U xương bả vai khá hiếm gặp

Nhiều người than phiền về tình trạng bị đau xương bả vai, đây là triệu chứng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Để cải thiện hiệu quả tình trạng đau xương bả vai đòi hỏi bác sĩ phải xác định đúng nguyên nhân gây bệnh. Trong đó có một nguyên nhân rất hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm đó là u xương bả vai. Vậy u xương bả vai là bệnh gì?

1. Xương bả vai rất dễ bị tổn thương

Xương vai hay xương bả vai có hình dạng giống hình tam giác, vị trí nằm ở khu vực lưng trên, có vai trò kết nối xương cánh tay với xương đòn và thành ngực. Ngoài ra, xương bả vai còn là thành phần đóng vai trò quan trọng và vô cùng thiết yếu trong khả năng chuyển động của vai.

Vùng vai của con người có khả năng và phạm vi hoạt động tương đối rộng, vì vậy đây là vị trí rất dễ bị tổn thương, đặc biệt là các chấn thương vật lý. Trong đó, xương vai là thành phần chịu ảnh hưởng nhiều nhất và đa số người bệnh đều đã từng cảm thấy khó chịu hoặc bị đau xương bả vai với các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, không phải lúc nào tình trạng đau xương bả vai cũng là hậu quả sau các chấn thương vật lý.

2. U xương bả vai là bệnh lý khá hiếm gặp

Một trong những bệnh lý có thể gây đau xương bả vai chính là các khối u. Tuy nhiên, u xương bả vai có tỷ lệ bắt gặp rất thấp khi so với các u xương còn lại. Theo một số liệu thống kê trước đây cho thấy chỉ có khoảng 66 bệnh nhân (khoảng 3.6%) bị u xương bả vai trong tổng số 1853 bệnh nhân mắc u xương nói chung.

Về mặt cấu tạo giải phẫu, xương bả vai tuy nằm nông trên bề mặt, thậm chí có thể sờ thấy gần như toàn bộ chu vi xương ở những người gầy nhưng nó lại được che chở, bao phủ bởi rất nhiều mô mềm, cơ bắp xung quanh nên khả năng phát hiện khối u thường muộn. Đồng thời, u xương bả vai rất khó xác định là u xương nguyên phát, u xương thứ phát do di căn hay chỉ là các u phần mềm xâm lấn tại chỗ. Chỉ có thể xác định chính xác thông qua việc sinh thiết làm giải phẫu bệnh, tuy nhiên sinh thiết u xương bả vai cũng gặp nhiều khó khăn và nguy cơ khác nhau.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy đa số các u xương bả vai nguyên phát đều có chiều hướng ác tính nhiều hơn so với u lành tính. Trong đó, 3 loại u xương bả vai ác tính hay gặp nhất là osteosarcoma (ung thư xương tạo xương), chondro sarcoma (ung thư sụn) và sarcoma Ewing.

Theo các kiến thức y văn trên thế giới, số lượng báo cáo về u xương bả vai rất ít. Trong đó, báo cáo của 1 Trung tâm điều trị u xương ở Anh có lẽ có số lượng lớn nhất về u xương bả vai với 418 trường hợp được chẩn đoán trong khoảng thời gian lên đến 30 năm (1995-2015). Kết quả cho thấy trong số đó có 132 tổn thương khởi phát từ mô mềm và 286 tổn thương nguyên phát từ xương bả vai. Ngoài ra, có 241 người bệnh (chiếm 58%) là u ác tính và khoảng 113 bệnh nhân (chiếm 47%) là ung thư nguyên phát (sarcoma).

u xương bả vai
Bệnh u xương bả vai rất hiếm gặp trên lâm sàng

Báo cáo thứ 2 của một nhóm Nghiên cứu về Ung thư xương và mô mềm Đông Á thực hiện hồi cứu, thu thập được 33 trường hợp u xương bả vai (từ năm 1993 đến 2019) phẫu thuật ở khu vực châu Á (chủ yếu từ Trung Quốc và Nhật Bản) và có thời gian theo dõi sau mổ tối thiểu 1 năm. Trong số đó có 16 trường hợp là chondrosarcoma, 6 trường hợp sarcoma Ewing và osteosarcoma là 3 trường hợp.

Ngoài ra có 2 trường hợp u xương bả vai do di căn và số còn lại là các loại u khác (như liposarcoma, fibrosarcoma, angiosarcoma). Điểm đặc biệt là trong số các bệnh nhân này chỉ có 10 trường hợp được điều trị bằng cách tái tạo hình dạng xương bả vai, trong đó 9 bệnh được cho sử dụng xương bả vai nhân tạo bằng hợp kim titan và có duy nhất 1 ca sử dụng lại chính xương bả vai bản thân sau khi xử lý bằng công nghệ nitrogen lỏng.

3. U xương bả có tỉ lệ ác tính rất cao

U xương bả vai mặc dù là bệnh lý ít gặp nhưng tỷ lệ ung thư ác tính rất cao. Đồng thời vì tính chất giải phẫu nên đa số người bệnh khi phát hiện đều ở giai đoạn muộn, việc chẩn đoán và điều trị rất khó khăn.

Người bệnh u xương bả vai thường có những triệu chứng bệnh không đặc hiệu. Người bệnh thường xuyên cảm thấy bị đau xương bả vai hay đau nhức cánh tay phải mỏ hồ. Mức độ ngày càng tăng, giai đoạn đầu thường đau âm ỉ, cảm giác như kiến cắn trong khớp vai phải, giai đoạn sau đau nhiều hơn và lan dần lên ngực và ra phía sau.

Tuy nhiên, tình trạng đau xương bả vai lại không ảnh hưởng đến khả năng vận động, người bệnh cũng không có triệu chứng toàn thân như sốt, sụt cân... khiến người bệnh chủ quan, không tìm hiểu nguyên nhân gây đau. Do đó, khi được chẩn đoán thì đa phần u xương bả vai đã chuyển sang giai đoạn muộn, có thể xâm lấn ra các tổ chức xung quanh.

Theo các Bác sĩ chuyên khoa, u xương bả vai có thể xâm lấn vào các mạch máu và thần kinh xung quanh nên khi phẫu thuật rất dễ chạm gây tổn thương thần kinh, gây liệt hoặc tổn thương mạch máu.

đau xương bả vai
Tình trạng đau xương bả vai ít ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh

Hiện nay, việc điều trị u xương bả vai chủ yếu theo 2 phác đồ sau đây:

  • Phác đồ thứ nhất: Phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn khối u và xương bả vai, sau đó tạo hình, khâu lại phần mềm;
  • Phác đồ thứ hai: Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ khối u xương bả vai. Sau đó tiến hành thay thế toàn bộ xương bả vai phải bằng xương nhân tạo hoặc chính xương đó đã được xử lý. Cuối cùng người bệnh cần được điều trị liên tục bằng các loại thuốc hoặc kết hợp xạ trị và hóa chất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

15.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan