Quá trình điều trị gãy xương đốt ngón tay hầu hết đều sử dụng các phương pháp điều trị đơn giản. Ngược lại, phẫu thuật sẽ được áp dụng trong những trường hợp gãy xương ngón tay nghiêm trọng. Tuy nhiên, người bệnh cần được cấp cứu kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Gãy xương đốt ngón tay
1.1. Cấu tạo chung
Một chấn thương rất phổ biến ở tay là gãy xương đốt ngón tay (còn được gọi là gãy phalanx).
Thông thường, để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như cầm nắm hay điều khiển đồ vật, các xương của bàn tay được căn chỉnh một cách hoàn hảo. Tuy nhiên, khi bị gãy xương ngón tay, sự liên kết này bị phá vỡ dẫn đến việc bàn tay không còn thực hiện được các chức năng bình thường.
Thực tế, loại xương này là phần xương hay bị gãy nhất trong cơ thể, chiếm gần 10% tổng số trường hợp gãy xương.
Đối với những người trẻ dưới 30 tuổi, các hoạt động thể thao thường là nguyên nhân gây ra trường hợp gãy ngón tay. Trong khi đó, đối với nhóm tuổi từ 30 đến 70, các tai nạn lao động và máy móc lại là nguyên nhân chính gây gãy xương ngón tay. Còn ở những người cao tuổi trên 70, ngã thường là lý do dẫn đến gãy ngón tay.
Gãy ngón tay hoặc đầu ngón tay, đặc biệt là khi vết thương đã "đóng cửa", dễ bị nhầm lẫn với các tổn thương khác như bong gân hoặc trật khớp nghiêm trọng. Do đó, người bệnh cần đến gặp bác sĩ ngay để được chăm sóc y tế kịp thời.
Không chỉ xác định được mức độ tổn thương mà chụp X-quang ngón tay bị ảnh hưởng còn giúp bác sĩ biết được ngón tay hoặc đầu ngón tay có bị gãy hay không.
Về mặt giải phẫu: Mỗi bàn tay được cấu tạo từ 27 chiếc xương, bao gồm 8 xương cổ tay, 5 xương bàn tay (metacarpals) và 14 xương ngón tay (xương phalanx). Mỗi ngón tay có 3 xương phalanx: Phalanx gần là xương đầu tiên trong ngón tay, phalanx giữa là xương ngón giữa và phalanx xa là xương đầu ngón tay.
Ở phần này, gãy phalanx gần và phalanx giữa là vấn đề chính mà sẽ bàn đến.
1.2. Nguyên nhân gây gãy xương ngón tay
Trong số các bộ phận của bàn tay, ngón tay là bộ phận dễ bị tổn thương nhất. Các chấn thương có thể xảy ra với ngón tay rất đa dạng, từ những vết bầm tím do va chạm đến nhiễm trùng hoặc gãy xương. Bên cạnh đó, chấn thương và gãy xương ngón tay cũng là một tình trạng thường gặp.
So với các bộ phận khác trên cơ thể, ngón tay là bộ phận dễ bị thương nhất đơn giản vì bàn tay và ngón tay là những bộ phận được sử dụng thường xuyên nhất. Một số cách khác nhau có thể làm mọi người bị thương ngón tay hoặc đầu ngón tay, ví dụ như:
- Sử dụng cưa hoặc búa để làm việc.
- Khi tiếp xúc với các vật thể chuyển động nhanh bao gồm cả dụng cụ thể thao như bóng cricket, ngón tay sẽ dễ bị gãy hơn.
- Gãy ngón tay hoặc đầu ngón tay có thể xảy ra khi mọi người vô tình đập tay vào cửa xe.
- Khi cố gắng chống tay đỡ người lúc bị ngã hoặc trượt chân, mọi người có khả năng bị gãy xương ngón tay
1.3. Các loại gãy xương ngón tay
- Gãy xương ngón tay: Phần dây chằng hoặc gân nối với xương ngón tay bị kéo lệch khỏi vị trí ban đầu.
- Gãy do va đập: Các phần gãy của xương ngón tay vẫn thẳng hàng với nhau.
- Gãy do cắt: Do chịu tác động của lực, xương ngón tay bị tách ra làm đôi và mỗi phần di chuyển theo một hướng riêng biệt.
- Gãy xương hở: Xương ngón tay bị gãy xuyên ra bên ngoài da
- Gãy kín: Từ bên ngoài, không nhìn thấy xương qua lớp da còn nguyên vẹn.
- Gãy không di lệch: Mặc dù bị gãy nhưng xương vẫn giữ nguyên vị trí ban đầu không di lệch.
- Gãy trật khớp: Xương ngón tay bị vỡ ra thành nhiều mảnh riêng biệt không thẳng hàng.
- Gãy do chấn thương: Gãy không ổn định do xương bị gãy thành ba mảnh trở lên.
1.4. Triệu chứng
Để được chẩn đoán chính xác và điều trị gãy xương đốt ngón tay kịp thời, người bệnh nên đi khám càng sớm càng tốt. Các triệu chứng gãy xương ngón tay bao gồm:
- Ngón tay đau, sưng và bầm tím.
- Ngón tay bị ảnh hưởng trở nên cứng và khó khăn khi di chuyển.
- Dấu hiệu cho thấy ngón tay bị gãy hoặc trật khớp là khi ngón tay chỉ về một hướng lạ.
- Ngón tay không còn cảm giác và bị tê liệt.
- Người bệnh nhìn thấy xương hoặc xương thò ra qua da.
1.5. Chẩn đoán
Khi người bệnh thông báo về việc ngón tay bị thương, đau và sưng thì hướng chẩn đoán đầu tiên thường là gãy xương ngón tay.
Một dấu hiệu rõ ràng cho thấy người bệnh bị gãy xương ngón tay, trật khớp hoặc cả hai là khi ngón tay bị cong lệch khỏi vị trí bình thường. Ngoài ra, không thể uốn cong ngón tay do đau cũng là một dấu hiệu khác của tình trạng này.
Chụp X-quang là bước tiếp theo mà bác sĩ sẽ thực hiện nếu nghi ngờ bệnh nhân bị gãy xương ngón tay. Chụp X-quang ngón tay là một cách tốt, thậm chí là xét nghiệm cần thiết duy nhất để chẩn đoán tình trạng này. Sau đó, kết quả chụp X-quang sẽ được sử dụng để hướng dẫn điều trị điều trị gãy xương đốt ngón tay.
2. Điều trị gãy xương đốt ngón tay
Khi phát hiện một người bị gãy xương ngón tay, hành động đầu tiên mà người sơ cứu cần làm là đưa người bị thương đến phòng cấp cứu gần nhất để được cấp cứu ngay lập tức. Lý do là vì vết thương có nguy cơ bị nhiễm trùng do ô nhiễm môi trường, từ đó làm chậm quá trình lành xương hay thậm chí phải cắt bỏ ngón tay bị thương do nhiễm trùng hoặc không được cấp cứu kịp thời.
2.1 Sử dụng thuốc kháng sinh & uốn ván để ngăn ngừa nhiễm trùng
Người bệnh sẽ được tiêm phòng uốn ván ngay lập tức và dùng kháng sinh sớm để phòng ngừa hoặc điều trị nhiễm trùng có thể đã xảy ra với vết thương ngay khi được đưa vào phòng cấp cứu. Loại kháng sinh sẽ được lựa chọn dựa trên mức độ nghiêm trọng của bệnh.
2.2 Kiểm tra
Để xem xét các cấu trúc bên trong và mức độ tổn thương của các mô và xương, bác sĩ sẽ thực hiện chụp X-quang hoặc chụp MRI các ngón tay.
Tùy thuộc vào kết quả, bác sĩ sẽ cố gắng nhẹ nhàng đưa các xương trở lại thẳng hàng càng nhiều càng tốt để ngăn chặn những mảnh xương vỡ tự do gây tổn thương thêm cho các mô. Sau đó, để hạn chế vận động và ngăn ngừa tổn thương thêm cho xương các ngón tay, ngón tay sẽ được nẹp lại.
2.3 Làm sạch vết thương
Tất cả các chất bẩn, vật lạ cùng với những phần da hoặc mô mềm không sạch sẽ được bác sĩ phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn trong quá trình lau rửa và khử trùng vết thương nhằm kiểm soát nhiễm trùng
Ngoài ra, bác sĩ phẫu thuật cũng sẽ tiến hành làm sạch xương bằng cách loại bỏ toàn bộ bụi bẩn, vật lạ và các mảnh xương vỡ quá nhỏ. Phần xương bị mất sẽ được khắc phục bằng những ca phẫu thuật tiếp theo. Khi quá trình tẩy rửa hoàn tất, vết thương sẽ được làm sạch bằng nước muối.
Để ngăn chặn các mô bị tổn thương thêm, việc ổn định xương gãy là điều vô cùng cần thiết. Người bệnh sẽ được chuẩn bị cho ca phẫu thuật cố định xương gãy. Vết gãy được cố định bên ngoài hoặc bên trong, tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
Cố định bên trong thường được áp dụng cho các trường hợp gãy xương ngón tay nhẹ, ít nhiễm bẩn và tổn thương không quá nghiêm trọng. Ngược lại, cố định bên ngoài được chỉ định cho những trường hợp gãy xương ngón tay phức tạp nghiêm trọng hơn, có nguy cơ nhiễm trùng và tổn thương cao.
2.4 Cố định bên trong để điều trị gãy xương ngón tay
Đầu tiên, các mảnh xương gãy được sắp xếp lại đúng vị trí, tiếp theo sẽ được cố định chắc chắn bằng vít và đĩa đặt ở mặt ngoài xương. Nhờ phương pháp điều trị gãy xương đốt ngón tay này, quá trình liền xương diễn ra gần như tự nhiên.
Phẫu thuật thật sự để cố định vết gãy có thể cần một thời gian mới có thể thực hiện, do gãy xương ngón tay có thể làm tổn thương mô đáng kể và kèm theo các chấn thương khác.
Phẫu thuật hướng đến mục tiêu đưa xương gãy trở lại vị trí ban đầu và cố định thẳng hàng cho đến khi lành hẳn.
Để cố định các mảnh xương gãy thẳng hàng, bác sĩ thường sử dụng một số đinh vít nhỏ, một tấm kim loại nhỏ hoặc hai chốt. Kim loại này giúp tăng cường sự ổn định cho xương trong quá trình liền lại.
Hơn nữa, nhằm đảm bảo xương thẳng hàng, nhiều hình ảnh X-quang sẽ được thực hiện trong quá trình phẫu thuật điều trị gãy xương đốt ngón tay. Nếu sử dụng vít, chúng sẽ nằm trong xương vĩnh viễn trong khi các chốt sẽ được tháo ra sau 3-4 tuần.
Một lợi thế lớn của phẫu thuật là người bệnh có thể bắt đầu cử động ngón tay gần như ngay lập tức, nhờ đó giảm nguy cơ cứng khớp.
Ngoài ra trong một số trường hợp, chấn thương gãy xương-trật khớp xảy ra khi chỗ gãy xâm nhập vào khớp ngón tay gây mất ổn định. Hậu quả là ngón tay bị cong quá mức về phía sau, cả xương đầu tiên và xương thứ hai đều bị tổn thương: xương đầu tiên gãy, xương thứ hai trật khớp (nghĩa là khớp ngón tay bị tách ra).
Mục tiêu trước mắt là đưa ngón tay về lại vị trí ban đầu, sau đó cần phải giữ cho ngón tay luôn ở đúng vị trí trong khi đang lành. Khi mảnh xương gãy chiếm ít hơn 40% bề mặt khớp, phương pháp nẹp ngón tay ở tư thế uốn cong (bằng nẹp khối kéo dài) sẽ giúp xương liền lại. Ngược lại, nếu phần xương gãy lớn hơn 40% khớp, phẫu thuật sẽ là phương pháp cần thiết để khôi phục sự ổn định lại cho khớp ngón tay.
2.5 Cố định bên ngoài để điều trị gãy xương ngón tay
Trong thủ thuật điều trị gãy xương đốt ngón tay này, xương bị gãy được đưa trở lại vị trí giải phẫu ban đầu. Tiếp theo, các vít và đĩa được cố định ở trên và dưới vị trí gãy. Cuối cùng, các vít này được nối với các thanh kim loại đặt bên ngoài da.
Sau khi cố định vết gãy hợp chất của xương ngón tay, các bác sĩ sẽ tiến hành đóng vết thương. Phương pháp đóng vết thương sẽ được lựa chọn tùy thuộc vào mức độ phức tạp của vết thương bằng cách sử dụng thủ thuật vạt cục bộ hoặc vạt tự do.
Trong phương pháp vạt tại chỗ, mô cơ ở cổ tay bị tổn thương sẽ được xoay lại để đắp lên chỗ xương gãy, sau đó lớp da sẽ được ghép vào vị trí này. Còn trong kỹ thuật Free Flap, toàn bộ mô sẽ được di chuyển hoàn toàn. Thông thường, mô này được lấy từ phần da bụng.
Đối với những trường hợp gãy xương ngón tay ở vị trí cách xa khớp (ngoài khớp), phương pháp điều trị gãy xương đốt ngón tay phổ biến là băng nhẹ ngón tay bị thương vào ngón tay bên cạnh trong khoảng ba tuần. Nếu thời gian bất động kéo dài hơn, nguy cơ ngón tay bị cứng sẽ tăng lên.
Miễn là xương gãy ngón tay ở trạng thái bình thường hoặc gần bình thường, băng keo Buddy sẽ hoạt động tốt. Khi xương chỉ bị gãy một chỗ, uốn cong dưới 10 độ và không bị ngắn lại hay xoay được thì xương sẽ ổn định.
Vì sử dụng ngón tay lân cận làm nẹp để bảo vệ và ổn định ngón tay bị thương, đồng thời cho phép ngón tay cử động một chút để ngón tay không quá cứng (độ cứng là mối quan tâm thực sự với chấn thương ngón tay) nên băng keo Buddy rất tốt.
Tuy nhiên, phẫu thuật điều trị gãy xương đốt ngón tay sẽ được chỉ định khi ngón tay bị gãy thành nhiều mảnh nhỏ hoặc vết nứt xương xâm nhập đến các khớp ngón tay (nội khớp) hay khi các mảnh xương bị dịch chuyển quá nhiều so với vị trí bình thường.
Trường hợp xương ngón tay quá ngắn (dưới 2mm) hoặc bị cong quá mức (trên 10 độ), người bệnh sẽ không thể duỗi thẳng hoàn toàn ngón tay (do cơ sinh học đã bị thay đổi)
2.6 Điều trị sau phẫu thuật gãy xương ngón tay
Sau khi đã phẫu thuật, người bệnh sẽ thường xuyên cảm thấy đau và cứng khớp trong giai đoạn sau phẫu thuật điều trị gãy xương đốt ngón tay. Để giảm tình trạng này, người bệnh cần sử dụng thuốc giảm đau dạng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như Tylenol hoặc thuốc chống viêm ibuprofen kết hợp cùng với các bài tập nhẹ nhàng.
Ngoài ra, nhằm giúp các ngón tay sớm trở cử động bình thường trở lại, người bệnh cũng sẽ được bác sĩ giới thiệu một số phương pháp vật lý trị liệu cho ngón tay.
3. Chăm sóc gãy xương ngón tay
Để ngón tay bị gãy phục hồi hoàn toàn, người bệnh cần một khoảng thời gian từ 2 đến 8 tuần, thậm chí có thể lâu hơn. Vì thế, việc chăm sóc vết thương ngay cả khi không quá nặng là điều vô cùng quan trọng. Trong quá trình chữa lành, người bệnh nên thực hiện những điều sau:
- Cần giữ băng/ nẹp sạch sẽ và đúng vị trí, đồng thời tránh sử dụng bàn tay bị thương.
- Để kiểm soát cơn đau, người bệnh hãy dùng thuốc giảm đau theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
- Nhằm ngăn ngừa sưng thêm, người bệnh nên giữ bàn tay cao hơn tim.
- Đặt tay lên đệm khi ngủ hoặc ngồi xuống.
- Để giảm thiểu tình trạng sưng tấy, người bệnh phải chườm lạnh nhưng cần đảm bảo băng luôn khô.
Khoảng 2-3 tuần kể từ khi nẹp hoặc bó bột được đặt vào ngón tay bị gãy, các bác sĩ hoặc y tá sẽ tiến hành tháo bỏ sau khi kiểm tra xương đã liền lại. Để ngăn ngừa tình trạng cứng khớp, người bệnh nên thường xuyên vận động ngón tay và thực hiện các bài tập nhẹ nhàng nhằm tăng tốc độ hồi phục.
Nếu không được điều trị đúng cách, tình trạng gãy xương ngón tay hoặc đầu ngón tay sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về lâu dài. Mặc dù gãy xương đơn giản thường dễ chữa trị ngay từ ban đầu nhưng việc bỏ qua có thể dẫn đến những biến chứng phức tạp khó khắc phục sau này, thậm chí là vĩnh viễn.
Một loạt các vấn đề lâu dài sẽ xảy ra nếu ngón tay hoặc đầu ngón tay bị gãy không được điều trị, bao gồm tổn thương cơ hoặc dây thần kinh, đau mãn tính hay biến dạng xương, viêm khớp.
4. Khoảng thời gian phục hồi sau phẫu thuật điều trị gãy xương đốt ngón tay
Sau khi bị gãy xương ngón tay, tình trạng ngón tay bị cứng là một mối quan tâm lớn đối với nhiều người.
Nguy cơ bị cứng khớp sẽ tăng lên nếu có một vết nứt xâm lấn vào khớp ngón tay. Bên cạnh đó, những trường hợp gãy khác khiến ngón tay phải cố định trong nhiều tuần cũng làm gia tăng nguy cơ này.
Phương pháp điều trị gãy xương đốt ngón tay bằng băng keo Buddy có thể giúp người gãy xương có thể bắt đầu cử động ngón tay ngay lập tức. Tuy nhiên, trong các trường hợp cần nẹp cứng (hoặc ghim để phẫu thuật), việc bắt đầu vận động ngón tay trong vòng 4 tuần đầu tiên là vô cùng quan trọng, nếu không, nguy cơ bị cứng khớp vĩnh viễn có thể lên tới gần 40%.
Mức độ tổn thương của mô và xương cũng như độ phức tạp của chấn thương sẽ quyết định thời gian cần thiết để ngón tay phục hồi hoàn toàn. Với những trường hợp gãy xương và tổn thương nhẹ, người bệnh có thể quay trở lại các hoạt động thường ngày sau khoảng 6 đến 8 tuần. Tuy nhiên, đối với những trường hợp gãy xương đốt ngón tay phức tạp, tổn thương sâu thì quá trình hồi phục có thể kéo dài từ 3 đến 4 tháng trước khi bệnh nhân lấy lại hoàn toàn chức năng của ngón tay.
Đối với những người làm công việc đánh máy hoặc nhập liệu đòi hỏi phải đánh máy nhiều trong ngày thì việc quay trở lại làm việc bình thường có thể mất tới 3-6 tháng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: bonetalks.com