Mọc lông ở vú là khá phổ biến, nó hiếm khi là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Tuy nhiên, nếu mọc lông kết hợp với các triệu chứng bất thường khác, hãy đi kiểm tra để tìm ra nguyên nhân và điều trị sớm.
1. Mọc lông ở vú có tính chất như thế nào?
Hiện tượng mọc lông ở vú nhìn chung là không có gì bất thường. Ban đầu, lông thường mỏng và mịn. Sau đó, theo tuổi tác và thay đổi nội tiết tố trong cơ thể, lông có thể mọc dày và thô hơn.
Độ dày của lông vú thay đổi tùy thuộc vào chủng tộc và loại da. Ví dụ, người có da sẫm màu thường mọc lông ở vú dày hơn người da trắng.
2. Lông mọc ở vú có thay đổi theo thời gian?
Hiện tượng mọc lông ở vú có thể thay đổi theo thời gian khi con người trải qua các độ tuổi khác nhau. Ví dụ, khi ở tuổi dậy thì, lông ở quanh vú không có gì đặc biệt khiến bạn chú ý, nhưng khi nhiều tuổi hơn, màu lông đậm hơn có thể khiến bạn bắt đầu quan tâm đến nó.
Màu lông mọc ở vú thay đổi theo thời gian có thể là do có biến động về nội tiết tố như mang thai hoặc mãn kinh. Ví dụ, khi mang thai, lượng estrogen tăng đột biến làm thúc đẩy mọc lông ở da đầu, quầng vú và các vị trí khác. Hiện tượng mọc lông này được gọi là anagen.
3. Mọc lông quanh núm vú có đáng lo ngại?
Mọc lông ở vú gần như không có gì đáng lo ngại trừ khi nó đi kèm với một số triệu chứng khác. Trong đó, đáng chú ý là nội tiết tố nam tăng cao, đặc biệt là testosterone, gây ra chứng rậm lông.
Testosterone tăng cao gặp trong hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), một tình trạng do mất cân bằng hormone sinh sản. PCOS ảnh hưởng đến 1/10 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) ngoài có biểu hiện là mọc lông ở vú, còn có thể đi kèm với các triệu chứng khác như:
- Thay đổi hoặc không có kinh nguyệt
- Tăng da nhờn hoặc mụn trứng cá
- Rụng tóc trên đầu
- Vô sinh
- Mọc nhiều lông ở các vị trí khác như mặt
- Khó giảm cân
Ngoài PCOS, mọc lông ở vú còn có thể là dấu hiệu của hội chứng Cushing với các triệu chứng khác kèm theo như:
- Huyết áp cao
- Mặt đỏ hoặc tròn
- Dễ bầm tím
- Vết rạn da
- Dễ xúc động
- Yếu cơ
Tích tụ mỡ trên ngực, lưng trên, cổ và bụng
Các loại thuốc như steroid đường uống, testosterone, thuốc điều trị miễn dịch cũng có thể kích thích mọc lông ở vú. Nếu bạn lo lắng về lông trên ngực hoặc gặp bất kỳ triệu chứng nào ở trên, hãy gặp bác sĩ để được tư vấn thêm.
4. Tẩy lông mọc ở vú có an toàn không?
Cách tốt nhất và không có rủi ro nhất để loại bỏ lông ở vú là nhổ lông bằng nhíp. Bạn cũng có thể tẩy lông tại các cơ sở thẩm mỹ viện có cung cấp các liệu pháp tẩy lông núm vú. Liệu pháp này có thể gây đau, vì vậy hãy chuẩn bị tinh thần sẵn sàng trước khi tẩy lông.
Cố gắng cạo lông mọc ở vú có thể gây cắt vào da hoặc kích ứng vùng da mỏng manh trên bầu ngực. Bạn cũng có nguy cơ bị lông mọc dày rậm hơn trong các lần sau và nhiễm trùng. Do đó, bạn nên cân nhắc lợi - hại trước khi quyết định có tẩy lông ở vú hay không.
5. Không nên làm gì với lông mọc ở vú?
Không sử dụng Nair hoặc các sản phẩm làm rụng lông khác trên ngực vì chúng có thể gây sưng tấy, nhiễm trùng, phát ban và các phản ứng phụ khác trên da vùng ngực.
Nếu lông quanh vú mọc quá nhiều, hãy nói chuyện với bác sĩ da liễu về các giải pháp lâu dài hơn, chẳng hạn như tẩy lông bằng laser. Đây là thủ thuật đưa kim vào nang lông và sử dụng dòng điện để tiêu diệt tận gốc lông.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.