Bài được viết bởi Dược sĩ Bùi Thị Thanh Hà - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Forxiga là một loại thuốc dạng viên giúp giảm lượng đường trong máu bằng cách giúp thận loại bỏ đường glucose khỏi máu và bài tiết nó qua nước tiểu. Thuốc giúp hỗ trợ giảm cân nhưng có thể làm tăng nguy cơ bị nấm sinh dục và nhiễm trùng đường tiết niệu.
1. Forxiga® là thuốc gì?
Forxiga® có thành phần là dapagliflozin, là một thuốc có tác dụng tăng đào thải đường và muối ra khỏi cơ thể qua đường nước tiểu. Thuốc thường được sử dụng để điều trị bệnh lý đái tháo đường. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng bảo vệ tim mạch và thận nên được sử dụng cho các bệnh lý tim mạch và thận như suy tim, bệnh mạch vành, suy thận.
2. Các trường hợp không nên dùng Forxiga®
Bạn không nên dùng Forxiga® nếu bạn có tiền sử dị ứng với Forxiga®, suy gan, suy thận nặng, có kết quả ceton niệu khi test nước tiểu.
Nếu bạn cần phải phẫu thuật, bác sĩ có thể yêu cầu bạn tạm thời ngừng Forxiga vài ngày trước và sau khi phẫu thuật.
3. Cách sử dụng Forxiga
Thuốc được dùng 1 lần/ngày. Người bệnh có thể uống thuốc vào một thời điểm cố định trong ngày, có thể là trước khi ăn hoặc sau khi ăn. Nên uống nguyên viên thuốc, không nên nhai hay bẻ thuốc.
Trường hợp quên không uống Forxiga và nhớ ra trong ngày, bạn nên uống thuốc ngay khi vừa nhớ ra. Nếu quên uống thuốc và đến hôm sau mới nhớ ra, bạn có thể bỏ qua liều đã quên và uống tiếp thuốc như bình thường. Nếu quên thuốc quá thường xuyên, bạn có thể đặt đồng hồ để nhắc giờ uống thuốc và/hoặc đổi giờ uống thuốc sang khung giờ mà bạn dễ dàng uống nhất trong ngày.
Forxiga có thể sử dụng cùng với các loại thuốc tiểu đường và/hoặc thuốc tim mạch khác.
4. Tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng Forxiga®
Thuốc không làm cho người bệnh tăng cân. Tuy nhiên, trên thực tế, đa số mọi người thường giảm 1 - 3kg khi sử dụng thuốc.
Khi sử dụng đơn lẻ, Forxiga không gây hạ đường huyết, ngay cả khi người bệnh không mắc đái tháo đường. Tuy vậy, nếu sử dụng cùng với các thuốc gây hạ đường huyết khác như insulin, Diamicron (gliclazide), Amaryl (glimepiride),..., thuốc có thể làm tăng nguy cơ hạ đường huyết. Vì vậy, người bệnh nên chuẩn bị sẵn một ít kẹo hoặc bánh ngọt để có thể ăn ngay khi có dấu hiệu hạ đường huyết.
Thuốc có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu và sinh dục, thường gặp hơn ở những người đã có tiền sử nhiễm khuẩn nhiều lần trước đó. Trao đổi với bác sĩ nếu bạn có lo ngại về nguy cơ này.
Hãy theo dõi trang web: Vinmec.com thường xuyên để cập nhật nhiều thông tin hữu ích khác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.