Cây gai dầu có tên khoa học là Cannabis sativa, cùng một loài với cây cần sa (marijuana) nhưng có nhiều đặc điểm khác biệt. Hạt gai dầu chỉ chứa một lượng rất nhỏ THC, hợp chất kích thích thần kinh có trong cần sa. Hạt gai dầu đặc biệt bổ dưỡng và giàu chất béo không bão hòa, protein và các khoáng chất. Dưới đây là 6 lợi ích sức khỏe của hạt cây gai dầu đã được nghiên cứu.
1. Hạt gai dầu rất giàu chất dinh dưỡng
Hạt cây gai dầu rất bổ dưỡng, có hương vị dịu và hấp dẫn. Hạt gai dầu chứa hơn 30% chất béo, đặc biệt giàu hai loại axit béo thiết yếu là axit linoleic (omega-6) và axit alpha-linolenic (omega-3). Chúng còn chứa axit gamma-linolenic, là một hợp chất có lợi cho sức khỏe.
Hạt gai dầu cũng là nguồn protein tuyệt vời, vì 25% tổng lượng calo của xuất phát từ protein chất lượng cao. Lượng protein này cao hơn đáng kể so với các loại thực phẩm tương tự như hạt chia và hạt lanh, với lượng calo từ 16% đến 18% protein.
Hàm lượng vitamin E và khoáng chất như phốt pho, kali, natri, magie, lưu huỳnh, canxi, sắt và kẽm trong hạt gai dầu cũng rất cao.
Hạt gai dầu có thể được sử dụng ở dạng thô, nấu chín hoặc rang. Dầu hạt cây gai dầu cũng rất tốt cho sức khỏe và đã được sử dụng làm thực phẩm và thuốc ở Trung Quốc trong từ 3.000 năm trước.
2. Hạt gai dầu có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch
Sử dụng hạt gai dầu có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh về tim mạch. Bên trong hạt gai dầu chứa một lượng lớn axit amin arginine, đây là nguồn tạo ra oxit nitric trong cơ thể. Oxit nitric là một phân tử khí giúp giãn mạch máu, giúp giảm huyết áp và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Trong một nghiên cứu lớn trên 13.000 người, lượng arginine tăng lên tương ứng với mức giảm C-reactive protein (CRP), là một chất chỉ điểm viêm. Nồng độ CRP cao có liên quan đến các vấn đề tim mạch.
Hạt cây gai dầu còn chứa Axit gamma-linolenic có tác dụng giảm quá trình viêm của cơ thể, giảm nguy cơ mắc các bệnh như bệnh lý tim và mạch máu.
Ngoài ra, các nghiên cứu trên động vật cho thấy hạt cây gai dầu hoặc dầu hạt cây gai dầu có thể làm giảm huyết áp, giảm nguy cơ hình thành huyết khối và tăng khả năng phục hồi sau nhồi máu cơ tim.
3. Hạt gai dầu và dầu cây gai dầu có thể có lợi cho bệnh lý ở da
Các axit béo có thể ảnh hưởng đến các phản ứng miễn dịch trong cơ thể của bạn. Các nghiên cứu cho thấy hệ thống miễn dịch phụ thuộc vào sự cân bằng của axit béo omega-6 và omega-3.
Hạt gai dầu là một nguồn axit béo không bão hòa thiết yếu. Chúng có tỷ lệ omega-6 và omega-3 là 3:1, đây là một tỉ lệ xem là tối ưu. Các nghiên cứu cho thấy việc cung cấp dầu hạt cây gai dầu cho những người bị bệnh chàm có thể cải thiện nồng độ axit béo thiết yếu trong máu. Dầu cũng có thể làm giảm khô da, cải thiện tình trạng ngứa và giảm nhu cầu dùng thuốc cho da.
4. Hạt gai dầu là một nguồn protein thực vật tốt cho cơ thể
Khoảng 25% lượng calo trong hạt cây gai dầu đến từ protein, đây là một hàm lượng tương đối cao. Trên thực tế, tính theo trọng lượng hạt gai dầu cung cấp lượng protein tương tự như các loại thịt bò và thịt cừu. 30 gram hạt gai dầu tương đương khoảng 2 muỗng canh, cung cấp khoảng 11 gram protein.
Chúng được xem như một nguồn protein thuần, có nghĩa protein từ hạt gai dầu có thể cung cấp tất cả các axit amin thiết yếu. Cơ thể không thể sản xuất các axit amin thiết yếu này và phải được cung cấp từ chế độ ăn uống hàng ngày. Nguồn protein thuần này rất hiếm đối với các thực phẩm từ thực vật đa số các loại thực vật thường thiếu axit amin lysine.
Quinoa (diêm mạch) là một ví dụ khác về nguồn protein hoàn toàn từ thực vật. Hạt gai dầu chứa một lượng đáng kể các axit amin methionine và cysteine, cũng như hàm lượng arginine và axit glutamic rất cao. Khả năng tiêu hóa protein từ gai dầu cũng rất tốt - tốt hơn protein có nguồn gốc từ các loại ngũ cốc, các loại hạt và cây họ đậu.
5. Hạt gai dầu có thể làm giảm các triệu chứng của PMS (hội chứng tiền kinh nguyệt) và mãn kinh
Có tới 80% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có thể xuất hiện các triệu chứng về thể chất hoặc cảm xúc do hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS). Những triệu chứng này có thể gây ra bởi sự gia tăng nhạy cảm với hormone prolactin.
Gamma-linolenic acid (GLA), được tìm thấy trong hạt cây gai dầu, có khả năng tạo ra prostaglandin E1 làm giảm tác dụng của prolactin.
Trong một nghiên cứu ở phụ nữ mắc PMS, sử dụng 1 gram axit béo thiết yếu – chứa 210 mg GLA mỗi ngày giúp giảm các triệu chứng đáng kể. Các nghiên cứu khác về dầu hoa anh thảo, cũng rất giàu GLA, có thể có hiệu quả cao trong việc giảm các triệu chứng ở những phụ nữ điều trị thất bại các liệu pháp PMS khác. Nó làm giảm đau căng đau vú, trầm cảm, cảm giác khó chịu và triệu chứng phù liên quan đến PMS.
Vì hạt gai dầu có nhiều GLA, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng chúng cũng có thể giúp giảm các triệu chứng mãn kinh. Về mặt cơ chế vẫn chưa rõ ràng nhưng GLA trong hạt cây gai dầu cho thấy có thể điều chỉnh sự mất cân bằng hormone và tình trạng viêm liên quan đến thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ.
6. Hạt gai dầu nguyên chất có thể giúp cải thiện tiêu hóa
Chất xơ là một phần thiết yếu trong chế độ ăn uống và có lợi cho hệ tiêu hóa. Hạt gai dầu nguyên chất chứa các chất xơ hòa tan và không hòa tan với tỉ lệ 20% và 80%.
Chất xơ hòa tan tạo thành một lớp dạng gel trong ruột và nguồn dinh dưỡng cho các vi khuẩn tiêu hóa có lợi và cũng có thể làm giảm hiện tượng gia tăng đột ngột lượng đường trong máu và điều chỉnh nồng độ cholesterol.
Chất xơ không hòa tan giúp làm mềm và tăng khối lượng lớn phân và giúp cho hệ thống tiêu hóa hoạt động một cách hiệu quả. Nó cũng có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Tuy nhiên, hạt gai dầu đã tách vỏ - còn được gọi là nhân hạt gai dầu - chứa rất ít chất xơ vì đã vỏ hạt gai dầu chứa rất nhiều chất xơ đã bị loại bỏ.
Tóm lại, hạt gai dầu rất tốt cho sức khỏe vì giàu chất béo không bão hòa, protein chất lượng cao và một số khoáng chất. Cần lưu ý, vỏ hạt cây gai dầu có thể chứa một lượng THC thấp (<0,3%), hợp chất kích thích hệ thần kinh có trong cần sa. Những người đã phụ thuộc vào cần sa không nên sử dụng loại hạt này.
Bài viết được viết bởi: healthline.com