Bài viết của BS CKII Vũ Tú Nam - Trưởng khoa Phẫu thuật Nội soi khớp & Y học thể thao - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Hiện nay, phẫu thuật nội soi khớp gối tái tạo dây chằng chéo khá phổ biến và được áp dụng thường quy tại nhiều bệnh viện. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, sau khi mổ tái tạo dây chằng chéo có thể không phục hồi được như mong muốn, thậm chí có một số trường hợp còn kém hơn trước. Nhiều người bệnh phải trải nghiệm những cảm giác đau đớn, khó chịu trong quá trình điều trị hậu phẫu cũng như phục hồi chức năng sau mổ, đôi khi trở thành nỗi ám ảnh dai dẳng.
Thấu hiểu được những lo lắng và mong muốn của người bệnh cũng như mong muốn mang đến những phương pháp điều trị tốt nhất cho khách hàng, đội ngũ chuyên gia của Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao Vinmec miền Bắc đã hoàn thiện các quy trình điều trị phẫu thuật nội soi khớp gối tái tạo dây chằng chéo cho người bệnh đứt dây chằng chéo trước khớp gối, có thể tổng kết trong bí kíp “8K” độc quyền tại Vinmec.
Bí kíp 8K gồm “3 có, 5 không”, là sự kết hợp giữa khoa học công nghệ và sự tuân thủ các nguyên tắc trong đánh giá và tôn trọng các đặc điểm tự nhiên của cơ thể giúp ca phẫu thuật nội soi khớp gối tái tạo dây chằng chéo được thực hiện chính xác, hạn chế tối đa tổn thương các vùng lân cận, tăng khả năng phục hồi cho người bệnh.
Với sự thay đổi một cách toàn diện, người bệnh đứt dây chằng chéo trước đơn thuần nếu áp dụng được theo đúng phác đồ có thể đi lại bình thường sau phẫu thuật nội soi khớp gối tái tạo dây chằng chéo 2 tuần thay vì từ 4 – 6 tuần như trước.
1. Bí kíp “3 có” trong tái tạo dây chằng chéo trước
1.1 Kiểm tra kỹ lưỡng, không bỏ sót tổn thương
Việc bỏ sót tổn thương khiến cho các ca mổ tái tạo dây chằng chéo có nguy cơ thất bại cao hơn nhiều lần, thậm chí có những tổn thương khi bị bỏ sót thì gần như sẽ gây ra thất bại cho ca mổ. Dây chằng chéo trước có thể chịu lực lên đến hơn 2000 Niu-tơn (hơn 200 cân), nên với các chấn thương gây ra đứt dây chằng chéo trước thì hoàn toàn có thể gây ra các tổn thương khác của khớp gối. Hơn nữa, cơ chế tổn thương dây chằng chéo trước thường là cơ chế phối hợp do nhiều lực tác động (như lực vặn gối, lực co của các cơ đùi, trọng lực của cơ thể dồn vào gối, động lượng của cơ thể, ...) nên đa phần các chấn thương đứt dây chằng chéo trước thường kèm theo các tổn thương phối hợp khác, bao gồm: tổn thương sụn chêm, tổn thương sụn khớp và tổn thương các dây chằng khác quanh gối.
Các bác sĩ cần thăm khám, kiểm tra người bệnh một cách kỹ lưỡng để đánh giá tình trạng tổng thể của khớp gối và của người bệnh, qua đó hình dung và nhận định được đầy đủ tổn thương để có những phương án và chuẩn bị cẩn thận trước mỗi ca mổ. Việc nhận định trước các tổn thương giúp bác sĩ có kế hoạch để sửa chữa và xử lý các tổn thương đó một cách tốt nhất.
1.2 Kiểm soát chính xác vị trí khoan đường hầm bằng công nghệ 3D và Robot
Ứng dụng thành công công nghệ 3D và Robot trong phẫu thuật nội soi khớp gối tái tạo dây chằng chéo, các bác sĩ có thể xác định các vị trí khoan đường hầm tối ưu cho việc đặt mảnh ghép dây chằng và đặt chính xác mảnh ghép vào vị trí mong muốn.
(Xem thêm: Phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối chính xác nhờ công nghệ 3D và Robot)
1.3 Kế hoạch hóa phẫu thuật bằng phương pháp “ánh xạ giải phẫu”
Một người bình thường, hai tay, hai chân gần như là đối xứng qua đường giữa cơ thể. Do đó, nếu không có bất thường hay biến dạng chi thì các thông số giải phẫu ở hai bên gối là giống nhau. Mỗi cá nhân có cấu trúc cơ thể và các thông số khác nhau nên phẫu thuật nội soi khớp gối tái tạo dây chằng chéo và điều trị theo hướng cá thể hóa luôn được ưu tiên tại Vinmec và cũng là xu hướng của Y học thế giới.
Tại Vinmec, mỗi người bệnh sẽ được tính toán đầy đủ các thông số của dây chằng chéo trước ở chân bên lành và bằng công nghệ 3D, các bác sĩ sẽ tạo ra một “bản sao soi gương” của gối lành để biến nó thành bản kế hoạch phẫu thuật chi tiết và đầy đủ các thông số cho khớp gối bên tổn thương. Phương pháp này được gọi là “ánh xạ giải phẫu”.
2. Bí kíp “5 không” trong tái tạo dây chằng chéo trước
2.1 Không garo, không ảnh hưởng tưới máu mô
Trong quá trình phẫu thuật ở chi thể (tay, chân) đa phần các phẫu thuật viên sẽ sử dụng garo để chặn gần như hoàn toàn dòng máu xuống vị trí phẫu thuật để giúp vùng mổ không bị chảy máu, dễ quan sát và thao tác dễ dàng hơn. Garo được thực hiện bằng một bằng hơi bơm áp lực cao hơn áp lực dòng máu tới các chi hoặc sử dụng băng cao su băng thít chặt để chặn dòng máu đi ra phần ngoại vi của chi thể. Phẫu thuật nội soi khớp gối nói chung và tái tạo dây chằng chéo trước nói riêng cũng thường sử dụng garo như vậy. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy sử dụng garo trong quá trình mổ có thể ảnh hưởng đến kết quả phục hồi của các cơ vùng đùi, cụ thể là sẽ có sự khác biệt so với chân lành trong thời gian theo dõi từ 3 đến 6 tháng sau mổ. Điều này gây ảnh hưởng đến quá trình phục hồi sau mổ của người bệnh.
Để dễ hình dung, chúng ta hãy tưởng tượng nếu dòng máu lên não đột ngột bị cắt đứt:
- Chỉ sau khoảng 8 – 10 giây, chúng ta sẽ bất tỉnh
- Nếu thiếu máu não trên 1 phút, các tế bào thần kinh sẽ bắt đầu chết.
- Thiếu máu não trên 3 phút, sẽ có những tổn thương không thể hồi phục dẫn đến tàn tật sau này.
- Nếu trên 15 phút, cơ hội sống gần như là 0%.
Các mô khác, khả năng chịu đựng thiếu máu tốt hơn não, tuy nhiên cũng chỉ có giới hạn nhất định. Sau khi garo 30 phút đã có những thay đổi đáng kể ở cấp độ tế bào ở các mô dưới chỗ garo. Và nếu garo quá 2 giờ, một số tế bào bắt đầu chết. Trong trường hợp thiếu máu hoàn toàn trên 3 giờ sẽ bắt đầu có những tổn thương không phục hồi phục và nếu thời gian thiếu máu hoàn toàn tại các mô là trên 6-8 giờ, khả năng sống của chi thể phía dưới chỗ thiếu máu gần như bằng 0%.
Ý thức được vấn đề này, các bác sĩ tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao Vinmec không sử dụng garo trong phẫu thuật nội soi gối nói chung và phẫu thuật tái tạo dây chằng khớp gối nói riêng một cách thường quy, trừ một số trường hợp đặc biệt. Trong cả quá trình phẫu thuật, toàn bộ chân mổ vẫn được nuôi dưỡng và cấp máu bình thường. Điều này giúp người bệnh phục hồi tốt nhất và nhanh nhất sau mổ. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này không phải là dễ dàng, đòi hỏi phải áp dụng nhiều biện pháp bổ trợ khác và cần có những thay đổi tinh tế trong quá trình phẫu thuật. Bởi vì, nếu để chảy máu trong khớp nhiều (do không garo) thì sẽ ảnh hưởng tới khả năng quan sát, nếu phẫu thuật viên không có kinh nghiệm có thể sẽ làm tổn thương thêm các cấu trúc trong khớp khi thao tác và lợi ích của việc không garo mang lại sẽ không đủ để bù đắp được những thương tổn do kém quan sát gây ra.
2.2 Không đau
Hầu hết người bệnh sau khi trải qua các phẫu thuật đều cảm thấy quan ngại về vấn đề đau sau mổ, thậm chí nhiều trường hợp bị ám ảnh trong thời gian dài. Tại hệ thống Vinmec, với sự hỗ trợ của đội ngũ bác sĩ Gây mê giảm đau giàu kinh nghiệm, được chỉ đạo chuyên môn bởi GS.TS. Philippe Macaire (chuyên gia gây mê giảm đau hàng đầu tại Pháp), những cơn đau cơ bản sẽ được kiểm soát cả trước, trong và sau phẫu thuật. Phương pháp giảm đau đa mô thức giúp người bệnh sau mổ thường đau không quá 3 điểm trên thang điểm 10 trong suốt quá trình điều trị. Người bệnh sẽ cảm thấy hoàn toàn dễ chịu và thoải mái, tự tin hơn trong vấn đề luyện tập, phục hồi chức năng sau mổ. Do đó, khả năng phục hồi sẽ tốt hơn và nhanh hơn.
2.3 Không tổn thương sụn khớp
Việc sử dụng dung dịch bơm vào khớp gần như là bắt buộc trong phẫu thuật nội soi khớp. Để có thể nội soi trong khớp, đa phần các phẫu thuật viên sử dụng dung dịch natriclorid 0.9% hay còn gọi là dung dịch nước muối sinh lý (vô khuẩn) để bơm vào gối với một áp lực nhất định (thường từ 40 – 70 mm thủy ngân, tương đương với 0.5 đến 1 mét nước).
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đánh giá ở cấp độ tế bào và phân tử cho thấy rằng: Khi tiếp xúc với dung dịch nước muối sinh lý từ trên 30 phút đã bắt đầu có những ảnh hưởng đến chuyển hóa của tế bào sụn và nếu tiếp xúc liên tục trên 60 phút bắt đầu có những tổn thương của tế bào sụn. Thời gian tiếp xúc càng lâu, càng ảnh hưởng đến sụn khớp.
Thêm vào đó, việc sử dụng garo trong phẫu thuật khớp sẽ khiến mô xương sụn bị thiếu máu tạm thời dẫn đến giảm khả năng chống đỡ với các tác nhân vật lý (đụng chạm của dụng cụ mổ, nhiệt sinh ra của đầu đốt, ...) cũng như hóa học (sự thay đổi nồng độ các phân tử, ion trong dung dịch nội soi, các chất gây ra trong quá trình phẫu thuật...).
Chính vì vậy, việc áp dụng đồng thời bơm nước muối và garo trong phẫu thuật nội soi khớp gối sẽ ảnh hưởng đến các tế bào sụn. Sự tác động này thường không gây ra hậu quả có thể dễ dàng thấy ngay được. Ví dụ: nếu tổn thương sụn nhiều thì khớp gối có thể sẽ thoái hóa sớm hơn, nhưng quá trình thoái hóa ấy có thể cũng phải mất từ vài năm đến 10 – 20 năm sau nên khó quan sát và cảm nhận được.
Ngoài ra, tình trạng tổn thương sụn có thể dẫn đến giảm chức năng của sụn gây nên tình trạng “khô khớp” do tăng ma sát giữa các bề mặt sụn và giảm chất lượng dịch khớp.
Để giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến các tế bào sụn khớp trong phẫu thuật, các bác sĩ trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao Vinmec sau khi nghiên cứu, đã tìm ra được loại dung dịch ít ảnh hưởng nhất đến các tế bào sụn khớp, kết hợp với phẫu thuật không garo giúp đảm bảo sức sống và sự khỏe mạnh của tế bào sụn.
2.4 Không sưng nề
Phẫu thuật chính xác, ít tổn thương các mô lành quanh khớp chính là chìa khóa giúp giảm sưng nề sau mổ. Thêm nữa, việc áp dụng toàn diện phương pháp “lạnh trị liệu” (cryotherapy) từ trước, trong và sau mổ cũng như không sử dụng garo trong mổ cũng đã được chứng minh là ít gây chảy máu sau mổ. Tổng hòa của việc áp dụng nhiều phương pháp khác nhau giúp không gây tràn dịch, tràn máu trong khớp, không ảnh hưởng đến quá trình sinh lý sản xuất và hấp thu dịch khớp. Do người bệnh sau mổ sẽ rất ít bị phù nề.
2.5 Không kháng sinh
Với mục tiêu an toàn người bệnh phẫu thuật và sử dụng kháng sinh hợp lý, các Phẫu tại Vinmec tuân thủ chặt chẽ theo phác đồ sử dụng kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật. Với mục tiêu an toàn người bệnh phẫu thuật và sử dụng kháng sinh hợp lý, phác đồ kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật dựa theo các nghiên cứu tiêu chuẩn quốc tế được quản lý bởi dược sĩ lâm sàng. Việc chỉ định luôn được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn cùng các trang thiết bị y tế hiện đại nhằm mang đến kết quả điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Thực tế, tất cả các phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo khớp gối đều chỉ cần sử dụng kháng sinh dự phòng (tức chỉ cần sử dụng từ 1-3 mũi tiêm kháng sinh trong ngày mổ) và không cần sử dụng kháng sinh sau mổ mà vẫn đảm bảo tỷ lệ nhiễm khuẩn sau mổ rất thấp, chỉ ngang với tỷ lệ nhiễm khuẩn ở các nước phát triển và các bệnh viện hàng đầu thế giới.
Cả 8 yếu tố kể trên đều có vai trò quan trọng đóng góp vào thành công và mang lại sự hoàn hảo của ca phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo tại Vinmec, giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi một cách tốt nhất. Với độ ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City có thế mạnh chuyên môn trong phẫu thuật, điều trị các bệnh lý:
- Phẫu thuật nội soi khớp điều trị các tổn thương dây chằng, sụn khớp
- Phẫu thuật nội soi tái tạo/sửa chữa các dây chằng khớp gối với các công nghệ tối tân
- Phục hồi chức năng chuyên sâu về Y học thể thao;
- Phân tích vận động để chẩn đoán, theo dõi và cải thiện thành tích cho các vận động viên; chẩn đoán và hỗ trợ phục hồi cho người bệnh.
- Điều trị các chấn thương thể thao
- Thay thế một phần hoặc toàn bộ đoạn xương và khớp nhân tạo;
- Thay khớp háng, gối, vai và khuỷu tay;
- Thay khớp vai đảo ngược, các khớp nhỏ bàn ngón tay đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam;
- Thay xương sên khớp cổ chân nhân tạo lần đầu tiên tại Việt nam
- Ung thư xương, u xương và mô mềm cơ quan vận động.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.