Thuốc tiêm Lantus Solostar được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm. Thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường ở người trưởng thành, thiếu niên và trẻ em trên 6 tuổi.
1. Công dụng của thuốc Lantus Solostar
Thuốc Lantus Solostar thuộc nhóm thuốc chống đái tháo đường, insulin và các chất tương đồng dạng tiêm, có tác dụng dài. Thuốc được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm trong suốt, không màu, có chứa thành phần insulin glargin. Insulin glargin là một insulin biến đổi, giống với insulin người, được sản xuất theo quy trình công nghệ sinh học. Thành phần này có khả năng hạ đường huyết kéo dài và bền vững.
Thuốc tiêm Lantus Solostar có nồng độ 100 đơn vị/ ml trong bút tiêm nạp sẵn. Hộp được đóng gói theo quy cách: 5 bút tiêm x 3ml.
Công dụng của thuốc tiêm Lantus Solostar: Điều trị bệnh tiểu đường ở người trưởng thành, thiếu niên và trẻ em từ 6 tuổi trở lên.
Chống chỉ định của thuốc tiêm Lantus Solostar: Bệnh nhân bị dị ứng (tăng mẫn cảm) với insulin glargin hoặc các thành phần khác có trong thuốc.
2. Cách dùng thuốc tiêm Lantus Solostar
2.1 Lưu ý trước khi dùng thuốc Lantus Solostar
Một số lưu ý trước khi dùng thuốc tiêm Lantus Solostar:
- Thuốc được tiêm dưới da, không được tiêm vào tĩnh mạch vì sẽ làm thay đổi tác dụng của thuốc, có thể gây hạ đường huyết.
- Bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh tiêm thuốc ở vùng da thích hợp. Mỗi lần tiêm cần thay đổi vị trí tiêm trên vùng da đã được chọn.
- Lantus Solostar là bút tiêm đã nạp sẵn insulin glargin, dùng hết thì bỏ.
- Cần phải gắn 1 kim tiêm mới trước mỗi lần tiêm thuốc. Chỉ sử dụng loại kim tiêm hoàn toàn tương thích với Lantus Solostar.
- Bệnh nhân cần làm test an toàn trước mỗi lần tiêm.
- Trước khi tiêm cần phải xem kỹ ngăn chứa thuốc. Nếu thấy có các hạt lợn cợn thì không dùng bút tiêm. Chỉ sử dụng thuốc nếu dung dịch tiêm trong suốt, không màu giống như nước. Không lắc, trộn chung thuốc trước khi dùng.
- Để phòng ngừa nguy cơ lây bệnh nhiễm khuẩn, mỗi bút tiêm chỉ sử dụng cho 1 bệnh nhân. Nếu nhờ người khác tiêm giúp thì người này cần thận trọng, tránh vô tình để bị kim đâm gây bệnh truyền nhiễm.
- Đảm bảo insulin không bị vấy nhiễm cồn hoặc các chất khác, thuốc sát khuẩn khác.
- Phải dùng 1 bút tiêm mới nếu nhận thấy việc kiểm soát đường huyết không mang lại hiệu quả như ý. Nếu nghi ngờ có vấn đề khi sử dụng Lantus Solostar, cần hỏi ý kiến bác sĩ.
- Cần hủy bỏ bút tiêm rỗng, không nạp lại thuốc vào đó.
- Không dùng bút tiêm Lantus Solostar nếu nó bị hư hỏng mà phải hủy đi, dùng bút tiêm mới. Luôn luôn chuẩn bị sẵn ít nhất 1 bút tiêm Lantus Solostar dự phòng trong trường hợp bút tiêm đang dùng bị hỏng hoặc thất lạc.
2.2 Hướng dẫn sử dụng thuốc tiêm Lantus Solostar
Bước 1: Kiểm tra insulin
Các bước kiểm tra như sau:
- Kiểm tra nhãn bút, đảm bảo đúng loại insulin. Bút Lantus Solostar có màu xám, nút tiêm màu tím.
- Tháo nắp bút.
- Kiểm tra hình thức cảm quan của insulin (tìm bài khái niệm về insulin), dung dịch trong suốt. Không dùng Lantus Solostar nếu insulin bị vẩn đục, có hạt lợn cợn hoặc có màu.
Bước 2: Gắn kim
Cần chú ý luôn dùng 1 kim tiêm mới, vô khuẩn cho mỗi lần tiêm để tránh vấy nhiễm và tắc kim.
Các bước gắn kim như sau:
- Tháo màng bảo vệ của kim tiêm mới.
- Để kim thẳng hàng với thân bút, giữ thẳng khi gắn vào (ấn vào hoặc vặn tùy loại kim). Nếu không giữ thẳng kim khi gắn thì nó có thể làm hỏng miếng nệm cao su, gây rò rỉ hoặc gãy kim.
Bước 3: Làm test an toàn
Cần phải luôn làm test an toàn trước mỗi lần tiêm, giúp bạn lấy đúng liều thuốc bằng cách: Đảm bảo bút tiêm và kim tiêm hoạt động tốt, loại bỏ bọt khí.
Cách làm test an toàn như sau:
- Vặn vòng chọn liều 2 đơn vị.
- Tháo nắp kim ngoài, giữ nó lại để có thể tháo kim sau khi tiêm xong. Sau đó, tháo nắp kim trong và bỏ đi.
- Cầm bút tiêm, đầu kim hướng lên trên.
- Gõ nhẹ buồng chứa insulin nhằm đẩy bọt khí lên trên đầu kim.
- Bấm hết chiều sâu của nút tiêm, kiểm tra xem insulin có bị trào ra ở đầu kim hay không.
Có thể cần phải làm test an toàn vài lần mới thấy insulin trào ra. Nếu không thấy insulin ở đầu kim, người dùng nên kiểm tra xem có bọt khí hay không, làm lại test an toàn 2 lần nữa để loại bỏ bọt khí. Trường hợp vẫn không thấy insulin ở đầu kim thì có thể kim đã bị tắc, bạn nên thay kim khác và thử lại. Nếu cuối cùng vẫn không thấy insulin sau khi thay kim, có thể bút tiêm đã bị hỏng, không nên dùng nữa.
Bước 4: Chọn liều tiêm
Bệnh nhân có thể chọn liều từng đơn vị, từ tối thiểu 1 đơn vị tới tối đa 80 đơn vị. Nếu dùng liều lớn hơn 80 đơn vị, nên chia 2 hoặc nhiều lần tiêm.
Các bước chọn liều tiêm như sau:
- Sau khi làm test an toàn, kiểm tra cửa sổ chỉ liều cho thấy số “0”.
- Chọn liều cần dùng (ví dụ liều được chọn là 40 đơn vị). Nếu lỡ vặn quá liều cần thiết thì bạn có thể vặn ngược lại.
Lưu ý: Không ấn nút tiêm trong quá trình vặn chọn liều vì sẽ đẩy insulin trào ra ngoài. Bên cạnh đó, bạn không nên vặn vòng chọn liều vượt quá số lượng đơn vị thuốc còn trong bút tiêm. Trong trường hợp này, bạn có thể tiêm lượng thuốc còn lại trong bút rồi tiêm thêm cho đủ liều với 1 bút tiêm Lantus Solostar mới hoặc dùng 1 bút tiêm mới để tiêm đủ liều cần dùng.
Bước 5: Tiêm thuốc
- Tiêm theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Chích kim tiêm vào da.
- Ấn nút tiêm hết chiều sâu của nút tiêm. Khi tiêm, chữ số trên cửa sổ chỉ liều sẽ trở về số “0”.
- Ấn giữ nút tiêm, đếm từ 1 đến 10 trước khi rút kim khỏi da, đảm bảo đủ liều thuốc được tiêm hết.
Bước 6: Tháo và hủy kim tiêm
Sau khi tiêm, người bệnh cần nhớ phải luôn tháo kim ra, cất giữ bút tiêm Lantus Solostar không gắn kim. Điều này giúp: Tránh vấy nhiễm hoặc nhiễm khuẩn; không để lọt không khí vào buồng chứa insulin hoặc rò rỉ insulin.
Cách tháo và hủy kim tiêm như sau:
- Đậy nắp ngoài vào kim tiêm, dùng nó để vặn kim ra khỏi bút tiêm. Không đậy kim bằng nắp trong để tránh bị kim đâm phải. Nếu nhờ người khác tiêm giúp, người này cần phải đặc biệt cẩn thận khi tháo và hủy kim tiêm, cần tuân thủ các biện pháp an toàn để giảm nguy cơ bị kim đâm và lây bệnh truyền nhiễm.
- Hủy kim tiêm an toàn theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Đậy nắp bút, cất giữ bút tiêm cho tới lần kế tiếp.
Lưu ý khi bảo trì bút tiêm Lantus Solostar
- Không để bút tiêm bị lấm bụi bẩn.
- Có thể dùng 2 miếng vải thấm ướt để lau bên ngoài bút tiêm Lantus Solostar.
- Không nhúng nước, rửa hoặc bôi trơn bút tiêm (vì có thể làm hỏng bút).
- Cần nhẹ tay khi sử dụng bút tiêm Lantus Solostar. Nếu e ngại bút tiêm bị hỏng, người bệnh nên sử dụng 1 bút tiêm mới.
3. Liều dùng thuốc tiêm Lantus Solostar
Dựa trên lối sống, việc sử dụng insulin trước đó và kết quả xét nghiệm được huyết của bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa chỉ định:
- Mỗi ngày, bạn cần tiêm bao nhiêu thuốc, dùng vào thời điểm nào.
- Báo cho bạn về thời điểm cần kiểm tra nồng độ đường huyết, xét nghiệm nước tiểu.
- Thông báo cho bạn biết khi nào cần tiêm liều Lantus Solostar thấp hơn hoặc cao hơn.
Lantus Solostar là 1 insulin tác dụng dài, có thể được chỉ định phối hợp với 1 insulin tác dụng ngắn hoặc viên uống chống tiểu đường.
Thời điểm dùng thuốc:
- Mỗi ngày cần tiêm 1 mũi Lantus Solostar vào 1 khung giờ nhất định.
- Ở trẻ em, tiêm thuốc vào buổi tối.
Quá liều: Nếu tiêm quá liều Lantus Solostar, bệnh nhân có thể bị hạ đường huyết. Lúc này, cần thường xuyên kiểm tra đường huyết của người bệnh. Để đề phòng hạ đường huyết, bệnh nhân nên ăn nhiều hơn, theo dõi đường huyết và điều trị hạ đường huyết theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Quên liều: Nếu bỏ sót 1 liều hoặc không tiêm đủ liều Lantus Solostar, mức đường huyết của bệnh nhân có thể tăng quá cao. Người bệnh cần thường xuyên kiểm tra đường huyết và điều trị tăng đường huyết theo chỉ dẫn của bác sĩ. Không được tiêm liều gấp đôi để bù vào liều đã bị bỏ sót.
Ngưng dùng Lantus Solostar: Có thể dẫn đến tăng đường huyết nặng (nồng độ đường trong máu cao) và nhiễm toan ceton (tích tụ acid trong máu). Vì vậy, bệnh nhân không được ngưng dùng thuốc mà cần hỏi ý kiến bác sĩ.
4. Tác dụng phụ của thuốc tiêm Lantus Solostar
Một số tác dụng phụ khi sử dụng thuốc tiêm Lantus Solostar:
- Thường gặp: Hạ đường huyết, loạn dưỡng mỡ, dị ứng da, phản ứng da.
- Hiếm gặp: Phản ứng dị ứng nặng với insulin (phù da, nổi mẩn, ngứa da, phù niêm mạc, khó thở, tăng nhịp tim, tụt huyết áp, vã mồ hôi), rối loạn thị giác, mất thị lực tạm thời, phù cẳng chân và cổ chân, xuất hiện kháng thể kháng insulin, đau cơ, rối loạn vị giác,...
Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc, bệnh nhân nên thông báo ngay cho bác sĩ hoặc đến bệnh viện gần nhất để được xử trí kịp thời.
5. Thận trọng khi sử dụng thuốc tiêm Lantus Solostar
Khi sử dụng thuốc Lantus Solostar, người bệnh cần lưu ý:
- Tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn về liều dùng, cách theo dõi (xét nghiệm máu và nước tiểu), chế độ ăn uống, hoạt động thể lực, kỹ thuật tiêm,...
- Chưa có nhiều nghiên cứu về sử dụng thuốc ở trẻ em dưới 6 tuổi, người bị bệnh gan, thận. Vì vậy, cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc cho nhóm đối tượng này.
- Khi ra nước ngoài: Cần hỏi ý kiến bác sĩ về việc chọn mua loại insulin ở nước bạn sẽ đến, nguồn cung ứng insulin, bơm tiêm, cách bảo quản insulin đúng cách khi đi xa, ấn định giờ ăn và giờ tiêm thuốc, ảnh hưởng của việc thay đổi múi giờ, những nguy cơ sức khỏe có thể gặp phải, cách ứng phó trong trường hợp khẩn cấp,...
- Cẩn thận khi điều trị tiểu đường trong các trường hợp: Khi bị ốm hoặc chấn thương nặng (thường bị tăng đường huyết); ăn uống không đầy đủ (bị hạ đường huyết); nếu bị tiểu đường tuýp 1, người bệnh không được ngưng sử dụng insulin và phải ăn đủ carbohydrate.
- Khả năng tập trung, phản ứng có thể bị suy giảm nếu bệnh nhân bị hạ đường huyết, tăng đường huyết hoặc gặp vấn đề về thị lực. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc lái xe/vận hành máy móc nếu hay bị hạ đường huyết hoặc không có dấu hiệu báo động khi bị hạ đường huyết.
- Người bệnh nên báo cho bác sĩ nếu dự định mang thai hoặc đang có thai vì có thể cần thay đổi liều lượng insulin. Đồng thời, phải kiểm soát cẩn thận bệnh tiểu đường, đề phòng hạ đường huyết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của trẻ.
Người mẹ đang cho con bú cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc Lantus Solostar vì có thể cần điều chỉnh liều dùng và chế độ ăn.
6. Tương tác thuốc Lantus Solostar
Một số loại thuốc khi dùng cùng với Lantus Solostar có thể thay đổi nồng độ đường trong máu của bệnh nhân,... Người bệnh nên báo cho bác sĩ về các loại thuốc mình đang dùng. Trước khi dùng thuốc mới, bạn cũng cần báo cho bác sĩ.
Một số tương tác thuốc của Lantus Solostar gồm:
- Các loại thuốc có thể làm giảm đường huyết: Thuốc trị tiểu đường loại khác, disopyramide, thuốc ức chế men chuyển angiotensin, fluoxetin, fibrat, thuốc ức chế monoamine oxidase, pentoxifylline, propoxyphen, salicylat, các kháng sinh sulfamid.
- Các loại thuốc có thể làm tăng đường huyết: Corticoid, danazol, thuốc lợi tiểu, glucagon, isoniazid, các dẫn chất phenothiazin, các estrogen và progestogen, thuốc cường giao cảm, somatropin, các hormon tuyến giáp, các thuốc chống loạn thần không điển hình, thuốc ức chế protease,...
- Nồng độ đường huyết của người bệnh có thể tăng hoặc giảm nếu bạn sử dụng: Thuốc chẹn beta, clonidin, muối lithium, pentamidine,...
Nồng độ đường huyết có thể tăng hoặc giảm nếu bạn sử dụng rượu.
7. Bảo quản thuốc tiêm Lantus Solostar
Một số lưu ý khi bảo quản thuốc:
- Thuốc cần để xa tầm tay và tầm mắt của trẻ em.
- Với bút tiêm không sử dụng: Bảo quản trong tủ lạnh ở mức nhiệt 2°C - 8°C, không để đông lạnh, không để gần ngăn đá tủ lạnh, giữ nguyên bút tiêm trong hộp để tránh tiếp xúc với ánh sáng.
- Với bút tiêm đang sử dụng: Bút tiêm nạp sẵn đang sử dụng hoặc được mang theo có thể bảo quản tối đa 4 tuần ở nhiệt độ dưới 30°C, tránh nhiệt và ánh nắng trực tiếp. Không nên bảo quản bút tiêm đang sử dụng trong tủ lạnh. Không dùng bút tiêm sau khoảng 4 tuần.
- Cách bảo quản: Nếu thuốc Lantus Solostar được bảo quản lạnh, cần lấy ra khỏi tủ lạnh khoảng 1 - 2 giờ trước khi tiêm vì nếu tiêm insulin lạnh thì sẽ rất đau. Sau đó, tiêu hủy bút tiêm theo quy định.
Thuốc tiêm Lantus Solostar được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân tiểu đường. Việc dùng thuốc cần thực hiện nghiêm ngặt theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.