Sinh thiết dạ dày là một kỹ thuật thường được thực hiện trong khi nội soi dạ dày, là tiêu chuẩn vàng để xác định ung thư dạ dày cũng như nguyên nhân gây ra một số bệnh lý dạ dày nhất định.
1. Sinh thiết dạ dày là gì?
Sinh thiết dạ dày là một kĩ thuật mà bác sĩ sẽ lấy một hoặc một số mẫu mô từ dạ dày ở các vị trí khác nhau để mang đi làm giải phẫu bệnh (kiểm tra dưới kính hiển vi).
Sinh thiết dạ dày thường được tiến hành trong khi nội soi dạ dày. Nội soi dạ dày là một kĩ thuật, trong đó một ống mềm, dài có trang bị camera và nguồn sáng sẽ được đưa từ miệng bệnh nhân qua vùng hầu họng, thực quản xuống dạ dày và tá tràng. Qua hình ảnh nội soi được truyền từ camera lên màn hình, bác sĩ có thể quan sát được niêm mạc dạ dày, phát hiện các bất thường cũng như xác định được vị trí, số lượng mẫu mô cần lấy để kiểm tra giải phẫu bệnh.
2. Tại sao cần phải làm sinh thiết dạ dày?
Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện sinh thiết dạ dày khi bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng sau:
- Đau vùng bụng trên (thượng vị)
- Buồn nôn, nôn
- Mất cảm giác ngon miệng
- Sụt cân không giải thích được
- Đi ngoài phân đen
Sinh thiết dạ dày sẽ giúp tìm ra căn nguyên gây ra các vấn đề trên, đặc biệt là xác định sự tồn tại của ung thư cũng như xác định nhiễm Helicobacter pylori - loại vi khuẩn gây loét dạ dày.
3. Kỹ thuật thực hiện sinh thiết dạ dày
Sinh thiết dạ dày thường được thực hiện trong khi tiến hành nội soi dạ dày, và đây là những kĩ thuật có thể áp dụng được trên bệnh nhân ngoại trú.
4. Những rủi ro có thể gặp phải trong quá trình sinh thiết dạ dày
Giống như bất kì kĩ thuật nào khác, sinh thiết dạ dày cũng có thể xảy ra những rủi ro nhất định, dù tỉ lệ xuất hiện rủi ro là thấp, những biến chứng có thể gặp bao gồm:
- Chảy máu
- Thủng thực quản
- Thủng dạ dày
- Thủng tá tràng
Cũng có một tỉ lệ nhỏ bệnh nhân phản ứng với các thuốc với các biểu hiện là:
- Khó thở
- Vã mồ hôi
- Tụt huyết áp
- Nhịp tim chậm
- Co thắt thanh quản
5. Chuẩn bị trước khi tiến hành sinh thiết dạ dày
- Bệnh nhân có thể tham vấn với bác sĩ về mọi thắc mắc của bản thân. Bệnh nhân cũng cần viết cam kết đồng ý thực hiện sinh thiết dạ dày.
- Do sinh thiết dạ dày thường được thực hiện trong quá trình nội soi dạ dày, nên bệnh nhân cần nhịn ăn trước khi tiến hành kĩ thuật từ 6 tới 12 giờ đồng hồ. Đồng thời bệnh nhân chỉ được uống nước lọc, không được uống sữa, các loại nước có màu,...
- Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ về tiền sử bệnh lý bản thân, cũng như tất cả các loại thuốc và thực phẩm chức năng mà bệnh nhân đang sử dụng, đặc biệt là các loại thuốc chống đông, để bác sĩ có hướng dẫn cụ thể.
- Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ biết nếu bản thân mẫn cảm hoặc dị ứng với bất kì loại thuốc nào.
- Tùy từng trường hợp bệnh nhân cụ thể mà bác sĩ có thể có những yêu cầu chuẩn bị riêng khác.
6. Chăm sóc sau khi tiến hành sinh thiết dạ dày
Bệnh nhân thường chỉ cần nghỉ ngơi một lúc sau khi hoàn thành kỹ thuật là có thể ra về (trừ trường hợp có sử dụng thuốc gây mê, sau khi hồi tỉnh bệnh nhân sẽ được theo dõi nhịp tim, huyết áp, nhịp thở đến khi hoàn toàn ổn định).
Bệnh nhân thường cảm thấy đau nhẹ ở họng, đồng thời có thể thấy đầy bụng, chướng hơi (do khí trong quá trình nội soi). Những cảm giác khó chịu này sẽ nhanh chóng mất đi. Bệnh nhân có thể ăn uống trở lại sau khi phản xạ hầu họng phục hồi.
Tùy tình trạng cụ thể của bệnh nhân, bác sĩ có thể có những hướng dẫn chăm sóc riêng biệt khác.
7. Nhận kết quả sinh thiết dạ dày và những xử trí tiếp theo
Mẫu mô dạ dày sau khi được lấy từ quá trình sinh thiết sẽ được mang đi kiểm tra giải phẫu bệnh. Kết quả sinh thiết dạ dày thường được trả về sau 1 tuần.Kết quả sẽ là bình thường nếu quá trình giải phẫu bệnh không phát hiện:
- Dấu hiệu nhiễm khuẩn
- Tổn thương tế bào
- Helicobacter pylori
- Dấu hiệu ung thư
- Các dấu hiệu bất thường khác
Nếu kết quả bất thường (nhiễm Helicobacter pylori, viêm dạ dày, ung thư dạ dày,...), tùy từng trường hợp kết quả cụ thể, bác sĩ sẽ giải thích, tư vấn cặn kẽ cho bệnh nhân. Bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm khác, hoặc thảo luận và thống nhất phương pháp điều trị tốt cho người bệnh. Bệnh nhân nên làm theo các hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ, cũng như đảm bảo việc tái khám đầy đủ, đúng hẹn.
Nên lựa chọn sinh thiết dạ dày tại các cơ sở y tế lớn, có uy tín không chỉ trong hệ thống các bệnh viện nói chung mà còn phải nổi bật, đi đầu trong lĩnh vực chẩn đoán, điều trị ung thư
Để được tư vấn chi tiết về kỹ thuật sinh thiết dạ dày tại Vinmec, quý khách có thể đến trực tiếp hệ thống y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc liên hệ đặt khám trực tuyến TẠI ĐÂY.
Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com và healthline.com
XEM THÊM:
- Khi nào bạn cần thực hiện sàng lọc ung thư dạ dày?
- Nội soi cắt polyp ống tiêu hóa tại Vinmec có gì đặc biệt?
- 4 biến chứng thường gặp của bệnh viêm loét dạ dày