Bài viết được viết bởi Giáo viên giáo dục đặc biệt Phan Thị Phượng - Đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục
Trẻ em là một thực thể nhạy cảm, dễ bị tổn thương do còn non nớt và thiếu kiến thức, kỹ năng xã hội. Trong xã hội ngày nay, trẻ em cũng là nạn nhân của nhiều vụ xâm hại thân thể, xâm hại tình dục khiến cho các em rơi vào bế tắc với những tổn thương tâm lý suốt đời. Vậy làm cách nào để dạy trẻ các kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân không bị xâm hại tình dục? Một trong những bài học mà bố mẹ có thể hướng dẫn con để tự bảo vệ mình, tránh bị xâm hại đó là “Quy tắc ngón tay”.
1. Tại sao gọi là “Quy tắc ngón tay”?
Thứ nhất, bàn tay rất gần gũi với trẻ nhất là với những trẻ khuyết tật. Các bé sử dụng ngón tay từ lúc lọt lòng. Dùng tay để khám phá thế giới xung quanh thông qua các thao tác sờ, chạm, cầm, nắm. Bàn tay còn là công cụ để trẻ học tập, tương tác với những người xung quanh.
Thứ hai, năm ngón tay tương ứng với năm vòng tròn giao tiếp của trẻ.
2. Năm vòng tròn giao tiếp gồm những gì?
Trong cuộc đời của mỗi người đều sẽ trải qua các giai đoạn khác nhau, với những mối quan hệ khác nhau. Khi còn bé trẻ chỉ nhận biết đến bố, mẹ, ông, bà, anh chị em. Lớn hơn nữa, tiếp xúc với hàng xóm và bạn bè của gia đình. Đến tuổi đi học gặp gỡ bạn bè, thầy cô. Khi trưởng thành, sẽ gặp gỡ đồng nghiệp, khách hàng...
Năm vòng tròn giao tiếp của trẻ được thể hiện qua những hoạt động của bàn tay khi tương tác với người khác:
- Vòng tròn trung tâm: dành cho người thân trong gia đình (bố, mẹ, anh chị em ruột) trẻ được phép hoặc cho phép các hành vi như ôm hôn, bế, ẵm, cõng, tắm khi chưa tự mình làm được, ngồi vào lòng, ngủ chung...
- Vòng tròn thứ hai dành cho những người thân cận như họ hàng, thầy cô, bạn bè. Trẻ được quyền cho phép nắm tay, vỗ vai, xoa đầu.
- Vòng tròn thứ ba dành cho người quen (hàng xóm tin cậy, bạn đồng nghiệp của bố mẹ...) trẻ được quyền bắt tay, chào hỏi, trò chuyện.
- Vòng tròn thứ tư dành cho người lạ: trẻ chỉ vẫy tay chào và tạm biệt.
- Ngoài tất cả những vòng tròn này, với những “Người đáng ngại” thì trẻ cần hạn chế tiếp xúc. Bố mẹ cần nói chuyện với trẻ về khái niệm “Những người đáng ngại”. Đây không phải là những người có ngoại hình xấu xí hay bệnh tật ốm yếu mà là những người khiến trẻ có cảm giác bất an, không thoải mái. Là những người cố tình đụng chạm vào những bộ phận nhạy cảm của trẻ như quần lót, bộ phận sinh dục. Đối với những người này trẻ cần có thái độ dứt khoát yêu cầu họ dừng lại. Nếu họ không dừng lại trẻ cần phải báo với bố mẹ hoặc những người thân đáng tin cậy.
Bố mẹ cũng cần tôn trọng cảm giác của trẻ nhỏ. Không nên cố gắng ép trẻ tiếp xúc với những người trẻ cảm thấy không an toàn, lo lắng. Đây là những cảm giác cần được lưu tâm và quan sát kỹ.
>>> Dạy trẻ tương tác với người lạ
3. Làm thế nào để trẻ ghi nhớ “Quy tắc bàn tay”?
Ngay từ khi trẻ bắt đầu có nhận thức về các mối quan hệ xung quanh mình, bố mẹ hoàn toàn có thể giới thiệu cho trẻ về quy tắc ngón tay cùng với vòng tròn giao tiếp. Bố mẹ có thể chơi các trò chơi như: cho trẻ dán hình những người xung quanh tương ứng với các vòng tròn; chơi trò chơi hỏi đáp khi trò chuyện về vòng tròn giao tiếp; chơi đóng vai; giải quyết vấn đề trong các tình huống cụ thể...
Bố mẹ cần giải thích rõ với trẻ về các quy tắc ứng xử với từng nhóm người ở từng vòng tròn khác nhau. Bên cạnh đó cần lưu ý trẻ về các trường hợp đặc biệt mà trẻ có thể “tạm gác” các quy tắc trên như: khi cứu người, khi ở trong hoàn cảnh phải chen chúc nhau nơi công cộng, khi sinh hoạt văn hóa văn nghệ trong môi trường tập thể...
Đây là quy tắc phù hợp với cả trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên nên bố mẹ có thể thường xuyên trò chuyện với con của mình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: “Cẩm nang giáo dục giới tính” Ts-Bs Nguyễn Lan Hải