Một số người bị đau cột sống lưng trên do hoạt động nặng có thể tự lành sau khi nghỉ ngơi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các cơn đau tức và nhức mỏi ở vùng lưng trên là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng. Người bệnh có thể nhận biết nguyên nhân và mức độ nguy hiểm thông qua tính chất của cơn đau và các triệu chứng đi kèm.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BSNT Phan Bá Quỳnh - Bác sĩ ngoại chấn thương chỉnh hình, chuyên khoa Phẫu thuật cột sống - Phẫu thuật khớp và Y học thể thao thuộc Trung tâm chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
1. Đau lưng trên có đặc điểm như thế nào?
Lưng trên nằm giữa vùng cột sống dưới cổ và trên thắt lưng, bao gồm 12 đốt sống từ T1 đến T12. Khu vực này có phạm vi di chuyển hạn chế hơn so với đốt sống cổ và cột sống thắt lưng dẫn đến ít đau và chịu tổn thương hơn.
Do đó, nguyên nhân bị đau cột sống lưng trên có thể bắt nguồn từ các chấn thương nghiêm trọng hoặc tổn thương kéo dài vượt quá khả năng chịu đựng của các đốt sống. Đôi khi, các triệu chứng đau lưng cũng có thể là dấu hiệu của những bệnh lý nghiêm trọng khác. Vì vậy, người bệnh cần được khám và chẩn đoán kỹ lưỡng để xác định nguyên nhân:
Các triệu chứng đau ở vùng lưng trên thường có các đặc điểm như sau:
- Đau nhói ở lưng trên: Cảm giác đau nhói như bị dao đâm hoặc siết chặt, tập trung ở vùng lưng và không lan rộng ra các khu vực khác mà chỉ xuất hiện ở một vị trí nhất định.
- Đau nhức âm ỉ: Các cơn đau âm ỉ, khó chịu làm người bệnh cảm thấy đau đớn, khó chịu, đau không chỉ giới hạn ở một vị trí mà có thể lan ra các khu vực lân cận như cổ, thắt lưng và vai.
- Đau lan tỏa: Đau ở vùng lưng trên có khả năng lan theo dây thần kinh xuống các khu vực như lồng ngực, cột sống ngực, cánh tay hay thậm chí là dạ dày. Đau thường chỉ xuất hiện ở một bên cơ thể và có thể gia tăng theo thời gian.
- Cứng lưng: Cơn đau ở vùng lưng trên thắt lưng thường làm ảnh hưởng đến các hoạt động cơ bản như nâng và hạ cánh tay cũng như xoay người. Khi triệu chứng đau lưng trên của người bệnh càng nặng thì tình trạng co cứng cơ càng tăng và hoạt động của các dây chằng, khớp càng trở nên khó khăn hơn.
- Đau kèm cảm giác nóng ran, tê ngứa: Triệu chứng như tê ngứa, cảm giác nóng ran và đau có thể lan rộng từ vùng lưng phía trên theo dây thần kinh xuống cánh tay, ngực và phần thân dưới...
2. Nguyên nhân bị đau cột sống lưng trên
Đau lưng trên có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau. Khi người bệnh hoạt động với tư thế không đúng hoặc làm công việc nặng, có thể sẽ xuất hiện các cơn đau cấp tính và thường tự giảm đi khi người bệnh nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, khi những cơn đau lưng trở nên dữ dội và kéo dài, tình trạng này có khả năng gây ra một số bệnh lý nguy hiểm sau đây:
2.1. Thoái hóa cột sống lưng gây đau lưng trên
Các bệnh thường xảy ra ở người cao tuổi do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể, nhưng ngày nay bệnh đang có xu hướng dần trẻ hóa.
Thoái hóa cột sống gây ra những cơn đau lưng trên, làm cho việc di chuyển trở nên khó khăn và có khả năng dẫn đến những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
2.2. Thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy bên trong các bao xơ trượt ra ngoài, gây áp lực lên các rễ thần kinh và dẫn đến các cơn đau lưng cùng cảm giác khó chịu.
Bệnh thường xảy ra đột ngột do các hoạt động nặng như nâng vật nặng, chấn thương, hoặc xoay lưng mạnh. Những hành động này có thể gây áp lực lớn lên cột sống, dẫn đến rách và mòn các đĩa đệm, cũng như trượt khỏi vị trí ban đầu.
2.3. Viêm cột sống
Bệnh lý này phát sinh do nguyên nhân tự miễn, khi hệ miễn dịch của cơ thể bắt đầu tấn công các tế bào và mô khỏe mạnh. Tình trạng viêm cột sống tác động lên sụn và các xương dưới sụn, gây ra những cơn đau lưng, cột sống hạn chế sự di chuyển và các hoạt động nặng.
Trường hợp bệnh lý tiến triển nghiêm trọng hơn khiến cho lớp sụn bị phá hủy, các gai xương hình thành và đâm vào các dây thần kinh, gây ra những cơn đau dữ dội. Đau thường xuất hiện ở vùng thắt lưng và lan xuống mông, chân và bắp chân làm giảm khả năng di chuyển của người bệnh.
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh lý này có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng, làm biến dạng cột sống và rất khó để hồi phục như ban đầu.
2.4. Đau cơ xơ hóa
Đau cơ xơ hóa thường xảy ra ở những người cao tuổi, đi kèm với các dấu hiệu như mệt mỏi, đau lưng, rối loạn nhận thức, căng thẳng và lo lắng. Cơn đau thường lan rộng khắp cơ thể.
Ngoài ra, nếu người bệnh gặp đau lưng ở vùng thắt lưng cùng với cảm giác tức ngực và khó thở, đây có thể là biểu hiện của những bệnh lý nghiêm trọng như bệnh tim, bệnh phổi, hoặc tắc nghẽn các mạch máu ở phổi…
3. Biến chứng đau cột sống lưng trên
Trong trường hợp không được điều trị kịp thời và đúng cách, đau cột sống lưng trên có thể dẫn đến chèn ép tủy sống và xuất hiện nhiều triệu chứng như yếu liệt tay chân, mất cảm giác, tiểu và đại tiện không kiểm soát. Trường hợp xấu nhất có thể dẫn đến tàn phế vĩnh viễn.
Bên cạnh đó, đau lưng cấp tính có thể chuyển sang đau mạn tính với cường độ đau tăng dần và xuất hiện liên tục trong thời gian dài, gây nhiều khó khăn trong cuộc sống. Đau kéo dài có thể dẫn đến tình trạng liệt, teo cơ do thiếu hoạt động trong thời gian dài.
Một số trường hợp có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng khiến cho chi phí điều trị tăng cao và dù có điều trị thì tỷ lệ tàn tật cũng đáng lo ngại.
4. Chẩn đoán đau lưng trên
Mỗi người bệnh có triệu chứng và mức độ đau lưng khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Vì vậy, nếu bị đau cột sống lưng trên nghiêm trọng và kéo dài, người bệnh nên đến bệnh viện để được khám và chẩn đoán nguyên nhân. Thông thường, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán sau:
4.1. Chụp X – quang
Công nghệ này cho phép các bác sĩ đánh giá các vấn đề liên quan đến xương khớp, mức độ tổn thương của vùng lưng trên, bởi tình trạng này có thể xảy ra do thoái hóa cột sống, viêm khớp, loãng xương và gãy xương. Tuy nhiên, nguyên nhân do tổn thương mô mềm không thể được xác định bằng phương pháp này.
4.2. Chụp cộng hưởng từ MRI
Phương pháp này giúp các bác sĩ đánh giá tình trạng của đĩa đệm, dây chằng, tủy sống và các cơ quan xung quanh cột sống nhưng do chi phí của việc thực hiện MRI khá cao nên kỹ thuật này thường được sử dụng khi chụp X-quang không mang lại kết quả chẩn đoán chính xác.
4.3. Kiểm tra mật độ xương
Tình trạng bị đau cột sống lưng trên có thể do loãng xương, do đó việc kiểm tra mật độ xương sẽ giúp bác sĩ loại bỏ khả năng này.
Nếu bác sĩ nghi ngờ về các vấn đề liên quan đến tim, phổi…bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh.
5. Điều trị đau tức lưng trên
Để điều trị đau nhức ở lưng phần trên do nguyên nhân bệnh lý, người bệnh cần được thăm khám, chẩn đoán và điều trị y khoa thay vì chỉ dựa vào việc nghỉ ngơi hay tự chăm sóc tại nhà. Dưới đây là một số phương pháp điều trị đau ở lưng phần trên:
5.1. Phương pháp điều trị bằng vật lý trị liệu
Các bài tập vật lý trị liệu giúp cải thiện độ dẻo dai và linh hoạt của xương và cơ bắp vùng lưng trên giúp giảm đau tức và nhức mỏi lưng. Tuy nhiên, kể cả khi các triệu chứng bệnh đã được giảm nhẹ, người bệnh vẫn cần kiên trì tập luyện thường xuyên.
5.2. Điều trị bằng thuốc giảm đau
Nếu cơn đau nghiêm trọng và kéo dài gây ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân bị đau cột sống lưng trên, bác sĩ có thể xem xét việc kê đơn thuốc giảm đau.
Nhóm thuốc giảm đau không steroid (NSAID) thường được bác sĩ kê đơn để giảm đau co cứng và giảm truyền tín hiệu đau đến não.
Tuy nhiên, các loại thuốc giảm đau thường gây ra các tác dụng phụ liên quan đến tiêu hóa khi sử dụng lâu dài. Do đó, các loại thuốc này chỉ nên được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ trong thời gian ngắn.
5.3. Phẫu thuật điều trị đau tức lưng trên
Phẫu thuật hiện thường không được ưu tiên trong việc điều trị đau lưng trên. Phẫu thuật được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Biến dạng xương nghiêm trọng.
- Không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.
- Nguyên nhân gây đau lưng trên là do xẹp đốt sống và loãng xương.
Cách điều trị bằng phẫu thuật phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý, bao gồm:
- Phẫu thuật nâng xương sống: Phương pháp này được áp dụng khi xương sống của người bệnh bị tiêu giảm do chấn thương hoặc loãng xương, gây ra những cơn đau nghiêm trọng và biến dạng cột sống. Trong phương pháp này, bác sĩ sẽ tiêm xi măng sinh học vào vùng cột sống bị thiếu hụt của bệnh nhân, nhằm ổn định phần lưng trên và nâng xương sống.
- Giải nén cột sống: Phương pháp điều trị mang lại hiệu quả đối với những người mắc bệnh đau lưng do sự phát triển quá mức của xương hoặc thoát vị đĩa đệm. Phương pháp giảm áp lực lên tủy sống và dây thần kinh không chỉ giúp phục hồi vị trí tổn thương mà còn ngăn ngừa các biến chứng liệt cơ cột sống.
6. Phòng ngừa đau cột sống lưng trên
Các biện pháp sau đây có thể giúp người bệnh ngăn ngừa bị đau cột sống lưng trên:
- Thường xuyên tập thể dục để duy trì sức khỏe cho cơ bắp và xương khớp.
- Không nên ngồi một chỗ trong thời gian dài.
- Duy trì những tư thế giúp giảm áp lực lên cột sống lưng.
- Tuân thủ và duy trì thực hiện phác đồ điều trị bệnh mãn tính được chỉ định bởi bác sĩ.
Tóm gọn lại, nguyên nhân bị đau cột sống lưng trên thường do các chấn thương nghiêm trọng hoặc tổn thương kéo dài vượt quá sức chịu đựng của các đốt sống. Ngoài ra, đau lưng trên có thể là dấu hiệu của những bệnh lý nghiêm trọng. Do đó, người bệnh cần được chẩn đoán chính xác nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nếu cảm thấy đau mỏi lưng kéo dài và không cải thiện, người bệnh nên đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.