Sotorasib là loại thuốc được chỉ định để điều trị một số loại bệnh ung thư. Thuốc Sotorasib công dụng như một chất ức chế lại sự phát triển của các tế bào ung thư . Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng thuốc sotorasib cần có một số lưu ý về tác dụng phụ của thuốc cũng như sử dụng thuốc đúng cách.
1. Công dụng của thuốc sotorasib
Thuốc sotorasib được nghiên cứu để điều trị bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ ( NSCLC), do đột biến KRAS-G12C. Sotorasib có cơ chế hoạt động bằng cách tìm và ngăn chặn lại các tế bào đột biến KRAS-G12C, một loại protein đột biến được tìm thấy trong một số bệnh ung thư. Trong một số bệnh về ung thư, đột biến sẽ làm cho protein này hoạt động một cách quá mức, khiến các tế bào phát triển và phân chia rất nhanh. Vì thế, bằng cách ức chế đột biến KRAS-G12C, hoạt chất sotorasib giúp ngăn chặn lại sự phát triển không kiểm soát của các tế bào tạo nên sự hình thành của khối u. Người bệnh nếu mắc ung thư sẽ cần phải kiểm tra khối u để tìm loại đột biến này và điều trị.
2. Cách sử dụng thuốc Sotorasib
Sotorasib ở dạng viên nén và được khuyến khích là uống một lần mỗi ngày cùng trong bữa ăn hoặc không. Nếu như bỏ quên một liều thuốc, hãy uống nó ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu đã qua hơn 6 giờ kể từ thời điểm phải uống thuốc, thì hãy bỏ qua liều đó và uống liều thuốc kế tiếp vào ngày hôm sau. Trường hợp người bệnh bị nôn sau khi sử dụng thuốc sotorasib, thì không nên dùng thêm liều khác để bổ sung. Hãy dùng liều thuốc tiếp theo vào ngày hôm sau. Không nên dùng 2 liều cùng một lúc để bù cho liều đã quên.
Cố gắng uống sotorasib vào cùng một thời điểm mỗi ngày sẽ làm tăng tác dụng của thuốc. Người bệnh nên uống cả viên thuốc, không bẻ gãy, nghiền hoặc nhai nát thuốc ra. Nếu không thể nuốt toàn bộ viên sotorasib, người bệnh có thể cho thuốc vào 120 ml nước lọc mà không cần nghiền nát viên và hãy khuấy cho đến khi viên thuốc tan thành từng miếng nhỏ (do sotorasib không tan hoàn toàn trong nước). Hãy uống thuốc ngay sau khi đã pha hoặc chỉ nên uống thuốc trong vòng 2 giờ sau khi pha .
Điều quan trọng là phải đảm bảo rằng là chỉ dùng đúng lượng thuốc mỗi lần uống. Trước mỗi liều thuốc, hãy kiểm tra kỹ xem loại thuốc bạn đang dùng có đúng hay không.
3. Tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng Sotorasib
Trong quá trình điều trị bằng thuốc sotorasib, người bệnh có thể gặp phải một vài tác dụng phụ không mong muốn. Vì vậy, Có một số lưu ý có thể giúp kiểm soát các tác dụng phụ của sotorasib. Hãy nói với bác sĩ nếu như bạn gặp phải các vấn đề sau về sức khoẻ. Để có thể đưa ra hướng giải quyết phù hợp nhất với bạn. Sau đây là một số tác dụng phụ phổ biến hay gặp nhất:
- Bệnh tiêu chảy
Các bác sĩ điều trị có thể giới thiệu các loại thuốc để giảm tình trạng tiêu chảy. Ngoài ra, hãy thử ăn các loại thực phẩm có chứa ít chất xơ, đồ ăn nhạt, chẳng hạn như cơm trắng và thịt gà luộc hoặc nướng. Tránh ăn các loại trái cây tươi, rau củ, bánh mì nguyên hạt, ngũ cốc và các loại hạt. Chất xơ hòa tan được tìm thấy trong một số loại thực phẩm và hấp thụ chất lỏng, có thể giúp giảm tiêu chảy. Thực phẩm giàu chất xơ hòa tan bao gồm: nước sốt táo, chuối (chín), trái cây đóng hộp, cam, khoai tây luộc, gạo trắng, các sản phẩm làm từ bột mì trắng, bột yến mạch, kem gạo, kem lúa mì và khoai tây chiên. Uống 8-10 ly nước lọc, mỗi ngày để ngăn ngừa mất nước.
- Bất thường về điện giải
Thuốc này có thể ảnh hưởng đến mức bình thường của các chất điện giải trong cơ thể như natri, canxi, v.v.. Hãy theo dõi các chỉ số này bằng cách xét nghiệm máu. Nếu nồng độ của các chỉ số này trở nên quá thấp, các bác sĩ có thể kê đơn các chất điện giải cụ thể để được truyền qua đường tĩnh mạch hoặc uống. Không dùng bất kỳ chất bổ sung nào mà không tham khảo ý kiến trước với bác sĩ.
- Đau nhức cơ hoặc xương khớp
Người bệnh có thể được kê các loại thuốc đi kèm để giảm đau nhức khi sử dụng sotorasib.
- Cơ thể mệt mỏi
Trong quá trình điều trị bằng thuốc sotorasib, người bệnh thường có cảm giác kiệt sức, cơ thể mỏi mệt và thường không thuyên giảm kể cả khi nghỉ ngơi. Trong khi điều trị ung thư và trong một khoảng thời gian sau đó, bệnh nhân có thể cần phải điều chỉnh thời gian của mình để kiểm soát sự mệt mỏi. Lập kế hoạch thời gian để nghỉ ngơi trong ngày, hãy tập thể dục để giúp chống lại sự căng thẳng và mệt mỏi. Người bệnh có thể đi bộ đơn giản hàng ngày để nâng cao sức khoẻ. Hãy nhận tư vấn từ bác sĩ nếu như bạn gặp phải tình trạng mệt mỏi.
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
Nói chuyện với bác sĩ khi bạn có các triệu chứng như buồn nôn hay nôn, bác sĩ có thể sẽ kê đơn thuốc để giúp bạn kiểm soát các triệu chứng trên. Ngoài ra, người bệnh có thể thay đổi chế độ ăn uống hữu ích. Tránh ăn những thứ có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng, chẳng hạn như thức ăn nhiều dầu mỡ hoặc chất béo, các loại gia vị cay hoặc chua như (chanh, cà chua, cam). Thử ăn bánh quy mặn hoặc đồ uống có vị gừng để giảm bớt các triệu chứng.
- Gây độc tính trên gan
Thuốc sotorasib có thể gây nhiễm độc gan, do đó bác sĩ có thể theo dõi bằng cách sử dụng các xét nghiệm máu gọi là xét nghiệm chức năng gan. Hãy thông báo cho bác sĩ biết nếu bạn nhận thấy da hoặc mắt bị vàng, nước tiểu có màu sẫm hoặc nâu, hoặc bị đau ở bụng, vì đây có thể là dấu hiệu của nhiễm độc gan.
- Gây nhiễm trùng và giảm số lượng tế bào bạch cầu (giảm bạch cầu hoặc giảm bạch cầu trung tính)
Tế bào bạch cầu (WBC) rất quan trọng trong việc chống lại sự nhiễm trùng. Trong khi được điều trị, số lượng bạch cầu của người bệnh có thể bị giảm xuống, đặc biệt là các tế bào bạch huyết, khiến bạn có nguy cơ bị nhiễm trùng cao hơn. Người bệnh nên thông báo cho bác sĩ hoặc nhân viên y tế ngay lập tức nếu xuất hiện các triệu chứng như sốt (nhiệt độ cao trên 38 ° C), đau họng, cảm lạnh, khó thở, ho, nóng rát khi đi tiểu.
Ngoài ra, người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ khác, nhưng ít phổ biến hơn có thể kể đến như viêm phổi hay bệnh phổi kẽ. Bệnh nhân có thể bị viêm phổi khi dùng thuốc sotorasib. Liên hệ ngay cho bác sĩ nếu bạn gặp phải các triệu chứng mới hoặc trầm trọng hơn, bao gồm khó thở, ho hoặc sốt.
4. Tương tác của thuốc sotorasib
Khi sử dụng thuốc sotorasib, nồng độ trong máu của người bệnh có thể bị ảnh hưởng nếu như sử dụng cùng với một số loại thực phẩm và thuốc khác. Chúng bao gồm: bưởi, nước ép bưởi, thuốc ketoconazole (thuốc chữa nấm), thuốc rifampin ( thuốc điều trị lao phổi), thuốc phenytoin (thuốc chống động kinh). Hãy nói với bác sĩ điều trị về tất cả các loại thuốc và các loại thực phẩm chức năng mà bạn đang dùng. Nếu người bệnh dùng thuốc warfarin thì hãy theo dõi chỉ số INR trong xét nghiệm đông máu. Vì thuốc sotorasib có thể làm tăng thời gian chảy máu.
Thuốc sotorasib cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các loại thuốc được sử dụng để điều trị chứng ợ nóng. Không dùng chung với thuốc ức chế bơm proton như: omeprazole esomeprazole, pantoprazole, lansoprazole hoặc thuốc đối kháng thụ thể H2 ví dụ như famotidine. Nếu dùng chung với thuốc kháng acid có tác dụng cục bộ như canxi cacbonat thì hãy uống sotorasib 4 giờ trước hoặc 10 giờ sau khi dùng thuốc kháng acid cục bộ.
Một lưu ý khi sử dụng thuốc sotorasib là khi mang thai, thai nhi khi tiếp xúc với chất sotorasib có thể gây nên dị tật bẩm sinh. Vì vậy, không nên mang thai khi đang trong quá trình dùng thuốc này. Kiểm soát sinh sản hiệu quả là cần thiết trong quá trình điều trị bằng thuốc sotorasib. Không nên cho con bú trong khi dùng thuốc này và trong 1 tuần sau liều điều trị cuối cùng.
Hãy bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, tránh ánh nắng trực tiếp. Không để gần trẻ em và vật nuôi, không sử dụng khi thuốc đã quá hạn sử dụng.
Sotorasib thuốc biệt dược để điều trị bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ và ức chế các đột biến KRAS-G12C. Trong quá trình sử dụng thuốc, hãy tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh các gặp phải các tác dụng không mong muốn. Nếu như gặp phải bất kì vấn đề nào khi dùng thuốc sotorasib hãy gặp ngay bác sĩ để nhận được sự tư vấn.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: oncolink.org