Đai lưng cột sống là một trong những vật dụng trị liệu góp phần quan trọng trong hỗ trợ và điều trị các bệnh lý về cột sống. Tuy nhiên, cần phải hiểu đúng về tác dụng của đai lưng cột sống để có thể áp dụng đúng cách và đúng loại bệnh.
1. Đai lưng cột sống là gì?
Đai lưng cột sống là một loại thiết bị được sử dụng trong y học, thường được làm từ các nguyên liệu đa dạng như vải, gỗ, kim loại,... với mục đích chính là cố định cột sống của người bệnh trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
Đai lưng cột sống là một loại dụng cụ được sử dụng để hỗ trợ điều trị, phục hồi cột sống do các bệnh lý gây ra như thoái hóa cột sống, đau lưng, cong vẹo cột sống,... đặc biệt là bệnh thoát vị đĩa đệm.
Với các thiết kế ngày càng thông minh, hiện đại, hướng đến sự thoải mái và tính thẩm mỹ cho người dùng mà vẫn giữ được các nguyên lý hoạt động ban đầu, các đai lưng cột sống ngày càng trở nên phổ biến và cải thiện được tốt các triệu chứng của bệnh, giúp người bệnh phục hồi nhanh chóng.
2. Nguyên lý hoạt động của đai lưng cột sống
Tư thế lưng có vai trò quan trọng trong việc điều trị và giúp phục hồi các tổn thương của cột sống. Nguyên lý hoạt động của đai lưng cột sống cũng vậy. Nhờ vào các túi khí ở bên trong, các loại đai lưng sẽ hoạt động giống như các bó cơ, giúp cố định và định hình cột sống theo trục thẳng và duy trì đường cong sinh lý tự nhiên của cơ thể. Thậm chí, có một số loại đai lưng hiện đại còn được thiết kế để có thể nới rộng khoảng cách giữa các đốt sống, từ đó giúp cho vùng đĩa đệm và xương khớp giảm bớt được áp lực, giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục cho cơ thể.
3. Các loại đai lưng cột sống
Dựa vào chức năng sử dụng của từng loại mà người ta chia ra thành 3 loại như sau:
Đai lưng cột sống cố định: là loại đai lưng được sử dụng để cố định và giúp ngăn cản sự dịch chuyển của cột sống, giúp giảm đau khi cơ thể vận động và có khả năng bảo vệ cột sống khỏi các loại chấn thương. Loại đai lưng này thường được làm bằng chất liệu vải để mang đến sự thoải mái cho người dùng.
Đai lưng định hình cột sống: là loại đai lưng được thiết kế để lấy lại được đường cong chữ S sinh lý dành riêng cho những người bị biến dạng cột sống do hoạt động sai tư thế, do tai nạn hoặc do các biến chứng của bệnh thoát bị đĩa đệm gây ra. Loại đai lưng này thường được chỉ định sử dụng cho người bị cong vẹo cột sống do bẩm sinh hoặc do thứ phát.
Đai kéo giãn cột sống: khi các đốt sống bị thay đổi, khiến cho khoảng cách giữa chúng tiến lại gần nhau hơn sẽ gây chèn ép vào các dây thần kinh, tạo ra hiện tượng đau cột sống. Đai kéo giãn lúc này được sử dụng với mục đích để kéo dãn, gia tăng khoảng cách giữa các đốt sống với nhau, thường được chỉ định sử dụng cho những người bị thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, trật đốt sống lưng, phụ nữ sau sinh, người mới phẫu thuật cột sống, đau lưng do béo phì.
Hiện nay, loại đai kéo giãn cột sống thường được sử dụng nhiều nhất vì cơ chế của loại này có thể giải quyết trực tiếp được tình trạng đau do các dây thần kinh đốt sống bị chèn ép thông qua việc kéo giãn khoảng cách của các đốt sống lưng.
4. Tác dụng của đai lưng cột sống
Cần hiểu đúng tác dụng của đai lưng cột sống để có thể sử dụng đúng cách, đúng đối tượng. Cụ thể:
Cải thiện tình trạng bị thoát vị đĩa đệm: thoát vị đĩa đệm khiến các đốt sống lưng bị mất lớp đệm nâng đỡ. Khi đó, các đốt sống sẽ bị xích lại gần nhau, gây ra tình trạng đau do dây thần kinh ở giữa các đốt sống bị chèn ép. Lúc này, đai lưng cột sống có khả năng cố định được cột sống và kéo giãn các đốt sống, giúp giải phóng các dây thần kinh bị chèn ép. Qua đó làm giảm đau, chống viêm sưng, tăng cường nuôi dưỡng cục bộ và phục hồi các tổn thương của đĩa đệm.
Giúp giảm đau: vì đai lưng thường được làm bằng các loại chất liệu vải mềm mại, đồng thời bó sát cơ thể nên có thể làm tăng khả năng giãn cơ và mát xa cột sống. Điều này giúp cho người bệnh giảm đau và mang lại cảm giác dễ chịu cho người dùng.
Giúp phục hồi các khớp và đĩa đệm: khi cố định được cột sống sẽ giúp năng chỉnh được chúng và làm giảm đáng kể sự sai lệch, lấy lại được đường cong sinh lý của cơ thể. Ngoài ra, khi đeo đúng và đều đặn đai lưng cũng sẽ giúp cho các khớp trở lên linh hoạt hơn và giúp cho các đĩa đệm có thể tự quay trở lại vị trí ban đầu.
Giúp cố định cột sống cân bằng hơn: vì các loại đai lưng cột sống đều được thiết kế theo đường cong sinh lý tự nhiên của cơ thể nên khi đeo sẽ giúp cho người bệnh cảm thấy thoải mái mà vẫn giữ được cột sống thẳng, hạn chế được tình trạng cong vẹo cột sống hoặc gù lưng.
5. Ai và khi nào nên dùng đai lưng cột sống
Đai lưng cột sống nên được sử dụng cho những đối tượng sau:
- Người bị thoái hóa cột sống, viêm cột sống, chấn thương cột sống vùng thắt lưng
- Người bị đau dây thần kinh tọa
- Người đang trong quá trình phục hồi chức năng, sau khi phẫu thuật cột sống.
Người dùng cần phải đeo đai lưng cột sống khi:
- Các cơn đau cột sống cấp tính kéo đến
- Người bị đau cột sống hoặc có tiền sử đau cột sống khi phải di chuyển một đoạn đường dài bằng ô tô xe máy
- Người sau khi phẫu thuật cột sống, bị thoát vị đĩa đệm.
6. Cách sử dụng đai lưng cột sống
Cách đeo:
- Bước 1: xác định chính xác mặt trước và mặt sau của đai
- Bước 2: lật mặt sau của đai và tiến hành tháo bỏ phần dây thun hỗ trợ
- Bước 3: kéo căng đai rồi đưa vào vùng eo, sau đó căn chỉnh lại đai sao cho thoải mái nhất với cơ thể.
- Bước 4: kéo phần dây thun hỗ trợ ở phía sau về phía trước để cố định được đai đeo
Cách vệ sinh:
- Người dùng nên giặt sạch bằng nước lạnh cùng với xà phòng, sau đó làm khô ở nhiệt độ thường.
- Khuyến cáo không nên giặt bằng máy và sấy khô.
Hy vọng với những thông tin chia sẻ trên sẽ giúp cho người đọc hiểu đúng về tác dụng của đai lưng cột sống, từ đó có thể sử dụng cho đúng người, đúng bệnh, giúp cải thiện được tình trạng bệnh liên quan đến cột sống, sớm đưa sức khỏe trở lại trạng thái bình thường.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.