Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Dương Tiến - Bác sĩ Nội cơ xương khớp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng .
Sống chung với bệnh viêm khớp vảy nến đòi hỏi sự chấp nhận và kiên trì. Bên cạnh việc đối phó với các khớp sưng tấy, mệt mỏi, lo lắng và những ngày đau đớn, bệnh nhân mắc phải viêm khớp vảy nến phải nhẫn nại với một loạt thách thức và rào cản có thể khiến cuộc sống hàng ngày trở nên hạn chế và gặp nhiều khó khăn. Sau đây là 10 điều liên quan đến bệnh viêm khớp vảy nến cần nhớ để người bệnh cảm thấy không đơn độc.
1. Thức dậy với cảm giác như “người thiếc” là bình thường
Đây hoàn toàn là một vấn đề bình thường khi triệu chứng bệnh viêm khớp vảy nến ảnh hưởng đến khớp ngón tay, bàn chân và mắt cá chân hoặc bất kỳ khớp nào khác trên cơ thể. Theo đó, việc thức dậy vào buổi sáng để cử động các khớp là một quá trình chậm chạp, kéo dài đối với hầu hết người bệnh.
Trong vài giờ đầu tiên trong ngày, khi di chuyển xung quanh nhà, làm vệ sinh cá nhân, pha cà phê, mặc quần áo, người bệnh sẽ có cảm giác hoàn toàn giống như bị mắc kẹt trong cơ thể của “người thiếc”, rất khó để vận động như ý muốn.
Như vậy, cử động khớp cứng, chậm chạp và khá hạn chế khi bắt đầu một ngày mới là điều người bệnh phải tập làm quen.
2. Khó cử động các ngón tay và thường xuyên cần phải trợ giúp
Mức độ di chuyển và cử động cơ thể theo mong muốn của người bệnh có thể khiến họ phải thường xuyên làm phiền bạn bè và gia đình của họ. Điều này đặc biệt xảy ra nếu bệnh viêm khớp vảy nến chủ yếu ảnh hưởng đến các khớp ngón tay.
Theo đó, mặc dù người bị bệnh viêm khớp vảy nến có thể vẫn tập yoga với các bài tập đơn giản, việc mở nắp lon thịt đóng hộp hay lọ bơ đậu phộng lại cần có người khác trợ giúp.
3. Mức năng lượng của cơ thể và các cơn đau nhức khớp không thể đoán trước được
Bệnh viêm khớp vảy nến có thể là một căn bệnh rất phức tạp mà người bệnh hoàn toàn không bao giờ biết hết được căn bệnh này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các khớp như thế nào từ ngày này qua ngày khác. Đồng thời, việc duy trì mức năng lượng nhất quán cũng khó khăn không kém.
Hy vọng rằng bạn bè thân thiết và gia đình của người bị bệnh viêm khớp vảy nến hiểu khi nào phải hủy bỏ kế hoạch vào phút cuối và đề xuất một hoạt động đơn giản hơn để thay thế để giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn. Dù vậy, việc cố gắng duy trì mức năng lượng phù hợp qua mỗi ngày đôi khi cũng khiến chính người bệnh cảm thấy nản lòng.
4. Người bệnh đã bị chẩn đoán sai rất nhiều lần
Sau nhiều ngày tháng kéo dài lặp đi lặp lại vòng luẩn quẩn chẩn đoán sai và điều trị sai, cuối cùng người bệnh cũng xác định được chẩn đoán bệnh viêm khớp vảy nến.
Mặc dù điều này có thể đem lại cảm giác tiêu cực, hoang mang và nhiều thất vọng, từ bây giờ người bệnh đã có thể cảm thấy nhẹ nhõm hơn bất cứ thứ gì khác.
5. Luôn lo lắng về vấn đề: Viêm khớp vảy nến chữa được không?
Người bệnh mắc phải viêm khớp vảy nến thường xuyên phải sống trong nỗi lo lắng về vấn đề “viêm khớp vảy nến chữa được không”. Một số người chọn cách châm cứu, một số khác đã thử áp dụng chế độ ăn kiêng chống viêm hay thậm chí đã thoa tinh dầu, hiệu quả đạt được chỉ hạn chế.
Hầu hết mọi người bạn tốt và thành viên trong gia đình xung quanh đều không ngừng cố gắng giúp người bệnh tìm ra thứ gì đó có thể giúp kiểm soát được cơn đau khổ sở.
Tuy vậy, điều đó không chứng minh được chế độ ăn uống và các phương pháp điều trị thay thế đem lại tác dụng gì. Dù vậy, ngay cả khi các biện pháp này là vô ích, chúng hoàn toàn vô hại và vẫn cần khuyến khích áp dụng khi có thể để giảm bớt ảnh hưởng của bệnh viêm khớp vảy nến.
6. Có hiểu biết nhiều hơn về việc kiểm soát tình trạng viêm hơn cả các bác sĩ
Mặc dù đã tự nhận thức rằng không có một chế độ ăn uống hoặc thay đổi lối sống nào có thể làm sáng tỏ căn nguyên của bệnh viêm khớp vẩy nến của mình, người bệnh vẫn không ngừng tìm hiểu từng chi tiết nhỏ về việc duy trì lối sống chống viêm, giảm đau khớp.
Điều này có thể bao gồm việc uống bổ sung nghệ và tránh các loại rau củ ăn vào ban đêm hay tiêu thụ quá nhiều đường. Không ít bệnh nhân khác chủ động ngưng tiêu thụ gluten trong chế độ ăn hằng ngày, cai rượu hoặc bắt đầu ngồi thiền để giảm căng thẳng.
Bất kể thay đổi lối sống nào được quyết định thực hiện, rất có thể bản thân người bệnh đã gây ấn tượng với bác sĩ chuyên khoa thấp khớp về lượng kiến thức tuyệt đối đã đúc kết được khi thực hiện nghiên cứu của riêng mình.
7. Sợ hãi những tháng mùa đông kéo dài và mong chờ chuyển sang khí hậu nóng ẩm
Cho dù đang bị viêm khớp vẩy nến, vẩy nến da đơn thuần hoặc kết hợp cả hai bệnh tự miễn dịch này, người bệnh luôn cảm giác sợ hãi những tháng ngày lạnh lẽo tăm tối hơn bất cứ điều gì khác.
Cùng với việc giữ cho các khớp được bôi trơn và cố gắng hấp thu lượng vitamin D từ tia nắng mặt trời càng nhiều càng tốt, những người bị viêm khớp vẩy nến và bệnh vẩy nến thường có xu hướng khỏe mạnh hơn nhiều khi sống trong điều kiện nóng ẩm.
8. Thường cảm thấy mình già hơn rất nhiều
Không còn cách nào khác, chấp nhận sống chung với các khớp luôn sưng đau, nhức mỏi và viêm nề có thể gây ra hậu quả lão hóa nhanh.
Cho dù được chẩn đoán mắc phải bệnh viêm khớp vảy nến ở độ tuổi 20 hay 70, việc liên tục phải lo lắng về cảm giác của mình đang chịu đựng, liệu viêm khớp vảy nến chữa được không, có cơ hội đi lại bình thường hay không hoặc đơn giản là liệu bản thân có đủ năng lượng để giải quyết các việc tối thiểu cho chính mình trong một ngày hay không là đủ khiến người bệnh cảm thấy già hơn rất nhiều.
9. Không ngừng cảm thấy xấu hổ, mặc cảm
Cho dù đang bắt gặp một người bạn nhìn lướt qua các khớp ngón tay sưng tấy hoặc biến dạng của mình, dáng đi bộ hơi khập khiễng hay phải giải thích về một chế độ ăn kiêng, việc đối mặt với những ảnh hưởng của bệnh viêm khớp vảy nến có thể khiến người bệnh lúng túng, đôi khi có thể cảm thấy xấu hổ, mặc cảm.
Điều này đặc biệt trở nên nặng nề hơn nếu bệnh nhân thuộc tuýp người không thực sự thích trở thành trung tâm của sự chú ý.
10. Cần nhớ bản thân mình luôn vô cùng kiên cường
Sau tất cả những điều tiêu cực bên trên, người bệnh viêm khớp vảy nến, khi phải trải qua cuộc sống với những cơn đau mãn tính, đã trở nên cứng rắn và kiên cường đến không ngờ.
Mặc dù một số ngày cảm giác tồi tệ, bi quan hơn những ngày khác, bệnh nhân luôn cảm thấy yêu đời và cuộc sống có ý nghĩa dù chỉ là một động tác yoga khó có thể làm được, hoàn thành bữa ăn đơn giản nấu tại nhà. Tất cả những điều này là đặc biệt đều có giá trị hơn một chút so với người bình thường bởi vì người bệnh đã hết sức nỗ lực, không coi bao giờ xem thường sức lực của mình.
Tóm lại, khi bị bệnh viêm khớp vảy nến, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ hoạt động quá mức để chống lại các tổ chức khớp. Điều này là thay đổi cấu trúc khớp và mất chức năng, người bệnh phải sống cùng các cơn đau nhức khớp kéo dài. Tuy nhiên, khi biết được những điều trên đây với tinh thần lạc quan, ý thức được căn bệnh này, việc tuân thủ một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây, rau và ngũ cốc để đảm bảo cơ thể bạn nhận đủ chất dinh dưỡng, tắm nước nóng hoặc chườm lạnh có thể giảm đau và sưng tấy, thực hiện các bài tập phù hợp giúp nới lỏng các khớp, tăng cường cơ bắp và cải thiện sức khỏe tổng thể của bạn, người bệnh sẽ thấy cuộc sống này vẫn luôn tươi sáng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com, healthline.com