Tạo cơ hội cho trẻ tự kỷ giao tiếp trong hoạt động hằng ngày như thế nào?

Bài viết của Chuyên viên Âm ngữ trị liệu Nguyễn Thị Yến – Trung tâm Y học tái tạo và trị liệu tế bào, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Mỗi trẻ tự kỷ giao tiếp bằng những cách thức khác nhau: Sử dụng lời nói, kéo tay, cũng có trẻ chỉ khóc, ăn vạ... Làm thế nào tạo ra và tận dụng các tình huống giao tiếp hằng ngày để dạy trẻ tự kỷ sử dụng ngôn ngữ hiệu quả trong giao tiếp?

Câu trả lời là: Dù trẻ đang giao tiếp bằng cách thức nào, trẻ chưa có lời nói hay đang bắt đầu học cách sử dụng ngôn ngữ phù hợp với tình huống giao tiếp, bạn hoàn toàn có thể tạo ra và tận dụng các tình huống giao tiếp hằng ngày để dạy trẻ giao tiếp. Tạo ra một chút khó khăn, thách thức trong hoạt động hằng ngày của trẻ sẽ là cách tốt để bạn tạo cơ hội giao tiếp cho trẻ. Hãy cùng chia sẻ cách xử trí trong từng hoạt động này nhé.

1. Tạo cơ hội cho trẻ tự kỷ giao tiếp trong giờ ăn

Có đồ ăn yêu thích sẽ là động lực để giúp trẻ tham gia tốt hơn vào giờ ăn cũng như chủ động hơn trong việc giao tiếp với người lớn.

Lúc này, chọn đồ ăn sẽ là một cách để tạo động lực cho trẻ tự kỷ giao tiếp. Bạn để đồ ăn trẻ thích vào một cái hộp nhỏ, trẻ không tự mở được sẽ cần phải nhờ bạn giúp. Hoặc bạn cũng có thể đưa cho trẻ một chút thức ăn, để khi ăn hết trẻ sẽ phải hỏi xin để được ăn thêm. Lúc này, bạn hãy làm mẫu ngôn ngữ cho con nhưng chú ý ngôn ngữ bạn làm mẫu phải phù hợp với khả năng trẻ có thể diễn đạt được và chờ đợi để trẻ có thể giao tiếp với bạn.

2. Tạo cơ hội cho trẻ tự kỷ giao tiếp khi chơi vận động

Một số trẻ tự kỷ rất thích leo trèo, chạy nhảy, chơi với bóng, ôm – xoay người. Ban đầu, bạn hãy nương theo sở thích của trẻ và khiến trẻ thật vui vẻ. Sau đó, bạn có thể dừng đột ngột ở lượt chơi tiếp theo và chờ đợi trẻ chủ động giao tiếp lại. Nếu trẻ bối rối, chưa biết làm thế nào, bạn hãy làm mẫu ngôn ngữ và tiếp tục chờ đợi trẻ giao tiếp. Lúc này, chỉ cần trẻ cố gắng giao tiếp bằng bất cứ hình thức nào trong khả năng, bạn hãy ngay lập tức đáp ứng yêu cầu của trẻ.

Xem ngay: Giao tiếp với trẻ tự kỷ như thế nào?

3. Tạo cơ hội cho trẻ tự kỷ giao tiếp khi đọc sách

Đọc sách là cơ hội tốt để cung cấp vốn từ vựng, cũng như tăng cường khả năng chú ý, kết nối của trẻ với người mà trẻ đọc sách cùng. Trước khi đọc sách cùng trẻ, bạn cần đọc xong cuốn sách trước đó và chuẩn bị những câu hỏi/ tình huống “có thể” hỏi hoặc phát sinh khi đọc sách cùng trẻ. Hãy sử dụng giọng điệu thật thú vị và cuốn hút trẻ và ngồi ở vị trí trẻ dễ dàng giao tiếp với bạn nhất. Khi đang đọc sách, nếu trẻ quan tâm tới bất cứ hình ảnh/ trang sách nào đó, bạn hãy dừng lại và trò chuyện với trẻ xung quanh những gì trẻ quan tâm. Khuyến khích trẻ trò chuyện nhưng không ép trẻ nói, không yêu cầu là cách tốt để trẻ cảm thấy thoải mái và muốn giao tiếp với bạn nhiều hơn.

4. Tạo cơ hội cho trẻ tự kỷ giao tiếp khi chơi trên bàn/ trên sàn

Bạn có thể khuyến khích và tạo cơ hội cho trẻ lựa chọn các hoạt động chơi trên bàn/ trên sàn. Ví dụ như chơi một món đồ chơi yêu thích hay làm một hoạt động nghệ thuật (vẽ, trang trí). Bạn có thể tạo cơ hội giao tiếp cho trẻ bằng cách:

  • Cho trẻ không đủ số lượng đồ chơi mà trẻ muốn
  • Dừng/ chắn lại đột ngột đồ chơi/ hoạt động chơi mà trẻ đang thực hiện để tạo ra thách thức nhỏ với trẻ.

Xem ngay: Chơi có cấu trúc với trẻ em tự kỷ

5. Tạo cơ hội cho trẻ tự kỷ giao tiếp khi tắm

Chơi với nước là hoạt động hầu hết trẻ em đều yêu thích, đặc biệt là trẻ tự kỷ có nhiều nhu cầu về giác quan. Bạn có thể chuẩn bị thêm các con vật đồ chơi, ca nước, cốc... và chuẩn bị trước một số hoạt động cùng trẻ trong bồn tắm. Ví dụ: thổi bong bóng xà phòng, tắm cho các con vật... Trong khi tắm, hãy cố gắng tương tác với trẻ thật nhiều, giữ cho hoạt động thật vui để trẻ luôn có động lực và mong muốn được chơi cùng bạn. Khi trẻ đang chơi, bạn có thể lấy một đồ chơi khác và chơi bên cạnh trẻ, tạo ra các hành động chơi mới thú vị với đồ chơi đó. Làm như vậy, bạn sẽ kích thích được sự tò mò, chú ý của trẻ và trẻ có xu hướng sẽ nhìn sang bạn nhiều hơn, chủ động giao tiếp với bạn nhiều hơn.

Như vậy, cha mẹ có thể chơi và dạy trẻ trong tất cả các hoạt động hằng ngày tại gia đình. Để việc khuyến khích trẻ tự kỷ giao tiếp hiệu quả, bạn cần chú ý một số điểm như sau:

  • Tập trung vào chất lượng của giao tiếp chứ không phải biến cuộc trò chuyện trở thành buổi “kiểm tra bài cũ”. Điều này có nghĩa là trẻ chú ý và muốn giao tiếp với bạn quan trọng hơn việc hỏi trẻ “đây là gì”, “nó ở đâu”,...
  • Làm mẫu ngôn ngữ và kỳ vọng trẻ có thể sử dụng ngôn ngữ ở mức cao hơn một chút so với năng lực hiện tại của trẻ để giao tiếp với bạn.
  • Khuyến khích, tăng cường động lực giao tiếp, động lực chơi của trẻ bằng cách giữ trò chơi thật vui vẻ và thoải mái.

Hãy thử áp dụng các phương pháp nói trên, bạn sẽ có thể đồng hành một cách tích cực trên con đường tạo những cơ hội giao tiếp cho trẻ tự kỷ và giúp con có nhiều tiến bộ trong học tập, sinh hoạt hàng ngày.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe