Người bệnh đái tháo đường thường dễ mắc các bệnh khác liên quan đến chân. Nguyên nhân có thể do tổn thương dây thần kinh ở bàn chân gây nên cảm giác đau chân ở người bệnh, tình trạng tổn thương này có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khoẻ của người bệnh. Bài viết này sẽ cung cấp thêm thông tin giúp bạn hiểu và đề phòng tình trạng biến chứng bàn chân Charcot ở bệnh nhân đái tháo đường.
1. Biến chứng bàn chân charcot ở người đái tháo đường
Biến chứng bàn chân Charcot do bệnh đái tháo đường được thống kê có tỷ lệ mắc cao đặc biệt ở những trường hợp bệnh nhân là nam giới có độ tuổi trên 60 tuổi. Gánh nặng của bệnh đái tháo đường được các chuyên gia nhận định sẽ tăng lên trong tương lai với sự kết hợp giữa các yếu tố khuynh hướng và đặc biệt tập trung với các bệnh liên quan đến thần kinh ngoại biên do đái tháo đường cùng với thiếu máu cục bộ chi ngoại vi liên tục gia tăng.
Theo số liệu thống kê hàng năm cho thấy, tỷ lệ người mắc biến chứng bệnh đái tháo đường trên toàn thế giới ước tính khoảng 4 đến 10%, trong đó có tới 1 đến 4% người bệnh đã bị viêm loét. Và có khoảng 15 đến 25% người bệnh có nguy cơ suốt đời với sự phát triển của loét bàn chân do đái tháo đường.
Biến dạng bàn chân Charcot do đái tháo đường được biết đến với sự tổn thương của dây thần kinh của người bệnh như dây thần kinh ngoại biên di truyền Charcot-Marie-Tooth. Người bệnh mắc biến chứng bàn chân Charcot do bệnh đái tháo đường gây nên còn có nhiều khả năng xuất hiện các biến chứng khác liên quan đến bệnh đái tháo đường như bệnh thận, bệnh võng mạc, bệnh thiếu máu cơ tim hoặc các bệnh liên quan đến mạch máu não.
Theo ý kiến của các chuyên gia cho rằng biến chứng bàn chân Charcot do đái tháo đường gây ra được xem như một trong những biến chứng khá phổ biến kèm theo tính chất đa yếu tố. Vì thế, người bệnh cần hiểu rõ các yếu tố nguy cơ dễ mắc phải để có phương án phòng ngừa cũng như điều trị bệnh một cách hiệu quả.
2. Cơ chế hình thành bàn chân Charcot ở người bệnh đái tháo đường
Đối với người bệnh mắc đái tháo đường thì biến chứng bàn chân không có cơ chế rõ ràng. Nhưng các chuyên gia cũng đưa ra một vài luận điểm về sự kết hợp thuyết thần kinh và thuyết viêm.
Đối với thuyết thần kinh, thì các bệnh thần kinh ngoại vi do bệnh đái tháo đường có thể dẫn đến cảm giác đau được thuyên giảm. Nếu có một chấn thương cấp tính xảy ra có thể gãy xương nhỏ, trật khớp hoặc gãy xương thì do các bệnh thần kinh người bệnh sẽ cảm thấy ít hoặc không đau do xảy ra chấn thương. Vì thế, vận động của người bệnh không được hỗ trợ, đồng thời cũng dẫn đến một chu kỳ phá hoại tiếp tục quá tải lên vị trí chân bị chấn thương và tình trạng diễn biến sẽ tiếp tục xấu đi và gây tổn thương lớn cho người bệnh.
Đối với thuyết viêm, khi tổn thương ở người bệnh đái tháo đường xảy ra ở cùng vị trí có thể những tổn thương này khá nhỏ như gãy xương nhỏ, trật khớp,... có thể giải phóng cytokine gây viêm và bao gồm cả TNF-alpha và interleukin 1 beta. Khi cytokine được giải phóng sẽ xuất hiện kích hoạt liên kết RANK, làm tăng yếu tố phiên mã NF-kB. Vì thế sẽ kích thích tăng trưởng của huỷ cốt bào và tiếp tục quá trình ăn mòn xương. Cơ chế này cũng mở đường giải thích cho vòng xoắn bệnh lý gãy xương, viêm, tải trọng bất thường và hiện tượng tiêu xương.
3. Nguyên nhân biến chứng bàn chân Charcot do đái tháo đường
Biến chứng bàn chân Charcot do đái tháo đường có thể bao gồm bệnh lý kèm theo như bệnh thần kinh ngoại biên và bệnh động mạch ngoại vi gây nên tình trạng loét bàn chân. Bàn chân bình thường có thể bị loét do đái tháo đường và tình trạng có thể diễn biến nghiêm trọng dẫn tới việc phải cắt cụt chi đặc biệt với các trường hợp nhiễm trùng vết thương hoặc viêm tủy xương.
Bệnh thần kinh đái tháo đường được nhận định do rối loạn chức năng thần kinh ở người bệnh đái tháo đường và nguyên nhân này được xác định rõ ràng khi đã loại bỏ các bệnh do thần kinh ngoại vi khác xảy ra. Với sự hiện diện của bệnh thần kinh ngoại vi do đái tháo đường có thể xem như chính là yếu tố khởi đầu của quá trình tiến triển những vết loét bàn chân. Khi đó dây thần kinh tổn thương sẽ làm tê ngoại vi chi dưới của người bệnh, khiến cho người bệnh khó có cảm giác ở các chi, đau nhức hoặc có thể gặp trường hợp nhiễm trùng trên bàn chân. Quá trình rối loạn cảm giác này có thể khiến cho các vết lở loét, phồng rộp tiến triển nhanh hơn. Nếu người bệnh không tiến hành điều trị sớm những vết loét này có thể dẫn tới hoại thư, thậm chí phải cắt cụt chân.
Bệnh mạch máu ngoại vi cũng được xếp vào một trong những nguyên nhân đa yếu tố dẫn đến tình trạng bàn chân Charcot ở người bệnh mắc đái tháo đường. Khi có sự hiện diện của bệnh mạch máu ngoại vi sẽ làm thay đổi các phản ứng bình thường đang diễn ra trong cơ thể và khi đó, các vết loét ở bàn chân kéo dài và dai dẳng không thể lành được ảnh hưởng đến việc cung cấp máu cho bàn chân. Hơn nữa, tình trạng bệnh cũng dẫn đến phát triển nhiễm trùng, làm vỡ mô... Những yếu tố này có thể nghiêm trọng và khiến cho người bệnh phải cắt cụt chân.
Ngoài ra, nguyên nhân gây nên tình trạng bàn chân Charcot có thể còn do ít vận động khớp hoặc dị tật bàn chân hoặc có vết loét hoặc do suy giảm thị lực hoặc mắc các bệnh mãn tính.
4. Các triệu chứng của biến chứng bàn chân Charcot do bệnh đái tháo đường
Triệu chứng của biến chứng bàn chân Charcot có những biểu hiện khác nhau và những dấu hiệu này sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp người bệnh cụ thể cùng với mức độ bệnh. Những triệu chứng có thể được xem như phổ biến nhất có thể gặp bao gồm mất cảm giác, hoặc cảm giác tê tê và ngứa hoặc xuất hiện các vết phồng rộp, hoặc có thể xuất hiện vết thương khác không gây đau cho người bệnh hoặc màu da có sự thay đổi,...
5. Phòng ngừa biến chứng bàn chân Charcot do bệnh đái tháo đường
Chăm sóc bàn chân đúng cách có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề phổ biến liên quan đến chân ở những người bệnh mắc đái tháo đường. Thêm vào đó, nên phát hiện và điều trị sớm có thể giúp người bệnh tránh được các biến chứng nghiêm trọng.
- Người bệnh nên lập kế hoạch thực hiện chăm sóc bản thân đồng thời quản lý tốt tình trạng bệnh đái tháo đường. Bên cạnh đó, người bệnh nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, thay đổi lối sống lành mạnh. Từ đó sẽ giúp người bệnh kiểm soát được hàm lượng đường huyết trong cơ thể.
- Người bệnh nên rửa chân thường xuyên mỗi ngày bằng nước ấm và xà phòng dịu nhẹ. Tuy nhiên, người bệnh không nên ngâm chân trong nước quá lâu và sau khi rửa chân xong nên lau chân khô đặc biệt ở các vị trí kẽ chân.
- Người bệnh có thể sử dụng kem dưỡng ẩm để thoa chân mỗi ngày để tránh tình trạng da chân có thể bị khô. Tuy nhiên, trước khi thoa kem cho chân thì nên vệ sinh chân sạch sẽ.
- Người bệnh luôn thực hiện kiểm tra chân mỗi ngày. Vì như thế có thể phát hiện kịp thời những dấu hiệu bất thường.
- Người bệnh nên sử dụng các loại giày dép kín mũi để tránh gây tổn thương lên ngón chân. Và nên chọn các loại giày dép vừa với chân.
- Người bệnh có thể thực hiện các hoạt động chẳng hạn như lắc lư khi ngồi để lưu thông máu đến chân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.