Công dụng cây dương xuân sa

Cây dương xuân sa hay còn gọi là súc sa mật, xuân sa, sa ngần thuộc họ Gừng. Trong Đông y, dương xuân sa có mùi thơm, vị cay và tính ấm, được quy vào kinh Tỳ, Vị và Thận. Dược liệu này được dùng khá nhiều bài thuốc chữa các triệu chứng đau bụng, đầy hơi, ăn uống không tiêu, có tác dụng kháng khuẩn, kích thích tiêu hóa, hành khí, hòa thấp. Đọc thêm bài viết dưới đây để hiểu thêm về công dụng cây dương xuân sa.

1. Đặc điểm của cây dương xuân sa

Cây dương xuân sa còn có một số tên khác là cây xuân sa, sa nhân, mé tré ba. Cây dương xuân sa có tên khoa học là Amomum villosum Lour. Cây thuộc họ Gừng (Zingiberaceae). Dương xuân sa là quả chưa chín phơi hay sấy khô của cây dương xuân sa và nếu còn cả vỏ thì gọi là xác sa, loại bỏ vỏ là sa nhân.

Dương xuân sa là một loại cỏ nhỏ, sống lâu năm, thân rễ phình to và mọc ngang. Lá hình mác rộng, đầu nhọn, phía gốc tròn, gần như không có cuống, hai mặt nhẵn. Cụm hoa nhiều, nhưng mọc thưa từ thân gốc lên, cán màng hoa gầy, lúc đầu nằm ngang và sau mọc thẳng đứng, có những bẹ mọc như lợp ngói. Hoa màu trắng nhạt, tràng hình ống, thùy hình trứng. Quả hình trứng trên thường có những gai nhỏ. Cây mọc phổ biến ở miền Bắc và các tỉnh miền Trung, thường sẽ được khai thác với tên sa nhân. Thường mọc hoang ở những miền rừng núi ẩm thấp, có khi được trồng và thu hoạch bởi những người dân địa phương. Thậm chí hiện nay, còn xuất hiện nhiều dự án trồng cây dương xuân sa nhằm phát triển vị thuốc này.


Đặc điểm nhận dạng của cây dương xuân sa
Đặc điểm nhận dạng của cây dương xuân sa

2. Tác dụng cây dương xuân sa

Trước khi tìm hiểu cây dương xuân sa có tác dụng gì, chúng ta cần hiểu về thành phần của cây.

Về thành phần hóa học, cây dương xuân sa có chứa Saponin và khoảng 2 – 3 % tinh dầu, bao gồm các loại: Camphor, Borneol Bornyl Acetate, Linalool, Nerolidol, Limonene.

Các loại tinh dầu có trong hạt cây dương xuân sa bao gồm: D-camphor, D-borneol, D-bornyl acetate, D-limonene, (-pinen, phellandrene, para methoxy ethyl cinnamate, nerolidol, linalol).

Theo các nghiên cứu về tác dụng của dương xuân sa, nước sắc sa nhân với nồng độ thấp có tác dụng hưng phấn đối với ruột chuột lang cô lập nhưng với nồng độ cao lại có tác dụng ức chế. Qua kết quả thực nghiệm thấy 3 loại sa nhân tỉnh Phúc Kiến thường dùng súc sa, xuân sa và hoa sơn khương đều có tác dụng làm giảm tính hưng phấn co thắt của ruột, cũng giải thích được công dụng hành khí tiêu đầy, chống co thắt, làm giảm đau.

Tác dụng kháng khuẩn: tinh dầu sa nhân có tác dụng diệt lỵ amip.

Quả sa nhân là một khối hạt hình bầu dục hay hình trứng dài khoảng 0,8 - 1,5cm, đường kính 0,6 - 1 cm, màu nâu nhạt hay nâu sẫm có 3 vách ngăn, mỗi ngăn chứa 7 đến 16 hạt. Hạt có áo trắng mờ. Hạt cứng, nâu sẫm, hình khối đa diện và nhăn nheo, mùi thơm, vị cay.

  • Tính vị: Vị cay tính ôn và có mùi thơm
  • Quy kinh: Quy kinh Tỳ vị
  • Công dụng: Sa nhân có công dụng hành khí hóa thấp kiện tỳ, ôn trung chỉ tả, an thai. Chủ trị các chứng: Tỳ vị ứ trệ, thấp trớ, tỳ hàn tiết tả, thai động bất an và ác trớ (nôn do thai nghén).
  • Lý khí hóa thấp: Sử dụng chữa đau bụng, đầy bụng, buồn nôn, đi tả hoặc đại tiện ra máu hay ăn uống không tiêu. Phối hợp với vân mộc hương, nam mộc hương, hoắc hương.
  • Trừ phong thấp, giảm đau: Sử dụng trong trường hợp chân tay, mình mẩy đau nhức, đau xương hoặc đau cơ bắp, đau dây thần kinh liên sườn, đau gáy... dùng sa nhân với một số vị thuốc khác, chẳng hạn như thiên niên kiện, địa liền... ngâm với rượu uống hoặc xoa bóp, còn dùng chữa đau răng, viêm lợi.
  • An thai: Sử dụng trong trường hợp thai động bất an, hoặc có xuất huyết, phối hợp với tang ký sinh, tục đoạn, ngải cứu (sao giấm) trư ma căn.

Cây dương xuân sa có một số công dụng trong Y Học Cổ Truyền
Cây dương xuân sa có một số công dụng trong Y Học Cổ Truyền

3. Các vị thuốc chữa bệnh từ cây dương xuân sa

Trị bụng đầy đau do khí trệ: Thuốc có công dụng hành khí chỉ thống. Hương sa nhị trần thang gồm: Sa nhân 6g, Mộc hương 4g, Đảng sâm 10g, Trần bì 6g, Bán hạ, Phục linh đều 10g, Cam thảo 3g và Gừng tươi 6g sắc uống. Hương sa chỉ truật hoàn gồm có: Sa nhân 6g, Chỉ thực 8g, Mộc hương 4g và Bạch truật 10g. Tất cả sắc uống.

Trị chứng nấc nôn do tỳ vị hư hàn ăn không tiêu: Hương sa lục quân tử thang: Sa nhân 6g, Mộc hương 4g, Đảng sâm, Bán hạ Bạch truật, Bạch linh đều 10g, Trần bì 6g, Sinh khương 8g, Cam thảo 3g, rồi sắc uống. Súc sa tán: Sa nhân tán bột mịn, mỗi lần uống 2 đến 4g, ngày 3 lần với nước gừng tươi. Trị nôn do vị hàn.

Trị chứng thai phụ nôn nặng, thai động: Dùng độc vị bột sa nhân uống như trên, thai động gia Bạch truật, Tô ngạnh; nếu do thận yếu gia thêm Tang ký sinh, Đỗ trọng, Tục đoạn.

Trị chứng tả lỵ mạn tính do tỳ vị hư hàn và viêm đại tràng mãn tính: Bài Hương sa lục quân (như trên). Súc sa hoàn: Sa nhân 6g, Chế phụ tử 6g, Hoàng liên, Ngô thù du đều 4g, Can khương, Mộc hương đều 4g, Kha tử bì, Nhục đậu khấu đều 6g, sắc uống (dùng cho trường hợp hàn thấp nặng).

Một số kinh nghiệm dùng Độc vị Sa nhân trị bệnh:

Đau nhức răng: ngậm sa nhân.

Nấc cụt: Trác ái Văn theo dõi 11 ca bệnh nhân cho uống Sa nhân nhai nuốt và mỗi lần 2g, ngày 3 lần, kết quả tốt, phần lớn dùng 2 lần hết. (Tạp chí Trung y Triết giang 1988, 3:100).

Bụng đầy trướng, ăn không tiêu, đi đại tiện khó: Sa nhân 6g, cháy cơm 150g, thần khúc 12g, sơn tra 12g, hạt sen 12g, kê nội kim 3g, gạo tẻ 300g, các vị sao thơm tán mịn cho thêm đường uống 12g, uống 2 đến 3 lần/ngày

Chữa tiêu chảy (bụng sôi, lạnh, chướng đau bụng ở vùng hạ vị, phân sống, kém ăn, chậm tiêu và tay chân lạnh): Sa nhân, nhục quế, can khương, vỏ rụt, vỏ quýt mỗi vị 8g; bố chính sâm, tục đoạn, củ mài sao, phá cố chỉ mỗi vị 12g. Tất cả tán bột, mỗi ngày uống 20g.

Thai nghén hay nôn: Sa nhân (sao qua, nghiền mịn) 3g; gạo tẻ 30g nấu cháo, khi cháo chín cho bột sa nhân vào trộn đều, đun nhỏ lửa thêm một lúc nữa là được. Ăn nóng vào lúc sáng sớm và buổi tối trước khi ngủ. Hoặc: Sa nhân 3g, cá diếc 1 con, gừng tươi, hành và gia vị vừa đủ. Cá diếc đánh vảy, bỏ ruột và mang, rửa sạch, cho sa nhân vào trong bụng rồi kho nhừ, chế đủ gia vị, ăn nóng. Công dụng: Lý khí ôn vị, tiêu thũng cầm nôn. Dùng cho thai phụ nôn mửa, tinh thần mỏi mệt, tay chân rã rời, có thể có phù nhẹ hai chi dưới.

Giảm đau nhức răng do sâu răng: Ngậm sa nhân hoặc tán bột chấm vào răng đau.


Hạt cây dương xuân sa dùng trong một số bài thuốc trị bệnh của Đông Y
Hạt cây dương xuân sa dùng trong một số bài thuốc trị bệnh của Đông Y

Hỗ trợ viêm loét dạ dày mạn tính: Sa nhân 6g; dạ dày lợn 1 cái, dạ dày rửa sạch, thái chỉ, cùng với sa nhân nấu thành món canh; ăn dạ dày và uống nước canh. Dùng 10 ngày một liệu trình.

Hỗ trợ viêm đại tràng mãn tính: Sa nhân 1g (tán bột), mộc hương 1g (tán bột), bột sắn dây 30g, đường cát lượng vừa đủ. Sa nhân, mộc hương, sắn dây thêm nước khuấy đều, cho thêm đường nấu cháo ăn. Ngày ăn 2 lần.

Dương xuân sa là vị thuốc nam quý, được sử dụng rộng rãi trong Y Học Cổ Truyền. Cũng giống các vị thuốc khác, dương xuân sa trong nhiều trường hợp cần sử dụng kết hợp với nhiều vị thuốc mới có thể mang lại hiệu quả tối đa do đó, người bệnh muốn sử dụng vị thuốc dương xuân sa cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ trước. Bên cạnh đó, thực trạng thuốc đông dược kém chất lượng, nguồn gốc không rõ ràng tràn lan trên thị trường hiện nay cũng là yếu tố có khả năng làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị cũng như sức khỏe của người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe