Bệnh viêm dạ dày mãn tính là gì được nhiều người quan tâm bởi đây là một bệnh lý rất phổ biến, ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi và không phân biệt giới tính. Bệnh không chỉ gây ra những cơn đau đớn và cảm giác khó chịu cho người bệnh mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu không được điều trị kịp thời.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
1. Viêm dạ dày mãn tính là gì?
Viêm dạ dày mãn tính được phân loại thành hai dạng chính bao gồm: Viêm ở thân vị và viêm vùng hang vị. Phần lớn các trường hợp viêm dạ dày mãn tính thường tiến triển thứ phát sau khi gặp phải một số rối loạn tiêu hoá kéo dài hoặc các vấn đề chức năng của hệ tiêu hoá.
Bệnh thường xảy ra do chế độ ăn uống không hợp lý, tác động của hóa chất, tình trạng suy dinh dưỡng, rối loạn nội tiết tố cũng như các yếu tố dị ứng, miễn dịch và di truyền. Viêm dạ dày mãn tính thường tiến triển âm thầm, không có những dấu hiệu lâm sàng rõ ràng để dễ dàng nhận biết.
Bên cạnh đó, một số triệu chứng rối loạn cơ năng tương tự như rối loạn tiêu hóa thường xuất hiện ở bệnh nhân sau khi ăn, đặt biệt là sau khi ăn trưa bao gồm:
- Nặng bụng,
- Ợ hơi, nhức đầu, đỏ mặt
- Cảm giác đắng miệng vào buổi sáng,
- Buồn nôn hoặc nôn, chán ăn, táo bón hoặc tiêu chảy thất thường.
- Nóng rát vùng thượng vị sau hoặc trong khi ăn. Đặc biệt, triệu chứng nóng rát trở nên rõ rệt sau khi uống bia, rượu, ăn gia vị cay, chua hoặc ngọt.
Trong trường hợp viêm dạ dày mãn tính, cảm giác đau ở vùng thượng vị thường không dữ dội mà chỉ khó chịu, âm ỉ thoáng qua và có xu hướng tăng lên sau khi ăn. Vì vậy, để chẩn đoán chính xác bệnh, bác sĩ chủ yếu dựa vào phương pháp nội soi và sinh thiết dạ dày.
Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh viêm dạ dày mãn tính có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như:
- Xuất huyết tiêu hoá;
- Viêm quanh vùng dạ dày tá tràng;
- Viêm túi mật mãn;
- Viêm tuỵ mãn;
- Thiếu máu do thiếu vitamin B12;
- Viêm loét dạ dày mãn tính;
- Ung thư dạ dày.
Ngoài ra, viêm dạ dày mãn tính thường tiến triển thành loét dạ dày, sau đó là viêm loét dạ dày mãn tính. Đây là biến chứng thường gặp nhất khi viêm xuất hiện ở vùng hang vị. Hơn thế nữa, một biến chứng khác của viêm dạ dày mãn tính là ung thư dạ dày.
Do các biến chứng nguy hiểm kể trên, nhiều bệnh nhân thường thắc mắc cách điều trị viêm dạ dày mãn tính là gì?
Hiện nay, viêm dạ dày mãn tính vẫn chưa có thuốc đặc trị. Tuy nhiên, tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ sử dụng các loại thuốc tráng hoặc nuôi dưỡng niêm mạc để hỗ trợ quá trình phục hồi niêm mạc dạ dày.
Người bệnh nên thực hiện nội soi dạ dày tá tràng định kỳ, từ 6 tháng đến 1 năm một lần để kiểm tra và xử lý kịp thời các tổn thương nghiêm trọng hoặc biến chứng nguy hiểm nếu có.
Viêm dạ dày mạn tính được phân loại thành nhiều dạng bởi tình trạng này xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
- Viêm dạ dày mạn tính loại A: Loại viêm dạ dày này xuất hiện do hệ miễn dịch tấn công và phá hủy các tế bào niêm mạc dạ dày. Bệnh làm tăng nguy cơ thiếu hụt vitamin, thiếu máu và ung thư.
- Viêm dạ dày mạn tính loại B: Đây là dạng bệnh phổ biến nhất và thường do vi khuẩn Helicobacter pylori gây ra. Bệnh có khả năng dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm loét dạ dày, viêm loét đường ruột và ung thư dạ dày.
- Viêm dạ dày mãn tính loại C: Thể bệnh này xảy ra do các hóa chất kích thích như thuốc kháng viêm không steroid, rượu, bia và các chất kích thích khác. Viêm dạ dày mạn tính loại C gây tổn thương niêm mạc dạ dày và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như chảy máu tiêu hóa.
- Loại khác: Viêm dạ dày phì đại khổng lồ có nguyên nhân là do thiếu hụt protein, trong khi viêm dạ dày ái toan thường xuất hiện song song với các bệnh dị ứng như hen hoặc chàm da.
Vậy, điều cần làm khi được chẩn đoán viêm dạ dày mãn tính là gì? Người bệnh cần ăn chậm, nhai kỹ, lựa chọn thực phẩm dễ tiêu, chín kỹ, sắp xếp khoảng cách giữa các bữa ăn một cách hợp lý, hạn chế thực phẩm giàu chất xơ, quá nóng, quá lạnh hoặc quá cứng, tránh gia vị cay, chua, dầu mỡ, rượu, cafe và thuốc lá…
2. Bệnh viêm loét dạ dày mãn tính
Viêm loét dạ dày mãn tính là một vấn đề phổ biến, đặc biệt là ở các quốc gia phát triển. Tình trạng này xảy ra do tổn thương niêm mạc dạ dày cùng với các yếu tố khác như acid dịch vị, pepsin và vi khuẩn H.P.
Hiện nay, nguyên nhân gây loét niêm mạc vẫn là chưa được các nhà khoa học tìm hiểu rõ. Tuy nhiên, một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
- Di truyền, tâm lý (như sang chấn tâm lý và áp lực công việc).
- Rối loạn vận động của đường tiêu hóa.
- Các yếu tố môi trường (như thực phẩm và thuốc lá).
- Các loại thuốc như aspirin, corticoid và các thuốc giảm đau không steroid.
Triệu chứng nổi bật nhất của viêm loét dạ dày mãn tính là đau thượng vị. Cơn đau thường xuất hiện theo từng đợt, mỗi đợt kéo dài từ 2 đến 8 tuần và cách nhau vài tháng đến vài năm. Đặc biệt, mức độ đau có xu hướng tăng mạnh vào mùa đông.
Ngoài ra, đau thượng vị thường liên quan đến quá trình ăn uống, đa số bệnh nhân cảm thấy đau nhiều sau các bữa ăn như ăn trưa và tối.
Hiện nay, phương pháp chính để chẩn đoán viêm loét dạ dày mãn tính là nội soi. Đôi khi, người bệnh cần tiến hành sinh thiết để xác nhận chẩn đoán. Nếu không điều trị đúng và kịp thời, viêm loét dạ dày sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết, thủng, hẹp môn vị, loét và ung thư dạ dày.
Trong đó, tỷ lệ mắc ung thư dạ dày là khá thấp, chỉ khoảng từ 5 đến 10% đối với những người có vết loét dạ dày mãn tính kéo dài hơn 10 năm. Ngoài ra, người mắc viêm loét dạ dày mãn tính thể teo ở vùng hang vị có nguy cơ ung thư hoá cao hơn (30%) so với người mắc loét tá tràng.
Các tiến bộ trong Y học đã nâng cao khả năng điều trị các trường hợp loét dạ dày mãn tính, giảm nguy cơ tái phát và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Ngoài việc sử dụng đúng các loại thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh có thể tối ưu hóa quá trình điều trị bằng cách thay đổi lối sống, hạn chế sử dụng chất kích thích, kiểm soát sang chấn tâm lý, thiết lập lịch trình làm việc và nghỉ ngơi hợp lý…
3. Dấu hiệu ung thư dạ dày do viêm dạ dày mãn tính là gì?
Ung thư dạ dày được coi là biến chứng nghiêm trọng và nặng nề nhất của các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa, đặc biệt là viêm loét dạ dày mạn tính. Bệnh hình thành do sự phát triển bất thường của các tế bào, dẫn đến xuất hiện một hoặc nhiều khối u ác tính trong dạ dày.
- Những người mắc ung thư dạ dày thường có các dấu hiệu như:
- Đau dạ dày và thượng vị.
- Mất khẩu vị, cảm giác ăn uống giảm hay cảm thấy chán ăn.
- Đầy hơi, chướng bụng kéo dài.
- Khó nuốt.
- Ợ chua hoặc ợ nóng.
- Đi ngoài ra máu.
Theo số liệu thống kê, ung thư dạ dày là một trong các loại ung thư phổ biến nhất và có nguy cơ di căn cao. Để quá trình chẩn đoán, kiểm soát và điều trị căn bệnh này tiến hành dễ dàng hơn, các nhà nghiên cứu đã phân loại ung thư dạ dày thành năm giai đoạn khác nhau, bao gồm:
- Giai đoạn 0: Được gọi là giai đoạn ung thư biểu mô, khi các tế bào bất thường chủ yếu được phát hiện trên lớp niêm mạc.
- Giai đoạn 1: Trong giai đoạn này, các tế bào ung thư đã xâm nhập sâu vào bên dưới lớp niêm mạc.
- Giai đoạn 2: Giai đoạn này được biết đến là giai đoạn ung thư dưới cơ, khi các tế bào đột biến đã di căn đến lớp cơ của dạ dày.
- Giai đoạn 3: Các tế bào ung thư di căn sang hạch bạch huyết và các cơ quan xung quanh;
- Giai đoạn cuối: Khi các tế bào ung thư di căn xa và tấn công các cơ quan khác nhau, thậm chí là toàn bộ cơ thể, tỷ lệ tử vong của ung thư dạ dày giai đoạn cuối rất cao.
Nhìn chung, viêm loét dạ dày mãn tính có thể dẫn đến ung thư dạ dày. Do đó, quá trình kiểm tra và phát hiện bệnh kịp thời là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe.
Trên đây là một số thông tin về viêm dạ dày mãn tính là gì, nếu nghi ngờ bản thân mắc bệnh, mọi người nên đến các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, từ đó phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.