Phục hồi chức năng cứng khớp gối sau mổ

Thay khớp gối là một phương pháp điều trị hiện đại được chỉ định cho những bệnh nhân mắc các bệnh lý khớp gối như thoái hóa khớp gối, viêm khớp gối, chấn thương khớp gối... làm biến dạng khớp và ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt, hoặc áp dụng cho những bệnh nhân không đáp ứng với điều trị bằng thuốc. Ngày nay phẫu thuật thay khớp gối ngày càng phổ biến, do đó việc tập phục hồi chức năng khớp gối sau mổ là vấn đề được rất nhiều người bệnh quan tâm.

1. Cải thiện thể chất cho người bệnh trước phẫu thuật

Việc cải thiện thể chất người bệnh trước phẫu thuật rất quan trọng vì nó giúp đảm bảo quy trình phẫu thuật và quá trình phục hồi thành công hơn, hạn chế bị cứng khớp gối sau phẫu thuật. Do đó bác sĩ phẫu thuật thường đưa ra lời khuyên cho người bệnh như sau:

  • Ngưng hút thuốc, ngưng uống rượu bia;
  • Tiếp tục các hoạt động thể lực vừa sức để duy trì sức bền của hệ tim mạch;
  • Nếu có điều kiện hãy tập luyện với chuyên gia vật lý trị liệu nhằm cải thiện tình trạng sức mạnh của cơ, tăng độ dẻo dai, giảm đau và giúp cho bệnh nhân biết cách sử dụng các dụng cụ trợ giúp một cách thành thạo;
  • Giảm cân nếu bệnh nhân thừa cân.

2. Nguyên tắc tập phục hồi chức năng khớp gối sau mổ

Phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp gối là một phần đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp quá trình phẫu thuật thay khớp gối thành công. Ngay sau khi phẫu thuật, các chuyên viên vật lý trị liệu sẽ thực hiện một chương trình tập giúp bệnh nhân kiểm soát cơn đau hiệu quả, giúp phục hồi độ dẻo dai của khớp gối, kích hoạt lại cơ chân, phục hồi dáng đi và khả năng thực hiện các công việc hàng ngày, giúp bệnh nhân trở lại với cuộc sống bình thường một cách nhanh nhất có thể theo nguyên tắc:

  • Tăng cường tầm vận động của khớp;
  • Tập đứng, tập đi bộ với dụng cụ trợ giúp đi;
  • Tăng sức mạnh dẻo dai của cơ;
  • Phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp gối cần thực hiện sớm.

Sau quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ trực tiếp trao đổi với người bệnh, từ đó tiến hành chương trình phục hồi chức năng cứng khớp gối sau phẫu thuật hàng ngày với sự giúp đỡ của chuyên viên vật lý trị liệu ngay tại bệnh viện. Một trong những bước đầu tiên của chương trình tập phục hồi chức năng khớp gối sau mổ có thể bắt đầu ngay ngày phẫu thuật và thường bao gồm:

  • Tạo tư thế bệnh nhân đảm bảo an toàn và thoải mái nhất;
  • Kiểm soát tình trạng đau và sưng viêm của khớp gối;
  • Tăng cường vận động khớp và tăng sức mạnh cơ bắp;
  • Khuyến khích bệnh nhân thay đổi tư thế với sự trợ giúp hoặc tự thực hiện;
  • Tập đứng dậy và bắt đầu di chuyển với dụng cụ trợ giúp chuyên dụng;
  • Chuyên viên vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn người bệnh đi lại, lên hoặc xuống cầu thang với sự trợ giúp của dụng cụ để chuẩn bị cho người bệnh về nhà.

Dựa vào đặc điểm thể chất của từng người bệnh, chuyên viên vật lý trị liệu sẽ cung cấp các dụng cụ trợ giúp đi an toàn và phù hợp nhất, có thể bao gồm cặp nạng hoặc khung tập với mục đích chính là hỗ trợ khả năng tự đi lại của họ. Sau đó, bệnh nhân cần sử dụng những dụng cụ trợ giúp này trong một thời gian và dần trở lại với việc di chuyển bình thường.

Xem ngay: Các giai đoạn phục hồi chức năng sau phẫu thuật rách sụn chêm khớp gối

bị cứng khớp gối sau phẫu thuật
Tập vật lý trị liệu giúp cải thiện bị cứng khớp gối sau phẫu thuật

3. Phục hồi chức năng cứng khớp gối sau phẫu thuật để làm gì?

3.1. Hạn chế đau và giảm viêm khớp

Yêu cầu giảm đau và hạn chế giảm sưng nề, viêm khớp là vấn đề cần đặt ra đầu tiên sau phẫu thuật. Hiện nay có rất nhiều báo cáo đề cập đến vấn đề đau, sưng nề ở vùng gân cơ tứ đầu đùi và xung quanh khớp gối, tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động co duỗi cơ, khả năng đi lại của người bệnh và là nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh nhân bị cứng khớp gối sau phẫu thuật.

Hiện tượng đau và sưng nề vùng gối sẽ thuyên giảm từ từ nếu bệnh nhân được hướng dẫn vận động sớm và nhẹ nhàng. Bên cạnh đó, một số biện pháp phục hồi chức năng cứng khớp gối khác bao gồm sử dụng băng ép, chườm lạnh, kê cao chân, vận động khớp cổ chân mang lại hiệu quả trong việc giảm sưng đau khớp.

Trong đó, chườm lạnh là phương pháp được cho là hiệu quả nhất, cụ thể người bệnh nên chườm lạnh từ 4–6 lần/ngày, mỗi lần khoảng 20 phút. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia từng nêu quan điểm chườm lạnh càng nhiều càng tốt nhưng cần lưu ý thời gian không để quá lâu vì có thể bị bỏng lạnh.

3.2. Phục hồi khả năng duỗi gối

Áp dụng các bài tập để lấy lại chức năng duỗi gối là việc làm tối quan trọng, nên thực hiện càng sớm càng tốt. Trong đó, tình trạng hạn chế vận động duỗi gối là biến chứng thường gặp nhất sau mổ tái tạo dây chằng chéo trước.

Tuy nhiên, quá trình sửa chữa hạn chế vận động duỗi gối diễn ra khó khăn hơn nhiều so với việc sửa chữa vận động gấp gối, bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Quá trình bất động khớp quá lâu hoặc tiến hành tập luyện muộn sau mổ là yếu tố thuận lợi để tổ chức sẹo xấu, sẹo xơ phát triển trong khớp và ảnh hưởng đến khả năng duỗi gối;
  • Việc thực hiện các bài tập phục hồi chức năng khớp gối sau mổ yêu cầu nhẹ nhàng, tập luyện từ từ và tăng dần. Điều này mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với việc tập luyện mạnh mẽ nhằm cải thiện ngay tình trạng duỗi và gấp gối;
  • Hạn chế vận động duỗi gối sau phẫu thuật được coi là nguyên nhân làm tăng quá trình viêm khớp hậu phẫu;
  • Nhiều phẫu thuật viên nhận xét: “Hạnh phúc sau mổ nội soi là bệnh nhân không bị hạn chế duỗi”.

Một bài tập phục hồi chức năng đơn giản mà người bệnh có thể áp dụng là:

  • Người bệnh ngồi ở mép giường, buông thõng chân hoặc kê 1 chân lên giường cao khoảng 10-15 cm so với mặt phẳng nằm ngang;
  • Dùng hai lòng bàn tay tự mát xa tại vùng mổ và xương bánh chè;
  • Riêng đối với những vận động viên chuyên nghiệp, việc duỗi hết tầm vận động khớp gối sau mổ trong tuần đầu tiên là việc bắt buộc phải làm.

3.3. Cải thiện chức năng gấp gối

Chuyên viên vật lý trị liệu cần động viên người bệnh thực hiện động tác gấp gối thường xuyên, liên tục để không bị hạn chế tầm vận động của khớp. Đây là một yêu cầu rất thiết yếu trong quá trình tập phục hồi chức năng khớp gối sau mổ.

Hạn chế gấp và duỗi gối là 2 biến chứng thường gặp trong phẫu thuật nội soi khớp gối. Khi đó, áp dụng cách luyện tập Squat hoặc mini Squat mang lại hiệu quả cao đối với người bệnh, hạn chế ảnh hưởng lâu dài đến chức năng khớp gối.

Các bài tập vận động gấp gối sau phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước có những yêu cầu riêng. Các chuyên gia thường yêu cầu người bệnh trong tuần đầu tiên phải thực hiện gấp gối được 90 độ, sau đó mức độ gối gấp phải được phục hồi hoàn toàn trong 4-6 tuần sau phẫu thuật.

bị cứng khớp gối sau phẫu thuật
Tập phục hồi chức năng khớp gối sau mổ

3.4. Vận động xương bánh chè

Hạn chế vận động xương bánh chè sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động của khớp gối. Trong các động tác thường ngày, vận động gấp gối cần có sự tham gia đắc lực của xương bánh chè. Xương bánh chè chuyển động khó khăn là yếu tố chính góp phần làm cho hạn chế vận động của khớp gối. Do đó, yêu cầu về việc xoa bóp phần mềm, vận động xương bánh chè sớm sau mổ cần phải được quan tâm lưu ý và cần thực hiện ngay sau phẫu thuật.

3.5. Phục hồi cơ lực gân cơ tứ đầu đùi

Tập phục hồi chức năng khớp gối sau mổ còn bao gồm các biện pháp lấy lại cơ lực của cơ tứ đầu đùi. Các biện pháp đó bao gồm:

  • Dùng điện xung kích thích làm vận động cơ tứ đầu đùi mang tác dụng giảm đau hiệu quả. Đồng thời còn giúp phục hồi khả năng chịu lực độc lập của chân phẫu thuật;
  • Thực hiện các bài tập cải thiện cơ lực theo chuyên viên vật lý trị liệu;
  • Điều trị giảm đau, hạn chế sưng nề sẽ giúp tăng cường khả năng chịu lực của gân cơ tứ đầu đùi.

4. Những bước giúp việc tập phục hồi chức năng cứng khớp gối nhanh hơn

Chuyên viên vật lý trị liệu sẽ có biện pháp để hướng dẫn người bệnh thực hiện từng bước trong quá trình tập phục hồi chức năng khớp gối sau mổ, mục đích chính vẫn là giúp bệnh nhân phục hồi nhanh nhất có thể. Bên cạnh đó, người bệnh có thể thực hiện những yêu cầu sau để hỗ trợ quá trình phục hồi nhanh hơn:

  • Tuân thủ hướng dẫn tập luyện của chuyên viên vật lý trị liệu, tuy nhiên cần đảm bảo phù hợp với khả năng bản thân, tránh việc tập quá sức;
  • Kiểm soát tình trạng đau trước và sau khi tập bằng phương pháp chườm lạnh. Lưu ý thời gian mỗi lần chườm không quá 20 phút, từ 4 đến 6 lần mỗi ngày;
  • Kiểm soát sưng nề bằng cách kê cao chân;
  • Thay đổi tư thế khớp gối thường xuyên, bệnh nhân cần luân phiên thực hiện các động tác gập gối tối đa và duỗi gối hoàn toàn;
  • Đi lại theo đề nghị của chuyên viên vật lý trị liệu để hạn chế tối đa bị cứng khớp gối sau phẫu thuật;
  • Mang vớ áp lực theo khuyến cáo của bác sĩ điều trị.

Phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp gối là một phần đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp quá trình phẫu thuật thay khớp gối thành công. Vì thế, người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, kỹ thuật viên phục hồi chức năng để quá trình hồi phục diễn ra nhanh nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan