Công dụng thuốc Acepron 325mg

Paracetamol hay Acetaminophen là hoạt chất được sử dụng vô cùng rộng rãi do có tác dụng giảm đau, hạ sốt và tương đối lành tính. Hoạt chất này có trong thuốc Acepron 325mg. Vậy thuốc Acepron được sử dụng như thế nào?

1. Acepron 325mg là thuốc gì?

Thuốc Acepron 325mg được sản xuất bởi Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long, thành phần chính là hoạt chất Paracetamol (Acetaminophen) hàm lượng 325mg và một số tá dược như đường trắng, acid citric, màu erythrosin, bột hương vị dâu hoặc cam. Acepron 325mg bào chế dạng gói, đóng gói mỗi hộp bao gồm 20 gói.

Paracetamol trong Acepron 325mg là hoạt chất có tác dụng giảm đau, hạ sốt. Trong đó tác dụng hạ thân nhiệt của Paracetamol chỉ xảy ra khi bệnh nhân sốt và hiếm khi tác động ở người bình thường. Cơ chế hạ sốt của Acepron 325mg là tác động lên vùng dưới đồi, đồng thời tăng tỏa nhiệt bằng cách giãn mạch và tăng lưu lượng máu ngoại biên. Khi sử dụng quá liều, Paracetamol chuyển hóa thành N- Acetyl-Benzoquinonimin có khả năng gây độc nặng cho gan.

2. Chỉ định, chống chỉ định của thuốc Acepron 325mg

Acepron 325mg được chỉ định chủ yếu với mục đích hạ sốt và giảm đau mức độ từ nhẹ đến trung bình trong các trường hợp sau:

  • Đau đầu;
  • Đau nhức toàn thân do cảm cúm;
  • Đau răng;
  • Đau cơ.

Lưu ý không chỉ định Paracetamol để điều trị thấp khớp và các cơn đau có nguồn gốc nội tạng.

Chống chỉ định của thuốc Acepron 325mg:

3. Hướng dẫn sử dụng thuốc Acepron

Thuốc Acepron 325mg sản xuất dạng gói, người bệnh cần pha với lượng nước vừa đủ và uống sau bữa ăn.

Liều dùng khuyến cáo của Acepron 325mg:

  • Khoảng cách giữa 2 lần dùng thuốc Acepron 325mg là khoảng 4-6 giờ. Với bệnh nhân suy thận nặng (độ thanh thải Creatinin dưới 10ml/phút) khoảng cách giữa 2 lần uống Acepron 325mg tối thiểu 8 giờ;
  • Nếu cơn đau vẫn tiếp diễn quá 5 ngày sau khi uống Acepron 325mg, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc tiếp tục dùng sản phẩm này hay đổi sang phương pháp khác;
  • Liều tối đa mỗi ngày của Paracetamol là khoảng 60 mg/kg/ngày, chia làm thành 4-8 lần uống;
  • Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Mỗi lần uống 1-2 gói Acepron 325mg, nếu vẫn còn đau có thể dùng lại sau 4-6 giờ. Người trưởng thành nếu đau nhiều có thể uống 3 Acepron 325mg mỗi lần nhưng không quá 12 gói/ngày;
  • Trẻ em từ 6-12 tuổi: Mỗi lần uống 1 gói thuốc Acepron 325mg, nếu cần có thể lặp lại sau 4-6 giờ và tối đa là 6 gói/ngày.

Quá liều hay ngộ độc Paracetamol trong thuốc Acepron 325mg và cách xử trí:

  • Triệu chứng ban đầu của quá liều Paracetamol có thể bao gồm buồn nôn, nôn ói, chán ăn, đau bụng... thường xảy ra trong vòng 2-3 uống liều gây độc. Trong đó, tình trạng Methemoglobin máu dẫn đến chứng xanh tím da, niêm mạc và móng tay là một dấu hiệu đặc trưng của nhiễm độc cấp tính dẫn chất p-aminophenol của Paracetamol;
  • Trường hợp ngộ độc Paracetamol nặng, giai đoạn đầu bệnh nhân có thể bị kích thích hệ thần kinh trung ương, dẫn đến kích động và mê sảng. Sau đó lại là các phản ứng ức chế thần kinh như sững sờ, hạ thân nhiệt, thở nhanh nông, mạch nhanh yếu không đều, huyết áp thấp và suy tuần hoàn;
  • Sốc do ngộ độc Paracetamol có thể xảy ra khi tình trạng giãn mạch quá mức, đồng thời các cơn co giật có thể dấn đến nghẹt thở và tử vong;
  • Bệnh nhân ngộ độc Paracetamol thường hôn mê, tử vong đột ngột hoặc vài ngày sau hôn mê;
  • Triệu chứng tổn thương gan trở nên rõ rệt trong vòng 2-4 ngày sau khi uống liều độc. Chỉ số Aminotransferase máu và nồng độ bilirubin trong huyết tương tăng, thời gian prothrombin kéo dài khi gan tổn thương nặng;
  • Điều trị: Phương pháp điều trị ngộ độc Paracetamol bao gồm gây nôn ói, rửa dạ dày, dùng than hoạt, sử dụng Acetylcystein (thuốc giải độc đặc hiệu của paracetamol) hoặc có thể dùng methionin. Cần lưu ý việc điều trị bằng N-acetylcystein thường chỉ hiệu quả khi thời gian ngộ độc Paracetamol dưới 10 giờ.

4. Tác dụng phụ của thuốc Acepron 325mg

Khi sử dụng thuốc Acepron 325mg, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn (ADR). Mặc dù, hoạt chất Paracetamol tương đối lành tính khi dùng đúng liều điều trị khuyến cáo nhưng khi dùng Acepron 325mg kéo dài với liều cao có thể dẫn đến các tác dụng ngoại ý thường gặp trên hệ máu, như giảm số lượng tiểu cầu, bạch cầu hoặc giảm toàn bộ huyết cầu.

Một số tác dụng phụ ít gặp của thuốc Acepron 325mg:

  • Phát ban ngoài da;
  • Buồn nôn, nôn ói;
  • Bệnh lý thận hoặc độc thận khi lạm dụng dài ngày;
  • Rất hiếm gặp các trường hợp phản ứng quá mẫn với Paracetamol.

5. Thận trọng khi sử dụng Acepron 325mg

Thận trọng khi sử dụng Acepron 325mg trong những trường hợp sau:

  • Bệnh nhân không được sử dụng rượu bia và các thức uống có cồn trong thời gian dùng thuốc Acepron 325mg.
  • Bệnh nhân có suy giảm chức năng gan hay chức năng thận cần thận trọng khi dùng thuốc Acepron, đồng thời nên theo dõi chức năng gan và thận định kỳ hoặc tăng khoảng cách giữa các lần uống.
  • Việc sử dụng Acepron 325mg cần thận trọng ở người bệnh có tình trạng thiếu máu từ trước, nguyên nhân là do chứng xanh tím có thể không biểu lộ rõ, mặc dù nồng độ Methemoglobin trong máu đã ở mức có thể gây hại.
  • Chưa xác định được tính an toàn của Paracetamol khi sử dụng trong thời kỳ mang thai liên quan đến tác dụng không mong muốn có thể có đối với quá trình phát triển thai nhi. Do đó, bà bầu chỉ nên dùng Acepron 325mg khi thật sự cần thiết và cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
  • Chưa ghi nhận tác dụng không mong muốn của Paracetamol đến trẻ nhỏ bú mẹ khi mẹ dùng Acepron 325mg.

6. Tương tác thuốc của Acepron 325mg

  • Sử dụng Acepron 325mg dài ngày với liều cao có thể làm tăng nhẹ tác dụng chống đông máu của Coumarin và dẫn chất indandion.
  • Cần phải lưu ý đến khả năng hạ sốt nghiêm trọng ở người bệnh dùng đồng thời Phenothiazin và liệu pháp hạ thân nhiệt như thuốc Acepron 325mg.
  • Sử dụng rượu lượng nhiều và dài ngày có thể làm tăng nguy cơ gây độc cho gan của thuốc Acepron 325mg
  • Các thuốc chống co giật (như Phenytoin, Barbiturat, Carbamazepin) gây cảm ứng enzym ở microsom tại gan. Do đó có thể làm tăng nguy cơ gây độc cho gan của Acepron 325mg do tăng chuyển hóa Paracetamol thành những chất độc.

Ngoài ra, việc sử dụng đồng thời Isoniazid với Acepron 325mg cũng là một tương tác có thể dẫn đến tăng nguy cơ độc tính với gan.

Thuốc Acepron 325mg có thành phần chính là hoạt chất Paracetamol (Acetaminophen) hàm lượng 325mg và một số tá dược. Thuốc được chỉ định điều trị giảm đau, hạ sốt trong một số tình trạng bệnh lý. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được các tác dụng phụ không mong muốn thì người bệnh cần dùng thuốc theo đơn và nhờ sự tư vấn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe