Paracetamol (acetaminophen) là một trong những loại thuốc hạ sốt giảm đau được sử dụng phổ biến nhất trên toàn thế giới và được bán rộng rãi theo đơn và không kê đơn. Do mức độ phổ biến của paracetamol, các tương tác thuốc của paracetamol cũng được rất nhiều người quan tâm. Vậy các thuốc chứa paracetamol có thể xảy ra tương tác khi dùng chung với các thuốc khác hay không?
1. Tổng quan về tương tác thuốc của paracetamol
May mắn thay, chỉ có một số tương tác thuốc của paracetamol có ý nghĩa lâm sàng đã được ghi nhận. Bệnh nhân sử dụng paracetamol có thể xảy ra hiện tượng nhiễm độc gan sau khi dùng quá liều các thuốc cảm ứng enzym. Có nhiều tranh cãi (do có sự khác biệt giữa các nghiên cứu quan sát và những nghiên cứu ở những người tình nguyện khỏe mạnh) về khả năng tương tác thuốc paracetamol với warfarin, từ đó làm tăng tác dụng chống đông máu. Mặt khác, không có tương tác bất lợi nghiêm trọng nào khác được xác nhận ở người của các thuốc chứa paracetamol ở liều điều trị.
Sự hấp thu của paracetamol phụ thuộc vào việc làm rỗng dạ dày, các loại thuốc làm thay đổi quá trình làm rỗng dạ dày có thể làm thay đổi dược động học của các thuốc chứa paracetamol, tuy nhiên điều này sẽ không gây ra tác dụng phụ nào nghiêm trọng. Mặc dù các thí nghiệm trên động vật đã chứng minh rằng nhiều hợp chất có thể làm thay đổi độc tính trên gan của paracetamol, nhưng những hợp chất trong thí nghiệm này dường như không có ý nghĩa ở liều điều trị.
2. Phân loại tương tác thuốc
- Tương tác thuốc nghiêm trọng: có ý nghĩa lâm sàng cao, cần tránh kết hợp do rủi ro của tương tác lớn hơn lợi ích.
- Tương tác thuốc vừa phải: có ý nghĩa lâm sàng vừa phải, thường tránh kết hợp, chỉ sử dụng trong những trường hợp đặc biệt.
- Tương tác nhẹ: có ý nghĩa lâm sàng tối thiểu, để giảm thiểu rủi ro cần đánh giá cẩn thận và xem xét một loại thuốc thay thế, thực hiện từng bước để tránh nguy cơ tương tác và/hoặc lập kế hoạch giám sát khi sử dụng.
- Tương tác không xác định: không có thông tin về tương tác.
Theo thống kê hiện nay đã xác định khoảng 116 loại thuốc được biết là tương tác với Paracetamol (acetaminophen), trong đó có 8 tương tác thuốc nghiêm trọng (với các thuốc gây độc cho gan), 73 tương tác thuốc vừa phải và 35 tương tác thuốc nhẹ (theo Drugs.com).
XEM THÊM: Tương tác giữa thuốc chứa paracetamol - rượu và vấn đề về gan
3. Tương tác thuốc paracetamol nghiêm trọng
3.1. Etanol
Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng paracetamol cùng với ethanol (rượu), điều này có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng ảnh hưởng đến gan của bạn. Gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu bạn bị sốt, ớn lạnh, đau/sưng tấy khớp, mệt mỏi hoặc suy nhược quá mức, chảy máu/bầm tím bất thường, phát ban/ngứa da, chán ăn, buồn nôn, nôn mửa, vàng da...
Việc uống quá nhiều rượu có thể làm tăng nguy cơ nhiễm độc gan do paracetamol, bao gồm các trường hợp hiếm gặp bị viêm gan tử vong và suy gan nặng cần ghép gan. Cơ chế được đề xuất là do hiện tượng cảm ứng các enzym microsom gan trong quá trình sử dụng rượu kéo dài, điều này có thể dẫn đến chuyển hóa paracetamol nhanh hơn và tăng sản xuất các chất chuyển hóa có khả năng gây độc cho gan.
Những người nghiện rượu mãn tính nên tránh sử dụng paracetamol thường xuyên hoặc quá nhiều. Liệu pháp giảm đau, hạ sốt thay thế có thể thích hợp ở những bệnh nhân uống từ 3 đơn vị rượu trở lên mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu sử dụng paracetamol, những bệnh nhân này cần lưu ý không dùng quá liều khuyến cáo (tối đa 4g/ngày ở người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên).
3.2. Leflunomide
Leflunomide có thể gây ra các vấn đề về gan và việc sử dụng với các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến gan như paracetamol có thể làm tăng nguy cơ đó. Do leflunomide có thể tồn tại trong máu trong một thời gian dài sau liều cuối cùng, vì vậy tương tác với các loại thuốc khác có thể xảy ra trong một thời gian ngay cả khi bệnh nhân đã ngừng dùng thuốc.
Bệnh nhân nên tránh hoặc hạn chế sử dụng rượu khi đang điều trị bằng các loại thuốc này. Gọi cho bác sĩ của ngay lập tức nếu bệnh nhân bị sốt, ớn lạnh, đau hoặc sưng khớp, chảy máu/bầm tím bất thường, phát ban trên da, ngứa, chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn, nôn, đau bụng, nước tiểu sẫm màu, phân màu nhạt và/hoặc vàng da hoặc mắt vì đây có thể là những dấu hiệu và triệu chứng của tổn thương gan.
XEM THÊM: Xử trí khi bị ngộ độc thuốc giảm đau hạ sốt paracetamol
3.3. Lomitapide
Lomitapide có thể gây ra các vấn đề về gan và việc sử dụng với các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến gan như paracetamol có thể làm tăng nguy cơ đó. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên tránh hoặc hạn chế sử dụng rượu (không quá một ly mỗi ngày) khi đang điều trị bằng những loại thuốc này.
3.4. Mipomersen
Mipomersen có thể gây ra các vấn đề về gan và việc sử dụng với các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến gan như paracetamol có thể làm tăng nguy cơ đó. Bệnh nhân nên tránh hoặc hạn chế sử dụng rượu khi đang điều trị bằng những loại thuốc này.
Dùng chung mipomersen với các tác nhân khác được biết là gây nhiễm độc gan có thể làm tăng nguy cơ tổn thương gan. Mipomersen có thể gây tăng transaminase huyết thanh và nhiễm mỡ gan. Bệnh nhân cần được chăm sóc y tế nếu gặp các dấu hiệu và triệu chứng tiềm ẩn của nhiễm độc gan như sốt, phát ban, ngứa, chán ăn, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, khó chịu, đau hạ sườn phải, nước tiểu sẫm màu, phân nhạt màu,...
3.5. Pexidartinib
Các trường hợp nhiễm độc gan nghiêm trọng (thậm chí gây tử vong) đã xảy ra ở những bệnh nhân được điều trị bằng pexidartinib. Vì vậy việc sử dụng đồng thời các thuốc có khả năng gây độc cho gan khác (bao gồm cả paracetamol) có thể làm tăng nguy cơ tổn thương gan. Cơ chế gây độc cho gan của pexidartinib chưa được biết rõ.
Nên tránh sử dụng pexidartinib với các thuốc có khả năng gây độc cho gan khác. Bệnh nhân được điều trị bằng pexidartinib nên được kiểm tra chức năng gan, bao gồm AST, ALT, bilirubin toàn phần, bilirubin trực tiếp, ALP và gamma-glutamyl transferase (GGT) trước khi bắt đầu sử dụng pexidartinib, hàng tuần trong 8 tuần đầu, 2 tuần một lần đối với tháng sau và 3 tháng một lần sau đó.
Liệu pháp pexidartinib có thể yêu cầu giảm liều, ngừng sử dụng hoặc ngừng vĩnh viễn dựa trên mức độ nghiêm trọng của độc tính với gan.
3.6. Prilocaine
Sử dụng prilocaine cùng với paracetamol có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh methemoglobin huyết, một tình trạng có thể dẫn đến thiếu oxy trong các mô và cơ quan quan trọng do giảm khả năng vận chuyển oxy của máu.
Trẻ em (đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ sơ sinh) có thể dễ bị methemoglobin huyết hơn trong quá trình điều trị bằng các thuốc này hoặc bị thiếu máu, các bệnh về tim hoặc phổi, rối loạn tuần hoàn máu, xơ gan, sốc, nhiễm trùng huyết và một số khuynh hướng di truyền chẳng hạn như thiếu hụt NADH cytochrome-b5 reductase, thiếu hụt glucose-6-phosphate dehydrogenase và hemoglobin M.
Cần giám sát y tế chặt chẽ khi các loại thuốc có thể gây methemoglobin huyết được sử dụng cùng nhau. Các dấu hiệu và triệu chứng của methemoglobin huyết có thể bị trì hoãn vài giờ sau khi điều trị bằng prilocaine. Bệnh nhân (hoặc người chăm sóc) nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu người bệnh xuất hiện màu xám ở da, miệng hoặc móng tay; buồn nôn; đau đầu; chóng mặt; lâng lâng; mệt mỏi; khó thở; thở nhanh hoặc nông; nhịp tim nhanh; hồi hộp; lo lắng hoặc nhầm lẫn.
XEM THÊM: Ngộ độc cấp thuốc hạ sốt acetaminophen
3.7. Natri nitrit
Tương tự prilocaine, sử dụng natri nitrit cùng với paracetamol có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh methemoglobin huyết, dẫn đến thiếu oxy ở các mô và cơ quan quan trọng do khả năng vận chuyển oxy của máu giảm.
Natri nitrit có thể hình thành methemoglobin, làm giảm khả năng vận chuyển oxy của máu. Khi dùng chung với các thuốc khác cũng liên quan đến bệnh methemoglobin huyết bao gồm: thuốc gây tê cục bộ (ví dụ: benzocain, lidocain, prilocain), thuốc chống sốt rét (ví dụ, chloroquine, primaquine, quinine, tafenoquine), nitrat và nitrit, sulfonamid, paracetamol, aminosalicylic acid, dimethyl dapsone sulfoxide, flutamide, metoclopramide (chủ yếu ở trẻ sơ sinh), nitrofurantoin (chủ yếu ở trẻ sơ sinh), phenazopyridine, phenobarbital, phenytoin và rasburicase có thể làm tăng nguy cơ methemoglobin.
Các yếu tố nguy cơ khác giúp tương tác bất lợi dễ xảy ra hơn bao gồm: tuổi nhỏ, thiếu máu, bệnh tim/phổi, bệnh mạch máu ngoại vi, sốc, nhiễm trùng huyết, nhiễm toan và khuynh hướng di truyền (ví dụ: thiếu hụt men NADH cytochrome-b5 reductase; thiếu hụt glucose-6-phosphate dehydrogenase; huyết sắc tố M).
Khi natri nitrit được sử dụng cho người, nồng độ methemoglobin cao tới 58% đã được báo cáo sau khi dùng 2 liều 300mg cho người lớn. Đã có báo cáo về methemoglobin huyết, hôn mê và tử vong ở những bệnh nhân không bị ngộ độc xyanua đe dọa đến tính mạng nhưng được điều trị bằng cách tiêm natri nitrit với liều lượng ít hơn gấp đôi so với khuyến cáo để điều trị ngộ độc xyanua.
3.8. Teriflunomide
Teriflunomide có thể gây ra các vấn đề về gan, việc sử dụng nó với các loại thuốc khác cũng có thể ảnh hưởng đến gan như paracetamol có thể làm tăng nguy cơ đó. Vì teriflunomide có thể lưu lại trong máu một thời gian dài sau liều cuối cùng, nên tương tác với các loại thuốc khác có thể xảy ra trong một thời gian ngay cả khi bệnh nhân đã ngừng dùng thuốc.
Teriflunomide là chất chuyển hóa có hoạt tính của leflunomide (đã được đề cập ở trên). Tất cả bệnh nhân được điều trị bằng leflunomide hoặc teriflunomide nên được khuyến cáo đi khám nếu gặp các dấu hiệu và triệu chứng tiềm ẩn của nhiễm độc gan như sốt, phát ban, ngứa, chán ăn, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, khó chịu, đau hạ sườn phải, nước tiểu sẫm màu, xanh xao tiêu phân và vàng da.
4. Mối nguy hại nghiêm trọng khi dùng trùng thuốc chứa paracetamol
Paracetamol là loại thuốc hạ sốt, giảm đau được sử dụng rộng rãi, vì vậy trong nhiều trường hợp bị sốt, sau khi dùng paracetamol không thấy dứt sốt ngay lập tức nên nhiều người đã tự ý dùng thêm thuốc chứa acetaminophen, mà không biết 2 thuốc thực chất là một. Việc dùng trùng thuốc sẽ dẫn đến quá liều, rất dễ bị ngộ độc paracetamol, gây hoại tử tế bào gan và độc thận.
Paracetamol tuy lành tính ở liều điều trị nhưng khi uống quá liều, paracetamol sẽ chuyển hóa tạo ra các chất độc gan, phá hủy tế bào gan dẫn đến suy gan cấp tính, vàng mắt vàng da, rối loạn đông máu, xuất huyết, hôn mê gan... thậm chí là tử vong. Vì thế, để đảm bảo an toàn, người bệnh cần tuân thủ theo đúng liều lượng khuyến cáo của bác sĩ, dược sĩ tư vấn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: drugs.com, pubmed.ncbi.nlm.nih.gov