Đau lòng bàn chân là một triệu chứng thường gặp, cơn đau có thể xuất hiện ở gần các ngón chân hay ở gót chân. Tùy thuộc vào nguyên nhân do chấn thương hoặc một tình trạng khác, bạn có thể cảm thấy từ đau nhói từng cơn hoặc đau liên tục.
1. Nguyên nhân gây đau gan bàn chân
Mỗi bàn chân có 26 xương, 30 khớp và gần 100 cơ và dây chằng để kết nối chúng. Tất cả các bộ phận này, từ ngón chân đến gân Achilles giúp bạn đứng thẳng, giữ thăng bằng và đi lại. Do đó, khi xảy ra bất cứ bất thường nào bàn chân cũng có thể gây khó chịu và đau đớn bất cứ khi nào bạn đứng hoặc bước đi.
Bởi vì có cấu trúc phức tạp nên bạn cũng có thể cảm thấy nhiều kiểu đau khác nhau. Có thể đau trong một số trường hợp nhất định như khi bạn ấn vào hoặc đau chỉ xuất hiện vào ban đêm. Một số nguyên nhân gây đau gan bàn chân phổ biến:
1.1 Viêm cân gan chân
Cân gan chân là một dải mô trải dài từ xương gót chân, qua vòm bàn chân và đến gốc các ngón chân. Viêm cân gan chân, một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra những cơn đau nhói. Các yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ phát triển bệnh viêm cân gan chân bao gồm:
- Lòng bàn chân bẹt hoặc vòm rất cao.
- Thừa cân hoặc béo phì.
- Mang giày có hỗ trợ vòm kém.
- Đi bộ, chạy hoặc đứng nhiều trên bề mặt cứng.
- Đi bộ với chân trần.
- Phụ nữ mang thai.
Các triệu chứng viêm cân gan chân thường nghiêm trọng nhất vào buổi sáng, khiến lòng bàn chân bị đau mỗi khi thức dậy. Khi ra khỏi giường, bạn có thể cảm thấy đau nhói ở bước đầu tiên.
1.2 Đau xương đốt bàn chân
Đau xương đốt bàn chân là thuật ngữ chỉ tình trạng đau và viêm ở ụ bàn chân, đây là khu vực giữa vòm và gốc ngón chân, dưới xương bàn chân. Cơn đau thường được mô tả là đau nhói, nhức hoặc nóng rát ở giữa lòng bàn chân. Triệu chứng thường trở nên nghiêm trọng hơn khi bạn đứng, chạy, đi bộ bàn chân.
Một nghiên cứu cho thấy rằng 80% người sẽ trải qua đau xương đốt bàn chân vào một thời điểm nào đó. Tình trạng này phổ biến hơn ở những người thực hiện các hoạt động mạnh tác động lên lòng bàn chân, chẳng hạn như chạy hoặc nhảy. Người lớn tuổi có tỷ lệ xuất hiện đau xương đốt bàn chân cao hơn. Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ xuất hiện bao gồm:
- Vòm chân cao.
- Chơi các môn thể thao tác động cao liên quan đến chạy hoặc nhảy.
- Thừa cân hoặc béo phì.
- Thường xuyên đi giày cao gót hoặc giày không vừa chân.
- Bệnh gout.
- Bệnh đái tháo đường.
1.3 Bệnh lý thần kinh ngoại biên
Bệnh lý thần kinh ngoại biên là cơn đau dây thần kinh gây ra bởi các dây thần kinh bị tổn thương hoặc không hoạt động và là nguyên nhân gây đau lòng bàn chân thường gặp ở những người mắc bệnh lý mãn tính.
Các bệnh lý này làm tổn thương dây thần kinh ngoại biên, bao gồm bệnh đái tháo đường, lạm dụng rượu nghiêm trọng, bệnh Lyme hoặc các bệnh tự miễn dịch như lupus ban đỏ hoặc có thể do chấn thương dây thần kinh ngoại vi. Cơn đau thường được mô tả là cảm giác ngứa ran, nóng rát hoặc như dao đâm ở lòng bàn chân hoặc bàn tay và có thể lan lên cẳng chân hoặc cánh tay.
1.4 U thần kinh
U thần kinh là một khối bất thường của các tế bào thần kinh, hình thành giữa các ngón chân, thường gặp sau chấn thương. Phụ nữ có nhiều khả năng mắc u thần kinh hơn nam giới. Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ xuất hiện u thần kinh bao gồm:
- Chơi các môn thể thao liên quan đến chạy hoặc nhảy.
- Mang giày mà không có sự hỗ trợ thích hợp.
- Thường xuyên đi giày cao gót.
- Thường xuyên đi giày chật, chẳng hạn như giày múa ba lê hoặc để leo núi.
U thần kinh thường gặp nhất giữa ngón chân thứ hai và thứ ba, hoặc thứ ba và thứ tư. Các triệu chứng bao gồm đau rát ở lòng bàn chân, cảm giác tê và ngứa ran lan xuống các ngón chân.
1.5 Viêm xương vừng hoặc gãy xương vừng do mỏi
Xương vừng là hai xương nhỏ thường gặp ở nền xương ngón chân cái. Chúng có tác dụng hỗ trợ gân giúp co duỗi ngón chân cái. Nếu các xương này hoạt động quá mức, có thể gây nên viêm xương vừng, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau âm ỉ và sưng tấy ở gốc ngón chân cái. Nghiêm trọng hơn có thể bị gãy xương vừng do mỏi.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm xương vừng bao gồm:
- Chơi một môn thể thao gây nhiều áp lực lên ụ bàn chân, như chạy, múa ba lê hoặc quần vợt.
- Vòm lòng bàn chân cao.
- Thường xuyên đi giày cao gót.
Ngoài ra, tình trạng đau lòng bàn chân còn có thể đến từ những nguyên nhân khác như: hội chứng ống cổ chân, hội chứng Guillain-Barré...
2. Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ?
Đôi khi, cơn đau giữa lòng bàn chân tự khỏi sau vài ngày. Một số trường hợp diễn biến mãn tính ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn. Điều quan trọng là cần chẩn đoán chính xác và bắt đầu điều trị cũng như thay đổi lối sống để giảm đau lòng bàn chân. Bạn cần đến cơ sở y tế nếu xuất hiện một trong các triệu chứng sau:
- Cơn đau mới xuất hiện kéo dài nhiều ngày.
- Mất cảm giác hoặc ngứa ran ở lòng bàn chân.
- Cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn.
- Đau gây khó chịu và khó đi lại hoặc thực hiện các hoạt động khác.
- Nguyên nhân gây đau do chấn thương.
- Sốt hoặc sưng kèm theo đau chân (dấu hiệu nhiễm trùng )
- Bệnh đái tháo đường hoặc bệnh lý khác ảnh hưởng đến dây thần kinh.
- Nhiễm cúm hoặc nhiễm trùng khác trong vài ngày hoặc vài tuần trước khi cơn đau lòng bàn chân bắt đầu, có thể cho thấy hội chứng Guillain-Barré
- Vết thương ở lòng bàn chân có dấu hiệu nhiễm trùng như chảy mủ, sưng đỏ.
3. Điều trị đau gan bàn chân
Điều trị đau gan bàn chân phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
3.1 Thay đổi lối sống
Sử dụng miếng lót giày: Mang loại giày có hỗ trợ hoặc miếng lót giày có thể giúp giảm đau chân, đặc biệt đối với các tình trạng như viêm cân gan chân, đau xương đốt bàn chân và u thần kinh.
Chế độ ăn: Bắt đầu một chế độ ăn kiêng chống viêm là lý tưởng cho bất kỳ ai bị đau. Chế độ ăn này tập trung vào trái cây và rau quả, cá, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt. Thực phẩm có nghệ, nước chanh và chất chống oxy hóa có thể giúp giảm viêm lòng bàn chân.
Giảm cân: Thừa cân hoặc béo phì có liên quan đến việc tăng nguy cơ đau, viêm và các vấn đề khác ở bàn chân. Giảm cân có thể giúp làm giảm tác động cho đôi chân, và cũng đặc biệt quan trọng nếu bạn mắc bệnh đái tháo đường, yếu tố nguy cơ gây bệnh thần kinh ngoại biên, hội chứng ống cổ chân.
Tư thế: Nhiều người bệnh nhận thấy rằng cải thiện tư thế giúp giảm áp lực cho đôi chân và cải thiện cơn đau lòng bàn chân. Bạn có thể cải thiện tư thế bằng cách đẩy vai ra sau và trọng lượng sẽ được cân bằng đều trên cả hai chân. Nếu bạn thường khom người, có thể thử đeo nẹp giữ tư thế để kéo vai ra sau. Tập các bài tập giãn cơ giúp giảm tình trạng căng cứng ở lưng, hông và mông và giúp đứng vững hơn.
3.2 Sử dụng thuốc
Thuốc giảm đau không kê đơn cũng có thể hữu ích, bao gồm: Acetaminophen, Ibuprofen, Naproxen, Axit Acetylsalicylic.
Nếu phương pháp điều trị bảo tồn thất bại, tiêm cortisone có thể có hiệu quả đối với: viêm cân gan chân, viêm xương vừng, u thần kinh.
Đối với cơn đau nặng hơn, có thể được chỉ định dùng thuốc opioid (thuốc giảm đau gây nghiện) như: Acetaminophen/Codeine, Hydrocodone/Acetaminophen.
Bệnh lý thần kinh ngoại vi có thể khó điều trị hơn nguyên nhân gây đau lòng chân khác, thường được điều trị bằng các loại thuốc như thuốc chống động kinh và chống trầm cảm.
3.3 Liệu pháp bổ sung và thay thế
Các phương pháp điều trị bổ sung hoặc thay thế có thể làm giảm đau gan bàn chân, ít nhất là tạm thời, chẳng hạn như châm cứu, điện châm, mát xa. Một số liệu pháp vận động như yoga hoặc thái cực quyền có thể giúp tăng cường sức mạnh, sự linh hoạt của cơ bắp.
Chườm lạnh hoặc chườm nóng có thể giúp giảm đau. Chườm lạnh trong 20 phút mỗi lần, tối đa ba lần một ngày và chú ý không được đặt túi đá trực tiếp lên da.
3.4 Vật lý trị liệu
Mục tiêu của vật lý trị liệu là giảm các triệu chứng và ảnh hưởng của nó đối với chất lượng cuộc sống hàng ngày. Bác sĩ trị liệu vật lý sẽ thiết kế một chương trình giúp phục hồi bàn chân để bạn có thể đi và đứng mà không bị đau giữa lòng bàn chân. Chương trình phục hồi chức năng có thể bao gồm các động tác giãn cơ và giúp cải thiện sức mạnh, khả năng cân bằng và phạm vi hoạt động của bàn chân và cổ chân. Vật lý trị liệu có thể giúp kiểm soát triệu chứng của bệnh viêm cân gan chân, đau xương đốt bàn chân, u dây thần kinh hoặc viêm xương vừng hoặc bệnh lý thần kinh ngoại biên trong một số trường hợp.
3.5 Phẫu thuật
Phẫu thuật thường là biện pháp điều trị cuối cùng khi tất cả các phương pháp điều trị khác không thể làm giảm cơn đau và các triệu chứng khác như phẫu thuật loại bỏ xương vừng bị viêm, u dây thần thần kinh.
Lời khuyên tốt nhất là khi bị đau giữa lòng bàn chân, người bệnh nên tới các cơ sở y tế để được thăm khám, tìm nguyên nhân và điều trị sớm nhất. Cách này giúp tình trạng bệnh sớm được cải thiện, đồng thời hạn chế tối đa những biến chứng về sau.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.