Dấu hiệu và nguy cơ gây ung thư xương

Nội dung được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thanh Hải- Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Ung thư xương là bệnh lý hiếm gặp nhưng tỷ lệ mắc bệnh đang ngày một tăng lên, khiến bác sĩ phải lên tiếng cảnh báo. Bệnh khi ở giai đoạn nặng thường biểu hiện các dấu hiệu và triệu chứng rõ rệt, gây ra vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe và đe dọa tới tính mạng.

1. Ung thư xương là gì?

Ung thư xương là loại ung thư trong đó một khối u ác tính xuất hiện trong xương. Các tế bào gây ung thư thường phát triển rất nhanh và có khả năng phá hủy các mô xương khỏe mạnh, gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh.

Ung thư xương bao gồm ung thư xương nguyên phát và thứ phát:

  • Ung thư xương nguyên phát: Ung thư hình thành từ các tế bào của xương
  • Ung thư xương thứ phát: ung thư bắt đầu từ một cơ quan bị ung thư khác của cơ thể và di căn đến xương. Ví dụ tế bào ung thư từ phổi di căn đến xương gọi là ung thư phổi di căn xương...

Triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và kết quả điều trị ung thư xương thứ phát phụ thuộc vào cơ quan ung thư ban đầu.

Trong thực tế, thuật ngữ “ung thư xương” dùng để chỉ ung thư xương nguyên phát.

Ung thư xương nguyên phát thường xảy ra ở những vùng như xương đùi, xương chày, đầu trên xương cánh tay và đầu dưới xương quay, gặp nhiều nhất ở lứa tuổi thanh thiếu niên từ 10 - 20 tuổi là độ tuổi mà xương phát triển mạnh mẽ.

Trắc nghiệm: Thử hiểu biết của bạn về bệnh ung thư

Ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 2 trên thế giới. Thử sức cùng bài trắc nghiệm sau đây sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về yếu tố nguy cơ cũng như cách phòng ngừa bệnh ung thư.

Bài dịch từ: webmd.com

2. Các loại ung thư xương nguyên phát thường gặp

Ung thư xương nguyên phát thường có 3 loại chính, bao gồm:

  • Sarcoma xương: chiếm tỷ lệ cao nhất. Đây là loại ung thư hình thành từ các tế bào mà sẽ phát triển thành tế bào xương trưởng thành. Nó hay gặp nhất ở lứa tuổi thanh thiếu niên từ 10 – 20 tuổi, Vị trí hay gặp nhất là xương đùi, xương chày và xương cánh tay
  • Sarcoma Ewing: Chiếm tỷ lệ cao thứ 2 trong ung thư xương nguyên phát. Loại ung thư này có thể biểu hiện ở xương và phần mềm. Nó thường gặp ở bệnh nhân từ 10 - 20 tuổi. Vị trí hay gặp nhất là xương trục như xương chậu, xương cột sống sau đó là xương chi.
  • Sarcoma sụn: chiếm tỷ lệ khoảng 20 – 27%. Đây là loại ung thư hình thành từ các tế bào sụn, có thể gặp ở nhiều lứa tuổi, vị trí hay gặp là xương trục như xương chậu, xương sườn, sau đó là xương đùi và xương cánh tay.

3. Nguyên nhân gây bệnh ung thư xương nguyên phát

Nguyên nhân của sarcoma xương chưa được rõ nhưng có 1 số yếu tố nguy cơ đã được xác định:

  • Sự phát triển xương nhanh chóng trong giai đoạn tăng trưởng của tuổi vị thành niên
  • Khuynh hướng di truyền (loạn sản xương, bao gồm bệnh Paget, loạn sản xơ, loạn sản sụn, đa chồi xương di truyền, u nguyên bào võng mạc dòng mầm) là các yếu tố nguy cơ.
  • Sự kết hợp giữa đột biến của gen RB (U nguyên bào võng mạc dòng mầm) và xạ trị có liên quan đến nguy cơ đặc biệt cao phát triển sarcoma xương
  • Hội chứng Li-Fraumeni (đột biến p53 dòng mầm) và hội chứng Rothmund - Thomson (khuyết tật xương bẩm sinh, loạn sản tóc và da, thiểu năng sinh dục và đục thuỷ tinh thể).
  • Điều trị ung thư trước đó với xạ trị, hoá chất hoặc ghép tế bào gốc

Những đứa trẻ ở độ tuổi từ 12 đến 20 tuổi có nguy cơ bị mắc ung thư xương
Những đứa trẻ ở độ tuổi từ 12 đến 20 tuổi có nguy cơ bị mắc ung thư xương

4. Ung thư xương nguyên phát có dấu hiệu và triệu chứng như thế nào?

Dấu hiệu và triệu chứng bệnh phụ thuộc giai đoạn bệnh, vị trí u, vị trí di căn. Ở mỗi giai đoạn, ung thư xương có dấu hiệu và triệu chứng sẽ khác nhau. Thường ở giai đoạn đầu, bệnh nhân sẽ khó phát hiện ra bệnh, vì các triệu chứng đều biểu hiện mờ nhạt, không rõ ràng. Ở cấp độ nặng, các triệu chứng sẽ bộc lộ rõ rệt hơn, người bệnh có thể dễ dàng nhận thấy.

Các triệu chứng này bao gồm:

  • Đau đớn: Đây là dấu hiệu đầu tiên có thể báo hiệu người bệnh đang có nguy cơ bị ung thư xương. Trong giai đoạn đầu sẽ chỉ đau nhẹ, các cơn đau không liên tục. Cho đến khi bệnh phát triển ngày một nặng, tần suất các cơn đau sẽ tăng dần và thường xuyên hơn. Hầu hết, các cơn đau thường ập đến vào ban đêm, ảnh hưởng đến giấc ngủ của người bệnh.
  • Sưng hoặc nổi u cục: Trong giai đoạn đầu của bệnh, khi khối u xuất hiện, bạn sẽ sờ thấy xương bị biến dạng và bị sưng lên. Khi tình trạng sưng ngày một nặng lên sẽ làm cho mô xương nhô ra ngoài, bề mặt trơn bóng hoặc lồi lõm bất thường. Những khối u này sẽ gây ra cảm giác đau nhức và bứt rứt ở trong xương. Vùng da ở khối u có màu hồng và ấm hơn những vùng khác;
  • Rối loạn chức năng xương: Tình trạng sưng và những cơn đau gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng xương, gây ra các triệu chứng teo cơ tương ứng kèm theo;
  • Triệu chứng bị chèn ép: Khối u phát triển trong khoang sọ và khoang mũi có thể gây chèn ép vào não và mũi, dẫn tới triệu chứng áp lực não chậm chạp và phát sinh một số vấn đề về hô hấp. Khối u ở vùng chậu đè nén vào trực tràng, bàng quang và ruột sẽ gây khó tiểu; khối u trong tủy sống đè nén vào cột sống có thể gây tê liệt;
  • Cơ thể bị biến dạng: Khối u phát triển mạnh sẽ ảnh hưởng đến hệ xương chi, gây ra dị tật, biến dạng cơ thể.
  • Gãy xương: khu vực xương bị ung thư khi xảy ra va chạm rất dễ bị gãy, có thể gây liệt chân;
  • Triệu chứng toàn thân: Xuất hiện những dấu hiệu như khó ngủ, chán ăn, bơ phờ, xanh xao, sụt cân nhanh...
  • Cơ thể suy nhược trầm trọng: Những bệnh nhân ở giai đoạn cuối thường gặp những vấn đề như mệt mỏi, chán ăn, sụt cân làm cho cơ thể bị suy nhược nhanh chóng. Bên cạnh đó, khi khối u di căn sang các bộ phận khác, chẳng hạn như phổi sẽ gây ra tình trạng ho, tức ngực, khó thở, tràn dịch màng phổi. Khối u di căn lên gan gây vàng da và mắt, gan to, nước tiểu sậm màu...

5. Tiên lượng sống cho bệnh ung thư xương nguyên phát

Tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư xương còn tùy thuộc vào loại bệnh và giai đoạn bệnh. Theo thống kê, hầu hết những bệnh nhân mắc ung thư xương có thể sống sót trên 5 năm nếu được phát hiện và điều trị sớm. Dưới đây là thống kê về tỷ lệ sống trên 5 năm cho bệnh nhân ung thư xương:

  • Giai đoạn I: 80%;
  • Giai đoạn II: 70%;
  • Giai đoạn III: 60%;
  • Giai đoạn IV: 20 – 50%.

Khi phát hiện khối u xương, người bệnh nên thăm khám và làm giải phẫu bệnh nhằm xác định bản chất của u xương (lành tính hay ác tính ) để được điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Cancer.net

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe