Tác dụng của thuốc Dermarest

Thuốc Dermarest được sử dụng dưới dạng bôi tại chỗ nhằm điều trị cho các trường hợp mắc bệnh vảy nến vùng da đầu hoặc toàn thân. Thời gian sử dụng thuốc Dermarest sẽ được xác định cụ thể bởi bác sĩ dựa trên tình trạng da của bệnh nhân. Để hiểu rõ hơn về tác dụng cũng như cách dùng thuốc Dermarest hiệu quả, cùng tham khảo những thông tin dưới đây!

1. Dermarest là thuốc gì?

Dermarest thuộc nhóm thuốc Steroid tại chỗ, được dùng dưới dạng bôi ngoài da giúp làm giảm các tình trạng như ngứa, mẩn đỏ, sưng tấy hoặc khó chịu trên da. Sản phẩm có chứa thành phần hoạt chất chính là Axit salicylic cùng một số tá dược khác được bổ sung thêm vào công thức giúp hỗ trợ phát huy công dụng của thuốc.

Dermarest được các bác sĩ khuyến nghị sử dụng để điều trị bệnh vảy nến hiệu quả. Thuốc có cả dạng kê đơn và không kê đơn (OTC), tùy theo mục đích trị liệu và tình trạng da của người bệnh. Tốt nhất, bạn nên trao đổi cụ thể với bác sĩ chuyên khoa da liễu để có phương án dùng thuốc Dermarest hiệu nghiệm nhất.

2. Tác dụng của thuốc Dermarest

2.1. Hoạt chất Axit salicylic có công dụng gì?

Axit salicylic trong thuốc bôi ngoài da Dermarest là một thành phần thường thấy ở các loại thuốc kháng viêm không steroid, có khả năng điều trị tốt các bệnh lý về da. Những sản phẩm bao gồm Axit salicylic chủ yếu được bào chế dưới dạng kem, thuốc mỡ, miếng dán, gel, xà phòng, dung dịch, dầu gội,... với hàm lượng không giống nhau.

Hoạt chất Axit salicylic trong thuốc Dermarest được sử dụng trên vùng da hay da đầu bị vảy nến, đồng thời giúp khắc phục nhanh chóng các tình trạng khô da hoặc da bong tróc vảy khác. Axit salicylic thuộc cùng nhóm thuốc với Aspirin (Salicylat), không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ em dưới 2 tuổi.

Tác dụng điều trị vảy nến của Axit salicylic dựa trên cơ chế khiến cho da bong tróc các tế bào chết ở lớp trên cùng thông qua việc tăng lượng ẩm trong da. Đồng thời hoà tan chất làm các tế bào kết tụ lại với nhau. Nhờ hiệu ứng trên đã giúp các tế bào da bong tróc và được loại bỏ dễ dàng hơn, từ đó làm mềm lớp trên cùng của da và cải thiện đáng kể tình trạng khô da.

Hoạt chất Axit salicylic ngoài tác dụng chữa bệnh vảy nến da đầu hoặc toàn thân còn có khả năng điều trị mụn cóc ở chân, mụn cơm, viêm da do tăng tiết bã nhờn, mụn trứng cá, vết chai sạn hoặc dày sừng ở gan bàn chân / bàn tay. Ngoài ra, Axit salicylic cũng được bác sĩ chuyên khoa chỉ định dùng trong các phác đồ điều trị những vấn đề về da khác.

2.2. Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Dermarest

Dermarest thường được bác sĩ chỉ định dùng để điều trị bệnh vảy nến tại chỗ và một số tình trạng về da khác chưa được đề cập đến cụ thể. Tuy nhiên, cần tránh tự ý dùng Dermarest cho những trường hợp bệnh nhân dưới đây:

  • Người bị dị ứng hoặc có tiền sử quá mẫn với hoạt chất Axit salicylic hay bất kỳ thành phần tá dược nào có trong công thức thuốc.
  • Chống chỉ định Dermarest thuốc trị vảy nến cho trẻ em dưới 2 tuổi.
  • Chống chỉ định tương đối thuốc Dermarest cho phụ nữ có thai và bà mẹ nuôi con bú.
  • Chống chỉ định Dermarest cho người đang bị nhiễm trùng da tại hoặc gần vị trí bôi thuốc.
  • Chống chỉ định dùng Dermarest cho người có vết loét lớn, da bị nứt hoặc tổn thương nghiêm trọng ở vùng cần điều trị.

Dù trong bất kỳ trường hợp nào, bệnh nhân cũng nên đến khám bác sĩ da liễu để được chẩn đoán nguyên nhân cụ thể, từ đó có cách khắc phục phù hợp nhất. Tránh tự ý dùng Dermarest khi chưa được chấp thuận vì điều này dễ dẫn đến những tác dụng phụ ngoại ý.

3. Cách sử dụng và liều dùng thuốc Dermarest trị vảy nến

3.1. Hướng dẫn dùng thuốc Dermarest đúng cách

Trước khi sử dụng thuốc bôi ngoài da chữa vảy nến Dermarest, bệnh nhân cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng ghi trên bao bì hoặc tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không dùng quá tần suất cho phép hay kéo dài thời gian dùng thuốc Dermarest so với chỉ định. Bởi điều này có thể gây kích ứng da hoặc dẫn đến phát sinh những phản ứng phụ ngoài ý muốn.

Một lưu ý khác là thuốc Dermarest chỉ dùng ngoài da, không tra mắt hay bôi lên các vết thương đang trầy xước, bỏng hoặc có vết cắt. Nếu không may thuốc dính vào những khu vực này, hãy nhanh chóng rửa sạch với nước.

Dermarest chỉ được phép sử dụng cho các tình trạng da mà bác sĩ đang điều trị. Trước khi dùng thuốc cho những vấn đề da khác, nhất là trường hợp nghi ngờ nhiễm trùng da, tốt nhất bệnh nhân nên đến khám bác sĩ để biết chắc chắn. Dermarest không được khuyến nghị sử dụng để điều trị cho một số tình trạng da như bỏng nặng hoặc nhiễm trùng.

Để sử dụng Dermarest đúng cách và đạt hiệu quả cao, bệnh nhân nên tiến hành các bước sau:

  • Rửa tay với xà phòng và nước sạch trước cũng như sau khi bôi thuốc.
  • Thoa một lớp thuốc mỏng lên vùng da cần điều trị, sau đó xoa nhẹ nhàng cho thuốc ngấm đều xuống da.
  • Không quấn hoặc băng kín vùng da được điều trị trừ khi bác sĩ cho phép.
  • Nếu sử dụng thuốc Dermarest tại vùng bẹn của trẻ, tránh cho bé mặc đồ bó sát.
  • Nếu bác sĩ yêu cầu che phủ hoặc băng kín vùng da bôi thuốc, bạn cần đảm bảo dùng sản phẩm đúng cách. Việc băng kín có thể làm tăng lượng thuốc được hấp thụ qua làn da, do đó chỉ sử dụng chúng khi có chỉ dẫn.

3.2. Liều lượng bôi thuốc Dermarest trị bệnh vảy nến

Liều dùng thuốc Dermarest thường được kê khác nhau đối với từng trường hợp bệnh nhân. Bạn có thể tham khảo liều dùng được khuyến cáo trong tờ hướng dẫn của sản phẩm hoặc tuân theo hướng dẫn của bác sĩ. Mỗi bệnh nhân cần dùng thuốc Dermarest theo đúng hàm lượng và tần suất đã được chỉ định cụ thể, tránh tự ý tăng / giảm liều hoặc kéo dài thời gian điều trị.

Tuỳ vào dạng bào chế của Dermarest mà tần suất và liều lượng bôi thuốc sẽ khác nhau, cụ thể:

  • Đối với dạng kem bôi tại chỗ: Thoa đều lên vùng da cần điều trị từ 2 – 3 lần/ ngày.
  • Đối với dạng kem dưỡng da: Bôi lên vùng da bị vảy nến, bong tróc từ 2 – 4 lần / ngày.
  • Đối với dạng thuốc mỡ: Áp dụng lên vùng da cần điều trị từ 3 – 4 lần / ngày.
  • Đối với dạng dung dịch: Bôi lên vùng da bị vảy nến từ 3 – 4 lần / ngày.

Trong thời gian trị bệnh vảy nến với thuốc Dermarest, bệnh nhân cần dùng đều đặn và đúng lịch trình. Nếu trót bỏ lỡ liều thuốc, hãy cố gắng bôi bù liều sớm nhất có thể. Tuy nhiên, tránh dùng Dermarest quá sát với liều dùng tiếp theo hoặc gấp đôi liều được cho phép.

Ngoài ra, Dermarest có thể gây hại cho người bệnh nếu nuốt phải. Đặc biệt, việc sử dụng quá liều thuốc có thể dẫn đến các tình trạng như khó thở, bất tỉnh, nôn ói, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi, thở nhanh hoặc các vấn đề về thị giác. Khi đó, người bệnh cần được nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để được điều trị và áp dụng các biện pháp xử trí quá liều kịp thời.

Sau khi sử dụng thuốc Dermarest, bạn nên bảo quản trong hộp kín ở nhiệt độ phòng, tránh xa nơi có độ ẩm cao, nguồn nhiệt hoặc ánh sáng trực tiếp. Bên cạnh đó, không để sản phẩm ở tủ đông nhằm tránh khiến thuốc bị đóng băng. Để Dermarest xa tầm tay trẻ em và không dùng thuốc đã quá hạn.

4. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc Dermarest

Bên cạnh các tác dụng điều trị cần thiết, sản phẩm Dermarest cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ ngoài ý muốn cho người bệnh. Khi xuất hiện bất kỳ phản ứng nào được đề cập dưới đây, hãy nhanh chóng báo ngay cho bác sĩ để có biện pháp giải quyết:

  • Nóng rát, phồng rộp, khô, đóng vảy hoặc bong tróc da.
  • Kích ứng da.
  • Ngứa và rộp đỏ nghiêm trọng, sưng da hay đau nhức.
  • Mẩn đỏ và đóng vảy xung quanh miệng.
  • Mỏng da, dễ bị bầm tím, nhất là nơi có nếp gấp, giữa các ngón tay hoặc mặt.
  • Yếu da.

Một số tác dụng phụ liên quan đến thuốc Dermarest có thể tự biến mất trong quá trình điều trị mà không cần chăm sóc y tế khi bệnh nhân điều chỉnh thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, bạn cũng có thể trao đổi thêm với bác sĩ da liễu để biết những cách có thể giảm bớt hay ngăn ngừa được một số tác dụng phụ này.

Ngoài những phản ứng trên, người bệnh cũng có thể gặp phải các tác dụng phụ khác ít gặp hơn như:

  • Nổi mụn nhọt, mụn trứng cá.
  • Ngứa da, nóng rát da và xuất hiện mụn nước đỏ cỡ đầu ngón tay.
  • Ngứa và đau rát ở vùng lông hoặc có mủ ở chân lông.
  • Tăng trưởng lông ở lưng, trán, chân và cánh tay.
  • Sáng màu da bất thường.
  • Có các đường nổi màu tím đỏ trên mặt, cánh tay, bẹn, thân hoặc chân.
  • Mềm da bất thường.

5. Những điều cần lưu ý khi dùng thuốc Dermarest

Trong suốt quá trình điều trị vảy nến với thuốc bôi Dermarest, bệnh nhân cần đi khám bác sĩ định kỳ để kiểm tra tình trạng da, đồng thời sớm phát hiện những vấn đề khác có liên quan đến thuốc. Nếu triệu chứng bệnh không cải thiện trong vài ngày dùng Dermarest hoặc trở nên tồi tệ hơn, bạn cần báo cho bác sĩ ngay để có biện pháp xử trí.

Ngoài những điều trên, bệnh nhân cũng cần lưu ý một số vấn đề khác dưới đây nhằm đảm bảo an toàn khi điều trị với Dermarest:

  • Không dùng Dermarest trong thời gian dài hoặc quá thường xuyên vì nó có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tuyến thượng thận, nhất là ở trẻ em.
  • Báo cho bác sĩ ngay nếu trẻ sử dụng Dermarest có các dấu hiệu bất thường như ngất xỉu, chóng mặt, mờ mắt, nhịp tim không đều, tim đập thình thịch, tăng tần suất đi tiểu, tăng khát, mệt mỏi, cáu gắt hay suy nhược cơ thể.
  • Ngừng dùng thuốc khi có dấu hiệu sưng tấy, châm chích, phát ban hay kích ứng da.
  • Không dùng các sản phẩm chăm sóc da khác lên vùng da đang trị liệu.
  • Báo cho bác sĩ những dược phẩm hiện đang dùng, bao gồm các thuốc bôi ngoài da khác.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Dermarest, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc Dermarest điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe