Quá trình liền dây chằng chéo trước và sau

Chấn thương đứt dây chằng chéo trước và sau là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau và tàn tật trong hệ cơ xương khớp. Tổn thương dây chằng gây mất cân bằng vận động và ổn định của khớp. Dây chằng có tự liền hay không còn tùy vào mức độ và các biện pháp điều trị bảo tồn.

1. Quá trình liền dây chằng chéo trước và sau diễn ra như thế nào?

Quá trình liền dây chằng bao gồm 4 giai đoạn:

  • Quá trình tạo mô tế bào (cầm máu): Từ 0 đến 24 giờ, tối đa 48 giờ;
  • Giai đoạn tăng sinh mạch máu (phản ứng viêm): Từ 0 đến 2 tuần;
  • Quá trình hóa sợi (tăng sinh): Từ 4 ngày đến một tháng;
  • Thời gian trưởng thành (tu sửa): Lên đến 2 năm.

Quá trình liền dây chằng chéo trước và sau theo mỗi giai đoạn như trên đôi khi kéo dài hơn, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương.

dây chằng có tự liền
Giải đáp dây chằng có tự liền hay không?

2. Sau tổn thương, dây chằng có tự liền hay không?

Mức độ nghiêm trọng và các triệu chứng của tổn thương dây chằng phụ thuộc vào mức độ giãn hoặc rách dây chằng.

Trong trường hợp tổn thương dây chằng độ I, các dây chằng có thể căng ra, nhưng chúng không thực sự bị rách. Mặc dù khớp có thể không bị đau hoặc sưng nhiều và quá trình liền dây chằng có thể bắt đầu ngay sau đó rồi kéo dài qua nhiều ngày tiếp theo, nhưng tổn thương dây chằng gây bong gân nhẹ có thể làm tăng nguy cơ chấn thương lặp lại.

Với tổn thương dây chằng độ II vừa phải, dây chằng bị rách một phần. Sưng và bầm tím là phổ biến, việc sử dụng khớp gối thường gây đau đớn và khó khăn. Khả năng dây chằng có tự liền hay không lúc này là điều khó khăn.

Khi bị tổn thương dây chằng độ III nghiêm trọng, dây chằng bị rách hoàn toàn, gây sưng tấy đầu gối và đôi khi xuất huyết dưới da. Kết quả là khớp không ổn định và không thể chịu được trọng lượng. Người bệnh thường sẽ không đau sau vết rách dây chằng độ 3 vì tất cả các sợi đau đều bị rách tại thời điểm bị thương. Lúc này, quá trình liền dây chằng chéo trước hay dây chằng chéo sau khi bị đứt hoàn toàn là không xảy ra, người bệnh cần được phẫu thuật tái tạo dây chằng.

3. Cách điều trị bảo tồn liền dây chằng

Nếu tổn thương dây chằng độ I, dây chằng thường lành trong vòng vài tuần. Việc nghỉ ngơi sau các hoạt động gây đau đớn, chườm lạnh vết thương và một số loại thuốc chống viêm rất hữu ích. Vật lý trị liệu sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chữa bệnh thông qua các phương thức điện, xoa bóp, tăng cường sức mạnh và các bài tập khớp để hướng dẫn các sợi dây chằng lành lại. Điều này giúp ngăn ngừa vết rách trong tương lai.

Khi bị tổn thương dây chằng độ II, việc sử dụng nẹp chịu lực hoặc một số băng hỗ trợ là phổ biến để điều trị sớm. Điều này giúp làm dịu cơn đau và tránh giãn dây chằng đang lành. Sau chấn thương độ II, người bệnh thường có thể trở lại hoạt động khi khớp đã ổn định và khi không còn bị đau nữa. Vật lý trị liệu giúp đẩy nhanh quá trình chữa bệnh thông qua các phương thức điện, xoa bóp, tăng cường sức mạnh và các bài tập khớp. Điều này giúp ngăn ngừa vết rách trong tương lai và nhanh chóng trở lại trạng thái trước khi bị thương.

Khi tổn thương dây chằng độ III, người bệnh sẽ được chỉ định đeo nẹp đầu gối có bản lề để bảo vệ chấn thương khỏi áp lực của trọng lượng. Mục đích là để mau làm lành dây chằng và dần trở lại các hoạt động bình thường. Những chấn thương này hầu hết được điều trị thành công thông qua vật lý trị liệu và có thể không trở lại mức hoạt động đầy đủ trong 3 đến 4 tháng. Tuy nhiên, nếu dây chằng bị đứt rách phức tạp hay chấn thương đầu gối có kèm theo ảnh hưởng các cấu trúc khác, chỉ định mổ nối dây chằng đầu gối cần được xem xét.

dây chằng có tự liền
Với tổn thương dây chằng độ II và rách một phần thì khả năng dây chằng có tự liền hay không là điều khó khăn

4. Các phương pháp giúp thúc đẩy quá trình liền dây chằng

Một số phương pháp sau đây có thể giúp thúc đẩy quá trình liền dây chằng hiệu quả:

  • Thúc đẩy lưu lượng máu: Bằng các bài tập cardio nhẹ nhàng trong một khoảng thời gian tối thiểu đều đặn hàng ngày.
  • Liệu pháp nhiệt: Làm tăng lưu lượng máu đến khu vực được làm nóng, có thể đẩy nhanh quá trình chữa lành và thư giãn căng cơ. Nhiệt có thể làm tăng tình trạng viêm nếu được áp dụng sớm sau khi bị thương, do đó nên chờ 24 giờ trước khi chườm nóng cho dây chằng bị thương.
  • Nhiều bác sĩ y học thể thao và chuyên gia vật lý trị liệu sẽ đề nghị chườm đá để giảm sưng và giảm đau - thường xuyên hơn là chườm nóng. Tuy nhiên, lưu lượng máu được tạo ra bởi nhiệt là rất quan trọng để phục hồi nhanh chóng.
  • Bài tập phục hồi: Các bài tập chuyển động dành riêng cho chấn thương dây chằng có thể hỗ trợ quá trình liền dây chằng. Đó là các bài tập nhẹ nhàng như đi xe đạp, đi dạo hay bơi lội.
  • Vật lý trị liệu: Được sử dụng để cải thiện sức mạnh và phạm vi chuyển động của các khớp nơi rách dây chằng. Các chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn các động tác kéo giãn và bài tập giúp dây chằng lành nhanh hơn mà không để quá sức. Hơn nữa, vật lý trị liệu cũng làm giảm nguy cơ tái chấn thương vì nó vừa tăng cường sức mạnh cho khớp, vừa giúp người bệnh nhận thức được mức độ khả năng thể chất của mình.
  • Chế độ ăn uống: Uống nhiều nước để giúp dây chằng nhanh lành hơn. Đồng thời, tăng cường các loại thực phẩm giúp phục hồi dây chằng như thịt nạc, trứng, các loại ngũ cốc, sữa hay sữa chua, rau lá xanh...
  • Liệu pháp Laser: Có thể giảm đau, giảm viêm và sưng, đồng thời tăng tốc độ chữa lành vết thương mô mềm.
  • Xoa bóp: Có thể thúc đẩy lưu lượng máu đến khớp bị thương bằng cách nhẹ nhàng kích thích các mạch máu và mô mềm. Điều này có thể đẩy nhanh quá trình sửa chữa mô tự nhiên và quá trình chữa bệnh tổng thể của cơ thể.

Tóm lại, dây chằng có tự liền khi mức độ tổn thương nhẹ và được xử trí tại chỗ đúng cách cũng như điều trị bảo tồn phù hợp sau đó. Ngược lại, quá trình liền dây chằng sẽ khó xảy ra hay không hiệu quả nếu tổn thương nặng nề. Vì vậy, khi có chấn thương vùng đầu gối, người bệnh cần thăm khám sớm để được bác sĩ xem xét mổ nối dây chằng đầu gối khi quá trình liền dây chằng chéo trước hay sau chấn thương dây chằng chéo sau không khả dĩ, nhằm sớm phục hồi chức năng khớp gối.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan