sâu, phổi được lấp đầy bởi không khí, lồng ngực nở ra, cột sống thẳng lên, xương vai được mở ra phía sau giúp tạo ra một thư thế thẳng và đẹp.
- Kiểm soát cảm xúc
Cảm xúc và hơi thở có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Khi giận, hơi thở trở nên sâu và dài. Ngược lại khi hồi hộp, lo lắng, nhịp thở có khuynh hướng trở nên dồn dập và nông hơn. Vì vậy, kiểm soát hơi thở đồng thời có thể giúp kiểm soát tư tưởng, tình cảm của bản thân. Hít thở sâu sẽ giúp bạn giữ được tư tưởng và suy nghĩ theo hướng tích cực, giảm lo âu, căng thẳng, nâng cao được chất lượng của cuộc sống.
- Giảm đau, giảm viêm
Ngày nay, hít thở sâu được xem như một biện pháp điều trị các chứng đau nhức thông thường. Hít thở đúng cách giúp cơ thể giải phóng endorphin, chất giảm đau tự nhiên, giảm lượng axit trong cơ thể, tăng cường đào thải các chất độc và giảm khả năng phát triển bệnh tật. Hít thở sâu còn có thể ngăn ngừa ung thư.
Trắc nghiệm: Bận rộn có ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn không?
Cuộc sống hiện đại khiến chúng ta vì quá bận rộn mà quên chăm sóc sức khỏe cho chính mình. Ai cũng biết rằng lịch trình làm việc cả ngày có thể khiến bạn kiệt sức, nhưng cụ thể bận rộn ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe? Hãy cùng làm thử bài trắc nghiệm dưới đây.
2. Dấu hiệu nhận biết cơ thể đang hô hấp không hiệu quả
Đa số trong chúng ta thường có thói quen hít thở không đúng cách, vì thế thường không sử dụng hết bề mặt hô hấp của phổi. Các dấu hiệu giúp nhận biết bạn đang thở không hiệu quả:
- Thường xuyên mệt mỏi: hô hấp không hiệu quả đồng nghĩa với việc cơ thể không được cung cấp đầy đủ oxy, khi đó năng lượng được tạo ra không đủ để cung cấp cho các hoạt động hằng ngày.
- Đau mỏi cơ vùng vai gáy: động tác hít thở bằng ngực không thể giúp phổi nở ra tối đa. Các cơ vùng vai, cổ và gáy phải hoạt động nhiều hơn giúp mở rộng lồng ngực để làm tăng lượng không khí đi qua phổi. Điều này lặp lại và kéo dài sẽ tạo ra sự co cứng và cảm giác nhức mỏi của nhóm cơ này.
- Thở miệng: đây là thói quen sai lầm phổ biến. Nhiều người thường dùng miệng để thở thay vì dùng mũi. Hệ hô hấp sẽ nhận được nhiều oxy hơn mức cần thiết, giải phóng nhiều khí cacbonic hơn. Điều này không những khiến cơ thể dễ rơi vào trạng thái hồi hộp, đánh trống ngực mà còn làm cho miệng bị khô và có mùi khó chịu.
- Nín thở vô thức: khi nhận ra bản thân có những đợt nín thở ngắn, vô thức thì có thể bản thân bạn đang gặp phải stress. Dấu hiệu này nhắc nhở bản thân nên dừng lại và hít thở sâu để lấy lại cân bằng.
3. Thực hành hít thở sâu
Kỹ thuật hít thở sâu mang lại nhiều lợi ích nhưng không quá khó để thực hiện theo hướng dẫn sau:
- Bước 1: thở ra chậm, sâu kéo dài bằng mũi trong vòng khoảng 5 giây. Động tác này giúp đưa không khí thừa trong phổi ra ngoài càng nhiều càng tốt, chuẩn bị cho bước hít vào được sâu và căng tràn phổi. Bạn có thể tăng cường ép không khí ra ngoài bằng cách gồng các cơ vùng bụng biểu hiện bằng hóp bụng lại
- Bước 2: hít vào chậm, sâu bằng mũi kéo dài trong vòng khoảng 5 giây. Lúc này bạn cần cảm nhận được bụng mình phình ra, nghĩa là bạn đang thở nhờ vào cơ hoành, cơ hô hấp chính của cơ thể.
Lặp lại động tác này khoảng 5 đến 10 lần trong tư thế thả lỏng vùng vai và cổ. Đếm nhịp thở trong lúc luyện tập giúp tăng sự tập trung, tạo thuận lợi hơn cho người mới tập. Cứ mỗi một giờ bạn nên kiểm tra nhịp thở của mình một lần. Phương pháp hít thở sâu cũng nên được áp dụng trong các tình huống khó khăn, rắc rối hay hồi hộp.
Hít thở sâu là một trong những phương pháp giúp cải thiện chất lượng của hoạt động trao đổi khí. Hít thở sâu mang lại nhiều lợi ích, giúp đầu óc minh mẫn, tinh thần vui vẻ và cơ thể khỏe mạnh. Học cách hít thở sâu vài phút mỗi ngày là điều mà mọi người nên quan tâm và thực hành thường xuyên.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.