Hội chứng ống cổ tay là một tình trạng phổ biến do dây thần kinh giữa bị chèn ép khi qua ống cổ tay, gây đau và tê bì ở một hoặc cả hai bàn tay. Nếu bỏ qua, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Do đó, việc phát hiện sớm kết hợp với biện pháp điều trị phù hợp đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện triệu chứng và khả năng phục hồi chức năng cho người bệnh.
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng ThS.BS Trần Quyết - Bác sĩ Ngoại khoa phẫu thuật chi trên - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
1. Hội chứng ống cổ tay là gì?
Hội chứng ống cổ tay xảy ra khi có sự bất thường trong cấu trúc giải phẫu của ống cổ tay. Đây là một đường hầm nhỏ, rộng khoảng 2,5 cm, có nhiệm vụ bảo vệ dây thần kinh giữa. Nền và hai bên thành của ống cổ tay được tạo thành từ các xương cổ tay, trong khi mái của đường hầm được bao phủ bởi một dải mô liên kết chắc chắn gọi là dây chằng ngang.
Bên trong ống cổ tay, dây thần kinh giữa cùng các gân gấp ngón tay chạy dọc từ cẳng tay. Do không gian bên trong ống cổ tay chật hẹp và không có khả năng thay đổi kích thước, dây thần kinh giữa - vốn mềm và nằm nông nhất, dễ bị tổn thương do chèn ép.
Dây thần kinh giữa là một trong những dây thần kinh chính của bàn tay, xuất phát từ các rễ thần kinh ở tủy cổ. Dây thần kinh giữa chạy dọc theo cánh tay và cẳng tay, đi qua ống cổ tay và vào bàn tay.
Dây thần kinh giữa có chức năng cảm nhận cảm giác ở ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và một phần của ngón đeo nhẫn. Ngoài ra, dây thần kinh này còn điều khiển các cơ xung quanh gốc ngón cái. Khi bị chèn ép sẽ khiến cho chức năng suy giảm, dẫn đến các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay.
2. Dấu hiệu của hội chứng ống cổ tay
Nếu bệnh nhân đột nhiên cảm thấy tê, ngứa ran hoặc yếu ở tay và tình trạng này ngày càng trầm trọng hơn, điều đầu tiên cần cân nhắc là hội chứng ống cổ tay.
Các triệu chứng bao gồm:
- Cảm giác các ngón tay bị sưng phồng nhưng không rõ ràng.
- Tê bì, ngứa ran, nóng rát và đau, chủ yếu xuất hiện ở ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và một phần ngón đeo nhẫn. Đôi khi triệu chứng này có thể lan đến cẳng tay và cánh tay.
- Cơn đau hoặc cảm giác ngứa ran có thể lan từ cẳng tay lên đến vai.
- Khi tình trạng nặng hơn, tay có thể trở nên yếu và vụng về kèm theo đau cơ, chuột rút. Điều này có thể gây khó khăn cho các hoạt động thường ngày như cầm nắm đồ vật, cài nút quần áo, sử dụng điện thoại, lái xe hoặc đọc sách.
- Đánh rơi đồ vật do cảm giác tê liệt ở bàn tay khiến người bệnh không còn kiểm soát tốt vị trí của tay trong không gian.
Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng của bệnh phát triển dần mà không có chấn thương cụ thể trước đó. Đôi khi các triệu chứng xuất hiện vào ban đêm khi người bệnh ngủ với cổ tay bị cong, gây áp lực lên dây thần kinh giữa.
Ban đầu, các triệu chứng chỉ thoáng qua khiến người bệnh không nhận ra. Chỉ khi tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn với các triệu chứng xuất hiện thường xuyên hoặc kéo dài, người bệnh mới nhận thấy và đi khám, lúc này chèn ép dây thần kinh giữa đã trở nên nặng nề.
3. Các nguyên nhân gây bệnh
Hội chứng ống cổ tay là kết quả của sự kết hợp nhiều yếu tố. Các nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ và người cao tuổi có tỷ lệ mắc bệnh này cao hơn.
Các nguyên nhân gây bệnh bao gồm:
- Di truyền: Đây có thể là một yếu tố quan trọng, khi một số chủng tộc có đường hầm ống cổ tay nhỏ hơn hoặc có sự khác biệt về giải phẫu, thu hẹp không gian và khiến dây thần kinh giữa dễ bị chèn ép hơn.
- Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp ba lần so với nam giới do đường hầm ống cổ tay của nữ giới thường có kích thước nhỏ hơn.
- Sử dụng tay liên tục: Thực hiện cùng một chuyển động của bàn tay và cổ tay lặp đi lặp lại trong thời gian dài có thể làm tổn thương gân cổ tay, dẫn đến viêm sưng và chèn ép dây thần kinh.
- Vị trí của tay và cổ tay: Thực hiện các động tác uốn cong hoặc duỗi quá mức bàn tay và cổ tay liên tục trong thời gian dài có thể làm tăng áp lực lên dây thần kinh giữa.
- Thai kỳ: Sự thay đổi nội tiết tố trong quá trình mang thai có thể gây sưng và viêm các thành phần bên trong ống cổ tay.
- Các bệnh lý liên quan: Béo phì, tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, suy thận và rối loạn chức năng tuyến giáp là những bệnh có liên quan đến hội chứng ống cổ tay.
- Chấn thương cổ tay: Các tổn thương như viêm khớp, viêm dây chằng, viêm đơn dây, đa dây thần kinh hoặc chấn thương cổ tay như trật khớp, gãy xương có thể làm thay đổi không gian trong ống cổ tay, gây áp lực lên dây thần kinh giữa.
4. Đối tượng có nguy cơ cao mắc hội chứng ống cổ tay
Hầu hết các bệnh nhân nhận ra các dấu hiệu của hội chứng ống cổ tay khi thực hiện các hoạt động thường ngày. Đặc biệt là những công việc yêu cầu lặp lại cùng một chuyển động ở cổ tay trong thời gian dài. Những hoạt động đó có thể bao gồm:
- Công nhân dây chuyền lắp ráp;
- Tài xế lái xe;
- Thợ thủ công;
- Thợ làm bánh;
- Thợ cắt tóc;
- Thu ngân;
- Thư ký, đánh máy;
- Nhạc công.
Tuy nhiên, các bằng chứng khoa học vẫn chưa thống nhất và còn nhiều tranh cãi về việc liệu những yếu tố này có phải là nguy cơ hay nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh lý này.
5. Hội chứng ống cổ tay có nguy hiểm không?
Nếu ở trường hợp nhẹ, triệu chứng đau do hội chứng ống cổ tay gây ra có thể khỏi sau vài ngày, bệnh nhân có thể vận động bình thường sau đó. Đối với trường hợp tiến triển nặng, cơn đau trở nên dữ dội và liên tục. Đồng thời tình trạng chèn ép thần kinh giữa lâu ngày dẫn đến các biến chứng như:
- Hẹp ống cổ tay.
- Đau, tê, giảm hoặc mất cảm giác vùng da ở tay.
- Liệt cơ vùng mô cái (teo cơ).
- Suy giảm khả năng vận động của bàn tay.
6. Các phương pháp điều trị
Hội chứng ống cổ tay có thể được điều trị bằng các phương pháp sau:
- Nẹp cố định cổ tay: Nẹp giúp giữ cổ tay ở tư thế thẳng hoặc trung tính, giúp giảm áp lực lên dây thần kinh giữa trong ống cổ tay.
- Sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm: Các loại thuốc như paracetamol hoặc ibuprofen được dùng để giảm đau ngắn hạn. Bệnh nhân cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý mua thuốc để tránh các tác dụng phụ nguy hiểm.
- Phẫu thuật: Phương pháp này được áp dụng cho các trường hợp bệnh nặng. Bác sĩ sẽ cắt bỏ dây chằng ngang ống cổ tay để tăng kích thước không gian, giải phóng sự chèn ép lên dây thần kinh và gân gấp.
- Vật lý trị liệu: Các bài tập vật lý trị liệu, yoga, siêu âm trị liệu và châm cứu có thể giúp giảm đau hiệu quả, đồng thời cải thiện sức mạnh cho các cơ trong lòng bàn tay.
- Trị liệu thần kinh cột sống: Trị liệu Thần kinh Cột sống Chiropractic là phương pháp điều trị hiệu quả và an toàn.
Khi cảm thấy ngứa ran, đau hoặc tê ở các ngón tay, hãy nghĩ ngay đến khả năng mắc hội chứng ống cổ tay. Việc nắm rõ những thông tin trên không chỉ giúp mọi người phát hiện bệnh sớm mà còn hướng dẫn bệnh nhân tìm kiếm sự hỗ trợ y tế thích hợp. Đồng thời, điều chỉnh các hoạt động hàng ngày có thể giúp giảm bớt các triệu chứng khó chịu này.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là cơ sở y tế đa khoa chuyên thăm khám và điều trị các bệnh lý cơ xương khớp như viêm khớp, thoái hóa, thoát vị, đau nhức xương khớp,... Tại đây, Vinmec áp dụng các phương pháp chẩn đoán và điều trị hiện đại, mang lại hiệu quả cao và giảm thiểu tối đa nguy cơ tái phát. Sự thành công này đến từ việc Vinmec được trang bị cơ sở vật chất tiên tiến cùng đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và chuyên môn, đảm bảo mang đến kết quả điều trị tốt nhất cho khách hàng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com