Bệnh đái tháo đường có gây rụng tóc không?

Nhiều bệnh nhân đái tháo đường than phiền về chứng rụng tóc. Nguyên nhân gây rụng tóc ở bệnh đái tháo đường có thể là sự thiếu tưới máu da đầu khiến các nang tóc kém phát triển.

1. Bệnh đái tháo đường có thể ảnh hưởng gì đến cơ thể ?

Nếu mắc bệnh đái tháo đường, cơ thể của bạn không sản xuất insulin, không sử dụng insulin một cách hiệu quả hoặc cả hai. Insulin là một loại hóc môn có tác dụng vận chuyển đường từ thực phẩm bạn ăn vào máu và vào tế bào để dự trữ hoặc sử dụng làm năng lượng cho cơ thể.

Khi bạn không có insulin hoặc nó không được sử dụng một cách hiệu quả, đường có thể tích tụ trong máu của bạn. Lượng đường dư thừa đó có thể gây hại cho các cơ quan trên toàn cơ thể, bao gồm cả mắt, dây thần kinh và thận. Nó cũng có thể làm hỏng mạch máu của bạn. Các mạch này mang oxy đi khắp cơ thể của bạn để nuôi dưỡng các cơ quan và mô. Các mạch máu bị tổn thương có thể không đảm bảo cung cấp đủ oxy để nuôi dưỡng các nang tóc của bạn. Sự thiếu oxy này có thể ảnh hưởng đến chu kỳ phát triển bình thường của tóc.


Bệnh đái tháo đường có thể là nguyên nhân khiến bạn bị rụng tóc
Bệnh đái tháo đường có thể là nguyên nhân khiến bạn bị rụng tóc

2. Chu kỳ phát triển của tóc và bệnh đái tháo đường

Quá trình phát triển của tóc thường trải qua ba giai đoạn. Trong giai đoạn phát triển tích cực, kéo dài từ hai năm trở lên, tóc phát triển với tốc độ từ 1 đến 2 cm mỗi tháng. Sau đó, tóc bắt đầu chuyển sang giai đoạn nghỉ ngơi, kéo dài khoảng 100 ngày. Sau giai đoạn này, một số tóc còn lại sẽ rụng.

Bệnh đái tháo đường có thể làm gián đoạn quá trình này, dẫn đến làm chậm sự phát triển của tóc. Mắc bệnh đái tháo đường cũng có thể khiến bạn rụng nhiều tóc hơn bình thường. Rụng tóc không chỉ xảy ra trên đầu bạn. Biểu hiện khác của tình trạng này là rụng lông trên cánh tay, chân và các bộ phận khác trên cơ thể. Khi tóc mọc lại, tốc độ phát triển sẽ chậm hơn bình thường.

Những người mắc bệnh đái tháo đường có nhiều khả năng mắc một tình trạng gọi là rụng tóc từng mảng. Với chứng rụng tóc này, hệ thống miễn dịch tấn công nhầm các nang tóc, dẫn đến rụng tóc từng mảng trên đầu và trên các bộ phận khác của cơ thể.

Bản thân bệnh đái tháo đường có thể dẫn đến rụng tóc. Bạn cũng có thể bị rụng tóc do tác dụng phụ của trạng thái tâm lý căng thẳng do sống chung với bệnh mãn tính hoặc do các loại thuốc bạn dùng để điều trị bệnh đái tháo đường. Một số người mắc bệnh đái tháo đường cũng mắc bệnh tuyến giáp, nguyên nhân có thể góp phần gây rụng tóc.

Người bị bệnh đái tháo đường cần nói chuyện với bác sĩ nếu bạn đang có bất kỳ triệu chứng khó chịu nào của bệnh đái tháo đường, bao gồm cả rụng tóc. Rụng lông từ cánh tay và chân của bạn đặc biệt quan trọng cần báo cáo với bác sĩ vì nó còn có thể là dấu hiệu của tưới máu kém và giảm nuôi dưỡng khi biến chứng mạch máu xuất hiện.

Nếu rụng tóc liên quan đến việc kiểm soát bệnh đái tháo đường không tốt, bạn có thể cần điều chỉnh chế độ ăn uống, lối sống hoặc loại thuốc để duy trì lượng đường trong máu ở giá trị ổn định. Khi bệnh đái tháo đường của bạn được kiểm soát, bạn sẽ nhận thấy giảm rụng tóc. Bạn sẽ rụng ít tóc hơn và sẽ mọc lại với tốc độ nhanh hơn.


Kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường sẽ giúp bạn ít bị rụng tóc hơn
Kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường sẽ giúp bạn ít bị rụng tóc hơn

3. Người bệnh đái tháo đường nên làm gì với tình trạng rụng tóc của mình?

Dưới đây là một số cách khác để giữ cho mái tóc của bạn luôn bồng bềnh và khỏe mạnh, và bù đắp cho chứng rụng tóc do bệnh đái tháo đường.

Thuốc

Bác sĩ da liễu của bạn có thể kê toa một loại thuốc bôi như minoxidil (Rogaine), bạn dùng thoa lên da đầu và những vùng khác bị rụng tóc. Nam giới cũng có thể uống một loại thuốc có tên là Finasteride (Propecia) để hỗ trợ mọc lại tóc. Finasteride chưa được chấp thuận cho phụ nữ sử dụng. Nếu chứng rụng tóc từng mảng là nguyên nhân, bác sĩ có thể kê đơn thuốc steroid để giảm viêm.

Biotin

Biotin là một loại vitamin tự nhiên được tìm thấy trong các loại thực phẩm như đậu phộng, hạnh nhân, khoai lang, trứng, hành tây và yến mạch. Những người mắc bệnh đái tháo đường có thể có hàm lượng biotin thấp hơn bình thường. Có một số bằng chứng cho thấy việc bổ sung biotin bằng đường uống có thể làm chậm quá trình rụng tóc. Trước khi bắt đầu bổ sung biotin, người bệnh nên gặp bác sĩ để được tư vấn. Hàm lượng biotin khuyến nghị đủ cho người lớn là 30 microgam mỗi ngày, nhưng các viên uống thực phẩm chức năng thường chứa một lượng cao hơn nhiều. Hỏi bác sĩ đâu là lượng an toàn cho bạn.

Tóc giả

Nếu tình trạng rụng tóc ảnh hưởng đến một phần lớn da đầu, bạn có thể tạm thời che đi bằng tóc giả hoặc kẹp tóc. Chi phí khá nhỏ và bạn có thể tháo tóc giả khi không cần nữa. Đây là phương pháp được nhiều người lựa chọn để bảo đảm tính thẩm mỹ.

Rụng tóc có thể đáng sợ, nhưng bạn có thể có nhiều lựa chọn. Để quản lý lượng đường trong máu tốt hơn, hãy tập thể dục hàng ngày. Đây là một cách tuyệt vời để giảm lượng đường trong máu và tăng cường cung cấp oxy đến các mô và cơ quan trong cơ thể và thậm chí cả da đầu của bạn! Nói chuyện với bác sĩ của bạn để tìm hiểu thêm về những gì bạn có thể làm để kiểm soát tình trạng rụng tóc của mình.

Quý khách vui lòng theo dõi website (www.vinmec.com) để có thêm thông tin hướng dẫn về dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe sẽ được chúng tôi cập nhật thường xuyên.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe